Phản bội - Lm Bùi Quang
Tuấn
Vào một đêm Chúa nhật không
trăng sao của mùa đông năm 2001, Bob Hanssen rời
khỏi căn nhà ấm áp của mình, tiến ra công viên
Foxstone thuộc tiểu bang Virginia, đi đến hộp
thư chết mang tên Ellis nằm dưới chân một cây
cầu gỗ không người qua lại. Tại đây,
Bob nhét vội chiếc túi nhựa với nhiều giấy
tờ xuống một chiếc hố nhỏ vừa
mới đào. Sau đó y lấp đất và
lá lên. Đoạn ra về.
Vừa rời khỏi hàng cây ngoài cùng
của công viên, thình lình tám, chín bóng đen xuất hiện,
với súng lục lăm lăm trên tay.
Họ ập đến chụp lấy Bob, đè xuống
và còng tay lại. Đang khi đó mấy
bóng đen khác tiến vào màn đêm, trở lại chỗ
cây cầu gỗ, đào lên sấp giấy trong bịch nylông
mà Bob vừa chôn xuống trước đó mấy phút.
Cũng trong thời gian ấy, tại
một địa điểm khác không xa, một vài bóng
đen cũng đang lén lút theo dõi
một hộp thư bí mật mang tên Lewis. Họ quan sát xem
có ai đến lấy số tiền mà Bob chưa kịp
tiếp nhận không. Nhưng đợi hoài chẳng
thấy, nên họ đã lặng lẽ thu
hồi gói tiền trong đó chứa 50 ngàn đô la tiền
mặt. Đây là số tiền mà
người Nga trả cho Bob, một nhân viên lâu năm
của Cơ quan Điều tra Liên bang FBI, để anh này
bán cho họ những tài liệu tối mật của Hoa
kỳ.
Các nhân viên phản gián FBI đã theo dõi và bắt quả tang hành động
phản bội của Bob Hanssen. Họ điều tra và
khám phá thêm rằng Bob đã làm gián điệp nhị trùng
suốt 15 năm qua, gây nên những thiệt hại không
thể đo lường cho uy tín của cơ quan FBI, trong
đó có việc chỉ điểm ba điệp viên
của Nga làm việc cho Hoa kỳ, khiến cho hai trong ba
người này đã bị xử tử. Hiện nay Bob
đang chờ ra toà về tội phản quốc và có nguy
cơ lãnh án tử hình.
Không ít đồng nghiệp thân quen
với Bob đã sửng sốt khi được tin anh ta
bị bắt. Nhiều câu hỏi được
đặt ra: Tại sao Bob lại phản bội
đất nước, gia đình, con cái và bạn bè như
vậy? Phải chăng anh ta bất mãn với cơ quan
tình báo và muốn trả đũa việc các nhân viên CIA
bị buộc phải dùng đến food stamps vào năm
1985? Hay bởi vì có một khúc mắc tâm lý nào đó trong
đầu của Bob Hanssen?
Hàng chục câu hỏi được
nêu lên, nhưng câu trả lời dễ hiểu nhất
chính là: Bob Hanssen cần tiền. Tính ra từ khi khởi
sự mua bán tin mật cho đến ngày bị bắt, Bob
đã nhận được 600 ngàn đô, 3 viên kim cương, và 800 ngàn đô khác trong
một nhà băng tại Nga.
“Đồng tiền có sức mạnh
vạn năng,” nhiều người đã nói như
thế. Lắm lúc chính
đồng tiền đã làm đảo điên cán cân công
lý, dập tắt tiếng nói của lương tâm, và
hủy diệt bao quan hệ thân thương giữa con người
với nhau. Chỉ vì một lợi nhuận
riêng tư mà không ít kẻ đã bất chấp danh dự
và nhân phẩm của chính mình, miễn sao có tiền.
Từ thuở xa xưa, lòng tham đã
chi phối đời sống con người. Khi ẩn trong đồng tiền là
những giá trị vật chất có khả năng trao
đổi mua bán, và khi giá trị mọi sự, ngay cả
giá trị con người, được qui định
dựa trên tiền tài vật chất, thì đồng
tiền bắt đầu chiếm địa vị
độc tôn trong lòng người ta. Nó
trở thành chủ nhân ông, khống chế hết mọi ý
hướng đạo đức, công bình, và nhân phẩm.
Đứng
trước tình cảnh bao kẻ đàn áp, bon chen, vì
đồng tiền, thậm chí còn coi thường phẩm
giá và bóc lột đồng loại đến tận
xương tuỷ, Tiên Tri Amos, vị ngôn sứ sống vào
thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, đã lên
tiếng cảnh tỉnh: “Hãy nghe đây, hỡi những
kẻ đàn áp người nghèo và muốn tiêu diệt
những ai bần cùng. Các ngươi tự nhủ: ‘Bao
giờ mới hết tuần trăng để chúng tôi
buôn bán? Khi nào mới qua ngày nghỉ lễ
để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ
giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả.
Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy
đôi dép đổi người túng thiếu…’ Và Chúa đã
thề rằng: ‘Ta sẽ lãng quên tất cả việc
chúng làm cho đến cùng” (Am 8:4-7).
Bị Thiên Chúa lãng quên là một hình
phạt khủng khiếp.
Bản cáo trạng được đọc
lên từ thời xa xưa, nhưng nó vẫn còn vang
vọng cho đến hôm nay. Bởi vì
vẫn có đó những kẻ lợi dụng sự khó
khăn túng thiếu của người khác để chèn
ép, tước đoạt, và làm giàu. Vẫn
có đó những kẻ chẳng màng chi lễ lạy,
cứ “thành tâm” làm nô lệ cho công việc và đồng
tiền. Vẫn có đó những kẻ chuyên gian
dối, lọc lừa, đổi giá, tráo hàng để thu lợi. Và vẫn có đó những kẻ
“lấy đôi dép” để đổi một thai nhi, phá đi một mạng người.
Tuy không phải là những tên gián điệp
phản bội quốc gia, nhưng họ là những
kẻ bội phản con người và rao bán chính mình.
“Các ngươi không thể vừa làm
tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền tài.”
Chân
thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm,
người ta sẽ không thể thu
lợi bằng con đường bất chính. Giữa Thiên Chúa và tiền của, con người
phải chọn một. Nếu
đặt Thượng Đế làm cùng đích, tiền
bạc phải là phương tiện. Và chỉ có
chọn lựa như thế mới mang lại giá trị
và hạnh phúc đích thật cho con người.
Bài
Phúc âm “Người Quản Lý Bất Lương” đã nên
như một lời cảnh tỉnh dành cho con
người trong thế giới tôn thờ vật chất.
Phải chăng Đức Giêsu muốn nói: sẽ
đến một ngày, người ta phải rời
khỏi căn nhà trần gian, chẳng ai còn
được làm chức quản lý nữa. Họ
sẽ phải tính sổ về việc tìm kiếm và
sử dụng tiền bạc khi còn tại thế. Người biết dùng của cải để
mua bạn hữu, công phúc, sẽ được tiếp
đón hân hoan. Kẻ tôn thờ tiền bạc,
phản bội lương tâm, tàn phá nhân phẩm sẽ lãnh
lấy bản án thịnh nộ gay
gắt.
Lời Thánh Kinh
vẫn luôn nhắc nhở:
Ấy, con người khác chi
hơi thở
Vùn vụt tuổi đời
tựa bóng câu
Công vất vả
ngược xuôi làn gió thoảng
Ký cóp mà chẳng hay ai sẽ
tiêu dùng.
(Tv
38)
|