Người quản lý trung tín
(Trích dẫn từ
Logos)
Tại Trung Hoa vào thời chiến
quốc có ông Phùng Huyên giúp việc cho ông Mạnh
Thường Quân là tướng của nước Tề.
Một hôm, Mạnh Thường Quân
nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các món
nợ. Trước khi Phùng Huyên ra đi, Mạnh
Thường Quân dặn: “Xem trong nhà còn thiếu gì thì
cứ mua về”.
Phùng Huyên đến đất Tiết,
cho mời tất cả những con nợ của chủ
đến và tuyên bố: “Mạnh Thường Quân ra
lệnh xoá bỏ tất cả sổ nợ!”. Sau đó,
ông ta đốt hết giấy nợ. Những
người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết vui
mừng tung hô vạn tuế Mạnh Thường Quân.
Khi về nhà, Phùng Huyên tường trình
công việc với Mạnh Thường Quân: “Khi đi,
tướng quân bảo tôi mua những gì trong nhà còn
thiếu. Tôi nghĩ trong nhà tướng quân dư thừa
của cải, không thiếu vật gì cả, chỉ
thiếu “điều nghĩa”, nên tôi trộm lệnh mua
điều nghĩa đem về. Mạnh Thường Quân
ngạc nhiên hỏi: “Mua điều nghĩa là thế nào?”.
Họ Phùng đáp: “Tôi tha cho tất cả các con nợ,
đốt các văn khế, dân chúng vui mừng tung hô
tướng quân, đó là tôi mua điều nghĩa cho
tướng quân vậy”.
Năm sau, vua Tề không dùng Mạnh
Thường Quân nữa, ông lui về đất Tiết
ở. Toàn dân nghe tin, liền ra đón rước và hoan hô
ông nhiệt liệt. Khi ấy, Mạnh Thường Quân
quay sang Phùng Huyên nói: “Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa,
ngày nay tôi mới trông thấy”.
Câu
chuyện ông Mạnh Thường Quân mua “điều
nghĩa” làm nổi bật lời Chúa dạy trong bài Tin
Mừng theo thánh Luca hôm nay: “Hãy dùng tiền của gian
dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất
hết tiền bạc thì họ sẽ đón tiếp các
con vào chốn an nghỉ đời đời”.
Chúa
kể dụ ngôn “Người Quản Lý Bất Trung”
để giải thích lời dạy đó của Ngài. Vì
thâm lạm tài sản của chủ nên người
quản lý đã bị ông chủ cho nghỉ việc. Anh ta
đã nghĩ ra cách để có một cuộc sống an
nhàn sung sướng sau khi mất việc: anh ta đã lén
chủ giảm số nợ của những người
mắc nợ để dùng tiền bạc của chủ
mà mua lấy ân nghĩa và bạn bè.
Chúa
Giêsu khen ngợi người quản lý bất lương
đó đã hành động cách khôn khéo. Thật ra, qua
dụ ngôn “Người Quản Lý Bất Trung” Chúa Giêsu có ý
dạy hai điều:
a) Hãy dùng tiền bạc trần
thế để đầu tư vào hạnh phúc vĩnh
cửu.
Trong
thời buổi “kinh tế thị trường” hôm nay,
người ta rất chú trọng đến việc
“đầu tư” nghĩa là bỏ vốn để sinh
lời. Đồng tiền được “xoay vòng” là
đồng tiền sinh lợi nhuận. Đó là
định luật của kinh tế. Vì thế, nếu
biết tính toán khôn ngoan thì nhờ vốn liếng bỏ
ra, người ta có thể trở nên giàu có. Cũng
vậy, với “định luật Nước Trời”,
người ta có thể dùng của cải trần thế
để đầu tư vào hạnh phúc vĩnh cửu
mai sau. Nghĩa là, người ta có thể dùng tiền
bạc phi nghĩa ở đời này để mua lấy
kho tàng hạnh phúc Nước Trời. Tuy nhiên,
người ta chỉ có thể mua được hạnh
phúc Nước Trời bằng những “đồng bạc
biết cho đi”. Chúa ban cho chúng ta của cải
đời này dùng làm phương tiện giúp ta nên thánh và
chia sẻ cho tha nhân. Hơn nữa, tiền bạc của
cải không phải là cứu cách cuộc đời chúng
ta. Chính Thiên Chúa mới là gia nghiệp mà chúng ta hướng
tới như cùng đích cuộc đời mình, như lời
Chúa dạy: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm
tôi tiền của được”.
b) Ai trung
tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc
lớn.
Người
quản lý trong dụ ngôn hôm nay tỏ ra là người khôn
ngoan. Anh ta đã ranh mãnh trong việc dùng tiền bạc
của chủ để mua lấy một tương lai
an nhàn sung sướng. Thật ra, anh ta “khôn” nhưng không
“ngoan”, vì anh ta đã làm một việc gian dối
để thu lợi một cách bất chính cho mình. Có
lẽ vì anh ta đã “không trung tín trong việc nhỏ nên
cũng không trung tín trong việc lớn”, vì vậy anh ta
đã bị chủ đuổi việc. Sau này, nếu anh
ta cứ sống trong sự gian dối và bất trung, anh ta
cũng không thể tìm được hạnh phúc chân
thật.
Mỗi
người chúng ta cũng được mời gọi
để trở thành người quản lý trung tín
của Thiên Chúa. Chúa đã trao cho chúng ta biết bao ân
huệ để chúng ta biết sinh lợi cho phần
rỗi đời mình, cũng như làm lợi cho anh em.
Nếu chúng ta biết quản lý cuộc đời mình
một cách trung thành và xứng đáng, chúng ta sẽ
được Thiên Chúa trao cho kho tàng hạnh phúc vĩnh
cửu. Nếu chúng ta trở thành một người
quản lý bất trung, chúng ta sẽ đánh mất chính mình
và anh em. Nhưng “cái mất” lớn nhất là “đánh
mất Thiên Chúa” là cội nguồn của niềm hạnh
phúc mà ta hằng khát khao.
Trong
bài đọc I, tiên tri Amos đã mạnh mẽ lên án
tội lỗi của những người giàu: vì mải
mê kiếm tiền nên họ bỏ bê những bổn
phận đạo đức, gian lận “giảm
đấu đong, tăng giá và làm cân giả”, thậm chí
bóc lột cả người nghèo.
Đó
chính là lời nhắc nhở để hôm nay chúng ta
biết đồng cảm với những người
nghèo khó, chia sẻ tình thương với họ và tránh xa
lòng ganh tỵ, oán hờn và tranh chấp, nhưng biết
xây dựng hòa bình (bài đọc II, trích thư gửi
Timôthêô).
Vào một đêm giông bão, có hai vợ
chồng đã lớn tuổi đến một khách
sạn ở vùng Philadelphia, nước Mỹ để
thuê phòng trọ qua đêm. Nhưng đáng tiếc, khách
sạn hết phòng. Cảm thương hai vợ chồng
không có chỗ nghỉ đêm trong một đêm mưa gió
như thế, người quản lý khách sạn nói:
- Tôi sẽ nhường phòng của tôi
cho ông bà.
- Nhưng anh sẽ ngủ ở đâu?
- Đừng lo cho tôi, tôi có thể
kiếm được chỗ.
Sáng hôm sau lúc trả tiền phòng,
người chồng nói với viên quản lý:
- Quả thật, anh xứng đáng làm
chủ một khách sạn lớn nhất nước
Mỹ!
Hai năm sau, người quản lý
nhận được một bức thư kèm theo một
vé máy bay đi New York và
một tấm danh thiếp của ông khách trọ hai năm
trước.
Đến New York, người quản
lý được ông khách trọ dẫn đến
đại lộ số 5, đường 34, chỉ
một tòa nhà cao tầng nguy nga đồ sộ mới xây
và nói:
- Đây là khách sạn tôi tặng cho anh.
Ông khách trọ đó chính là tỷ phú
William Wadorf Astoria. Ông đã thực hiện lời đã
hứa trước đó 2 năm.
Mỗi
người chúng ta được Thiên Chúa đặt làm
quản lý trong cuộc sống. Nếu chúng ta trung tín gìn
giữ cuộc đời mình trong ơn thánh Chúa và biết
chia sẻ những ân huệ Chúa ban cho tha nhân, chúng ta sẽ
làm giàu cho chính mình trong cuộc sống mai sau.
|