Suy tư về sự khôn ngoan thiêng liêng
1. Người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa không hẳn cứ phải là người được ban cho đầy dẫy mọi ân huệ như các vị thánh vĩ đại, nhiều khi cũng có thể là một người được ban cho ít nhưng mưu lược: biết cách khai thác ân sủng của người khác – đó là người chịu khó học hỏi và tích lũy.
2. Bạn hãy cho tôi biết lời cầu nguyện tâm đắc nhất mà bạn hằng theo đuổi và dâng lên Chúa ở đời này, tôi sẽ cho bạn biết vị trí của bạn trên thiên quốc ở đời sau!
3. Bí quyết để trở nên các vị thánh lớn hay nhỏ nó nằm trong lời cầu nguyện của các ngài: các ngài đã cầu nguyện như thế, đã sống chết như thế và được vinh hiển như thế!
4. Một người sống trong tòa lâu đài nguy nga ngồi trên ghế lớn sơn son thiếp vàng chưa hẳn đã là người giàu có, ngược lại một người sống trong những căn nhà tranh vách đất chưa hẳn đã là người nghèo khó! – Đối với Thiên Chúa, người giàu có là người có tâm hồn sang trọng, còn người nghèo khó là người có tâm hồn rẻ rúng.
5. Một người được coi là giàu có trong mắt Thiên Chúa không phải là người có nhiều tiền bạc nhưng là người có nhiều nhân đức cao quý.
6. Nếu như đức ái là linh hồn của các nhân đức thì đức khôn ngoan là chìa khóa để mở ra các nhân đức. Thật vậy, khi người ta khôn ngoan thì người ta mới biết cách khiêm nhường cho phải lẽ, khi người ta khôn ngoan người ta mới biết cách yêu thương đúng nghĩa,…khi người ta khôn ngoan người ta mới biết cách chinh phục các nhân đức.
7. Thánh nữ Faustina – vị tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, người được mệnh danh là thư ký riêng của Chúa Giê-su đã từng phát biểu, “Này, tại sao tôi biết thời đại này có rất ít vị thánh như vậy, là vì có quá ít người có sự khiêm nhường thẳm sâu trong tâm hồn!” – Sự khiêm nhường thẳm sâu trong tâm hồn không hệ tại ở những cử chỉ hay lời nói bề ngoài nhưng chính là việc con người nhìn nhận rằng mình yếu kém trong khả năng nhận biết chân lý và cần đến Chúa soi sáng giúp đỡ.
Vũ Thắng
|