Khôn khéo
Cuộc đời này tươi
hơn nhờ có người say mê nó.
Các vận động viên chịu
khổ luyện để phá một kỷ lục. Các nhà
khoa học tận tụy để tìm ra một phát minh.
Các văn nghệ sĩ nhọc nhằn cưu mang một
tác phẩm. Các nhà kinh doanh bù đầu với chuyện
nắm bắt thị trường. Phía sau một tấm
huy chương, một bằng khen, một giải
thưởng, có bao là mồ hôi nước mắt.
Say mê cuộc đời này chẳng có
gì đáng trách.
Người Kitô hữu cũng
sống hết lòng với cuộc đời này, nhưng
họ không say mê như thể chỉ có nó.
Đúng
ra họ say mê đời này vì họ say mê đời sau.
Đời
này chỉ là con đường dẫn đến mục
đích tối hậu.
Sau khi kể xong dụ ngôn về
người quản gia khôn khéo, Đức Giêsu phàn nàn vì
chúng ta, những con cái ánh sáng, lại không khôn bằng
những người chỉ biết có đời này.
Người quản gia khôn vì ông dám
đối diện với thực tế, đó là
chuyện ông bị chủ cho thôi việc.
·
Ông khôn vì ông
biết giới hạn của mình: Không đủ sức
cuốc đất, không đủ mặt dầy mặt
dạn để đi ăn xin.
·
Ông khôn vì ông
biết xoay sở, tìm ra phương án tốt nhất,
biết tận dụng quyền hành còn lại của mình
để đem đến cho tương lai bấp bênh
một bảo đảm.
Đức Giêsu không dạy ta bất
lương như người quản gia. Ngài dạy ta
biết khôn khéo như ông khi gầy dựng cho đời
mình tương lai vĩnh cửu.
Có vẻ đời sau thì xa xôi, không có
sức thu hút, không làm chúng ta say mê và dám đánh đổi
tất cả. Chúng ta thừa sôi nổi để xây
dựng tương lai đời này, nhưng lại
thiếu táo bạo để xây đắp tương lai
đời sau. Chúng ta biết xoay sở để việc
làm ăn khỏi thua lỗ, nhưng chúng ta lại thiếu
cương nghị và dứt khoát để đầu
tư mọi sự mình có cho Nước Trời.
Cái giằng co của đời
sống Kitô hữu nằm ở chỗ vừa say mê
cuộc đời này, vừa say mê vĩnh cửu. Họ
say mê cuộc đời này không thua bất kỳ ai,
bởi vì giữa cái mau qua, họ gặp được
vĩnh cửu. Kitô hữu làm việc, vui chơi như
mọi người, nhưng vẫn có cái gì rất khác
nơi họ. Không phải vì họ dành cho Chúa một
thời gian ít ỏi để đọc kinh, cầu
nguyện, dự lễ... nhưng vì họ đã để
Chúa đi vào toàn bộ đời mình.
Chúng ta cần giữ một sự
thăng bằng trong cuộc sống. Sự thăng
bằng này lại nằm ở chỗ chúng ta nghiêng về
phía Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền
bạc, của cải không phải là điểm tựa,
dù ta rất cần tiền và phải kiếm tiền
để sống.
Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi tiền của, không thể phụng sự
hai chủ như nhau, trong cùng một lúc.
Tôi
tự hỏi những chủ nào đang thống lĩnh
đời tôi. Ước gì tôi được tự do
nhờ biết làm tôi cho Thiên Chúa.
Gợi Ý Chia Sẻ
·
Đồng tiền là tiên, là phật,
và cũng có thể là vị chúa đầy hấp dẫn
quyền uy. Bạn có kinh nghiệm gì về sức mạnh
của đồng tiền? Bạn có thấy ai đánh
mất mình vì nô lệ cho tiền bạc không?
·
Người Kitô hữu cũng dễ
mất hút giữa những bon chen
của đời thường. Theo ý bạn, nếu
sống chân thật lương thiện, người Kitô
hữu có hy vọng thành công không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô
lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra. Xin
giúp chúng con được tự do thực sự: tự
do trước những đòi hỏi của thân xác, tự
do trước những đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí
tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế
nhị của Chúa, để nhạy cảm trước
nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được tự do
như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp
hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội
lỗi và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực
đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự
thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và
cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến
cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
|