Hai
chủ
Một nhật báo bằng tiếng Pháp đã có
một bài bình luận như sau về đời sống
của những người Kitô: Phúc âm của các
người là một vũ khí mạnh sức hơn
triết lý Các-mác của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu cứ theo tình trạng này về lâu về dài, chúng
tôi sẽ chiến thắng trên các người. Vì làm sao
người ta có thể tin vào Phúc âm được,
nếu các người không thực sự sống Phúc âm
đó. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu các
người không chịu hy sinh thời giờ, tiền
bạc cho chính nghĩa Phúc âm thì làm sao có người tin vào
Phúc âm; nếu các người không chịu cực, các
người không chịu xắn tay lên hành động cho
Phúc âm.
Những nhận xét trên không khỏi
đánh động chúng ta và làm chúng ta xét lại chính
nếp sống của mình. Dụ ngôn Chúa Giêsu
kể về người quản lý bất trung
được nhắc lại trong bài Phúc âm Chúa nhật hôm
nay mà chúng ta vừa đọc lại cũng tích chứa
cùng một sứ điệp thức tỉnh chúng ta.
Chúa Giêsu không khen người quản lý bất trung, không
đề cao nếp sống của người quản lý
bất trung cho chúng ta noi theo, nhưng Ngài
cảnh tỉnh chúng ta phải tránh thói khôn ngoan tinh xảo
của người đời.
Nội dung chính của Lời Chúa
dạy qua dụ ngôn trên hệ tại ở điểm so
sánh. Người quản lý bất trung đã vận
dụng những khả năng của anh như trí óc, khôn
khéo, chịu khó nghiên cứu kế hoạch để
mưu cầu điều lợi cho bản thân anh. Cuộc đời của anh chỉ hướng
duy nhất về điều này mà thôi là “sống vì
tiền của”. Chịu làm nô lệ cho tiền
của, vận dụng mọi khả năng của mình
để tôn thờ tiền của, đó là con cái
đời này khôn ranh, siêng năng, chịu khó hơn con cái
sự sáng. Chúa Giêsu không khen người quản lý khôn ranh,
nhưng qua lối so sánh, Chúa Giêsu muốn chúng ta, những
người đồ đệ của Ngài, những con
cái sự sáng biết tích cực dấn thân phụng sự
Chúa với sức hăng say, với sự hy sinh. Hy sinh thời giờ, tiền của với
việc kiên trì làm điều tốt để thực thi
Phúc âm Chúa.
Chúng ta có Phúc âm, có sự thật được Chúa
mạc khải, nhưng nếu chúng ta có thái độ ù lì,
không tích cực xắn tay áo lên chịu cực, chịu hy
sinh để thi hành Lời Chúa thì chúng ta đáng Chúa trách là
thua xa người quản lý bất trung trong dụ ngôn
của bài Tin Mừng hôm nay.
Một cách cụ thể hơn, hôm nay tôi muốn nhắc
lại nơi đây một điểm trong nội dung
của bức thư mục vụ
của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Bức thư trình bày đường hướng
mục vụ trong bối cảnh mới là đối
thoại. Yêu thương và phục vụ anh
chị em. Một đường hướng rất
hay, nhưng đòi hỏi nhiều can đảm dấn
thân thi hành thực sự những gì cần được
trình bày trong đó. Nói theo ngôn ngữ
của tờ báo vừa được trích dẫn trên thì
đây là thứ vũ khí mạnh hơn triết lý của
Các-mác. Đây là tinh thần Phúc âm cần được mỗi
người đồ đệ của Chúa tại
Việt Nam trước tiên noi theo. Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam lưu ý rằng, để thực hiện chương
trình đối thoại, yêu thương và phục vụ
anh chị em thì mọi thành phần dân Chúa, mỗi
người cần phải kiên trì, can đảm
đổi mới. Các Giám Mục Việt Nam đã viết
như sau: “Đổi mới bản thân là điều
căn bản để có thể yêu thương và
phục vụ”.
Ở đây, chúng tôi muốn nói đến đổi
mới lòng đạo, nội lực của chúng ta là lòng
tin, lòng mến được Thiên Chúa ban cho. Lòng
đạo đức thật theo thánh
Giacôbê là yêu thương phục vụ người nghèo
khổ và giữ mình đừng vướng vào những
thói xấu của thời đại.
Thánh Phaolô cũng cho thấy ý Chúa là yêu
thương, là phục vụ nhau. Lời
Chúa, những bí tích và đời sống cầu nguyện
là những phương thế hữu hiệu giúp
đổi mới bản thân. Chuyên tâm đọc, suy
niệm và thực hành Lời Chúa, chuyên cần lãnh nhận
các bí tích một cách sốt sắng, cầu nguyện
kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa sẽ thanh luyện ta
khỏi thói ích kỷ, đem lại cho ta nguồn sức
mạnh để quảng đại phục vụ quên
mình theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Để thực hiện những điều này mà
thôi theo lời dạy của Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam trong bức thư
chung này chúng ta cần phải cố gắng, cần
phải vận dụng hết sức mình lên.
Hôm nay, trong thánh lễ này chúng ta hãy xin Chúa ban cho
mỗi người chúng ta có được nội
lực, có được sự khôn ngoan và tích cực
dấn thân thực hành Lời Chúa. Xin Chúa giúp mọi
người chúng ta trở thành những người
quản lý tốt ân sủng mà Chúa ban cho
chúng ta. Xin Chúa đồng hành với chúng ta trong giai
đoạn mới của lịch sử tại Việt Nam, để chúng ta
mỗi ngày một trưởng thành hơn trong đức
tin, đức cậy và đức mến. Đức tin
mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.
|