Bài Phúc Âm hôm nay, mở đầu đoạn 8, tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua ở cuối đoạn 7. Tức là, sau sự kiện Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là Simon mời đến dùng bữa với ông và bạn hữu của ông, ở đó Người đã tha thứ cho một người phụ nữ tội lỗi hết lòng ăn năn thống hối đến với Người.
Nếu bài Phúc Âm hôm qua, người phụ nữ lạ mặt như vô danh tiểu tốt này chỉ được Thánh ký Luca tiết lộ một chút xíu ở ngay đầu bài Phúc Âm đó là "một người đàn bà tội lỗi trong thành", thì hình như người phụ nữ tội lỗi ấy đã trở thành một (vẫn tiếp tục vô danh) trong những nữ môn đệ của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người".
Phải chăng người phụ nữ tội lỗi tỏ lòng ăn năn thống hối ấy chẳng những đã từ bỏ đời sống tội lỗi mà còn dấn thân theo phục vụ Đấng đã vô cùng từ bi nhân hậu tha thứ tội lỗi cho mình nữa, qua chi tiết được Thánh ký Luca cho biết là: "Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám".
Suy diễn này có thể đúng: người phụ nữ tội lỗi đã "đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm" và đã được Người tha thứ: "Tội lỗi con đã được tha... Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an", trong bài Phúc Âm hôm qua, chính là "Maria cũng gọi là Mađalêna" trong bài Phúc Âm hôm nay.
Thật vậy, căn cứ vào hai chi tiết trong 2 phúc âm khác, chúng ta có thể thấy được điều này. Trước hết, trong Phúc Âm Thánh Gioan, Thánh Ký đã chú thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm qua.
Trong Phúc Âm của Thánh ký Marco, ở đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra, mà người đầu tiên được vị Thánh ký này liệt kê là “Maria Magdalene”, một nhân vật nữ đã được thánh ký ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho khỏi 7 quỉ” (16:9), đúng như những gì Thánh ký Luca ghi nhận trong bài Phúc Âm hôm nay.
Tóm lại, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm được trích dẫn liên quan đến nhân vật mang tên Maria và Maria Magdalene, có thể kết luận rằng cả hai danh xưng này chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7.
Vậy Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, có thể là một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở Magdala (?), nhưng đã thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa (x Lk 10:42), đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Ngày 16: Thánh Cornêliô, Giáo Hoàng và Cyprianô, Giám Mục tử đạo
Thánh Cornêliô sinh trưởng tại Rôma, ngài được nhiều người biết đến về tính hiền hậu và tiết độ. Năm 251, ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng kế vị Ðức Fabianô giữa lúc con thuyền Giáo Hội đang nghiêng ngửa trong cơn bách đạo của hoàng đế Gallô và Volusianô. Ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với ly giáo Novatianô và đã viết nhiều sách nói về những người bội giáo.
Vì trung thành với Chúa Kitô, thánh Cornêliô bị đày ở Civita Vecchia và chịu tử đạo ở đó vào cuối tháng 6 năm 253.
Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Cyprianô. Ngài sinh năm 200 tại Phi Châu trong một gia đình quý phái ngoại giáo. Sau khi trở lại, ngài phân phát hết của cải cho người nghèo. Dù mới trở lại chưa đầy một năm nhưng lòng nhiệt thành và hoạt động truyền giáo của ngài đã vang dội khắp nơi. Ngài được phong chức linh mục và sau đó được gọi giữ chức Giám Mục thành Carthagô. Chính trong thời thánh nhân làm Giám Mục cũng là lúc bạo vương Ðêciô ra tay tàn sát người Công Giáo. Cả Phi Châu sống trong lo sợ. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ngài thấy cần phải điều khiển địa phận trong âm thầm hơn là công khai đương đầu với địch thủ, nên đã rút vào nơi bí mật. Bằng những thơ luân lưu, ngài khuyến khích các tín hữu bị tù đày can đảm chịu đau khổ và những người chối đạo trở về với Giáo Hội. Khi cuộc bách hại tạm yên được một thời gian, ngài phải lo kiếm tiền để giải thoát cho hàng trăm ngàn người bị bắt làm nô lệ. Ngoài ra, ngài còn phải đương đầu với ly giáo Novatianô. Ngài viết nhiều sách để kêu gọi họ trở về Giáo Hội.
Năm 257, Valêrianô ban hành sắc lệnh bách hại đạo Công Giáo lần nữa. Thánh Cyprianô bị bắt và đày ở đảo Curubi và người ta buộc ngài phải dâng hương tế thần, nhưng ngài đã cương quyết từ chối. Vì vậy, ngày 14/9/258, ngài được vinh dự lấy máu đào làm chứng cho Chúa.