Từ
bỏ.
Nếu
có dịp đọc kỹ các sách Tin Mừng chúng ta
thấy: Một trong những đòi hỏi dường
như khó khăn nhất của Chúa Giêsu đối với
những môn đệ hay những kẻ theo
Ngài có lẽ là việc từ bỏ. Quả thật,
từ bỏ một ít, hay từ bỏ những cái phụ
thuộc bên ngoài xem ra còn dễ, nhưng trong bài Tin Mừng
hôm nay Chúa Giêsu đòi hỏi những ai theo Ngài không
những phải từ bỏ những tình cảm sâu xa
nhất, tình nghĩa ruột rà máu mủ, mà còn phải
từ bỏ cả chính bản thân của mình: “Kẻ nào
đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh
chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt
không thể là môn đệ của Ta”. Chắc hẳn
đây là một thách đố rất lớn và thật khó
hiểu đối với mỗi người chúng ta,
mặc dù chúng ta là những người đã dấn thân theo Đức Kitô. Thế thì
chúng ta phải hiểu lời Chúa Giêsu nói hôm nay như
thế nào?
Trước
tiên, chúng ta thấy những lời Chúa Giêsu nói hôm nay
được lồng vào cuộc hành trình lên Giêrusalem, và
bằng một động tác có tính biểu tượng,
Đức Giêsu “quay lại” phía đám đông cùng đi
đường để dạy họ bài học về điều
kiện phải có để làm môn đệ Ngài.
Thật vậy, chỉ đến
với Đức Giêsu thôi chưa đủ. Đi theo Ngài bao
gồm phải chấp nhận để cho những
đòi hỏi triệt để của Tin Mừng
khuấy động lối sống của chúng ta: cách riêng
trong phạm vi những mối liên hệ gia đình, và
sử dụng của cải vật chất là đề
tài quen thuộc của Luca. Ở đây, chúng
ta sẽ nói tới “liên hệ gia đình”.
Về
vấn đề này, Đức Giêsu tuyên bố không úp
mở: Những ai đến với Ngài mà không ghét bỏ
cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống
mình thì không thể làm môn đệ Ngài. Ở đây, Luca
dùng động từ Hy Lạp có nghĩa là “ghét bỏ”
để diễn tả một lối nói nguyên thủy
bằng tiếng Aram, một thứ ngôn ngữ vốn không
có từ so sánh. Một kiểu nói mạnh mà
soạn giả Tin Mừng dịch là dứt bỏ, hay
“thương ít hơn”. Như thế
từ ghét bỏ ở đây không có nghĩa thù ghét,
loại trừ như chúng ta quen dùng, nhưng ghét bỏ
ở đây có nghĩa là “thương ít hơn”. Thánh
Matthêu nói cách rõ ràng hơn: “Kẻ nào yêu cha mẹ, yêu con trai
con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta”.
Như vậy tất cả những
mối liên hệ của nhân loại dù chính đáng và thâm
sâu đến đâu, ngay cả đến mạng sống
con người đi nữa, đều phải phụ
thuộc vào mối liên hệ của họ với
Đức Kitô.
Hiểu
như thế, chúng ta thấy việc từ bỏ
để đi theo Đức Kitô không
phải là gánh nặng, không phải là một sự
liều lĩnh đến nỗi phải đi
ngược lại với tình cảm tự nhiên vốn có
nơi con người. Điều Đức Giêsu đòi
hỏi ở đây là phải dành cho Người
địa vị ưu tiên hàng đầu, ưu tiên số
một, nghĩa là phải yêu mến Người hết
lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Đòi
hỏi của Đức Giêsu ở đây không cho phép chúng
ta xem nhẹ những liên hệ gia đình, liên hệ
giữa người với người, nhưng Ngài
muốn kêu gọi mỗi người chúng ta phải nuôi
dưỡng và đến với tất cả những
tình cảm đó xuyên qua tình yêu tuyệt đối của
Thiên Chúa.
Như thế, trở lại với
cuộc sống đời thường, mỗi
người Kitô hữu chúng ta cần có thái độ
như thế nào và tâm tình gì trước lời mời
gọi của Chúa Giêsu hôm nay?
Chúng
ta biết rằng: Kitô hữu là những người
đã chọn con đường bước theo
Đức Giêsu, chấp nhận đi theo Ngài là chấp
nhận đi vào con đường hẹp, con
đường từ bỏ. Ngài đòi hỏi chúng ta
đặt mọi sự dưới Ngài, yêu Ngài trên hết
mọi sự, trên những người thân yêu, trên cả
của cải, tinh thần, vật chất, trên mạng
sống mình, trên cả hiện tại và tương lai. Những điều này thật đáng trân
trọng, nhưng chúng chỉ có giá trị tương
đối khi sánh với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm
người. Kitô hữu là người phải
sống từ bỏ như Đức Giêsu: “Ngài vốn là
Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc
lấy thân nô lệ, sống như người trần
thế”. “Ngài đã vâng phục ý Cha cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, và chết ô nhục trên thánh
giá: “Nếu có thể được thì xin cất chén này
khỏi con, nhưng đừng theo ý con,
một xin vâng ý Cha”.
Ngoài
ra khi nhìn vào lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy có
biết bao tấm gương khác đã đi trọn con
đường từ bỏ này: một Phanxicô Assisi,
một con người có thể nói được là
sống trên nhung lụa, nhưng đã từ khước
tất cả, cả ý định của người cha,
và cuối cùng dám lột bỏ cả y phục của mình
trả lại người cha để bước theo
tiếng gọi của Đức Giêsu. Hay là như một
Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng vượt qua biết bao
khó khăn gian khổ, để theo
đuổi lý tưởng tận hiến cho Đức
Kitô, và cuối cùng đã trở thành một vị
đại thánh của Giáo Hội. Gần và cận kề
chúng ta hơn có lẽ phải nói tới vị anh hùng
tử đạo Việt Nam, thánh Nguyễn Hy Mỹ,
trước tòa án Nam Định, các quan dùng tình nghĩa
vợ chồng con cái để làm lung lạc tình yêu ngài,
nhưng vị tử đạo trả lời: “Vợ con
tôi, tôi yêu thật, song tôi còn hy vọng sum họp với gia
đình thân yêu trên thiên đàng”.
Tất
cả mỗi người chúng ta đang hiện diện
nơi đây, chắc chắn mỗi người có hoàn
cảnh riêng, khả năng riêng, và một sở thích riêng…
không ai giống ai, nhưng mỗi người chúng ta
đều được Thiên Chúa mời gọi
để dấn bước theo Ngài. Chắc chắn Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì
vượt quá sức của chúng ta. Điều
mà Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta hãy sống tốt giây phút
hiện tại của đời mình trong tương quan
với thế giới, và với mọi người xung
quanh xuyên qua tình yêu của Ngài.
Cầu
chúc tất cả anh chị em luôn sống trong tình yêu Chúa,
và lấy Chúa làm đích điểm cho đời mình,
để trong cuộc sống hằng ngày, mỗi
người chúng ta có thể thốt lên như lời
của thánh tông đồ Phaolô: “Tôi
sống nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô
sống trong tôi”.
|