Từ bỏ
và vác Thập Giá
1. Chúng ta đã từng tham gia, hay qua phim
ảnh chúng ta dễ nhận ra rằng để có thể
tham gia leo núi, nhất là những ngọn núi cao, thì những
người tham dự cần phải có hành trang, nhưng
càng gọn nhẹ càng tốt, nên người ta chỉ mang
theo những thứ thật cần thiết và bỏ
lại những thứ gây cản trở, nặng nề
cho việc leo núi này. Đồng thời người leo núi thường có cây gậy để dò
đường, để chống đi. Đời
sống của người Kitô hữu có thể nói là
một hành trình leo núi, tiến về
đỉnh núi thánh là nhà Cha trên trời. Để
có thể tiến về quê hương vĩnh cửu
một cách tốt đẹp thì đòi hỏi người
môn đệ Chúa phải biết từ bỏ những gì
làm cản trở và phải được nâng đỡ
bằng sức mạnh thập giá của Đức Kitô.
2. Chỉ trừ một số
người dâng mình cho Chúa trong ơn gọi tu trì phải
chia tay với gia đình, nghề nghiệp... để
bước theo Chúa, còn đa phần nhân loại vẫn
sống với gia đình và cần phải có nghề
nghiệp để mưu sinh, thì phải hiểu lời
Chúa dạy về "từ bỏ" như thế nào?
"Từ bỏ" để theo Chúa, không có nghĩa là ta không gắn bó,
không quý những điều mà ta từ bỏ, mà nên
hiểu là không quý bằng một thứ khác đáng quý
hơn. Thật vậy mạng sống của ta, cha
mẹ, vợ con... đều là những thứ mà
người môn đệ Chúa phải trân trọng, thậm
chí rất quý; nhưng người môn đệ Chúa đúng
nghĩa, thì phải coi những điều đáng quý
ấy không quý cho bằng việc tuân theo thánh ý Chúa. Như vậy, Chúa đòi hỏi người môn
đệ phải gắn bó với Chúa trên tất cả
mọi người, mọi sự. Hiểu như
vậy, chúng ta mới thấy Đức Giêsu không có ý
phế bỏ giới luật thứ tư:" Thảo
kính cha mẹ", hay giới luật thứ năm:
"tôn trọng giữ gìn mạng sống". Đức
Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh tình yêu con người
đối với Thiên Chúa mà thôi chứ Người không
phá huỷ những giới luật từ xưa mà Thiên Chúa
đã thiết lập.
3. Thế nhưng trong cuộc sống,
lắm khi chúng ta lại đảo lộn bậc thang giá
trị! Thích chọn điều có giá trị thấp
hơn là điều có giá trị cao, chọn cái phù du
hơn cái vững bền...! Như đi du lịch
nhiều ngày với người thân trong gia đình hay
ngồi quán cà-phê hàng giờ với bạn bè mà vẫn
thấy vui, nhưng lấy làm khó chịu khi dành một ít
thời giờ để học hỏi giáo lý! Có thể
dành suốt ngày, suốt tuần cho công việc làm ăn buôn bán, nhưng lại tiếc một
hai giờ đồng hồ để tham dự thánh
lễ Chúa nhật! Hay xem tivi dường như suốt
ngày, nhưng cảm thấy tiếc khi phải tắt nó
để dành mươi phút đọc kinh tối gia
đình.v.v...! Nếu cuộc sống của chúng ta như
thế, nghĩa là chúng ta không dám từ bỏ, hoặc
bớt đi những thú vui trần thế để dành
một ít thời gian cho Chúa, thì làm sao ta có thể là môn
đệ đích thực của Chúa được?!
4. Khi từ bỏ như thế làm ta
khó chịu, đó là một hình thức vác thập giá;
nhưng thập giá này lại là chìa khóa, là cậy gậy
dẫn đường để ta vào nước
trời. Đức Giêsu chỉ
được tôn vinh khi Người đã bỏ vinh quang
thần linh để làm người như ta, và nhất
là khi hiến mạng sống vì lòng yêu mến Chúa Cha và nhân
loại. Con đường mà Đức Giêsu đã
đi qua, đó cũng là con đường của
người môn được mời gọi bước theo. Để chinh phục đỉnh núi cao
thì người leo núi phải cố gắng đeo bám
để tiến lên, có khi phải va vào đá trầy da,
chảy máu ; nhưng nếu không muốn
tiến nữa mà muốn sa xuống vực sâu thì chẳng
cần cố gắng chi cả, chỉ buông tay thế là
xong!
5. Từ bỏ và vác thập giá không
phải chỉ ngày một, ngày hai. Hành trình của
người Kitô hữu theo Chúa đòi
hỏi phải hy sinh, cố gắng một cách liên lỉ.
Để minh hoạ cho điều nầy
Chúa dùng 2 hình ảnh, một người muốn xây tháp và
một vị vua muốn đi giao chiến với
đối phương. Xây tháp thì
phải tính toán kỹ lưỡng, đã khởi sự
ắt phải hoàn thành. Giao chiến
cũng phải tính toán để nắm phần chắc so
với đối phương. Với hai dụ ngôn
trên, Chúa không có ý bảo ta phải trù tính lựa chọn có
nên theo Chúa hay không, vì muốn vào
Nước Thiên Chúa thì tất nhiên phải theo Chúa. Nhưng
Chúa chỉ muốn dạy ta phải bền chí theo làm môn đệ Chúa cho tới cùng,
đừng nản lòng trước những khó khăn
vất vả.
6. Như người leo
núi kiên trì sẽ tới đích; cũng vậy, ai bền
đỗ đến cùng sẽ được cứu
rỗi, đó là phần thưởng cho người môn
đệ trung tín. Nhưng người chinh
phục được ngọn núi cao không thể ở mãi
trên đó, vậy mà họ lại cố gắng chinh
phục. Đôi khi việc chinh phục
đó có thể được ghi vào sách kỷ lục
thế giới, nhưng rồi kỷ lục nầy
sẽ phải nhường chỗ cho kỷ lục khác.
Kỷ lục cũ không còn và người
lập nên nó cũng không thể trường thọ
để được tôn vinh. Vậy
mà người ta lại đua nhau lập, không sợ hao
tốn, hy sinh vất vã. Khi suy nghĩ
như thế người môn đệ Chúa càng có lý do
để từ bỏ những gì cản trở và
phải chấp nhận những khó khăn trong hành trình
tiến về nhà Cha trên trời, nơi trú ẩn và
hạnh phúc bền vững của con người.
|