Những điều kiện
để bước theo Đức Giêsu
(Suy niệm của Lm
FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Được
đặt vào trong bài tường thuật về hành trình
lên Giêrusalem, cuộc nói chuyện của Đức Giêsu
trong bữa ăn tại nhà một thủ lãnh người
Pharisêu (Lc 14,1) nay đã đến lúc kết thúc. Tác giả
Tin Mừng III lại giúp độc giả để ý
đến bước tiến của Đức Giêsu lên
Giêrusalem cũng như đến đám đông đang cùng
đi với Người. Tác giả cho thấy Đức
Giêsu nói về những điều kiện để làm
người môn đệ đích thực (14,25-33). Khi tìm
lại văn cảnh trước đó, ta gặp một
lời mời gửi đến mọi người trên
mọi nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ
dậu, đến dự tiệc vương quốc,
để “người ta vào đầy nhà cho ta” (c. 23). Nay
Đức Giêsu thêm một nhận định mới:
điều kiện phải giữ để
được làm môn đệ trong Vương quốc.
Để được vào Vương quốc, phải
đáp ứng những điều kiện riêng, và phân
đoạn 14,25-33 ở trong thế song đối
đối nghĩa với phân đoạn 14,15-24. Nếu
đặt vào trong ngữ cảnh rộng lớn hơn, là
bài tường thuật về hành trình, phân đoạn này
với nhiều chi tiết nói về việc bước
theo Đức Giêsu, bước đi đàng sau
Người, lên kế hoạch chuẩn bị cho một
công trình, … cung cấp cho tác giả những chi tiết
để ngài phác ra đời môn đệ của
Đức Kitô.
2.- Bố cục
Bản văn có
thể chia thành bốn phần:
1) Mở đầu
(14,25);
2) Điều
kiện để đi theo Đức Giêsu (14,26-27);
3) Hai dụ ngôn
(14,28-32):
a)
Dụ ngôn Người xây tháp (cc. 28-30),
b)
Dụ ngôn Vị vua ra trận (cc. 31-32);
4) Kết (14,33).
3.- Vài điểm chú giải
- dứt
bỏ (26): dịch sát là
“ghét” (miseô), ngược lại với agapaô, “yêu
thương”. Động từ miseôđã được
dùng ở Lc 6,22.27 để mô tả thái độ của
những người ở ngoài đối với các môn
đệ Đức Giêsu. Bây giờ động từ này
lại được dùng để nói về tình yêu ưu
tiên người ta phải dành cho Đức Giêsu.
- môn
đệ tôi (27): Các môn
đệ Đức Giêsu đã được nhắc
đến ở Lc 5,30; 6,1.13.17.20; 8,9.22; 9,14.16.18.40.43b.54;
10,23;12,1.22. Sau đó họ lại được nhắc
đến ở 16,1; 17,1.22; 18,15; 19,29.37.39; 20,45; 22,11.39.45.
Trong sách Cv, từ ngữ mathêtai, “các môn đệ”, trở
thành từ quen thuộc để gọi các Kitô hữu
(6,1.2.7; 9,1.10.19.26.38; 11,26.29; 13,52; 14,20.22.28; 15,10; 16,1; 18,23.27;
19,1.9.30; 20,1.30; 21,4.26 (2x).
- một
cây tháp (28): Đây là
một tháp canh để bảo vê một ngôi nhà, một
mảnh đất, một vườn nho.
- từ
bỏ (33): Động
từ Hy Lạp apotassomai, như ở 9,61, có nghĩa là
“kiếu từ, từ giã” (say good-bye, say farewell). Lời
khuyên này làm vọng lại lời khuyên ở 12,33, và sẽ
được nhắc lại ở 18,22.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở
đầu (25)
Điểm
nổi bật nơi Đức Giêsu là sự cương
quyết chấp nhận số phận bằng cách
nhất định tiến về Giêrusalem. Trên
đường đi, có rất nhiều người
đi theo Người. Họ muốn ở với
Người. Họ tưởng rằng Người có
điều gì đó chắc chắn mà nói với họ và
có điều gì đó bền vững mà ban cho họ.
Họ bị Người thu hút. Đức Giêsu không xua
đuổi họ. Nhưng Người cũng không
muốn họ đi theo Người với những
nỗi niềm chờ mong sai lạc. Người nói
với họ rõ ràng.
Chúng
ta thấy Đức Giêsu đã ba lần nêu lên những yêu
cầu cho những ai muốn đi theo Người, và
mỗi lần Người đều kết luận
như nhau, “… thì không thể làm môn đệ tôi
được” (cc. 26.27.33). Người khiến chúng ta có
ấn tượng là Người muốn họ bỏ
Người thay vì lôi kéo họ đến với
Người.
*
Điều kiện để đi theo Đức Giêsu (26-27)
Ai
gắn bó với Đức Giêsu, thì cần biết mình
phải đáp ứng những yêu cầu nào. Các
điều kiện Người nêu ra không chỉ
được đề nghị riêng cho một ít
người tuyển chọn, nhưng cho tất cả
những ai đang đi với Người.
Trước
tiên, Người yêu cầu phải “ghét” cha mẹ, vợ
con, anh em, chị em. Chẳng phải là điều răn
yêu thương người thân cận đã bị
đảo lộn rồi sao? Nghĩa là để đi
theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình
yêu đối với người thân cận bằng
sự ghét bỏ đối với họ? Nhưng ý
nghĩa của từ “ghét” ở đây được làm
sáng tỏ nhờ Mt 10,37: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy,
thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn
Thầy, thì không xứng với Thầy”. Điều này có
nghĩa là ai muốn đi theo Đức Giêsu thì phải yêu
mến Người hơn tất cả những
người khác, kể cả những người gần
gũi với mình nhất. Người ấy lại còn
phải yêu mến Người hơn cả chính bản
thân mình. Đức Giêsu yêu cầu người ta dành cho
Người một vị trí đặc biệt và duy
nhất. Vì thế, “ghét” đây cũng có thể phải
hiểu là “dứt khoát” với những quan hệ nào đó
nếu can, để có thể trung thành với Tin Mừng.
Chính tương quan duy nhất với Đức Giêsu
sẽ điều hành mọi tương quan của ta
với những người khác.
Tuy
nhiên, dường như trở ngại lớn nhất
không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh
chị em, mà là cái tôi, là tính ích kỷ, là tình yêu đối
với chính mình. Cả cái tôi và sự sống của ta
cũng phải nhường bước cho dây liên kết
với Đức Giêsu. Ai muốn đi theo Đức
Giêsu, thì phải vác thập giá của chính mình, phải
đi theo Người trên con đường thập giá.
Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau
khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người
vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến
mất mạng, khi phải đáp ứng điều này
hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa.
* Hai
dụ ngôn (28-32)
Rất
có thể Đức Giêsu nhận thấy rằng nhiều
thính giả bắt đầu nghĩ rằng Người
phóng đại. Để giúp họ hiểu Người
muốn nói gì, Người kể cho họ nghe hai dụ
ngôn ngắn, đơn giản. Dụ ngôn thứ nhất
nói về một người muốn bảo vệ hoa
mầu khỏi trộm cướp và dã thú phá phách. Ông
đã quyết định xây một cái tháp trong cánh
đồng của mình. Trước khi bắt đầu
công việc, ông đã tính toán phí tổn, để xem ông có
đủ tiền mà thực hiện chăng (cc. 28-30).
Dụ ngôn thứ hai nói về một vị vua quyết
định ra trận. Tuy nhiên, ngay lúc đầu, ông
phải lượng định về sức mạnh
của đoàn quân của ông (cc. 31-32). Vào thời của
Đức Giêsu, có một câu tục ngữ: “Nếu
bạn muốn săn sư tử, hãy phóng cái lao của
bạn xuống đất. Nếu bạn không thể phóng
cái lao thật sâu, thì đừng đi săn sư tử!”.
Bài học rất rõ: đừng tự lừa dối chính
mình; bạn không phải là môn đệ Đức Giêsu
chỉ nhờ nghe Tin Mừng của Người và cảm
thấy hứng thú đối với Tin Mừng ấy.
Bạn phải xem bạn có thể làm chăng những
điều Người yêu cầu bạn.
Qua
hai dụ ngôn, Đức Giêsu khuyên những người
đang đi theo Người đừng quyết
định làm môn đệ, nếu trước đó không
cân nhắc kỹ càng trước. Người ta phải
cứu xét đến không những các đòi hỏi
phải thực hiện, nhưng cả những hậu
quả của chuyện mới bắt đầu thì đã
bỏ dở dang vì không có sức đi tới cùng. Các môn
đệ phải xem lại là mình có những sức
mạnh và tài nguyên nào.
Sau
hai dụ ngôn, Đức Giêsu nêu ra điều kiện
thứ ba: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ
hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi
được” (c. 33). Vấn đề không chỉ là
bỏ ra một ít tiền để làm việc bác ái, mà là
phải bỏ hết mọi sự.
* Kết (33)
Sau
hai điều kiện (cc. 26.27), câu kết này là
điều kiện thứ ba (c. 33), một đòi hỏi
triệt để. Đức Giêsu kêu mời người
ta từ bỏ tất cả các của cải vật
chất, để có thể làm môn đệ Người.
Có
những người đã giải quyết khó khăn này
bằng cách chia các Kitô hữu thành “những người
hoàn thiện” (linh mục, tu sĩ) một bên, còn bên kia là
tất cả các Kitô hữu còn lại, những
người có thể giữ tất cả những gì
họ có và chấp nhận làm “Kitô hữu bất toàn”. Cách
làm này đã chia họ các môn đệ Đức Giêsu thành
hai, đánh mất sự hợp nhất thiêng liêng của
họ. Nhưng lệnh đó được ban cho tất
cả những ai muốn nên “xứng đáng” với
Đức Giêsu. Để không một ai hiểu sai ý
Người, Đức Giêsu đã nhắc lại giáo
huấn này nhiều lần (Lc 12,33; 18,22; x. 5,11.28).
+ Kết luận
Ai
muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt
sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả
mọi sự. Vì trân trọng ý muốn của Ngài,
người ta phải chấp nhận đau khổ,
tủi nhục, bị khinh bỉ và tất cả những
gì đối lập lại với một cuộc
đời thú vị, thậm chí đến chỗ mất
mạng sống mình. Hẳn là chúng ta muốn tạo ra
một hình thái Kitô giáo vừa tầm với chúng ta, làm chúng
ta vui thích. Đức Giêsu nói với người ta rằng
họ chỉ có thể bước theo Người theo
những điều kiện của Người. Ai
muốn thuộc về Đức Giêsu, thì phải
quyết định theo Đức Giêsu toàn thể, với
trọn con đường của Người.
Đức
Giêsu không nói rằng nếu ai muốn đi theo
Người mà không từ bỏ những người than,
mạng sống và mọi của cải, thì không thuận
lợi bao nhiêu, mà nói là hoàn toàn vô ích, như muối không còn
vị mặn nữa (x. Lc 14,34-35).
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu, muốn thực
sự làm Kitô hữu, thì cần phải biết các
điều kiện được đề ra, và phải
suy nghĩ xem mình có khả năng đáp ứng chăng.
Nếu dừng lại giữa đường rồi
bỏ cuộc, thì chẳng nghĩa lý gì. Đức Giêsu
muốn người ta đi theo Người cách ý thức
và có cân nhắc. Các điều kiện được nêu
ra không chỉ có giá trị cho một thiểu số ưu
tuyển, nhưng cho mọi người. Bước theo
Đức Giêsu có nghĩa là tuyệt đối không bám víu
vào các của cải vật chất, và phải sử
dụng chúng tùy theo dây liên kết chúng ta với Đức
Giêsu.
2.
Dây liên kết người ta với Đức Giêsu
phải có quyền ưu tiên hơn mọi liên hệ khác.
Tình yêu đối với Người không loại trừ
tình yêu đối với loài người, trái lại là đàng
khác. Đức Giêsu muốn chúng ta yêu thương
người thân cận. Và tình yêu đối với
Người đòi hỏi chúng ta chu toàn ý muốn của
Người. Nhưng tương quan với người
thân cận phải được qui định bởi
tương quan với Đức Giêsu và phải
được tháp nhập vào trong tương quan này.
Nếu phải chọn lựa giữa Đức Giêsu và
một người gần gũi với ta, ta phải
chọn Đức Giêsu. Đàng khác, ta phải đào
luyện tương quan của mình với người thân
cận thế nào để không gây rối cho tương
quan của ta với Đức Giêsu. Tiêu chuẩn tối
hậu của đời sống chúng ta không phải là
nguyện vọng hoặc ý muốn của người thân
cận, hoặc sở thích của người ấy, hay
là sự hòa hợp với người ấy, nhưng là ý
muốn của Đức Giêsu và con đường trên
đó Người đang đi mà dẫn dắt chúng ta.
Người Kitô hữu không được tìm cách sống
hài hòa với người thân cận ngược lại
với ý muốn của Đức Giêsu, nhưng là với
và trong sự lệ thuộc ý muốn đó.
3.
Bước theo Đức Giêsu: hoặc là một cuộc
bước theo trọn vẹn, hoặc chẳng phải là
mộtcuộc bước theo. Người ta không
được chỉ chọn ra một vài nét thuộc
về hành trình của Đức Giêsu mà người ta
thích. Hoặc là người ta sẵn sàng đi với
Người trọn chuyến đi, hoặc có bắt
đầu cũng chẳng ích gì. Thập giá của
Đức Giêsu là dấu chỉ cụ thể về
sự trung thành vô điều kiện của Người
đối với thánh ý Chúa Cha, với định mệnh
của Người và với sứ mạng của
Người. Đối với Người, sự trung
thành này còn quý giá hơn chính mạng sống Người.
4.
Cộng đoàn Giêrusalem đã góp mọi sự lại, nên
không còn có ai bị nghèo túng ở giữa họ (Cv 2,44-45;
4,32-35). Hẳn là các Kitô hữu hôm nay cũng có thể
thứ những nẻo đường mới. Chắc
chắn nếu chúng ta chọn bước theo Đức
Kitô, chúng ta phải thay đổi thái độ của
chúng ta đối với của cải của thế gian
này.
|