Bạn đã yêu
mến Chúa ở thang bậc nào?
(Suy niệm của Lm
Fx Nguyễn Hùng Oánh)
Một
đám rất đông người theo
Chúa Kitô, cùng đi với Chúa Kitô. Lý do nào, động
lực nào thúc đẩy họ? Vì phép lạ
hoặc lời giảng dạy hoặc họ đã
nhận ra Chúa là Đức Kitô? Câu hỏi nào cũng
có thể đúng với một số người trong
đám đông hỗn tạp này cả (x.Lc 14,25-38).
Chúa dạy họ. Ta có thể đoán
được cái gì họ chưa có, Chúa mới dạy,
“Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ,
vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không
thể làm môn đệ Ta”, dịch đúng là “Nếu ai
đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh
chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn
đệ Ta”. Một lời dạy đọc ra “chói tai”, vi phạm giới răn thứ tư.
Ngôn ngữ Cựu ước thiếu lối so sánh “mà
hơn”, họ dùng lối đối ngẫu, cặp
đối lập thay vào, thí dụ: Thiên Chúa thương
Giacóp và ghét Esau, có nghĩa là “Thiên Chúa thương Giacóp
hơn Esau” (Mal 1, 2-3). Như vậy, lời Chúa dạy trên
phải hiểu: Nếu ai đến với Ta mà
thương yêu cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả
mạng sống mình hơn Ta thì không thể làm môn
đệ Ta.
Đó là điều kiện tiên quyết
đòi hỏi rất hợp lý hợp tình. Đặt Chúa trên các giá
trị khác. Tình gia đình sâu thẳm, ai
cũng nhận thế. “Công cha như núi
Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra”, nhưng công của Chúa, tình của Chúa
thương ta còn hơn cả cha mẹ, mến Chúa hơn
cha mẹ là đúng. Chúa là cha mẹ
ở bậc cao nhất vì Chúa tạo dựng mọi
sự, quan phòng và cứu chuộc, chết cho ta
đươc sống nên ta mến Chúa hơn cha mẹ là
đúng. Ai còn đặt một thứ
tình yêu nào trên tình yêu Chúa thì không xứng đáng làm môn
đệ Chúa. Biết đặt đúng giá trị
con người, sự vật, biết ưu tiên cho tình yêu
mến Chúa ta phải từ bỏ, phải hy sinh, phải
chịu thiệt cái này cái kia nghĩa là
phải vác thập giá theo Chúa. Không hy sinh, không từ
bỏ, không hạn chế điều này điều kia, ta chỉ có thể mến Chúa ngang hàng
với những thứ khác (tiền bạc, danh vọng,
vợ con), ta không xứng đáng làm môn đệ Chúa.
Nền
tảng của con người môn đệ Chúa là yêu
mến Chúa hơn mọi thứ khác hợp lý, hợp
luật (yêu cha mẹ là hợp lý hợp luật, yêu anh
chị em là hợp lý hợp luật v.v…). Còn
thứ hạng của môn đệ, cách thể hiện
người môn đệ thì khác nhau. Không phải ai
cũng bỏ mọi sự theo Chúa
như Mười Hai Tông đồ được. Có
người xin theo Chúa, Chúa đã dạy
ở nhà làm “Tông đồ giáo dân”. Chúa nói với đám
đông hai dụ ngôn để họ cân nhắc,
ước lượng sức của mình, biết mình nên
thuộc loại môn đệ nào:
-
Dụ
ngôn xây tháp, phải tính toán tiền bạc xem có đủ
không. Xây dở chừng, không hoàn thành, người ta sẽ
cười cho.
-
Dụ
ngôn ông vua sắp đi giao chiến với vua khác, tính toán
cẩn thận xem mình có đủ lực thắng không.
Không thắng thì tốt nhất là đi cầu hòa, hiệp
thương.
Như
vậy, đối với những người theo Chúa để làm Tông đồ như linh
mục, tu sĩ đã dấn thân thì nên dấn thân trọn
vẹn vì đã suy tính cân nhắc rồi. Từ
bỏ tất cả để sống phục vụ Chúa
và tha nhân. Bất nhất là không ra gì
hết. Đối với giáo dân, đời sống
trần thế là đối tượng tông đồ, làm
sao cho mọi sinh hoạt trần thế có tinh thần Tin
Mầng. Gia đình, công sở, xí nghiệp, chợ búa, khu
xóm đều là nơi ta tiếp xúc, làm việc, sinh
sống thể hiện người môn đệ của
Chúa. Đời sống nào cũng phải
đúng đắn, hợp luật. Thanh
niên chưa lập gia đình, phải sống đời
“độc thân tạm thời” cho thật đàng hoàng,
đạo đức. Người
lập gia đình, chọn bạn trăm năm chứ
không phải mười năm, đôi ba năm rồi ly
dị. Người công nhân phải chuyên cần,
đem sức lao động phục
vụ bản thân, gia đình và xã hội. Đời
sống nào cũng đòi hỏi quyết tâm, dấn thân
trong tinh thần vì yêu mến Chúa hơn tất cả.
|