Khiêm nhường - Lm. Phạm Thanh Liêm
Ai cũng thích được trọng vọng; tuy nhiên Lời
Chúa hôm nay dạy con người sống khiêm nhường. Ai sống khiêm nhường, sẽ được yêu thương và hạnh phúc.
Khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình
Có một số người tưởng rằng, khiêm nhường là phải nhận
mình là dở
nhất hoặc mình chẳng có gì hay. Vì quan niệm
như vậy, nên có người
thấy mình có điều hay, cũng không dám nhận và còn phủ
nhận điều đó. Thật sự, khiêm
nhường là chấp nhận sự thật về chính mình. Điều rất căn bản mà những
người khiêm nhường xác tín: “tất cả những gì mình có
hoặc hay hơn người khác, là ơn Chúa
ban, chứ tự mình thì không
chừng mình còn tệ hơn
cả những người tệ nhất”.
Khiêm nhường là chấp nhận
mình như “mình là”. Chấp nhận điều hay mình có, để
tạ ơn Chúa. Chấp nhận điều dở như mình là, để
“khiêm nhường”, không buồn phiền, không dằn vặt, không oán trách
hay càm ràm con người hay Thiên Chúa. Nếu mình có gì
hay, và cũng có thể hay hơn người khác, hãy “khiêm
tốn”nhận thực
rằng, nhờ ơn Chúa mà
mình có được
điều đó. Nếu nhờ ơn Chúa mà
mình hay hơn người khác, vậy thì tại
sao mình lại hành xử như thể do tự mình mà mình
có điều đó? Nếu nhờ ơn Chúa mà mình
có điều đó, thì đâu
có gì để
vênh vang tự hào!
Hay không kiêu, dở
không thất vọng! Đó là thái độ của người khiêm nhường. Nhận
thấy mình hay, hoặc được người khác khen mình, hãy
tạ ơn Chúa. Trong trường hợp
này, Chúa được tôn vinh. Con người
nhận ra hồng ân
Thiên Chúa ban cho họ.
Người khiêm nhường
có thể sống với mọi người
“Càng khiêm
nhường, càng trở nên tuyệt,
và càng đẹp
lòng Thiên Chúa”. Một người khiêm nhường, là người “đẹp”.
Họ không khinh người kém hơn họ,
hơn nữa, họ luôn kính
trọng người
khác, và coi mình cũng
như tất cả mọi người, nếu họ có gì
hay, đó là do được ban cho, chứ tự họ, họ cho rằng họ cũng bình thường và không chừng
còn dở hơn mọi người.
Người khiêm nhường, là người đề cao Thiên Chúa
trong đời sống. Những người kiêu ngạo, thường cho mình hơn
người khác, đòi người khác đối xử với mình cách đặc
biệt như mình muốn. Hình ảnh của người đi dự tiệc muốn ngồi chỗ nhất trong dụ ngôn Đức Yêsu nói trong
Tin Mừng hôm nay là một thí
dụ. Người không khiêm nhường,
dễ làm cho người khác khó chịu,
đặc biệt những người “kiêu ngạo”như họ. Họ đòi ngồi chỗ nhất, đòi người khác phải chào hỏi, đòi người khác phải xưng hô với
họ thế này thế kia.
Người khiêm nhường, không ước vọng quá sức mình. Chấp nhận mình như mình là,
chấp nhận mình như Chúa
muốn vậy, và an bình
trong cuộc sống của họ. Nói như vậy,
không có nghĩa là những
người “khiêm nhường”này không phấn đấu hoặc không cố gắng. Một khi họ
đã cố gắng hết sức, họ chấp nhận kết quả một cách an
bình. “Không
tìm điều ngoài sức mình”.
Đức Yêsu- người
khiêm nhường tuyệt vời
Đức Yêsu, vốn là Thiên Chúa,
nhưng đã không đòi cho được ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã tự huỷ trở nên một
người phàm
(Pl.2, 6). Người yêu thương
người khác, bất chấp họ cư xử như thế nào với
mình, vẫn yêu thương và chấp nhận
họ, đó là người khiêm nhường tuyệt vời.
“Yêu mến
là chu toàn
tất cả lề luật”. Yêu mến bao gồm mọi nhân đức. Yêu mến, là chấp
nhận người
khác như họ là, và
cố gắng giúp họ trở
nên tốt hơn, ngay cả phải chết. Những người này,
khi làm như
vậy, đang trở nên giống
Đức Yêsu, đang trở nên một Yêsu
khác.
Thập giá, ngày
xưa, bị coi là dấu
chỉ của sự đáng nguyền rủa và bị khinh
bỉ.
Hôm nay, với tình yêu và cái
chết của Đức Yêsu, thập giá trở thành dấu chỉ của tình yêu, dấu chỉ của sự chiến thắng. Ước gì mọi Kitô hữu đều giống Thầy Chí Thánh, khiêm tốn
và yêu thương
đối với mọi người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Có người cho rằng, khiêm nhường đồng nghĩa với giả hình và nhu
nhược. Bạn
trả lời sao?
2. Theo bạn, tại sao người
ta thường không muốn nhận sự thật về chính mình?
3. Bạn có nghĩ
rằng, khiêm nhường giúp người ta dễ sống hạnh phúc không? Tại sao?
|