Hãy
chiến đấu để qua được cửa
hẹp mà vào --- Suy niệm
của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Câu Kinh Thánh “Hãy đi đường
hẹp… Đừng đi đường rộng” có
thể áp dụng cho “những con đường nên thánh”
không? Áp dụng thế nào?
2. Nên thánh bằng con đường
rộng, và bằng con đường hẹp là gì?
Suy tư gợi ý:
1. “Hãy
chiến đấu để qua được cửa
hẹp mà vào”
Thông
thường, ai cũng thích đi vào những con
đường rộng rãi, cao cấp, vì tại đó có
thể đi bằng những loại xe lớn, mắc
tiền, tốc độ cao, có thể phóng xe thoải mái,
đỡ mệt trí. Không mấy ai thích đi
đường hẹp, nhỏ, vì chỉ có thể đi
bằng xe nhỏ hay đi bộ,
vừa mệt lại vừa chậm chạp.
Cũng
vậy, để đạt tới sự thánh thiện,
theo tâm lý tự nhiên, ai cũng thích đi con
đường rộng, vừa làm những việc
lớn lao, tiếng tăm lừng lẫy, được
mọi người coi là vĩ đại, tôn là thần
thánh, vừa đỡ phải hy sinh, đỡ chịu
thiệt thòi, vừa có danh, lợi, quyền, nhờ đó
được hưởng biết bao ưu đãi,
đặc quyền đặc lợi mà thế gian dành cho…
Biết bao người muốn nên thánh bằng con
đường “siêu xa lộ”này. Người
chủ trương nên thánh kiểu này chủ trương
rằng phải nên thánh làm sao để được
hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời
sau. Quả là một tính toán hết sức khôn ngoan…
kiểu trần gian! Chẳng mấy ai muốn nên thánh
bằng con đường hẹp, nhỏ, là con
đường làm những việc nhỏ bé, tầm
thường, âm thầm, vừa phải hy sinh nhiều mà
chẳng được ai biết đến, lại
chẳng được chút ưu đãi gì của trần
gian. Quả là thiệt thòi nhiều chuyện!
Nhưng Đức Giêsu dạy chúng ta,
đương nhiên ngay cả trong việc nên thánh, rằng
hãy đi con đường nhỏ hẹp, khiêm nhu, ít
người thích đi.
Điều hết sức nghịch lý nhưng lại
rất chí lý là con đường nhỏ hẹp ấy
đem lại nhiều kết quả cho việc nên thánh
đích thực hơn là con đường rộng rãi thênh
thang. Vì đặc trưng của việc nên
thánh là như vậy. Muốn nên thánh mà lại
muốn đi vào đường lớn, muốn làm
những việc to tát để ai cũng biết
tiếng, để có được những thứ mà người
trần gian thường ao ước! Coi chừng kẻo
mình đang làm mọi sự vì mình, vì vinh danh mình, vì lòng kiêu
ngạo, để làm phình to bản ngã, chứ không
phải vì vinh danh Chúa hay vì yêu mến Chúa và vì lợi ích
của tha nhân. Mang tiếng là vì Chúa, cho Chúa, nhưng
thực ra là vì mình tất cả! Chúa chỉ là phương
tiện phục vụ cho những mục đích của
mình! Chính vì thế, con đường thênh
thang rộng rãi đầy “mầu mè thánh thiện” này
nhiều khi lại dẫn đến đổ vỡ
trước mặt Thiên Chúa. Sự
đổ vỡ ấy được đề cập
đến ngay trong bài Tin Mừng này.
2. Một
sự đảo ngược không ngờ
Những
người muốn nên thánh kiểu “khôn ngoan”kia
thường nghĩ rằng: đời này mình
được thần thánh hóa, được mọi
người tôn vinh, nể trọng, kính phục, ắt
đời sau mình cũng là một nhân vật đáng
kể ở trên trời. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho
thấy vào “ngày ấy”, có một sự đảo lộn
không ngờ được: “Và kìa có những kẻ
đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những
kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.
Đứng chót cũng còn đỡ, bài Tin Mừng còn cho thấy
một viễn ảnh đen tối hơn: “Bấy
giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng,
khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả
các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên
Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài”. Đương
nhiên sẽ có biết bao người lấy làm lạ, vì
thấy mình đã làm cho Chúa biết bao nhiêu điều to
tát ở trần gian. Họ hỏi Chúa: “Chúng tôi đã
từng được ăn uống
trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng
giảng dạy trên các đường phố của chúng
tôi”. Hoặc “Nào chúng tôi đã chẳng
từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ
quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?”(Mt
7,22). Nhưng câu trả lời của
Chúa thật như tát vào mặt họ một cách bất
ngờ: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất
cả những quân làm điều bất chính!”
Thật ít ai hiểu được tại sao những
người mà trần gian tưởng rằng đầy
công nghiệp trước mặt Chúa lại bị Chúa
trả lời phũ phàng và “vô ơn” đến như
vậy!
3.
Muốn nên thánh, hãy chọn con đường nhỏ
hẹp mà đi
Bài
Tin Mừng trên quả thật đáng làm cho chúng ta ngạc
nhiên và suy nghĩ, nhất là những người Ki-tô
hữu đang theo lý tưởng nên
thánh. Liệu sự đảo lộn ấy
có áp dụng ngay trên chính bản thân ta không?
Điều quan trọng là chúng ta cần xác định xem
mình đang đi trên con đường loại nào
để nên thánh? Đường nhỏ hay
đường lớn? Đường mòn hay xa lộ?
Nếu chúng ta thật sự muốn thành công trong việc
nên thánh, hãy cẩn thận, đừng ham con
đường rộng rãi, “vì cửa rộng và
đường thênh thang thì đưa đến diệt
vong, mà nhiều người lại đi qua đó”(Mt 7,13). Hãy chọn con đường
nhỏ hẹp, vì “cửa hẹp và đường
chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít
người tìm được lối ấy”(Mt
7,14). Nhưng thế nào là nên thánh bằng con
đường rộng? Và thế nào là nên thánh bằng con
đường hẹp?
Ta
đang đi trên đường rộng, nếu ta vừa
muốn nên thánh, mà lại vừa muốn và tìm cách dùng
sự nên thánh ấy để hưởng được
ít nhiều những thứ mà mọi người thế
tục mong ước: quyền lực, tiếng tăm,
địa vị, tiền bạc, được ca
tụng, tôn vinh, quí trọng, được thần thánh
hóa, được mọi người coi là đạo
đức thánh thiện, được ưu đãi trong
Giáo Hội cũng như ngoài xã hội bất chấp tài
đức hèn mọn của mình, được ăn ngon
mặc đẹp, và những thú vui trần tục khác. Những người nên thánh kiểu này có thể
làm rất nhiều việc được coi là đạo
đức, tốt đẹp, thậm chí dạy mọi
người nên thánh nữa. Họ
thường có vẻ bên ngoài rất thánh thiện,
đạo mạo. Đức Giêsu nói về họ:
“Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có (…)
những kẻ bây giờ đang được no nê (…)
những kẻ bây giờ đang được vui
cười (…) được mọi người ca
tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được
cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6,24-26). Các nhà tu đức thường nói
về họ: “sanctus videtur sed non est”(có
vẻ thánh mà thực ra không phải). Vì họ phải
như thế thì mới được mọi
người nghĩ họ là thánh! Đặc tính không
dấu được của những người này là
để lộ ra “cái tôi” rất lớn của mình! Họ khó có thể chấp nhận có ai xúc
phạm đến họ. Và họ không bao giờ dám
dấn thân vào những gì nguy hiểm đến sự
sống còn, đến địa vị hay nồi cơm
của họ, khi lý tưởng “vì Chúa vì tha nhân”và tư
cách “thánh thiện” của họ đòi hỏi!
Ta
đang đi trên đường hẹp, nếu ta muốn
nên thánh mà không ham được ai biết đến,
cũng không tìm cách dùng cái “vẻ thánh thiện” của mình
để hưởng được những thứ
“hấp dẫn” trần tục ấy. Đặc tính
dễ nhận ra của những người này là họ
coi “cái tôi” của họ rất nhỏ! Không
cảm thấy có vấn đề gì lớn khi bị ai
xúc phạm, hiểu lầm. Họ không
thích làm ra vẻ thánh thiện, đạo mạo. Và
họ cũng sẵn sàng hy sinh khi lý tưởng vì Chúa vì
tha nhân đòi hỏi. Các nhà tu đức thường nói
về họ: “sanctus non videtur sed est”(không
có vẻ thánh nhưng lại là thánh).
4. Hãy
tự xét mình để đừng ảo tưởng
về mình
Quả
thật, nhiều khi chúng ta tưởng mình rất tốt
lành trước mặt Thiên Chúa, chỉ vì ta đã làm
được biết bao việc tốt lành, nhiều
hơn biết bao người khác! Vì những
việc tốt đẹp ấy, biết bao người
đã nể phục, kính trọng ta, khen ta là thánh thiện,
tốt lành, đạo đức. Nhưng có bao
giờ ta tự hỏi: trước con mắt của Thiên
Chúa, ta cũng được đánh giá tốt lành như
người chung quanh ta đánh giá không?
Ta làm được biết bao việc tốt lành,
nhưng động lực gì thúc đẩy ta làm những
việc ấy? Vì yêu Chúa thương
người khác được bao nhiêu phần trăm?
Hoặc làm để được tiếng
khen, để tạo uy tín, để được kính
nể, để nhờ đó ta được bề trên
và nhiều người tín nhiệm hơn, được
lên chức, được nắm nhiều quyền
hơn, vì sự khôn ngoan trần gian đòi buộc như
thế… bao nhiêu phần trăm? Nếu
thành thực với lòng mình, nhiều khi ta thấy mình vì
Chúa, vì người khác rất ít, mà vì mình thì rất
nhiều. Hãy coi chừng kẻo ta đang muốn nên
thánh bằng con đường rộng rãi thêng thang, tuy
được người trần gian ca tụng là thánh
thiện, được thế gian tôn trọng ưu
đãi, nhưng trước mặt Chúa lại là con số
không to tướng! Cần luôn tỉnh thức và hồi
tâm xét lại những động cơ của mình!
Cầu nguyện
Lạy Cha, thế lực xấu ở
ngay trong bản thân con thật tài tình! Nó có thể đánh
lừa chính con ngay cả trong việc cao cả nhất là
việc nên thánh. Nó làm con tưởng rằng mình đang
tiến bộ rất nhanh trên con đường nên thánh,
vì làm được biết bao việc tốt lành cho Chúa
và tha nhân! Nhưng thực ra con đang xây dựng cho vinh
quang của con trước mặt người đời.
Con đã ăn cắp vinh quang của Cha
để hưởng cho con. Xin cho con biết phản
tỉnh sâu xa để nhận ra tình trạng tệ
hại ấy, và trở lại với con đường
nên thánh nhỏ bé mà Cha muốn con đi. Amen.
|