Cửa hẹp
Nếu
một người nào đó hỏi chúng ta: “Phải
chăng chỉ có những người theo đạo Chúa
mới được cứu độ?” hay “Có phải
chỉ có một số ít người được vào
nước trời?”. Chúng
ta sẽ trả lời thế nào? Câu hỏi này
xưa kia có người đã hỏi
Chúa Giêsu. Sở dĩ ông ta hỏi như
vậy vì hồi đó có nhiều quan niệm và chủ
trương khác nhau. Giáo lý của nhóm Pharisêu thịnh
hành lúc ấy cho rằng: thế giới hạnh phúc mai
hậu chỉ dành cho một số ít thôi, còn đa số
sẽ phải khốn khổ. Còn những người phái
khắc khổ Ét-sê-niên thì khẳng định ngon lành
rằng: chỉ những thành viên của họ mới
được cứu độ. Có lẽ vì
có những chủ trương khác nhau như vậy, nên
người này đến hỏi Chúa Giêsu cho biết rõ
sự thực như thế nào.
Chúa Giêsu đã trả lời. Câu trả lời của
Chúa vừa là bài học cho chúng ta vừa là giải đáp
để chúng ta có thể trả lời cho những
người khác. Chúa Giêsu đã khẳng định
rằng: tất cả mọi người đều
được cứu độ. Đó là giáo
lý trước sau như một của Chúa. Bởi vì
“Thiên Chúa là Cha, Đấng mong muốn mọi người
được cứu thoát”, “Đấng không muốn
bất cứ ai phải hư đi”, “Đấng không
muốn một trong những kẻ bé mọn phải hư
mất”. Bàn tiệc của Thiên Chúa là bàn
tiệc mở ra cho muôn dân, nghĩa là nước trời
được mở ra đón nhận mọi
người. Chúa đến trần gian,
chịu nạn chịu chết cho mọi người,
cứu chuộc mọi người, chứ không phải
chỉ một số người nào thôi.
Như
vậy, Chúa cứu chuộc mọi người là một
điều rõ ràng và dứt khoát rồi. Nhưng
được cứu độ hay không là hoàn toàn do
mỗi người. Vì thế, Chúa Giêsu muốn mọi
người đừng bao giờ còn đặt vấn
đề một cách sai lầm và tiêu cực rằng:
phải chăng chỉ có ít người được
cứu độ? Hay tôi có được cứu
độ không? Trái lại, phải nói rằng: tôi có
muốn được cứu độ không? Bởi vì
ơn cứu độ Chúa Giêsu đã lập là phổ quát chung cho mọi người, ơn cứu
độ luôn chờ sẵn ngoài cửa mỗi tâm hồn.
Và muốn được cứu độ
thì phải áp dụng các phương pháp và phương
thế đó chính Chúa Giêsu cũng đã đề nghị
và chỉ dạy cho chúng ta, đó là cố gắng vào
cửa hẹp.
Cửa
hẹp không phải vì Thiên Chúa hà tiện, hẹp hòi,
khắt khe mà vì con người chúng ta không đủ
nhỏ để dễ dàng đi vào. Nói khác
đi, cửa nước trời không hẹp mà chính vì chúng
ta quá cồng kềnh. Đó là sự cồng kềnh
của những hành lý chúng ta đang mang nặng trên vai
như tiền bạc, của cải, tình duyên, danh
vọng, thú vui, hưởng thụ… Khiến
chúng ta bị vướng ngoài cửa. Đó là sự
cồng kềnh của cái tôi: cái tôi nặng nề của
đam mê, xác thịt. Cái tôi cứng cỏi vì
lòng ích kỷ. Cái tôi hèn nhát vì sợ hãi không dám dấn
thân… Như thế đó, cánh cửa
nước trời mà nhiều người thiện chí
đã vào được dễ dàng, thì đã trở thành
khung cửa hẹp đối với những người
khác, vì cái tôi, vì hành lý của họ quá cồng kềnh.
Cho nên, chúng ta vào được nước trời hay không
là do chúng ta chứ không phải do Chúa. Thánh Âu Tinh đã nói:
“Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý
kiến chúng ta. Nhưng để cứu
chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng
ta”. Do đó, vấn đề không phải là đòi
Thiên Chúa nới rộng cửa, nhưng là chính chúng ta
phải biết trở thành bé nhỏ. Nói theo
ngôn ngữ đạo đức quen thuộc, là chúng ta
phải từ bỏ chính mình, tức là phải từ
bỏ những gì chúng ta thích, chúng ta muốn, nhưng không
đẹp lòng Chúa.
Lời
Chúa nhắc nhở chúng ta hãy xét lại đời sống
của mình, kiểm điểm lại thái độ
sống của mình xem: những gì đang là những cái
cồng kềnh cản trở chúng ta vào nước
trời. Chúng ta hãy lục soát kỹ lương tâm xem: có
phải chúng ta đang là nô lệ của rất nhiều
ông chủ không? Có những ông chủ rõ ràng như tiền
bạc, danh vọng, bia ôm, cà phê đèn
mờ, đua đòi, chưng diện, thú vui không lành
mạnh… Có những ông chủ khác như ích kỷ, thói quen
xấu, giữ đạo vụ hình thức, định
kiến, thành kiến đối với người này
người khác… Nhiều lắm, mỗi
người đều có những ông chủ khác nhau. Đó chính là những cái cồng kềnh khiến
chúng ta bị vướng ngoài cửa hẹp, và giả
như Chúa gọi chúng ta hôm nay, chúng ta có chắc mình
được cứu độ không?
Hơn
nữa, bản tính con người hay thay đổi, thích
mới nới cũ, ưa chuộng hào nhoáng, chạy theo
thị hiếu, mà dễ quên mục đích tối hậu
của mình: Một đàng thì bị thế gian cám dỗ,
luôn luôn đánh bóng lên những thứ trái cấm như
tranh ảnh, sách vở, báo chí, thời trang, hình
tượng, phim ảnh, nghệ thuật… càng là trái
cấm càng quyến rũ mãnh liệt. Đàng khác, con
người lại có tật xấu là mau nản, dễ
đầu hàng: một lần thất bại là chúng ta mang
mặc cảm và không muốn chỗi dậy nữa, buông
xuôi.
Tóm
lại, thật nhiều và rất nhiều hình thức lôi
kéo, thúc đẩy, xúi giục chúng ta tìm con đường
thênh thang, dễ dãi, ngại khó, sợ khổ, tránh con
đường hẹp. Vì thế, chúng ta phải luôn
nhớ bài học của Tin Mừng hôm nay: phải đi
vào con đường hẹp, phải phấn đấu
hết mình để vào cửa hẹp. Cũng như
tất cả chúng ta đều biết bài học:
“Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu đầy
tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”,
thì trên phạm vi siêu nhiên cũng thế, Chúa đã nói: “Ai muốn
theo Tôi, hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo”. “Ai
bền đỗ đến cùng mới được
cứu rỗi”. Cũng vậy, nếu
ở đời “Có khó mới có miếng ăn”. “Không có hạnh phúc nào có thể đạt
được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc
nước trời đòi hỏi chúng ta phải chịu
khó gấp bội mới chiếm được. Xin Chúa cho chúng ta nhớ bài học hôm nay và thực
hiện mỗi ngày suốt đời chúng ta.
|