Ngôn sứ và những hệ
lụy
(Suy niệm của
Lm. Thiện Duy)
Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ
Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc thống kê:
Trong năm 2012, 12 vị thừa sai đã thiệt mạng
trên những bước đường truyền giáo. 10
vị là các linh mục, hai vị còn lại là một
nữ tu và một giáo dân. Trong 4 năm liên tiếp, Mỹ
Châu là vùng đất nơi máu các nhà truyền giáo
đổ ra nhiều nhất. Trong năm qua đã có 6 linh
mục bị giết tại đây. Tại Phi Châu, 3 linh
mục và một nữ tu bị giết. Tại Á Châu,
một linh mục và một giáo dân bị giết. Thống
kê này không kể đến số các nhà truyền giáo trong
đó có cả các Giám Mục bị đánh đập
đến mang thương tích, bị giam cầm, khủng
bố, hăm dọa, mạ lỵ công khai tại một
số quốc gia.
Trong
bối cảnh đau thương như vậy, phụng
vụ lời Chúa hôm nay vang lên như thể củng cố
thêm đức tin cho những chiến sĩ đức tin
của Chúa, rằng đó là thân phận của những ngôn
sứ.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1. Bài
Đọc I: Gr 38, 4-6. 8-10
Bài
đọc I cho chúng ta thấy thân phận ngôn sứ
của Giêrêmia. Ông được kêu gọi khi còn rất
trẻ, vào năm 19 tuổi, tức khoảng năm 626 TCN,
vào lúc đất nước ông đang ở trong thời
kỳ khủng hoảng cả về chính trị lẫn
niềm tin. Ông được sai đi để kêu
gọi dân của mình sám hối, ăn năn quay trở
về. Nhưng thay vì họ ăn năn sám hối quay
về với Chúa, thì họ vẫn tiếp tục phạm
tội. Đặc biệt hơn là họ còn muốn
giết chết cả tiên tri Giêrêmia, người thay Thiên
Chúa đến nhắc nhở họ; để họ
khỏi phải áy náy về hành động sai lầm
của mình. Cám ơn Chúa, còn có những người
thấy được tội ác đó nên đã giải
cứu cho Giêrêmia.
2. Đáp
ca: Tv. 39
Đây
là lời kêu xin rất phù hợp với tâm tình của tiên
tri Giêrêmia: “Tôi đã trông cậy ở Chúa, và Ngài đã
nghiêng mình về bên tôi”. Chúa nghiêng mình về phía những
người cầu khẩn Ngài chi vậy? Thưa
để “Kéo tôi ra khỏi hố diệt vong”, giống
hoàn cảnh của tiên tri Giêrêmia; và để “làm cho chân tôi
vững bước”. Sau khi kéo ra khỏi chỗ chết,
Chúa sợ tiên tri của Chúa nản lòng, nên Ngài còn củng
cố thêm sức mạnh để họ tiếp tục
thực hiện sứ mạng ngôn sứ của mình.
3. Bài
Đọc II: Dt 12, 1-4
Tác
giả thư Do Thái mời gọi họ hãy “kiên trì trong
đức tin”, vì Đức Giêsu Kitô đã cam chịu
để cho những người tội lỗi chống
đối mình”, nên “đã được ngự bên hữu
ngai Thiên Chúa”. Người môn đệ Chúa nếu biết
kiên trì cam chịu những chống đối trong đời
sống đức tin giống như các ngôn sứ, thì
chắc chắn cũng sẽ được phần
thưởng dành cho bậc ngôn sứ.
4. Tin
Mừng: Lc 12, 49- 53
Đang
trên đường lên Giêrusalem, nghĩa là sẽ đi
đến cái chết, nên CG đã chia sẻ với các môn
đệ về sứ mạng của Ngài và những
hệ lụy khi phải chấp nhận sứ mạng
đó. Ngài đã nói: “Thầy còn một phép rửa phải
chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho
đến khi việc này hoàn tất”. Ngài là Đấng
cứu thế. Ngài thực hiện sứ mạng của
mình không bằng quyền lực, sức mạnh, nhưng
bằng sự yếu nhược và cái chết. Có phải
là Ngài thất thế, Ngài đành bó tay trước sức
mạnh của kẻ khác không? Thưa không, mà đó là
sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì con người chúng ta còn
biết rõ một sự thật: “Lấy oán báo oán, oán
chồng chất. Lấy ân báo oán, oán tiêu tan”. Thì huống
hồ chi Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài muốn dùng con
đường tình yêu để cứu độ chúng ta
chứ không phải con đường của quyền lực,
sức mạnh. Chính vì vậy “phép rửa” mà Ngài muốn
nói đến ở đây chính là con đường
thập giá mà Ngài sắp bước vào. Đó là sứ
mạng ngôn sứ của Ngài.
Tiếp
theo, Ngài nói đến những hệ lụy của thân
phận ngôn sứ đó. Ngài nói: “Anh em tưởng Thầy
đến để ban hòa bình cho trái đất sao?
Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế
đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Mới nghe
điều đó chúng ta giật mình, vì Thiên Chúa mà lại
đem đến sự chia rẽ cho người ta sao?
Hơn nữa Ngài đã từng chúc phúc cho những ai
biết xây dựng hòa bình, chẳng lẽ Ngài lại
tự chúc dữ khi là người đem đến sự
chia rẽ? Chúng ta phải hiểu Ngài đích thực là Vua
Hòa Bình, chính Hòa Bình Ngài đem đến sẽ khiến cho
những ai không đón nhận bị chia rẽ. Những ai
không đón nhận chân lý của Ngài sẽ tự mình chia
rẽ. Hơn thế nữa họ còn quay lại chống
đối với những người đón nhận chân
lý đó. Thậm chí ngay trong một gia đình, sẽ có
người đón nhận và có người từ
chối, hậu quả là sự chia rẽ. Đó là hệ
lụy của thân phận ngôn sứ, sẽ bị
những người từ chối chân lý chống đối,
và muốn giết chết.
II. THÂN PHẬN NGÔN SỨ VÀ NHỮNG
HỆ LỤY
1. Tấm
gương của Môsê
Trong
suốt những tuần qua, các bài đọc ngày
thường của năm lẽ kể lại cho chúng ta
thân phận ngôn sứ của ông Môsê. Thiên Chúa trao cho ông
sứ mạng mà ông không muốn và không có khả năng.
Nhưng vì nghe lời Thiên Chúa và thương mến dân
tộc của ông mà ông đã chấp nhận thân phận
ngôn sứ, chấp nhận lãnh đạo một đoàn
dân cứng cổ cứng đầu. Đến nỗi có
những lúc ông tuyệt vọng, ông than trách với Chúa:
“Chúa coi, con không cưu mang, không sinh ra dân này, mà Chúa bảo
con hãy bồng nó vào lòng mà đem đến miền
đất ta đã thề hứa với cha ông chúng.
Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa,
vì nó nặng quá sức với con. Nếu Ngài xử với
con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn. Tuy nhiên,
giận thì giận mà thương thì vẫn thương.
Chính ông là người đã đứng ra van xin Chúa tha
thứ cho dân nhiều điều, đã đứng ra
nhận lỗi về phần mình, đã xin Chúa có phạt
thì phạt ông chứ đừng phạt dân mà tội
nghiệp! Và cũng chính vì dân chúng mà Môsê đã không vào
được vùng đất Chúa hứa, nhưng phải
chết ở bên ngoài vùng đất đó. Đó là tấm
gương của một ngôn sứ và những hệ
lụy khi chấp nhận thân phận ngôn sứ. Tất
cả vì sứ mạng mình đã lãnh nhận, không nghĩ
gì đến bản thân mình.
2. Một
lần ý thức
Chúng
ta đã lãnh Bí tích Rửa tội, nhưng nhiều khi chúng
ta không biết hoặc quên sứ mạng ngôn sứ của
mình. Chính vì vậy hôm nay là dịp để một lần
chúng ta ý thức mình đã là ngôn sứ, vì vậy phải
chấp nhận thân phận của một ngôn sứ và
những hệ lụy của thân phận ngôn sứ.
III. CHẤP NHẬN THÂN PHẬN NGÔN
SỨ VÀ NHỮNG HỆ LỤY
1. Thân
phận ngôn sứ
Thiên
Chúa đã nói với Giêrêmia: “Ta đặt Lời của Ta
vào miệng ngươi”. Chính vì vậy ngôn sứ là sứ
giả và là người phát ngôn của Thiên Chúa. Các ngôn
sứ ý thức nguồn gốc thần linh những
sứ điệp của mình, nên họ nói: “Đức Chúa
phán”, hoặc “Đó là lời Chúa”, chứ không phải
lời của họ.
Kitô
hữu là người nói thay lời của Thiên Chúa. Chính vì
vậy họ phải thường xuyên nối kết
với Thiên Chúa để có thể biết, hiểu và trình
bày lại cho người khác những giáo huấn tinh
tuyền của Ngài. Cần phải lưu ý là “những
giáo huấn tinh tuyền”. Ngày hôm nay có quá nhiều “sứ
điệp từ trời”, “sứ điệp của
Đức Maria”, “sứ điệp mang danh của
Đức Giáo Hoàng này, Đức Giáo Hoàng nọ”… Kitô
hữu cần phải khôn ngoan để phân biệt
đâu là sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gởi
đến chúng ta. Chúng ta đừng tìm đâu xa, sứ
điệp đích thực của Thiên Chúa nằm trong Thánh
Kinh và Giáo lý cũng như những lời giảng dạy
chính thức của Hội Thánh. Họ hãy thông truyền
bằng cách sống theo Lời Chúa và Luân Lý của Giáo Hội,
cũng như tiếng nói của lương tâm ngay lành.
Mấy ngày nay người ta xôn xao câu
chuyện bác sĩ Nguyệt đã làm đơn tố cáo
bệnh viện Đa Khoa Hoài Đức ở Hà Nội
“nhân bản kết quả xét nghiệm”. Việc này làm cho
những bệnh nhân bàng hoàng vì kết quả xét nghiệm của
mình được lấy từ những mẫu có
sẵn. Việc làm này của chị có thể nói là hành
động của một ngôn sứ vì chị đã dám nói
lên sự thật, dám nói lên công lý, dù biết mình sẽ
gặp rất nhiều nguy hiểm.
Còn
chúng ta, chúng ta đã dám sống theo lời Chúa dạy,
đã dám sống theo luân lý Kitô giáo và tiếng nói
lương tâm ngay lành chưa?
2. Hệ
lụy của ngôn sứ
Tuy
nhiên khi chấp nhận thân phận của một ngôn
sứ thì chúng ta cũng phải đón nhận những
hệ lụy của nó. Ông Môsê, tiên tri Giêrêmia, Gioan Tẩy
Giả và tất cả các tiên tri đều phải
chấp nhận việc bị người ta ghét bỏ,
thậm chí là giết chết. Đức Giêsu cũng đã
đi trên con đường thập giá. Chúng ta là những
ngôn sứ, cũng phải chấp nhận những
chống đối, những hiểu lầm, những ghen
ghét, những loại trừ… nói chung là những bách hại
để sống sứ mạng của ngôn sứ. Những
bách hại đó đôi khi trong chính gia đình chúng ta.
Chồng kêu vợ đi lễ, cô ta trả lời: “Ông ráng
đi đi, mai mốt thành ông cha luôn!” Nếu người
chồng không chấp nhận thân phận ngôn sứ sẽ
bỏ luôn vai trò ngôn sứ. Những bách hại đó
đôi khi trong chính khu xóm của chúng ta. Tháng Mân Côi, khu
trưởng lại bàn về việc rước
Đức Mẹ về nhà đọc kinh, thay vì
được nhận lời, còn bị chửi nữa.
Nếu không chấp nhận thân phận ngôn sứ chúng ta
sẽ dễ chán nản.
Những
bách hại đó đôi khi trong chính đoàn thể của
chúng ta. Ai làm gì cho mình giận là mình không thèm tham gia nữa,
làm như thể mình phục vụ những con
người trong hội đoàn đó chứ không phải
phục vụ Chúa và Giáo Hội vậy?
Những
bách hại đó dành cho mọi ngôn sứ, nhưng
thường dành cho những người đứng
đầu nhiều hơn. Khi giết được cha
Phanxicô Trương Bửu Diệp, người ta đã
thả cho giáo dân của cha về.
Các
Linh mục làm việc bác ái, người được thì
hớn hở, người không được thì giận
hờn, thậm chí bỏ đạo luôn. Giáo dân trong họ
đạo bắt cha sở phải làm theo ý của họ
với luận điệu họ đạo này là của
chúng con, cha phải làm theo những gì chúng con đề ra…
Đức
nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong Tự
Sắc Cửa Đức Tin:“Giáo Hội tiếp tục
cuộc lữ hành giữa những cuộc bách hại
của trần thế và những an ủi của Thiên Chúa,
loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho
đến khi Ngài đến”. Như thế, người
tín hữu vẫn luôn phải trải qua những gian nan cho
niềm tin của mình. Nhưng họ có Chúa nâng đỡ
và phù trì. Sự gian nan ấy không làm nghẹt đức tin
và lòng trông cậy nơi họ, nhưng trái lại, như
lửa thử vàng, gian nan thử thách, chính sự gian nan là
bằng chứng cho một tình mến nồng nàn
đối với “Đấng đã yêu thương và phó
mình vì tôi”.
|