Đời
sống của người môn đệ Chúa Kitô
Các bản văn Lời Chúa hôm nay
giới thiệu cho chúng ta một lối sống
dường như có thể gọi là không biết mềm
dẻo, không biết trước biết sau!
Trước hết, ta gặp ngôn
sứ Giêrêmia: ngài phản đối đường
lối chính trị muốn đi theo Ai-cập; ngài khuyên vua
Xítkigiahu (Sêđêcia) theo Nabucôđonôxo để
được yên ổn. Bởi vì quần thần không
nghe nên Giêrêmia bị tống ngục. Nhưng ngài cứ
nhất định loan báo những tai họa sẽ
đổ xuống trên Dân Chúa nếu họ không rời xa
con đường gian ác họ đang theo. Thế là
người ta kết án ngài là người chủ bại,
người ta sỉ vả ngài là đã làm nao núng tinh
thần của dân chúng… Kết quả là ngài bị bỏ
xuống một cái hầm nước chỉ có bùn,
để cho ngài chết đói và chết ngộp.
Ta tự hỏi:Vị ngôn sứ có cần
phải lao khổ như thế không?
Rồi Chúa Giêsu chính là vị Mêsia mà Israel vẫn mong
đợi. Nhưng trong khi người ta trông chờ
Người đến trong vinh quang khải hoàn, để
giải phóng quê hương, Người lại cứ
khư khư tự giới thiệu là một người
nghèo, khăng khăng rao giảng một cuộc hoán
cải nội tâm, nhất định coi thường
những thành công ngoạn mục. Người sẽ là
dấu hiệu của sự chia rẽ và mâu thuẫn.
Bởi vì đứng trước Chúa Giêsu, mỗi
người phải đáp lại tiếng Người
mời gọi, mỗi người phải có một thái độ
đối với Người; do đó nhiều khi thái
độ đối với Chúa Giêsu sẽ gây nên sự
chia rẽ giữa những người thân thích. Kết
quả: Người chết trên một cây thập giá.
Chẳng lẽ không còn một giải pháp nào
khác sao?
Tác giả thư Do thái thì khuyến khích
các tín hữu kiên trì trong cuộc chạy đua, mắt
hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở
và kiện toàn lòng tin, trong khi người Do thái thì bảo
rằng Người là kẻ sống trên mây trên gió. Và tác
giả còn chuẩn bị cho các tín hữu chấp nhận
bị chống đối.
Thế thì được ích gì?
Không biết có những lý do, những
nguyên tắc, hay những triết lý nào đúng với
những hy sinh đó không. Nhưng khó mà tin được
rằng những lý luận, dù là những lý luận
chặt chẽ nhất, có thể đưa con
người tới chỗ sống quảng đại
như thế. Chỉ có niềm tin, chỉ có tình yêu
mới giải thích được. Chính niềm tin
vững chắc vào Thiên Chúa và tình yêu đối với Ngài
đã khiến các ngài cương quyết thi hành sứ
mạng, chứ không nao núng để rồi phải
uốn lưỡi nói cho người ta vui ta và chuyển
sang một lộ trình dấn thân khác.
Giêrêmia, Phaolô hay tác giả thư Do thái,
Đức Giêsu Mêsia, chính vì tình yêu mà các ngài đã hiến
mạng sống, một tình yêu chân thật đối
với một Đấng. Cả ba đã công bố
động lực đã thúc đẩy các ngài hành
động:
·
Lạy Đức Chúa, Ngài đã
quyến rũ con, và ngài đã thắng con”, đó là lời
của ngôn sứ Giêrêmia.
·
Tác giả thư Do thái viết: “Tôi
hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở
và kiện toàn lòng tin”.
·
Còn Đức Giêsu thì tuyên bố: “Tôi
luôn làm điều đẹp lòng Thiên Chúa”.
Còn chúng ta, có lẽ chúng ta quá
thường mất thì giờ để phân tích,
để giải thích, để xây những lý thuyết,
để biện minh, để thiết lập những
luật lệ.
Là Kitô hữu, trước hết không
phải là theo một triết lý nào, cũng không chỉ là
tuân giữ một nền luân lý nào, mà là trao hiến con tim
cho một Thiên Chúa là Chúa Tể quyền năng và Tình Yêu sâu
thẳm, cho Đức Giêsu đã chết và đã sống
lại. Là Kitô hữu là tin tưởng trọn vẹn vào
Lời của Người và đi theo Người tới
cùng, dù phải trả giá nào. Có nhiều khi phải hy sinh
những dây liên hệ tình cảm thắm thiết như
tình gia đình. Chúa Giêsu không hề phá hoại sự hòa
hợp trong gia đình hay muốn khuấy rối các gia
đình. Bởi vì Người có lúc đã nói: “Hãy làm tròn
bổn phận đối với cha mẹ” (Mc 7,10).
Nhưng Người khẳng định rằng, nếu
chúng ta là môn đệ Người, chúng ta phải sẵn
sàng hy sinh tất cả những gì cản trở
để thong dong bước theo Người.
Người dạy như thế không phải để
biến chúng ta thành nô lệ của Người, nhưng là
để chúng ta cùng chia sẻ sứ mạng của chính
Người.
Chúng ta hãy dâng tâm hồn cho Thiên Chúa Ba
Ngôi. Nếu lòng chúng ta thiếu sức nóng của tình Chúa,
không tha thiết hiệp thông huynh đệ, Chúa Kitô sẽ
mang lửa tình yêu đến sưởi ấm trái tim, làm
tan rã thái độ nghịch thù. Và Người cũng ban
cho chúng ta sự bình an: Người giao hòa chúng ta với
Chúa Cha, với chính mình ta, và với anh chị em chúng ta (x.
Ep 2,14-17) bằng cách đưa chúng ta về với
đời sống thật, là đời sống yêu
mến.
Sống như thế thì ít bảo
đảm hơn việc giữ đạo, giữ
luật cách khôn ngoan. Mong manh quá! Và có lẽ lại đòi
hỏi nhiều hơn! Nhưng sống như thế
chắc chắn là “hào hùng hấp dẫn” hơn nhiều!
|