Hãy tỉnh
thức sẵn sàng
1. Cách đây ít
lâu, tôi nhận được tin một linh mục ngủ
vào ban tối và sau đó ngài không còn thức dậy nữa,
khi người ta phát hiện thì ngài đã qua đời
từ lúc nào không ai hay biết! Hằng ngày, qua các
phương tiện truyền thông, biết bao tin tức
về cái chết của người nầy người
kia được loan đi, cá nhân có, tập thể có,
với nhiều lý do khác nhau; nhưng có khi nào chúng ta nghĩ
về sự ra đi về thế giới bên kia của
mình hay không? Có ai ngờ rằng cứ một
phút trôi qua, bình quân gần 200 người trên trần gian
nầy phải lìa thế? Mang thân
phận con người, có sinh ắt có tử, thế
nhưng có những người sống như không bao
giờ phải chết. Lời Chúa hôm nay nhắc
nhở mỗi người chúng ta hãy luôn tỉnh thức
sẵn sàng, bởi vì không biết lúc nào chúng ta sẽ
phải trình diện trước mặt Chúa.
2. Với
dụ ngôn thứ nhất, về "Người
Đầy Tớ Tỉnh Thức" (x. Lc 12,35-38),
Đức Giêsu dạy ta bài học tỉnh thức sẵn
sàng là luôn canh chờ, như người đầy tớ
canh chờ ông chủ đi ăn cưới trở
về. Với dụ ngôn thứ hai, về "Chủ Nhà
Tỉnh Thức" (x. Lc 12,39-40), Ngài
dạy chúng ta tỉnh thức sẵn sàng là luôn canh phòng. Dụ ngôn nầy không nhằm so sánh Thiên Chúa
với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến
cũng bất ngờ như kẻ trộm. Như ông
chủ từ tiệc cưới trở về cách bất
ngờ hay như kẻ trộm lúc nào đột nhập
vào nhà để trộm cướp không thể biết trước
được, cũng vậy không ai trong chúng ta biết ngày
giờ nào ta phải ra trước toà Chúa phán xét hay là khi
nào Chúa sẽ trở lại trong vinh quang, vì thế cách
tốt nhất mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta là
hãy luôn có thái độ canh chờ và canh phòng.
3. Nếu thái
độ tỉnh thức sẵn sàng bằng cách ngồi
nhưng không thì rất phí thời gian. Thậm chí không làm gì
thì dễ sinh ngủ gục, chừng đó không đón
được chủ trở về đúng lúc, cũng
như không thể canh phòng được kẻ trộm!
Vì thế Đức Giêsu muốn dạy ta cách tích cực
hơn trong việc canh chờ và canh phòng đó là phải chu toàn nhiệm vụ được giao phó.
Điều nầy được minh hoạ qua dụ ngôn
thứ ba, về "Người Quản Gia Trung
Thành"(x. Lc 12,41-48). Cái quý của
người quản gia nầy là không dùng chức vụ
được giao để tư lợi cho bản thân,
mà để phục vụ theo ý chủ.
Qua đó Đức Giêsu muốn dạy tỉnh thức
bằng cách chu toàn tốt nhất
nhiệm vụ được giao phó. Nhờ ơn
Chúa giúp, người Kitô hữu cố gắng dùng những
khả năng mà Thiên Chúa ban cho để phụng thờ
Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Đó chính là thái độ
tỉnh thức sẵn sàng, có như thế thì dù chúng ta trở
về cùng Ngài lúc nào, ta cũng vẫn có thể bình an thanh thản ra đi.
4. Trong cuộc
sống, có nhiều điều làm cho chúng ta mãi mê chìm
đắm mà thiếu tỉnh thức sẵn sàng, nhất
là trong thời đại con người có khuynh
hướng hưởng thụ, những lợi ích
trước mắt được coi trọng mà xem
nhẹ những giá trị tinh thần. Vì
thế có những người đắm chìm trong sắc
dục, rượu chè, cờ bạc mà không lo nghĩ
đến sự sống đời sau. Có những
người lo học hành, công danh mà không nghĩ gì
đến việc thiêng liêng, hay chỉ xem đó là thứ
yếu. Có những người lo làm giàu trước
mắt mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa... Cũng có những người chỉ lo cho
bản thân mà thiếu quan tâm chăm sóc cho những
người mình có trách nhiệm về vật chất và tâm
linh. Có những người rất mật thiết
với Chúa nhưng lại xa cách anh em, hay ngược
lại có những người tích cực trong công việc
xã hội nhưng dửng dưng với niềm tin vào Thiên
Chúa... Tuy những cách sống khác nhau như thế,
nhưng tựu chung lại đều là
thiếu tỉnh thức sẵn sàng, thiếu tinh thần
trách nhiệm đối với Chúa, tha nhân và ngay cả
bản thân, điều nầy không thể chấp nhận
nơi người Kitô hữu.
5. Những
người không biết Thiên Chúa và lời dạy của
Ngài, nếu có làm điều sai trái, họ có thể
được khoan hồng hơn khi ra trước toà Chúa
phán xét. Bởi họ không được giao
phó, hoặc giao phó ít thì họ sẽ được đòi
hỏi ít. Còn những ai được danh dự làm
con Chúa, được giao phó nhiều mà không cố
gắng sống tốt thì sẽ đáng trách hơn (x. Lc 12,47-48).
Đừng
chần chừ gì nữa mà ngay từ bây giờ, hãy
tỉnh thức sẵn sàng như lời Đức Giêsu
mời gọi. Chúng ta thường muốn
làm vui lòng những ông chủ trần gian, tại sao chúng ta
không cố gắng để làm vui lòng ông chủ thật
là Thiên Chúa? Chúng ta thường canh giữ cẩn
mật không để thất thoát những đồ
vật xem ra quý giá hay tiền bạc dù những thứ
đó chỉ là tạm bợ, mà lại dửng dưng
với mạng sống thật, đó là linh hồn (x. Mc
8,36)? Chúng ta thường cố gắng chu
toàn bổn phận nhiệm vụ trần thế, tại
sao chúng ta không cố gắng chu toàn bổn phận công dân
Nước Trời?
Hãy tỉnh
thức sẵn sàng bằng cách sống hết mình cho Thiên
Chúa và tha nhân (x. Lc 10,27), chính là
phương cách dẫn đưa ta đến sự
sống đời đời vậy.
|