Hãy
tỉnh thức… hãy sẵn sàng…Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Tỉnh thức là để làm gì?
Đối với người Ki-tô hữu, tỉnh
thức kiểu nào là hữu hiệu nhất, đẹp ý
Chúa nhất?
2. Trong đời sống giáo dân, có
thể cầu nguyện khi làm bất cứ việc gì
không? Có cách nào biến tất cả mọi việc ta làm
thành lời cầu nguyện không?
Suy tư gợi ý:
1. Hãy
tỉnh thức… hãy sẵn sàng…
Đức Giêsu khuyên chúng ta luôn luôn
tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức để làm gì?
Để luôn luôn sẵn sàng đến trước
mặt Chúa bất cứ lúc nào Chúa gọi, với tâm
hồn trong sáng, đầy tình yêu và
đáng yêu. Một người luôn sống đẹp lòng
Chúa, yêu thương mọi người, thì luôn luôn cảm
thấy mình sẵn sàng đến trước mặt Chúa.
Tỉnh thức đối với họ không phải là
một tâm trạng bất an của
người phải luôn canh chừng kẻo kẻ trộm
hay kẻ cướp tới nhà. Tỉnh thức ở
đây là một tâm trạng luôn luôn bình an, không phải
nơm nớp lo sợ, vì mọi sự đã
được xếp đặt an toàn, kẻ trộm có
đến bất ngờ thì cũng bó tay,
chẳng lấy được mình cái gì. Tỉnh
thức kiểu này mới là khôn ngoan nhất.
Từ nhỏ tôi đã nghe cha
linh hướng của tôi kể câu chuyện về ông
thánh còn rất trẻ tuổi Đaminh Saviô. Đó là câu chuyện tôi rất thích và ảnh
hưởng đến đời sống của tôi
rất nhiều. Một hôm, vào giờ chơi thể
thao, Saviô đang chơi với chúng bạn ngoài sân. Cha Boscô
bèn gọi thánh nhân ra hỏi:
-
«Giả như 15 phút nữa Chúa gọi
con về với Chúa, thì bây giờ con làm gì?»
-
«Con vẫn tiếp tục chơi!»
-
«Con không đi xưng tội hay cầu
nguyện để dọn mình chết sao?»
-
«Bây giờ là giờ chơi, mọi
người có bổn phận phải chơi để
thân thể khỏe mạnh. Vì thế, con nghĩ cứ
chơi là đẹp ý Chúa nhất. Dọn mình chết không
gì tốt bằng làm điều đẹp lòng Chúa
nhất. Vả lại, lúc nào tâm hồn con cũng sẵn
sàng trở về với Chúa!» …
Khi
kể câu chuyện ấy xong, cha linh hướng bảo
rằng: «Nếu vào giờ chơi luật tu viện
buộc phải chơi, mà các con vào nhà thờ cầu
nguyện, thì việc cầu nguyện ấy không
đẹp lòng Chúa đâu! Vả lại, chính khi các con
chơi để đẹp lòng Chúa, vì Chúa muốn giờ
đó các con chơi, thì lúc ấy chơi chính là cầu
nguyện, mặc dù các con chẳng có vẻ gì là cầu
nguyện, hay chẳng có ý hướng cầu nguyện gì
lúc ấy cả». Từ khi nghe cha linh
hướng nói như thế, tôi bắt đầu có ý
nghĩ đến hình thức cầu nguyện bằng hành
động hay bằng việc làm, và làm việc trong
cầu nguyện.
2.
Tỉnh thức theo kiểu … cầu
nguyện bằng hành động
Tỉnh thức kiểu của Saviô trên
có vẻ như không tỉnh thức, nhưng đích
thực là luôn luôn tỉnh thức, có vẻ như không
cầu nguyện, nhưng đích thực là luôn luôn cầu
nguyện.
Tôi cũng thích câu chuyện 2
người ghiền hút thuốc hỏi cha linh
hướng. Một
người hỏi: «Thưa cha, vừa cầu nguyện
vừa hút thuốc có được không?»
Cha nói: «Không được!». Còn
người kia hỏi: «Vừa hút thuốc vừa cầu
nguyện có nên chăng?» Cha đáp:
«Tốt lắm! Nên lắm!» Hai câu
trả lời ấy rất đúng nhưng lại làm cho
hai người có hai thái độ cầu nguyện khác
nhau: một người bỏ hút thuốc để
cầu nguyện, và một người vẫn cứ hút,
nhưng có thói quen hễ bắt đầu hút thuốc là
bắt đầu cầu nguyện.
Thì ra không nên làm gì khác trong khi cầu
nguyện, nhưng lại có thể cầu nguyện khi làm
bất cứ điều gì. Thế là từ đấy về sau,
nhất là trong đời sống giáo dân của tôi vốn
không thể dành nhiều giờ để cầu
nguyện, tôi thường tập cầu nguyện và
kết hiệp với Chúa khi làm bất cứ điều
gì. Vì thế, công việc tôi làm thường
được chìm trong ý hướng tỉnh thức và
cầu nguyện. Nhờ đó, tôi
dễ làm tốt đẹp công việc của mình, với
ý hướng siêu nhiên. Và khẩu
hiệu của tôi là «biến mọi hành động,
mọi công việc thành cầu nguyện». Đời sống nội tâm của tôi nhờ
thế phát triển hơn, mà có vẻ như rất ít khi
cầu nguyện.
Tuy nhiên, tôi vẫn dành ra mỗi ngày vài
lần, mỗi lần ít phút để cầu nguyện
«nghiêm túc», nghĩa là trong những phút cầu nguyện
ấy tôi không làm gì khác. Chính nhờ những giây phút «cầu nguyện
kiểu thuần túy» ấy, tôi mới trung thành
được với thói quen vừa làm mọi việc
vừa cầu nguyện.
3. Cầu
nguyện bằng hành động cũng là cách cầu
nguyện tuyệt vời
Cầu nguyện là nói với Chúa. Nhưng quả thật,
trong đời sống con người, lời nói không
phải luôn luôn đi đôi với hành động. Biết bao người khi cầu nguyện,
họ nói với Chúa một đằng, còn trong đời
sống thực tế họ lại hành động
một đằng khác. Họ giống như
người con thứ hai trong dụ ngôn «hai người
con» trong Tin Mừng (Mt 21,28-32): nói rất
hay mà làm rất dở. Đây cũng là một căn
bệnh của thời đại, trong Giáo Hội cũng
như ngoài xã hội. Tuy nhiên, có những
người không nói, hoặc nói ít, nhưng hành động
thật sự. Họ không nói hay tuyên bố là họ
yêu ai cả, nhưng hành động và cách xử sự
của họ chứng tỏ họ yêu thương mọi
người thật sự.
Xét điều ấy, ta thấy hành
động cũng là một cách nói rất có giá trị. Nói tôi yêu bạn, hoặc
biểu lộ tình yêu bằng hy sinh thật sự cho
bạn, thì cách nào nói lên tình yêu nhiều hơn và chân
thật hơn? Nếu hy sinh thật
sự có giá trị hơn lời nói, thì cầu nguyện
bằng hành động là một cách cầu nguyện
tuyệt vời, chắc chắn có giá trị hơn
hẳn trước mặt Thiên Chúa. Đó
cũng là kết hợp với Chúa qua ý chí và hành
động. Nếu chỉ cầu nguyện bằng
lời nói xuông, không có hành động kèm theo
bảo chứng cho những lời nói ấy, thì hóa ra
lời cầu nguyện của ta chỉ toàn là nói
«sạo», hoặc hứa hão với Chúa! Đức Giêsu
cũng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với
Thầy: "Lạy Chúa! lạy
Chúa!" là được vào Nước Trời cả
đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha
Thầy là Đấng ngự trên trời, mới
được vào thôi» (Mt 7,21). Như
vậy, những Ki-tô hữu nào không thể dành nhiều thì
giờ để «cầu nguyện kiểu thuần túy»,
vẫn có thể cầu nguyện khi làm tất cả
mọi việc, hoặc biến tất cả mọi
việc ấy thành cầu nguyện. Thiết
tưởng đó là một cách tỉnh thức rất
hữu hiệu và đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Cha, lúc nào con cũng có thể
hành động trong ý hướng muốn làm đẹp
lòng Cha, và làm theo cách Cha mong muốn con
làm. Nghĩa là con phải làm cách nào hoàn chỉnh nhất,
hợp lý nhất, đem lại ích lợi và hạnh phúc
cho nhiều người nhất. Con muốn hiệp
nhất ý của con với ý của Cha trong từng hành
động một. Và con nghĩ đó là cách cầu
nguyện bằng hành động, hay biến hành
động thành cầu nguyện. Xin cho con đủ tình
yêu để thực hiện được điều
ấy. Amen.
|