Kho tàng
Năm 1987, Hội đồng quốc
gia Hoa Kỳ đặc trách giáo dục, đã thực
hiện một cuộc phỏng vấn các sinh viên sắp
mãn đại học, về mục đích cuộc
đời của họ trong tương lai: Họ
muốn gì? Họ nhằm điều gì
trước hết? Anh chị em có
biết kết quả như thế nào không? 75% trong
số 200.000 sinh viên được hỏi ý kiến đã
trả lời cho biết: “Mục đích cuộc
đời tương lai của họ là làm sao kiếm
được thật nhiều tiền”. Các sinh viên này cho
biết: “Sau khi học xong, họ muốn có một
việc làm tốt với đồng lương cao
để sống thoải mái”.
Không phải chỉ có những
người trẻ này mới có ý nghĩ về cuộc
sống hưởng thụ những của cải vật
chất như vậy. Trong
một xã hội thấm nhiễm tinh thần hưởng
thụ và vật chất như ngày nay, nhiều
người bị cám dỗ sống chỉ nghĩ
đến nhà cửa, quần áo, ăn uống, tiền
bạc, và được hưởng dùng càng nhiều
phương tiện càng tốt. Nhiều
người có thái độ giống như ông phú hộ
giàu có được Chúa Giêsu mô tả trong Tin Mừng.
Đây
là một dụ ngôn của Chúa Giêsu, thường
được gọi là dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc hay dại dột. Bởi
vì ông ta chỉ nghĩ đến đời sống
trần gian mà quên mất số phận vĩnh cửu
của mình. Ông ta chỉ lo làm giàu mà không biết rằng:
tất cả sự giàu sang của ông chỉ là hư vô mà
thôi, vì tất cả những gì ông đang có ông không thể
đem chúng theo ông vào cuộc sống
vĩnh cửu, ông phải để lại cho những
người khác. Hơn nữa, ông lại chỉ tìm sự
an nhàn, hưởng thụ vinh thân phì da mà không nghĩ
tới Thiên Chúa, không nghĩ tới người khác, và
cũng không nghĩ tới đời sau. Đó là lý do
tại sao ông phú hộ này bị Chúa bảo là ngu ngốc, dại dột, vì ông tham lam, thích
sống hưởng thụ mà quên mất đời
sống vĩnh cửu của mình.
Câu
chuyện sau đây cũng tương tự như
vậy, minh họa cho chúng ta hiểu rõ hơn chủ
trương sai lầm của ông phú hộ ấy: Có một người kia rất giàu có, ruộng đất mênh mông
thẳng cánh cò bay. Ông có một tên đầy
tớ vốn có lòng tham của và ham danh vọng.
Một hôm, ông gọi đầy tớ đến và
bảo: “Ta sẽ cho ngươi ruộng đất
của ta như lòng ngươi ước nguyện.
Ngươi có thể chạy bao nhiêu tùy ý, chạy
đủ một vòng từ lúc mặt trời mọc cho
tới khi mặt trời lặn. Ta sẽ cho ngươi
hết số ruộng đất mà ngươi đã
chạy được, nhưng phải nhớ
điều này: nếu ngươi trở về đây chỉ
sau một phút khi mặt trời đã lặn rồi,
ngươi sẽ không được gì hết, cho dù
chỉ một tấc đất thôi”.
Người đầy tớ rất
sung sướng làm theo lời ông
chủ. Mặt trời vừa lóe lên những tia nắng đầu tiên, hắn đã
sẵn sàng khởi hành, trong lòng nghĩ rằng: “Thật là
sung sướng biết bao, chỉ trong vòng một ngày thôi
mình sẽ trở thành một người điền
chủ giàu có”. Với niềm vui sướng đó,
hắn bắt đầu cắm cổ chạy, chạy
không kịp thở, chạy không biết mệt. Mặt
trời đã đứng ngọ, lẽ ra đến lúc
phải quay đầu chạy vòng trở về cho kịp
trước khi mặt trời lặn mới phải,
nhưng trước mặt hắn, đồng cỏ
vẫn còn xanh tươi, ruộng lúa chín vàng. Lòng tham đã khiến hắn chóa mắt.
Thế là hắn cứ cắm đầu chạy mãi,
chạy tiếp nữa. Đến khi hắn
quay đầu chạy về thì trời đã xế
chiều, nhưng đường vẫn còn xa, hắn
ước ao mặt trời đứng lại để
chạy về cho kịp. Hắn lo sợ, gắng
sức chạy nhanh hơn. Khi hắn tới
cửa nhà ông chủ, cũng vừa lúc mặt trời
lặn. Nhưng tiếc thay cũng là lúc hắn
hết hơi, ngã gục tắt thở dưới chân ông
chủ. Thật đúng “Nhân tham tài tắc
tử cũng như điểu tham thực đắc
vong”. Và ông chủ cho anh như là phần
số một chỗ nghỉ vừa dài vừa rộng
không quá ba tấc đất.
Chúng ta thường nghe nói; “Tham thì thâm”
quả là đúng. Trên đời này không thiếu gì những
người có lòng tham và ích kỷ đến nỗi
muốn đi mượn hòm để chôn mình thay vì bỏ
tiền ra mua. Cũng có những người vất
vả suốt cả đời lo thu
tích của cải đến nỗi không dám ăn no,
ngủ ngon, để rồi nửa đời
người còn lại phải dùng của cải đã thu
tích để bồi dưỡng lại sức khỏe
đã mất chỉ vì lòng ích kỷ và tham lam quá mức.
Thật vậy, những người quá lo thu
tích của cải sẽ trở nên mù qaung, họ liều
mình đánh mất không những tự do mà còn mất
cả chính đời sống nữa.
Của
cải vật chất, lúa gạo, quần áo, nhà lầu, xe hơi, vàng bạc là phương tiện
cần thiết để sống, nhưng không bao giờ
là tất cả. Không thể vì chúng mà người ta tự
cho phép mình làm tất cả mọi cách, kể cả làm gian
bán lận, xâm phạm mạng sống cũng như tiết
hạnh của kẻ khác, tham ô, tham nhũng hoặc khai
thác “con người” và “thiên nhiên” cách bất chính. Tiền bạc, của cải tự nó không
phải là xấu. Ai cũng cần có
tiền bạc, của cải để sống xứng
đáng với nhân phẩm. Tuy nhiên,
tiền bạc, của cải vẫn luôn là con dao hai
lưỡi. Nếu được
sử dụng như một phương tiện, tiền
bạc sẽ giúp cho con người sống tốt
đẹp, hạnh phúc. Trái lại, nếu chạy theo tiền bạc mà quên mất những giá
trị khác trong cuộc sống, thì thật là nguy hiểm
và tai hại. Nó có thể đem lại ấm
no hạnh phúc đời này, nhưng thiệt mất linh
hồn thì ích gì? Bởi vì cái chết sẽ đóng
dấu chấm hết cho mọi cuộc sống giàu nghèo, sang hèn. Quan trọng là khi
nhắm mắt, số phận đời đời
của chúng ta sẽ ra sao? Của cải trần gian
có giúp chúng ta tìm được hạnh phúc bất diệt
hay lôi kéo chúng ta vào chỗ trầm luân?
Chúng ta hãy xét lại thái độ
sống của mình. Chúng ta phải nhận định cho đúng
bậc thang giá trị của cuộc sống. Trong khi bôn ba vất vả kiếm sống
hằng ngày, chúng ta phải tìm kiếm nước Chúa và
những giá trị của nước Chúa trước
hết. Trong khi tìm kiếm nhu cầu
vật chất, chúng ta phải dứt khoát khước
từ mọi hành động bất chính, mọi thỏa
hiệp với lừa đảo, gian dối. Chúng ta phải biết hài lòng với những gì
mình đang có, đồng thời không sống ích kỷ,
đóng kín, chỉ biết có mình, bất cần
người khác. Trái lại, hãy sống quảng
đại, mở rộng quả tim,
mở rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với
mọi người, như thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy làm
ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hãy hào phóng, rộng
rãi chia sẻ để tích trữ vốn liếng cho
cuộc đời mai sau”.
|