LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được
biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn,
vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về
bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute
trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về
Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng
mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner
Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên
lạc: (714)
429-5848,
trang nhà: http://www.bacsihongocminh.com/
Nhà văn Tô Hoài mới mất vào
ngày 6 Tháng Bảy năm 2014. Hồi nhỏ tôi chỉ biết lờ mờ tên ông Tô Hoài
vì say mê đọc truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông. Nói thật, thời tôi còn
nhỏ, đó là một trong những sách truyện rất hiếm, viết cho con nít. Phần còn
lại, tôi đã tập làm quen rất sớm với những pho truyện Tàu như Tây Du Ký,
Thuỷ Hử, hoặc các pho truyện Kiếm Hiệp của Kim
Dung.
Nhắc đến con dế mèn, tôi
lại nhớ đến một mẫu chuyện khôi hài khác về một kết luận mà một khoa học gia
nọ rút tỉa được khi nghiên cứu về… con dế. Chuyện kể rằng, có
một nhà bác học kia, đặt con dế trên mặt bàn, và vỗ tay, thế là con dế nhảy
tưng lên. Kế đến, ông bèn bẻ một chân của con dế (tàn nhẫn quá!), và ông lại
vỗ tay. Lần này con dế nằm vạ một chỗ. Thế là nhà thông thái, sau khi đã bẻ
chân nhiều con dế như thế, bèn đúc kết một kết luận: “Khi ta bẻ chân con dế,
não bộ của nó sẽ bị hư hại và nó sẽ
bị…điếc!”
Từ từ, bạn hãy kiên nhẫn
đọc tiếp, và sẽ hiểu tại sao tôi kể chuyện con dế ở
đây.
Tôi đã viết
nhiều về liên hệ giữa cholesterol và bệnh tim mạch, và cũng viết về triệu
chứng của bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, tôi chưa trình bày mối về liên hệ
giữa cholesterol và bệnh mất trí nhớ. Một mối liên hệ
nghịch: cholesterol càng cao thì
nguy cơ bị mất trí nhớ… càng thấp!
Hồi nhỏ, thỉnh
thoảng, mẹ tôi có mua não bò, đem chưng cách thủy, để ăn với muối tiêu và
rau răm. Ăn thì ăn, nhưng tôi thấy nghẹn cổ họng vì nó quá béo, ngầy
ngậy. Não người cũng thế, tuy nhỏ, chỉ chiếm 2% sức nặng của cơ thể, nhưng
nó chứa 25% tổng số cholesterol trong người. Gần đây, rất nhiều bệnh tật,
khiếm khuyết của não bộ, thí dụ như bệnh mất trí nhớ, bệnh run Parkinson…
nguy cơ tăng cao vì thiếu cholesterol. Trên thực tế, người trên 70
tuổi, cholesterol càng cao, càng sống lâu, càng ít bị truỵ tim và càng minh
mẫn hơn.
Các tế bào thần kinh, cũng
như các tế bào khác trong cơ thể, cần cholesterol làm nguyên liệu cấu trúc
cho màng tế bào. Những vỏ bọc tế bào thần kinh, neuron, cũng được cấu tạo từ
cholesterol, và, những “mạch điện” thần kinh liên lạc với nhau, truyền tín
hiệu cũng nhờ vào cholesterol. Không có cholesterol thì những mạng thần kinh
nầy sẽ bị “chạm điện” và bị “mát dây”.
Ở đây, xin nói thêm về
cholesterol một chút.
Chúng ta
thường lầm tưởng là có hai loại choleterol, LDL là loại xấu và HDL là loại
tốt.Thực ra chỉ có một loại
cholesterol duy nhất là… cholesterol! LDL (low-density
lipoprotein) hay HDL (high-density lipoprotein) chỉ là tên gọi của chất
protein chuyên chở cholesterol mà thôi. Người ta cho rằng HDL là loại tốt vì
nó chở cholesterol dư thừa về trở lại trong lá gan, như thế là làm sạch mạch
máu, còn LDL là loại xấu vì nó chở choleterol ra ngoài, làm dơ mạch máu. Gần
đây những nghiên cứu mới cho biết, HDL cũng không hẳn là tốt: người có HDL
cao vẫn bị bệnh tim, như thường.
Thật ra LDL có nhiều kích
thước khác nhau, và trước LDL còn có những “xe chuyên chở” khác nữa như VLDL
(very low density, loại nhẹ) và IDL (intermediate density, loại trung bình).
Để dễ hiểu, mạch máu của bạn là một xa lộ, HDL là những xe tải 18 bánh chở
cholesterol dư thừa đi ngược chiều về là gan. Còn các loại xe khác, to nhỏ
như xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh, xe bốn bánh, xe thồ, xe lam… chở
cholesterol, tiếp liệu ra… mặt trận. Như thế, một khi tuyến đường bị nghẽn,
không phải là vì cholesterol mà vì đường xá bị hư hại, bị “ổ gà”, bị bom mìn
khủng bố chẳng hạn. Những xe nhỏ VLDL, IDL, LDL thường dễ bị sụp hố và làm
nghẽn đường mạch máu. Trong trường hợp bị gãy cầu xa lộ thì xe 18 bánh HDL
cũng gây ra tai nạn, như chơi.
Tháng 2 năm 2012, chính cơ
quan FDA công nhận rằng, thuốc giảm cholesterol statins có thể làm tăng nguy
cơ bị lú lẫn và mất trí nhớ. Đồng thời một nghiên cứu trong Tháng Giêng năm
2012, cho thấy phụ nữ dùng statins có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng 42%.
Người bị bệnh tiểu đường, lại có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp 3
lần. Khi đường thặng dư trong máu sẽ gây ra hiệu ứng “ làm mứt” hay “thắng
đường, rim tôm” những phân tử cholesterol, làm cho chúng dính chùm với nhau
và dính vào các chỗ lở loét trong mạch máu. Tương tự như mạch máu tim, não
bộ đã thiếu cholesterol lại còn bị nghẽn mạch máu não, sẽ đưa đến tình trạnh
hao mòn sớm, gây ra các chứng bệnh về hệ thần
kinh.
Khoảng thập niên 1970, lượng
cholesterol 240 mg/dL được xem là bình thường. Sau khi thuốc statins ra đời,
mức độ ấy giảm xuống còn 200mg/dL, với LDL dưới 130 mg/dL. Nếu bạn có
người thân trong gia đình bị truỵ tim, nhiều bác sĩ sẽ bắt bạn uống statins
để giảm chỉ số ấy xuống dưới 180mg/DL, và LDL phải dưới 70
mg/dL! Từ khi thuốc statins ra đời
đến nay, chỉ số bị truỵ tim cho những người dùng thuốc, giảm từ 3% xuống còn
2%, trong khi tỉ số bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp
ba.
Sẵn đang nói về xe và xa
lộ, dường như cách chữa bệnh xe
nhả ra khói (cholesterol cao) hiện nay là bằng cách, bịt ống khói hoặc là
huỷ bớt một, hai xy-lanh (uống statins kinh niên) để cho xe chạy bớt ra
khói, thay vì làm sạch đường ống dẫn xăng và thay xăng dầu (thể dục thể
thao, cải thiện thức ăn, bớt đường và tinh
bột).
Đến đây bạn đã hiểu tại sao
tôi kể chuyện nhà khoa học gia và con dế, phải
không?