MẪU GƯƠNG TUYỆT VỜI CHO CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO, LỄ THÁNH MÔNICA
Theo quan niệm văn hóa của người Á Đông, vai trò người phụ nữ luôn bị giảm nhẹ. Từ quan lối nhìn trên, người phụ nữ đôi khi bị coi thường. Chính vì vậy, bản thân người phụ nữ cũng trở nên tự ty, co cụm lại trong những công việc lặt vặt như nội chợ, cơm núc... Nói chung là lo những chuyện lặt vặt trong nhà.
Tuy nhiên, hôm nay, phụng vụ mừng kính một vị thánh nữ là vợ, là mẹ trong gia đình. Ngài được biết đến bằng những chuyện bình thường nhưng đã thi hành cách phi thường.
Mang trong mình phận gái:“liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời và lối sống ngang qua những hành động, hẳn ngài thật giống một: “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”.
Con người đó là ai? Thưa! Ngài chính là thánh nữ Mônica, mẹ của thánh giám mục Augustinô.
Mừng lễ thánh Mônica, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cuộc đời của thánh nhân, để ngang qua đó, như một bài học cho đời sống đức tin của chúng ta.
1. Thân thế cuộc đời thánh Mônica
Gia đình của thánh nữ Mônica không có gì nổi nang trong làng. Cha mẹ ngài là những người bình dân nhưng đạo hạnh, hay thương người. Thánh nữ sinh năm 332, tại làng Sucara bên Phi Châu.
Ngay từ nhỏ, Mônica đã được hấp thụ truyền thống đạo đức và một nền giáo dục có thể nói là “linh đạo tình yêu”. Những đặc tính như: nhân từ, hiền hậu, thương người là nét đẹp nơi gia đình của thánh nhân mà ngài được thừa hưởng.
Quả thật, tấm lòng quảng đại, yêu thương người nghèo dường như đã thường trực trong tâm hồn cô, khiến cô không thể ngồi yên trong khi nhiều người chung quanh mình phải đói khát! Vì thế, mỗi bữa cơm Mônica thường dành ra một phần cho kẻ khó nghèo. Việc chia sẻ này đã làm cho Mônica coi là niềm hạnh phúc của mình vì được diễm phúc đụng chạm, gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa ngang qua những người kém may mắn đó.
Một điểm đáng lưu ý khác nữa là: Mônica thường xuyên ẩn mình nơi vắng vẻ để thân mật, cầu nguyện với Chúa lâu giờ.
Tuy nhiên, tưởng chừng một con người đạo hạnh như Mônica, ắt phải được tận hưởng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc! Ai ngờ cô lại gặp phải cảnh éo le và truân chuyên quá đỗi!
Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, Mônica đã kết hôn với Patricius. Chồng cô thuộc dòng dõi quý tộc. Vì thuộc về thành phần giàu sang trong làng, nên ngay từ khi còn nhỏ, chàng Patricius đã được nuông chiều thái quá, dẫn đến tình trạng ngang tàng, hách dịch, nghiện rượu, độc ác và tàn nhẫn và không chung thủy... Ông luôn tỏ vẻ khó chịu mỗi khi thấy vợ làm từ thiện và cầu nguyện.
Hơn nữa, sẵn có lợi thế con nhà giàu, lại hơn tuổi của Mônica quá nhiều, nên Patricius thường xuyên thể hiện vai trò chủ - tôi đối với cô. Mặt khác, cô lại còn phải chịu cảnh hất hủi của mẹ chồng. Điều làm cho cô Mônica buồn nhất, đó là bà lại hùa theo con trai để bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do cho Patricius. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Mônica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ.
Thêm vào đó, sau khi sinh được Augustinô, người con trai đầu lòng, bà vui mừng, phấn khởi khôn xiết. Nhưng chẳng bao lâu, Augustinô buông theo lối sống của cha, nên cung cách và lối sống của con trai chính là bản sao của chồng.
Tuy nhiên, khi gặp những nghịch cảnh ngập đầu, Mônica không hề oán trách, nhưng ngài đã tìm ra những liều thuốc giải độc tốt nhất cho linh hồn mẹ chồng, chồng và các con. Liều thuốc đó là sự hy sinh, lời cầu nguyện liên lỷ, cộng thêm những đức tính tuyệt vời như lòng bác ái, tình yêu thương, tinh thần quả cảm, đức tính khiêm nhường và niềm tin vào Chúa.
Vì vậy, mưa dầm thấm lâu. Thiên Chúa đã thưởng công Mônica bằng việc hoán cải mẹ chồng. Patricius chồng cô đã xin Rửa Tội và tin theo Chúa. Augustinô quyết định chia tay bè rối Manichê (Nhị Nguyên) là một tà thuyết chống lại Giáo Hội và đức tin Công Giáo mà ông đã dồn toàn tâm toàn trí trong suốt chín năm trường, sau đó ngài được Rửa Tội. Hai người con còn lại là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập Giáo Hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.
Đây là ân huệ lớn lao do lòng thương xót của Người đã dành cho Mônica. Niềm vui tột cùng đó đã làm cho Mônica thốt lên với Augustinô trong những giây phút cuối đời: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui hơn được nữa... Vì mọi hy vọng ... mẹ đã được mãn nguyện”.
Cuối năm 387, khi hai mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi Châu, thì Thiên Chúa đã gọi Mônica về với Người, hưởng thọ 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.
2. Gương sáng của thánh nhân
Cuộc đời và gương sáng của thánh nhân cho chúng ta thấy rằng: ngài đã “làm những chuyện bình thường cách phi thường”. Tại sao vậy?
Trước tiên là chu toàn bổn phận trong lòng mến và sự trung thành. Đây là nhân đức anh hùng.
Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao trong ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, thánh nhân đã hết lòng quý trọng, tận tụy và trung thủy với chồng. Làm mẹ, ngài hết mực yêu thương, hy sinh cho con cái. Tận tụy giáo dưỡng con cái nên người. Khi không được như ý của mình, ngài vẫn không bỏ cuộc. Như Đức Giêsu, yêu và yêu đến cùng, nên không bao giờ muốn con của mình rơi vào tình trạng bất hảo và xa rời Giáo Hội. Thánh nhân đã cầu nguyện và hy sinh liên lỷ cho con. Nhờ đó mà ngài đã cải hóa được Augustinô trở về với Chúa và phục vụ Giáo Hội.
Thứ đến là cảm hóa bằng gương sáng. Khi bị ngược đãi bởi mẹ chồng và chồng, thánh nhân đã nêu cao gương khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Sẵn lòng thông cảm cho tính khí của mẹ và chồng. Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường và tha thứ là lựa chọn của thánh nhân trong những lúc khó khăn khi gặp chuyện chẳng lành.
Thứ ba, là mẫu gương cầu nguyện và hy sinh. Thánh nhân đã kiên trì trong cầu nguyện. Trung thành trong niềm tin và kết hợp với Chúa cách liên lỷ trong tâm tình phó thác tuyệt đối, để mọi sự qua đi mà không bị rơi vào quên lãng, nhưng luôn được tác phúc vì lòng mến nơi thánh nhân.
Như vậy, cả cuộc đời của thánh Mônica đã để lại cho chúng ta gương sáng tuyệt vời cho những người vợ, người mẹ và cho hết mọi người.
3. Bài học cho chúng ta
Mỗi khi mừng lễ thánh Mônica, chúng ta hãy học nơi ngài những gương sáng để xây dựng hạnh phúc gia đình ngày càng tốt đẹp.
Bài học thứ nhất:
Chu toàn bổn phận hằng ngày trong lòng mến. Làm những việc tầm thường cách phi thường trong sự kết hợp với Chúa và phó thác cho Người.
Bài học thứ hai:
Biết dùng gương sáng như công cụ số một để cảm hóa người khác, nhất là những người ngang tàng, mất nết...
Bài học thứ ba:
Cần xác định thật rõ:“Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Làm mọi việc trong tâm tình tín thác nơi Chúa Quan Phòng. Đón nhận tất cả, miễn sao điều đó đẹp lòng Chúa và ích lợi cho ơn cứu độ của mọi người.
Bài học thứ tư:
Đó là sự kiên trì, trung thành. Đời sống đức tin của chúng ta cần có những nhân đức này. Nếu không kiên trì, chúng ta dễ bỏ cuộc. Không kiên trì khó có thể trung thành. Giữa một xã hội đầy thử thách, tình trạng chối bỏ sự sống ngày càng lan tràn. Sự chung thủy đang là một điều gì đó khó hiểu đối với nhiều gia đình. Giáo dục con cái trở nên đầy thách đố. Những lúc như thế, chúng ta cần kiên trì và trung thành cũng như phó thác.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin nhận lời thánh nữ Mônica chuyển cầu mà ban cho chúng con, nhất là những người vợ, người mẹ trong các gia đình, luôn biết nêu gương sáng trong sự thánh thiện, hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục, kiên trì và trung thành, tin tưởng và phó thác nơi Chúa như thánh Mônica khi xưa. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
|