Kiên trì
Đề
tài của bài Tin Mừng thật rõ ràng, nói về vấn
đề cầu nguyện. Nội dung gồm ba phần: Phần thứ nhất là
những điều Chúa dạy phải cầu xin mỗi
khi cầu nguyện. Phần thứ hai là
lời khuyên hãy kiên trì trong khi cầu nguyện. Phần thứ ba là hiệu nghiệm của
lời xin đích thực.
Trước hết, một môn
đệ đã thay mặt cho anh em xin Chúa Giêsu dạy cho
bài học về sự cầu nguyện. Chúng ta có thể nêu lên hai lý do khiến
các ông muốn xin Chúa dạy cầu nguyện: Lý do thứ
nhất, vì các ông thấy Chúa thường cầu nguyện
và các ông cũng muốn cầu nguyện như Ngài. Lý do
thứ hai, vì các ông cũng thấy Gioan Tiền hô dạy
các môn đệ của ông cầu nguyện. Vì thế, theo lời xin của các môn đệ, Chúa
Giêsu đã dạy các ông những điều phải
cầu nguyện. Những điều này chúng
ta vẫn gọi là kinh Lạy Cha. Như vậy, kinh
Lạy Cha là kinh chính Chúa Giêsu đã trực tiếp dạy
cho chúng ta, nên chúng ta phải coi đây là kinh mẫu, kinh quí
giá nhất, quan trọng nhất, hoàn hảo nhất mà
mọi tín hữu phải ưa chuộng hơn cả,
phải năng đọc hơn các kinh khác, và phải
đọc với niềm mến yêu tin tưởng,
đọc với ý thức tương quan và bổn
phận của chúng ta đối với Cha trên trời và
đối với nhau. Sau khi đã dạy
phải cầu xin những gì, Chúa Giêsu lại dạy thái
độ cần phải có khi cầu nguyện, đó là
kiên trì. Chúa đã dùng dụ ngôn
“người bạn quấy rầy” để minh họa
cho chúng ta thấy rõ sự cần thiết và hiệu
quả của sự kiên trì khi cầu nguyện. Dụ ngôn này nói về người trong nhà đang
ngủ, dù rất khó chịu bực mình khi bị quấy
rầy vào nửa đêm, nhưng cũng đành chỗi
dậy cho mượn bánh, nếu không vì tình nghĩa thì ít
là được bình an ngủ tiếp. Người
đời còn đối xử với nhau như thế
huống chi là Chúa. Ngài đâu đến
độ cứng lòng như người bạn bị quấy
rầy này. Vì thế, chúng ta đừng
bao giờ nản lòng cầu nguyện. Nếu
xin mãi mà chưa được cũng đừng bao
giờ bỏ cuộc, cứ cầu nguyện tiếp.
Thiên Chúa làm thinh giả điếc để
chúng ta được lợi thêm. Ngài muốn bị
quấy rầy ít lâu để tăng thêm lòng ao
ước, lòng tin cậy của chúng ta hơn.
Trước khi kết thúc bài học
về cầu nguyện. Chúa Giêsu còn nói về sự hiệu nghiệm
của lời cầu xin chính đáng. Chúa khẳng
định như một lời hứa bảo
đảm: “Hãy xin thì sẽ được”. Rồi Chúa
đưa ra một thí dụ để chúng ta hiểu rõ
hơn và xác tín hơn: người cha người mẹ
trần gian, không mấy tốt lành mà còn muốn dành
phần tốt nhất cho con cái, thì huống chi Thiên Chúa
lại không biết chọn phần hơn cho con cái mình hay
sao? Miễn là những điều chúng ta
cầu xin là những điều thích hợp. Xin điều gì tốt thì nhất định
sẽ được Chúa nhận lời.
Lời Chúa hôm nay là một bài học
rất hữu ích, nhắc nhở chúng ta hãy kiểm
điểm lại việc cầu nguyện. Trước hết, chúng
ta có cầu nguyện không? Có người cho rằng:
cần gì phải cầu nguyện, vì Chúa biết rõ
những gì chúng ta cần thiếu. Chắc
chắn Chúa biết mọi sự chúng ta cần thiếu.
Nhưng biết là một chuyện, ban ơn
lại là chuyện khác, nên chúng ta rất thiệt thòi
nếu dám kết luận là được miễn cầu
nguyện. Thiên Chúa không cần lời
cầu của chúng ta. Đúng lắm.
Những cầu nguyện và thờ lạy
của chúng ta không thay đổi gì hạnh phúc vĩnh
cửu của Chúa. Nhưng Chúa buộc
chúng ta phải thờ lạy, tạ ơn và cầu xin, vì
chúng ta là tạo vật của Chúa, bổn phận của
chúng ta đòi buộc chúng ta dâng lên Chúa những cử
chỉ đó. Chúa biết mọi sự
chúng ta cần thiếu, nhưng chúng ta phải trình bày
để luôn nhớ mình là bất lực. Chúa dạy cầu nguyện vì lợi ích cho chúng ta
chứ không phải vì Chúa. Nên chúng ta
phải cầu nguyện và cầu nguyện luôn.
Thứ
hai, chúng ta xin những điều thiết yếu như
cơm no áo ấm, ăn ngon mặc
đẹp, bình an, khỏe mạnh, thành công, may mắn… là
những điều cần thiết mà sao ít khi
được hay chẳng bao giờ được
như ý, có phải tại nhiều người xin quá không?
Có phải Chúa ngủ quên chăng? Chúng ta thường có khuynh hướng xin
những gì chúng ta muốn trước mắt, ít khi chúng ta
suy xét đến những hậu quả và những thay
đổi của hoàn cảnh. Chúng ta cho
rằng những điều chúng ta xin là tốt
đẹp, là cần thiết, chúng ta đòi Chúa phải
nhận lời ngay. Nhưng chúng ta có khôn
ngoan và hiểu biết bằng Chúa không? Chúng ta
phải tin rằng Chúa nhìn xa trông rộng, thông minh vô cùng,
Ngài biết những gì tốt và cần cho chúng ta. Do đó,
nếu vì yêu thương, Chúa đáp ứng lời chúng ta
cầu xin, thì trái lại, cũng vì yêu thương mà
nhiều khi Ngài phải từ chối. Trong
cả hai trường hợp, chúng ta đều phải
xin vâng và cảm tạ Ngài. Sau hết,
chúng ta phải kiên trì cầu nguyện. Thiên
Chúa muốn chúng ta kiên trì. Ngài muốn nghe lời van
xin kiên nhẫn của chúng ta. Chúa muốn thì
tại sao chúng ta lại không muốn? Kiên trì là một
đức tính tối cần cho thành công: “Có công mài sắt
có ngày nên kim”. “Kiến tha lâu đầy
tổ”, “Nước chảy đá mòn”, “Không có gì là quá
sức, miễn là chúng ta bền gan”. Từ đó chúng ta
hiểu: kiên trì cầu nguyện là một cách cầu
nguyện bảo đảm sẽ được Chúa nghe
và nhận lời. Thánh nữ Monica, mẹ thánh Âu tinh, đã
không uổng công mất thời giờ trong 16 năm
cầu nguyện và khóc lóc, sau cùng bà đã được
như ý. Con bà đã trở lại đạo và nên thánh
tiến sĩ thời danh của Giáo Hội. Đúng như
lời thánh Amrôxiô đã an ủi bà khi bà
than thở với ngài là cầu nguyện mãi mà chưa
được: “Bà cứ yên tâm, đứa con của bao
nhiêu nước mắt không thể nào hư đi
được”. Thánh Phanxicô đờ San rất nóng tính,
ngài rất buồn vì tật xấu này, ngài đã cầu
nguyện trong 22 năm để được ơn
hiền lành, và ngài đã được xưng tụng là
vị thánh gương mẫu về hiền lành. Đó là
những gương sáng về kiên trì cầu nguyện.
Tóm lại, là người tín hữu Chúa
Kitô, chúng ta phải coi việc cầu nguyện là một
vấn đề cần thiết cho đời sống. Tinh thần cầu nguyện của
chúng ta phải giống như việc lên giây chiếc
đồng hồ: lên giây một lần không đủ,
mặc dầu biết rằng lên giây ngày hôm nay để
rồi ngày mai phải lên giây lại, chúng ta cũng cứ
đều đặn làm công việc đó mỗi ngày, thì
cầu nguyện cũng vậy, chúng ta phải cầu
nguyện đều đặn mỗi ngày, cầu
nguyện với lòng tin tưởng và dù được hay
không những điều chúng ta cầu xin, chúng ta cũng
luôn vâng theo ý Chúa.
|