Cầu xin – Lm. Giuse Trần
Việt Hùng
Chúng ta không
thể quán xuyến mọi sự trong tầm tay vì còn có
nhiều nguyên nhân tùy thuộc. Có ba điều cần
để thành công trong mọi công việc là thiên thời,
địa lợi và nhân hòa. Con người sống chung thì
trăm người, trăm ý. Môi trường chung quanh thì
thay đổi như mây bay gió thổi. Chỉ có một
điều là chúng ta thuận theo ý trời. Chúng ta sẽ
sống vui vẻ và hạnh phúc. Trong hạnh các Giáo phụ
có kể lại: Một người nông dân hạnh phúc
hơn bạn bè xóm làng. Được hỏi lý do tại
sao, ông ta trả lời: Các ông đừng ngạc nhiên.
Chính vì tôi luôn được thời tiết theo lòng tôi
ước muốn. Người kia đáp lại: Không
thể được. Người nông dân đáp: Không bao
giờ tôi ước muốn thời tiết khác thời
tiết Thiên Chúa gởi cho. Vì thế, Chúa luôn ban cho tôi mùa
màng như lòng tôi ước nguyện.
Câu truyện
của ông Abraham cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội
lỗi cho dân thành Sôđôm và Gômôra và xin đừng đoán
phạt. Sự đối thoại trả giá diễn
tả tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ông Abraham lý
luận theo cách suy tưởng của con người. Ông
biết rằng trong đời sống con người, có
kẻ tốt, người xấu và kẻ lành,
người dữ. Thiên Chúa yêu thương mọi
người. Chẳng lẽ Chúa phạt cả kẻ
dữ lẫn người lành sao: Abraham lại gần và
thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành
một trật với kẻ dữ sao? (Stk 18, 23). Ông Abraham
ước muốn Thiên Chúa tha phạt cho cả thành, vì
nghĩ rằng có một số người lành đang
chung sống giữa họ. Ông thưa: Giả như trong
thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ
Ngài tiêu diệt họ thật sao? (Stk 18, 24). Thiên Chúa ban
ơn mưa móc xuống cho cả kẻ lành, người
dữ. Người lành thánh có thể giúp người
tội lỗi hối cải và người tội lỗi
cũng có thể giúp cho người lành phấn đấu
sống thánh thiện hơn.
Ông Abraham đã
trả giá với Thiên Chúa, từ 50 người lành
xuống tới chỉ còn 10 người. Cả thành không
kiếm được mười người lành, nên
thành Sôđôm phải chịu hình phạt. Chúa nhân từ
trong mọi lời Chúa phán và thánh thiện trong mọi
việc Chúa đã thực hiện. Chúa sửa phạt rồi
Chúa lại tha thứ và đón nhận trở về.
Lịch sử ơn cứu độ là một cuộc
phấn đấu không ngừng để tinh luyện con
dân nên thánh thiện. Ông Abraham hết lời: “Xin Chúa
đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi:
Giả như tìm được mười người
thì sao? Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta
sẽ không phá hủy Sôđôm” (Stk 18, 32). Nhân loại
tồn tại và Giáo Hội tiếp tục sống còn là
nhờ đời sống nhân đức của các bậc
thánh nhân, những tín hữu nhiệt thành và những con
người thành tâm sống gương mẫu giữa
đời. Giáo hội luôn luôn cần những gương
sáng để soi dọi cho những ai ngồi trong bóng
tối sự dữ và sự chết.
Trong đời
sống đạo, chúng ta đặt niềm tin
tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng vô
cùng. Người ban phát ân sủng cho mọi loài thọ
tạo. Thế nên, chúng ta rất quen thuộc với
những từ ngữ như cầu nguyện, cầu xin,
nguyện xin, cầu bầu, xin ơn, phù trợ và nâng
đỡ chở che. Trong tâm tình khiêm hạ và nhận
biết thân phận yếu hèn, chúng ta cùng cúi đầu
thờ lạy và vâng phục Đấng Tạo Hóa chí công.
Chúng ta nên thành tâm cầu xin những ơn cần thiết
cho đời sống và phần rỗi của chúng ta.
Cầu nguyện là chúng ta nối một nhịp cầu
tới Thiên Chúa bằng những lời nguyện xin. Chúa
Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện luôn: Thế nên
Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ
được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ
cửa thì sẽ mở cho (Lc 11, 9). Một điều quan
trọng mà Chúa Giêsu dạy là anh em cứ xin, thì sẽ
được. Chúng ta xin Chúa điều gì bây giờ?
Chúa Giêsu đã
dậy các tông đồ cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha.
Phần đầu của Kinh là nguyện sáng danh Thiên Chúa,
nhưng phần sau là bốn lời xin: Xin cho chúng con lương
thực hàng ngày và xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con
cũng tha cho mọi người mắc lỗi với
chúng con và xin đừng để chúng con sa chước
cám dỗ (Lc 11, 4). Thiên Chúa không phải là ông chủ
giầu có ngồi chờ chúng ta đến xin để
phân phát. Hào bao của Thiên Chúa luôn rộng mở. Tùy
thuộc chúng ta có xứng đáng lãnh nhận hay không.
Nếu tâm hồn của chúng ta không rộng mở thì
ơn Chúa không thể tuôn đổ. Nếu lòng chúng ta
chất đầy của cải thế gian thì đâu còn
chỗ để nhận lãnh thêm. Khi chén của chúng ta
đã đầy tràn những thứ lỉnh kỉnh, làm
sao ơn Chúa thấm nhập vào lòng. Khi cầu nguyện,
chúng ta có thật lòng cầu xin, hay chỉ đọc
ruổi một số những kinh kệ và kể lể
một số nhu cầu cần thiết trong cuộc
sống và nghĩ rằng Chúa sẽ ban phát mọi ơn.
Ước
vọng của con người thì nhiều vô kể và cao
sâu. Hầu như không khi nào chúng ta ước muốn cho
đủ. Nhu cầu đòi hỏi của tâm linh cũng
như thể chất luôn réo gọi vươn tới.
Sức lực và khả năng của con người thì
giới hạn. Mong ước thì to lớn. Khi chúng ta
đã có, lại muốn có thêm. Đường nên thánh còn
dài và nhiều chông gai. Đường đời thì
cặm bẫy giăng giăng. Đường nào cũng
phải phấn đấu không ngừng. Người ta
thường nói: Lòng tham vô đáy. Không những lòng tham mà
mọi khao khát đều không có cùng. Làm sao chúng ta có
thể: Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Biết
đủ là đủ. Bao nhiêu mới là đủ chứ?
Cuộc sống quá hấp dẫn gọi mời chúng ta
tiến thân. Sống một ngày, mong thêm một
bước. Cuộc đời là dòng chảy luôn luôn có cái
mới. Điều mới mẻ giúp chúng ta hy vọng và
sống vui. Nên chúng ta cứ phải cầu xin hoài.
Mấy ai trong
chúng ta khi cầu nguyện mà không xin ơn. Ngay cả
những người không tin có Thượng Đế hay
quyền lực nào bên trên, họ vẫn cầu xin khấn
vái cho được mọi sự lành. Người ta
chỉ chối từ sự hiện hữu của
thần linh, thiên thần, linh hồn trong lý thuyết,
nhưng nơi cuộc sống thường ngày, họ
cũng vẫn mong cầu thần phật gia hộ cách này
hay cách khác. Có khi còn rơi vào sự mê tín dị đoan, tin
vào bói khoa, bói toán, bói quẻ, chim kêu, gà gáy, xem tướng,
chỉ tay vận số, xin sâm và cả cầu thần
dữ để chế ngự. Ngày tư ngày Tết, ngày
Rằm, Lễ Hội, vố số người, dù không tin
thần linh, họ cũng say mê cúng vái hoa qủa, nhang
hương, lẩm rẩm nguyện cầu và xin cho
người an bình thư thái và làm ăn phát tài phát
đạt. Hằng ngày chúng ta cũng thường cầu
nguyện với rất nhiều ý cầu xin. Cầu xin cho
sự tốt lành trong gia đình, mọi người
khỏe mạnh, làm ăn may mắn và mọi sự bình an
xác hồn.
Đôi khi chúng
ta cầu xin theo kiểu trừ hao. Xin mười Chúa
sẽ ban cho một. Với lòng thành, chúng ta xin những
ơn cần thiết cho sự sống và phần rỗi.
Chúa bao dung độ lượng sẽ không quay mặt làm
ngơ. Thánh Luca viết: Vậy nếu anh em vốn là
những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của
tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban
Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?(Lc 11,
13). Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy bền tâm và tỉnh thức
cầu nguyện. Chúa đã nêu gương cầu nguyện
luôn để kết hợp với Chúa Cha. Chúng ta cùng
cầu nguyện như Chúa dạy và xin những ơn
cần thiết nhân danh Chúa Giêsu Kitô.
Trong thơ
gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô đã xác tín về
hồng ân ơn cứu độ của Chúa Kitô:
Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng
ta, số nợ mà các giới luật đã đưa ra
chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó
đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá (Col 2, 14).
Chúa Kitô đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha qua sự
hiến tế của Ngài trên thập giá. Máu Thánh đã xóa
sạch lỗi lầm và ban cho chúng ta được phúc
làm con và cùng đồng chia sẻ vinh quang sự sống.
Lạy Chúa, Chúa là chủ tể
mọi loài. Chúa cho mặt trời soi chiếu trên kẻ
lành người dữ. Chúa tiếp tục ban phát hồng
ân cho mọi loài. Xin cho chúng con biết tỏ lòng trông
cậy vào Chúa là nguồn mọi phúc lộc. Chúng con thờ
lạy, cảm tạ và hát ca danh Chúa đến muôn muôn ngàn
đời.
|