Người khách
muốn gì? – Lm Vũ Phan Long
“Phần
duy nhất cần thiết” của đời môn
đệ Đức Giêsu là: lắng nghe giáo huấn
của Người, và là để cho Người tiếp
tục hướng dẫn.
1.- NGỮ CẢNH
Chúng
ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem. Vì có
lý để nghĩ rằng hai chị em Mácta và Maria chính là
những nhân vật của Ga 11,1tt, tức ở Bêtania,
gần Giêrusalem, chúng ta phải tự hỏi tại sao tác
giả Luca lại đặt truyện này ở đây, vì
đến lúc này truyện vẫn gần với Galilê
hơn Giêrusalem. Hơn nữa, ngài lại bỏ tên Bêtania
đi, mà chẳng lẽ ngài lại không biết? Như
thế, hẳn ngài có ý gì đó khi đặt truyện này
ở đây chứ không phải ở chỗ khác (chẳng
hạn ở ch. 19 hoặc 20). Chúng ta xem truyện này liên
hệ với các bản văn trước thế nào. Maria
được mô tả như người “lắng nghe
lời” Đức Giêsu. Đức Giêsu công bố rằng
chính việc “lắng nghe lời” này sẽ không bị
lấy mất. Trước đó, Đức Giêsu mới
nói đến quan hệ sâu sắc, duy nhất,
Người có với Chúa Cha (10,22). Quan hệ này
được nói đến vì nó liên hệ đến các
môn đệ Đức Giêsu: họ được chúc phúc
bởi vì họ được Người mạc
khải Chúa Cha cho; họ được nghe và thấy
những điều Người biết về Chúa Cha.
Như thế, các môn đệ có một đặc
quyền lớn lao là được thấy và nghe
những điều mà thậm chí các ngôn sứ và các vua chúa
ước ao hết sức mà không được. Ở
đây, tác giả Lc nhắc lại đặc quyền
đó. Ngài mô tả Maria trong tư thế tốt
đẹp nhất: lắng nghe lời dạy của
Đức Giêsu. Khi lắng nghe Người, Maria nghe
Người mạc khải về Chúa Cha. Chính vì thế,
tác giả đã nhắc lại động từ “lắng
nghe” (cc. 24.39) như để nối kết các ý
tưởng của hai đoạn văn.
Sau
đó, Lc trình bày cuộc đối thoại về
“điều răn lớn” (10,25-37), với câu kết: “Ông
hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Mục
đích của ngài khi bố trí truyện Mácta-Maria ở
đây là để nêu bật tầm quan trọng tối
hậu của giáo huấn của Đức Giêsu trong Lc
10,25-37: giáo huấn này là một mạc khải mà “các vua
chúa và ngôn sứ” không được đón nhận.
Truyện
Mácta-Maria cũng có thể được đặt ở
đây để điều chỉnh một sự
hiểu lầm có thể có đối với dụ ngôn
Người Samari nhân hậu. Ông này đã “chạnh lòng
thương” (esplanchnisthê): vậy, hành vi luân lý của chúng
ta rất có thể được hướng dẫn
bởi các tình cảm của con người! Lc muốn
sửa lại: chính giáo huấn của Đức Giêsu
mới điều hành hành vi luân lý.
2.- BỐ CỤC
Bản
văn có thể chia thành hai phần:
1) Khung cảnh và
các nhân vật (10,38-40a);
2) Đối
thoại giữa Mácta và Đức Giêsu (10,40b-42).
3.- VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
- một làng kia
(38): Trong TM III, làng này không có tên (x. 9,56). Cứ theo bản
văn, “làng” này còn gần Galilê hơn là Giêrusalem. Theo Ga 11,1;
12,1-3, ta biết rằng Mácta và Maria, hai chi của Ladarô,
ở tại Bêtania, một làng gần Giêrusalem.
- Maria (39): Cô này
cũng được xác định là em gái của Mácta
trong Ga 11,1. Không được đồng hóa cô này với
Maria Mácđala ở 8,2.
- ngồi bên chân
Chúa (39): Đây là tư thế của người môn
đệ đang lắng nghe (x. 8,35).
- Chỉ có
một chuyện cần thiết mà thôi (42): dịch sát:
“Chỉ cần một điều mà thôi”. Lời
Đức Giêsu đáp lại yêu cầu của Mácta
dường như lúc đầu nhằm trấn an cô,
bằng cách bảo cô rằng cô chỉ cần dọn
một món thôi. Nhưng khi nghe trọn câu nói của
Đức Giêsu, ta mới hiểu ra rằng “một
điều” không chỉ là “một món” mà còn có ý nghĩa
khác. “Một điều” đây chính là “phần tốt
nhất” (= lắng nghe lời Chúa). Và Đấng là thành
phần của “phần tốt nhất” ấy bảo
đảm là Maria sẽ không bị lấy mất.
4.- Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN
* Khung
cảnh và các nhân vật (38-40a)
Chúng
ta vẫn đang ở trong chuyến đi lên Giêrusalem.
Đức Giêsu đã dừng lại tại một làng kia
(hẳn là Bêtania?), để thăm gia đình những
người bạn thân. Cô chủ Mácta đón Người
vào và tất bật phục vụ. Còn cô em Maria thì cứ
bình thản ngồi bên chân Đức Giêsu mà nghe
Người giảng dạy. Theo truyền thống của
các kinh sư, chỉ phái nam mới được ban cho
những lời giảng dạy và những huấn
thị; các phụ nữ bị loại ra bên ngoài. Nhưng
Đức Giêsu nhìn nhận các phụ nữ có cùng một
phẩm giá như phái nam, nên Người ngỏ lời
cả với phụ nữ. Ở đây tác giả đã
không ngần ngại mô tả một người nữ
như là môn đệ ngồi bên chân Đức Giêsu. Thái
độ của Đức Giêsu khiến chúng ta nhớ
đến Cn 31,26.
*
Đối thoại giữa Mácta và Đức Giêsu (40b-42)
Bấy
giờ Mácta mới lên tiếng nhận định về
Maria và về bản thân mình. Lời trách của cô có lý, vì
hoàn cảnh quá rõ: một người khách quí vừa
đến nhà. Phải làm mọi sự để đón
tiếp người ấy cho chu đáo; thật ra còn
cả đoàn môn đệ của Đức Giêsu nữa!
Nhà chỉ có hai chị em; thế mà Maria cứ để
cho chị phải xoay sở một mình. Mácta có lý khi yêu cầu
em giúp mình.
Mácta
có lý, nếu vấn đề là phải tiếp đãi
người khách cho tươm tất. Nhưng nhận
định của Đức Giêsu khiến chúng ta phải
tự hỏi: vấn đề phải chăng là như
thế? Người khách phải chăng chỉ muốn
được tiếp đãi ân cần chu đáo?
Đối với Người, điều gì quan trọng
nhất? Những câu hỏi này, Mácta không hề đặt
ra cho mình. Ngay từ đầu, hầu như là do thói quen,
cô tưởng là mình biết tình thế cần cái gì. Không
hề tự hỏi là người khách thật sự
muốn gì, cô áp đặt cho người khách ấy
điều cô nghĩ là hợp lý hơn, cần thiết
hơn, vào lúc này. Chắc chắn Mácta có hảo ý. Nhưng
cô không mấy quan tâm đến các sở thích và ý
hướng của người khách. Đức Giêsu giúp cô
hiểu rằng trước tiên Người không muốn
được đón tiếp, nhưng muốn một
điều quan trọng hơn nhiều.
Maria
lắng nghe Ngài. Đây là điều duy nhất cần
thiết và là điều luôn luôn đúng: lắng nghe Chúa.
Đức Giêsu đến nhà Mácta và Maria trước
hết không phải để được đón
tiếp, nhưng là để được lắng nghe.
Với tất cả thiện chí, Mácta đã sao nhãng ý
muốn này của Đức Giêsu. Chỉ có Maria là đã
gắn bó với điều Đức Giêsu muốn.
Trước hết, Người muốn cống hiến,
chứ không muốn đón nhận. Trước hết, Người
không muốn có một sinh hoạt chuyên chăm cần cù,
qua đó người ta chứng tỏ người ta luôn
biết điều gì là đúng và điều gì phải
làm; nhưng Người muốn người ta suy nghĩ
và ở yên để lắng nghe, suy tư và để cho
Đấng khác nói với mình điều thật sự
quan trọng và điều thật sự mình phải làm.
+ Kết luận
Khi
viết 10,38-42, tác giả Lc không hề muốn phân biệt
giữa đời sống tu trì chiêm niệm và đời
sống tu trì hoạt động, cũng không hề coi
thường việc phục vụ người khác. Ngài
chỉ muốn nhấn mạnh đến “phần duy
nhất cần thiết” là: làm môn đệ Đức
Giêsu, là lắng nghe giáo huấn của Người,
để Người tiếp tục hướng dẫn.
Nhìn
lại ngữ cảnh rộng, chúng ta có thể cho rằng
Lc đặt bản văn 10,38-42 ở đây nhắm nêu
bật giáo huấn của Đức Giêsu ở 10,25-37
(Điều răn lớn) như là đáng để
mọi người lưu ý, như là thuộc về
“điều duy nhất cần thiết”, và như mạc
khải về Chúa Cha, Đấng mà không ai biết như
Đức Giêsu, đồng thời để dạy
rằng động lực của mọi hành vi luân lý Kitô
hữu phải tuyệt đối là giáo huấn của
Đức Giêsu.
5.- GỢI Ý SUY NIỆM
1.
Đối với Mácta, tiếp khách là chuyện quan
trọng nhất. Thường thường chúng ta gặp
nguy cơ bị thu hút bởi mối bận tâm đối
với các nhu cầu vật chất, đối với
đồ ăn thức uống, chuyện ăn mặc,
nhà cửa trú ngụ, những tiện nghi, và chúng ta dùng
hết năng lực và thì giờ cho những chuyện
ấy. Dĩ nhiên, cần phải quan tâm đến
những điều ấy. Nhưng cũng phải
thấy rằng chỉ lo chừng ấy chuyện thì chưa
đủ. Phải có một bậc thang các giá trị
để đi theo.
2. Các
Kitô hữu cần thường xuyên xét lại hệ
thống các xác tín và các thói quen của mình để sẵn
sàng điều chỉnh. Người tín hữu cần
được thanh thoát, không bị ràng buộc bởi
những thói quen cá nhân, khuynh hướng hưởng
thụ, mức sống. Không phải chỉ đơn
giản chấp nhận những gì môi trường chung
quanh coi là thông thường, cần thiết và đúng
đắn, là đã đủ. Người Kitô hữu còn
cần phải suy nghĩ về những gì là thật
sự cần thiết và đúng đắn. Đức
Giêsu đặt việc lắng nghe lời Người vào
chỗ nhất. Như thế, Kitô hữu chúng ta cần có
một thời gian yên tĩnh và suy tư để cầu
nguyện. Chúng ta cần phải thường xuyên lắng
nghe Đức Giêsu và để Người chỉ
đường. Khi đó, chúng ta không được tránh
né cố gắng và thậm chí đau khổ để có thể
tái định hướng và thay đổi.
3.
Trong đời sống chung (cộng đoàn tu trì, gia
đình, giáo xứ…), cần biết thường xuyên
đặt câu hỏi: “Những người khác đang
muốn gì? Họ đang cần gì, ngoài những của
cải vật chất?”. Khi đó, hẳn là ta sẽ
thấy rằng những người ấy đang
đặc biệt cần được chúng ta quan tâm và
cần có thì giờ của chúng ta. Các em bé không chỉ
cần được ăn cái gì mà thôi. Các cha mẹ
phải có giờ cho chúng, để chơi với chúng,
để trả lời những câu hỏi của chúng,
để giúp chúng kể những kinh nghiệm của
chúng. Những người già cũng muốn xin chúng ta có
thì giờ cho họ, muốn chúng ta lắng nghe họ, chúng
ta hiệp thông vào các suy tư, các mối bận tâm, và
cả những kỷ niệm của họ. Những
người thợ trong một hãng xưởng không
chỉ cần một đồng lương hậu
hĩ; họ cũng cần được quan tâm và nhìn
nhận, cần một lời khen và một lời nói nhân
ái. Giúp đỡ về vật chất mà thôi thì chưa
thỏa mãn được nhu cầu số một là có
giờ cho nhau, lắng nghe nhau trong kiên nhẫn và yêu
thương và sống cho nhau.
|