Yêu thương
Tôi xin
hỏi các bạn: “Ai trong các bạn dám nói rằng:
đời tôi không bao giờ yêu thương ai hay là không
muốn một ai yêu thương tôi cả?” Chắc
chắn là không có ai dám khẳng định như vậy
cả. Thật vậy, nhu cầu và khát vọng yêu
thương vẫn tồn tại nơi từng con
người, nhưng vấn đề được
đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay là: tôi yêu
ai? Yêu với một thái độ như
thế nào? Và tôi yêu để làm gì?
Những câu hỏi này ắt hẳn mỗi
bạn đều đã có câu trả lời cho chính mình,
đó là quan niệm riêng của mỗi người.
Hôm nay, qua trang Tin Mừng thánh Luca
tường thuật cho chúng ta, Chúa Giêsu đã đưa ra
cho chúng ta một quan niệm mới về tình yêu. Và đây cũng là điều cốt
lõi cho đời sống người Kitô hữu và
được đặt làm trung tâm điểm của
đạo Kitô giáo chúng ta: Mến Chúa và Yêu Người. Chúa
Giêsu đã đặt giới răn yêu thương này trong
mối tương quan của người Kitô hữu
với Thiên Chúa và với con người. Tình
yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân nơi người Kitô hữu có
một mối quan hệ bổ túc cho nhau để
người Kitô hữu ngày càng trở nên hoàn thiện
hơn. Thánh Gioan khi nói về mến Chúa và yêu
thương anh em cũng đã viết: “Ai nói yêu mến
Thiên Chúa mà không yêu anh em mình là kẻ nói dối, vì nếu
họ không yêu anh em là người họ trông thấy thì làm
sao họ có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ
không thấy”.
Cũng
như người thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay:
Thiên Chúa thì chỉ có một, nhưng tha nhân thì rất
nhiều xét trên mối tương quan, qua mỗi quan
điểm… từ đó anh ta bối rối khi xác
định cho mình người thân cận để yêu
thương. Chúng ta nhiều khi cũng
vậy.
Qua
dụ ngôn người Samaria tốt lành, Chúa Giêsu đã không
định nghĩa thế nào là người thân cận,
nhưng Ngài đã giúp ta nhận ra cho mình mẫu
người thân cận của chúng ta, đó không chỉ là
những người thân quen “cùng hội cùng thuyền”,
cũng không chỉ là những người cùng tôn giáo, cùng
chủng tộc hay cùng một quốc gia, nhưng là
những người đang gặp khốn khó, những
người đang cần chúng ta giúp đỡ. Có thể nói khi đến gần ai – không có
bất cứ một sự phân biệt nào – là lúc ta
biến người đó thành thân cận của chúng ta.
Nhưng thử hỏi có thể đặt
một giới hạn cho tình yêu đối với tha nhân
không?
Người
Việt chúng ta có câu: “Thương người như
thể thương thân”. Hay như một nhạc phẩm
đã diễn tả: “Yêu là chết đi, là đóng
đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu”. Vâng, đó
là tinh thần của Chúa Giêsu và là lời mời gọi
của Chúa Giêsu: yêu thương tha nhân với một tình
yêu vô vị lợi, không tính toán, không lý lẽ và không
đặt một biên giới nào cho tình yêu ấy.
Người Samaria đã không ngần ngại đến
với người xấu số kia mà
không hề nghĩ đến mình có thể gặp bao
điều phiền toái: hành trình bị gián đoạn và
trễ hẹn, sẽ phải tốn kém, thậm chí có
thể bị thiệt thân nữa vì bọn cướp
đang rình rập đâu đây. Ông đã không tính toán: khi
dốc cạn dầu và rượu để làm dịu
bớt sự đau đớn cho tha nhân, ông không ngần
ngại nhường lưng lừa để đưa
tha nhân đến quán trọ và không ngần ngại dốc
những đồng tiền để lo cho người
bị nạn.
Yêu
tha nhân như chính mình, sứ điệp Tin Mừng mời
gọi ta khi đến với tha nhân hãy biết dẹp
đi cái tôi của mình, phục vụ tha nhân đến
nỗi có thể nói được là phải hao mòn chính
bản thân mình, để người thân cận tìm
được một niềm vui và an
ủi.
Chuyện người Samaria tốt lành ngày xưa có
còn là bài học thiết thực cho các bạn và tôi ngày hôm
nay nữa không? Thưa nó vẫn là một bài học cho chúng ta.
Như với người thông luật, Chúa Giêsu cũng
khuyến khích chúng ta: “Hãy đi và làm như vậy
để được sự sống đời
đời”. Sống bác ái và dấn thân cho tha
nhân vẫn ngày ngày là chứng từ sống động cho
đạo tình yêu của Thiên Chúa, nó có sức mạnh
cuốn hút người khác đến với Thiên Chúa.
Cha sở giáo xứ Taejou (Nam Hàn) – cha
Cluny kể rằng: Khi hay tin có một người ăn
xin vừa mới chết ở ngoài chợ, các bạn
trẻ trong giáo xứ của ngài đã hy sinh đóng góp
tiền mua hòm để lo hậu sự cho người
hành khất xấu số kia. Họ đã xin
phép cha xứ đem ông ta đến nhà thờ để
cầu nguyện (vì ông ta cũng vừa được
rửa tội), tổ chức thánh lễ và đưa ông
ta đi chôn. Người dân trong giáo xứ hay tin
đã đến và tham dự. Mấy ngày sau, cha xứ có
việc đến một làng cách giáo xứ của ngài 30
cây số thì có hai ông lão đến gặp và nói: “Sự bác
ái và kính trọng của người Công giáo đối
với người chết làm chúng tôi hài lòng. Chúng tôi biết được điều Giáo
Hội Công giáo đã làm cách nay mấy ngày cho người
chết nơi chợ. Vì thế, chúng tôi muốn xin
trở lại đạo”. Và cha Cluny kết
luận: “Thật tuyệt diệu! Các bạn trẻ trong
xứ đã làm cho Giáo Hội được thiện
cảm và hấp dẫn nơi con mắt của
người ngoại giáo và ngay cả nơi con mắt
của người Công giáo”.
Ngày nay, một xã hội đang có
nhiều con người bị bỏ rơi, bị bóc
lột, bị bỏ sống không ra sống chết không ra
chết, luôn là một thực trạng không thể phủ
nhận. Nhiệt
huyết của các bạn đang có, tình yêu của các
bạn đang ở thời kỳ sung mãn, các bạn hãy
sống làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời
sống bác ái cụ thể và thiết thực.
“Hãy đi và làm như vậy”. Sứ điệp Tin
Mừng đang thôi thúc tôi và các bạn nỗ lực
mỗi ngày một việc làm cụ thể trong môi
trường của chúng ta đang sống nơi công
sở, nơi trường học, trên đường
đi. Các bạn hãy làm với một niềm tin
tưởng rằng cho dù một cữ chỉ nhỏ
của chúng ta đối với tha nhân là chúng ta góp phần
làm cho tình yêu của Thiên Chúa lan toả và góp phần xây dựng một nền
văn minh tình thương cho thế giới. Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với các bạn
qua sứ điệp ngày giới trẻ thế giới
lần thứ 16 vừa qua rằng: “Vậy đừng
sợ đi trên con đường Chúa đi. Với tuổi trẻ, chúng con hãy ghi dấu
ấn của niềm hy vọng và lòng nhiệt thành vốn
là đặc trưng của tuổi trẻ chúng con trên ngàn
năm thứ ba”. Chúng ta hãy cùng trở nên chứng tá
cho tình yêu bằng hai nguyên tắc: Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu
tha nhân là một; tình yêu tha nhân bao gồm tất cả
mọi người, không loại trừ người
ngoại bang hay kẻ thù.
|