Thực thi lòng thương xót – Lm. Anmai.
Con người, chẳng hiểu tự bao
giờ mà cái máu của ích kỷ, của ghen tương,
của thù hận nó xen vào. Ai cũng biết ích kỷ, ghen
tương, không biết cảm thương ấy là không
tốt nhưng rồi cũng chẳng hiểu sao người
ta cứ để cho cái nồng độ của ích
kỷ, của ghen tương tăng lên dần dần
trong đời sống thường ngày.
Đời sống con người có lúc này
lúc khác, lúc sung túc và lúc ngặt nghèo. Lúc sung túc người
ta cũng chia sẻ nhưng hình như không bằng lúc
người ta ngặt nghèo. Cuộc sống người ta
dù có nghèo đi chăng nữa những khi gặp những
người khó khăn hơn thì họ dễ chia sẻ
hơn là khi người ta giàu có.
Tâm lý thường thì người ta chia
sẻ cho những người thân cận, đồng vai
đồng vế, đồng hàng đồng xóm với
họ chứ ít bao giờ họ nghĩ đến chia
sẻ cho những người xa lạ. Đi xa hơn
một chút nữa, để chia sẻ cho những
người mà ta tạm gọi họ là người không đồng
tình đồng ý hay là người đối nghịch
với ta thì càng khó hơn nữa.
Vì tâm lý thường là như vậy nên khi
người ta chia sẻ với những người thân
thuộc, đồng vai đồng vế thì họ
cũng tự nhủ rằng họ làm như thế là
tốt lắm rồi nhưng Chúa Giêsu mời gọi con
người đi một bước xa hơn cái
bước bình thường đó là thương những
người không cùng lập trường với mình,
những người đối lập với mình. Lời
mời gọi ấy thật sự là khó. Lời mời
gọi ấy được Thánh Luca ghi lại qua câu
chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể.
Chúa Giêsu là nhà giáo dục tài ba, Ngài hết
sức tinh tế khi muốn dạy, muốn khuyên, muốn
bảo những người nghe Ngài giảng dạy.
Chuyện dụ ngôn là câu chuyện hết sức gần
gụi và hết sức thực tế. Chuyện dụ
ngôn không ám chỉ riêng tư một cá nhân, một tập
thể nào cả nhưng chỉ nói chung chung. Với cách nói
chung chung đó sẽ làm giảm đi phần nào
đụng chạm, phần nào tự ái của
người, của nhóm người được nói
đến.
Dụ ngôn người Samaria
nhân hậu này hết sức quen thuộc với mỗi
người kitô hữu. Chúa Giêsu nói là một người
kia chứ không nói người đó tên gì, nhà ở đâu.
Người kia đó đi đường từ Giêrusalem
xuống Giêricô đi công chuyện, đi đám cưới
hay đi đám tiệc gì đó không rõ. Chuyện đáng
tiếc là người này gặp cướp giữa
đường. Chắc là đoạn đường
Giêrusalem xuống Giêricô vắng vẻ lắm nên
người khách mới ra nông nổi này. Giá như
người này chết thì chẳng còn chuyện gì
đển nói nhưng người này dở sống dở
chết. Sống cũng chẳng ra sống mà chết
cũng chẳng ra chết mới oan nghiệt. Giá mà
chết thì khoẻ còn sống mà chẳng làm
được gì, kêu cũng chẳng được mà la
cũng chẳng xong.
Câu chuyện hết sức hấp dẫn
ở cái chổ là có thầy tư tế đi ngang qua
nhưng cũng bỏ đi luôn. Và rồi, đến
một thầy Lêvi cũng đi ngang nhưng ông thầy này
tiếp tục cái cảnh "nhắm mắt làm
ngơ". Hai ông thầy đi qua và rồi một
người Samari cũng đi qua đó. Thế nhưng,
điều hết sức kinh ngạc, hết sức
tuyệt vời đó là người Samari này đã lấy
rượu để rửa vết thương, năng
bó vết thương. Khi bị tai nạn, được
làm như thế quả là có phúc lắm rồi nhưng
người này lại có phúc hơn nữa khi mà
người Samari này còn cho lên lưng lừa và đem
đến quán trọ. Không chỉ đưa đến
quán trọ mà còn trao tiền cho chủ quán chăm sóc.
Hơn điều mà mọi người nghĩ đó
lại là còn hứa là sau khi đi công chuyện về ông
sẽ thanh toán phần còn lại. Tuyệt vời, hết
sức tuyệt vời nơi con người Samari này.
Câu chuyện đẹp không chỉ dừng
ở chỗ này mà còn đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi
người Samari và người Do Thái ngày xưa kình
địch nhau, không đội trời chung với nhau. Nét
đẹp của người Samari là họ đã
vượt qua cái ranh giới hận thù, chia rẽ của
lòng người để toả lòng thương cảm
đến người bị tai nạn.
Câu chuyện này cũng đáng lưu ý nơi
hình ảnh của hai ông thầy là thầy tư tế và
thầy Lêvi. Hẳn ông ta có ăn, có học hơn cái
người Samaria kia
nhưng lòng của ông ta đã khép lại trước con
người bị tai nạn. Chúa Giêsu không hề
đề cập đến bằng cấp, địa
vị, thân thế sự nghiệp của người
Samari, Chúa Giêsu chỉ đề cập đến tấm
lòng nhân hậu của người Samari dành cho người
bị nạn mà là người đó lại là người
ở phe đối lập của mình.
Hình ảnh của người Samaria
nhân hậu hết sức dễ thương. Làm sao ông có
thể làm được cái điều mà người
đời khó làm này? Chắc có lẽ trong đời
thường của ông, ông đã cảm nhận
được tình thương từ ơn trên dành cho
đời của ông nên ông đã làm như thế với
anh chị em đồng loại và anh chị em đồng
loại ấy không phân biệt là kẻ ghét người
thương.
Đáng trách chăng đó là hai ông thầy.
Hai ông thầy được ăn được học
nhất là được hòng về lòng thương xót
của Thiên Chúa. Bài học về lòng thương xót ấy
đã được mời gọi trong suốt dòng
chảy của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa
mời gọi con người giản đơn ở cái
chuyện mến Chúa và yêu người. Mệnh lệnh Chúa
gửi đến cho con người có như vậy thôi.
Mệnh lệnh đó, chúng ta vừa nghe Thánh
Phaolô nhắc qua thư của Ngài gửi tín hữu Côlôsê.
Ngài mời gọi tín hữu Côlôsê cũng như mọi
người chúng ta là khi chúng ta nghe tiếng Chúa thì chúng ta
giữ những mệnh lệnh, những thánh chỉ
của Ngài trong sách Luật. Ngài nhắc cho chúng ta mệnh
lệnh ấy nó nằm trong lòng bàn tay của mọi
người. Mệnh lệnh ấy gần và rất
gần. Mệnh lệnh ấy ngay trong miệng, trong lòng
của chúng ta và chúng ta hết sức dễ để
đem ra thực hành.
Lời của Chúa Giêsu dạy trong dụ ngôn
hết sức tế nhị. Chúa Giêsu không bắt người
thông luật làm như mệnh lệnh của Chúa nhưng
Chúa Giêsu mời gọi người thông luật thực thi
điều mà chính ông đề ra: "Chính là kẻ đã thực
thi lòng thương xót đối với người
ấy." Chúa Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và
cũng hãy làm như vậy."
Trang Tin mừng này kết thúc một cách
bỏ ngõ. Thánh Luca không hề viết thêm cho độc
giả rằng người thông luật đó đã làm gì,
đã sống như thế nào sau khi nghe lời của Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu cũng đã mở ngõ cho nhà thông luật:
"Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng mở ngõ cho
mỗi người chúng ta. Chắc chắn khi nghe dụ
ngôn ấy xong và sau khi nghe Chúa Giêsu chất vấn chúng ta
cũng sẽ trả lời như nhà thông luật đó là
thực thi lòng thương xót với người ấy.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế của cuộc
sống, hình như chúng ta khiếm khuyết lòng
thương xót anh chị em đồng loại. Lý do
khiếm khuyết đó là vì chúng ta đã không lắng
đọng tâm hồn, lắng đọng cõi lòng của
chúng ta. Nếu chúng ta lắng đọng tâm hồn, chúng ta
để cho lòng chúng ta lắng xuống chúng ta sẽ
thấy được chúng ta hạnh phúc và Chúa
thương chúng ta nhiều. Khi và chỉ khi chúng ta nhìn
thấy tận căn lòng Chúa thương xót thì chúng ta
mới có thể thương xót anh chị em đồng
loại chúng ta được.
Chúng ta vẫn bị những rào cản
của vật chất, của quyền lợi để
rồi chúng ta không thấy Chúa hiện diện trong cuộc
đời của chúng ta. Chúng ta hãy xin với Chúa Giêsu ban
cho chúng ta con mắt đức tin để chúng ta thấy
lòng Chúa thương xót chúng ta để chúng ta có thể
thương xót anh chị em đồng loại như lòng
Chúa mong muốn.
|