Luật Samaritanô – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Câu chuyện
kể của Chúa Giêsu về người Samarianô nhân
hậu đã khởi hứng cho một câu chuyện phim khá
lý thú. Nội dung chuyện phim như sau: Một cô sinh viên
trường y đang học năm cuối chương
trình y khoa một lần kia chứng kiến một
người đứng tuổi mập mạp đang trong
cơn đột quỵ. Hoàn cảnh lúc ấy thật
cấp bách, theo sự hiểu biết về y khoa mà cô sinh
viên đã tiếp thu ở nhà trường thì cần
phải có một tiểu phẩu nhỏ nơi cổ
nạn nhân mới có thể cứu sống nạn nhân
kịp thời trước khi đưa vào bệnh
viện cấp cứu. Cô sinh viên ngành y ấy đã theo
tiếng lương tâm mà làm tiểu phẩu trước
khi được đưa vào bệnh viện cấp
cứu. Nạn nhân được cứu sống, nhưng
lại bị một di chứng là khó phát âm vì khi làm
tiểu phẩu, cô sinh viên chưa tốt nghiệp ấy
bị một sai sót nhỏ. Cô sinh viên bị nạn nhân
kiện. Nhiều thế lực không tốt cũng nhân
cơ hội ấy để kiện luôn cả khoa và
trường mà cô sinh viên đang theo học. Vụ kiện
làm xôn xao dư luận, trở thành đề tại “hot”
và cô sinh viên đang ở trong cảnh thế bí chỉ vì lý
do chính là chưa tốt nghiệp, chưa có bằng
chứng nhận được phép hành nghề y khoa. Và nhà
trường cũng như bị liên lụy trách nhiệm
đáng kể. Câu chuyện tưởng như không có
hậu ấy đã thay đổi vào phút chót khi viên
luật sư trẻ đầy tâm huyết đã tìm ra
một luật để bào chữa đó là luật
Samaritanô. Câu chuyện phim trở thành có hậu khi cô sinh viên
được tòa tuyên vô tội.
Thánh tông đồ dân ngoại nói: “Anh em
đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương
thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn
mọi Lề Luật” (Rm 13,8). Có thể nói rằng
luật tình yêu là luật của các luật. Tuy nhiên cần
xác định thế nào là yêu thương. Dưới khía
cạnh tiêu cực, “đã yêu thương thì không làm
hại người đồng loại”(Rm 13,10). Khổng
Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi
ư nhân”. Theo Tanmút Do Thái giáo thì Rapbi Hinlen cũng nói:
“Đừng làm cho người khác điều chính mình không
thích”. Ông Tobia cha, đã khuyên bảo người con một
đạo lý tương tự như trên: “Này con, hãy
cẩn thận trong mọi việc con làm, và hãy tỏ ra con
là nhà gia giáo trong mọi cách ăn thói ở của con.
Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai
cả”(Tb
4,14-15). Chúa Kitô đã đưa luật tình yêu này
đến tận cùng với chiều kích tích cực:
“Vậy tất cả những gì anh em muốn người
ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì
luật Môsê và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
Bài Tin mừng Chúa Nhật XV TN C tường
thuật khi được Chúa Giêsu hỏi rằng trong
Luật đã viết những gì thì vị thông luật
đã trả lời đó là: “Ngươi phải yêu
mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết
lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí
khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như
chính mình”. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng ông ta
trả lời chính xác và hãy làm như vậy thì sẽ
được sự sống đời đời làm gia
nghiệp (x.Lc 10,25). Kitô hữu chúng ta ít băn khoăn hay
tranh luận về giới luật phải yêu mến Thiên
Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết
trí khôn. Quả thật nếu đã tin nhận Thiên Chúa là
căn nguyên và là cứu cánh của mọi vật mọi
loài, nhất là loài người chúng ta thì việc phải
yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là lẽ tất
yếu. Tuy nhiên, cũng như vị thông luật kia, chúng
ta nhiều khi cảm thấy khó khăn với giới
luật yêu tha nhân như chính mình.
Cựu Ước ghi rõ là phải yêu
người thân cận như chính mình. Thế thì ai là
người thân cận của chúng ta? Hạn từ
người thân cận dường như giả thiết
một sự giới hạn nào đó cả về mối
tương quan cũng như điều kiện hoàn
cảnh. Người Do Thái vốn ưu tiên đặt
nặng mối dây tương quan niềm tin tôn giáo, kế
đến là là mối tương quan màu da quốc
tịch… Và chắc chắn trong phạm trù người thân
cận không hề có kẻ thù. Chúng ta nhận ra
điều này khi họ được dạy rằng “hãy
yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt
5,43).
Chúa Giêsu đã làm chưng hửng vị thông
luật kia, khi mở rộng phạm trù người thân
cận đến tất cả mọi người, không
trừ ai. Người lại còn khẳng định tính
tất yếu và vô điều kiện của giới
luật yêu người. Câu chuyện “người Samaritanô
nhân hậu” là một ví dụ minh họa rõ nét. Dù là luật
của nghi lễ tế tự như trường hợp
vị tư tế hay dù là một sự cẩn trọng,
khôn ngoan cần có như trường hợp của vị
trợ tế hay dù bất cứ lý do gì cũng không thể
là nguyên cớ khiến ta xao nhãng hay thoái thác nghĩa vụ
sống yêu thương. Theo nội dung câu chuyện kể,
khi truyền cho vị thông luật là hãy đi và làm như
người Samaritanô nhân hậu thì Chúa Giêsu nhắc nhớ
vị ấy cũng như chúng ta rằng đừng
hỏi ai là người thân cận của tôi mà hãy tự
hỏi tôi là người thân cận của những ai.
Chúng ta phải trở nên người thân cận của
tất cả những ai đang cần đến lòng xót
thương, ngay ở đây và lúc này.
Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua
nội dung dụ ngôn cuộc phán xét chung trong Tin mừng
Matthêu đã được Giáo hội viết thành lời
kinh “mười bốn mối thương người”.
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa
hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các
ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì
xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các
ngươi đã cho Ta uống…Ta bảo thật các
ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế
cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta
đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta….Quân bị
nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào
lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và
các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các
ngươi đã không choTa ăn; Ta khát các ngươi
đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã
không tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi
đã không cho mặc…”(Mt 25,31-46).
“Hãy đi và hãy làm như người Samaritanô nhân
hậu!” Một lệnh truyền mang tính cấp
thiết vì nó liên hệ đến hạnh phúc vĩnh
cửu của chúng ta. Lạy Chúa, con phải là
người thân cận của ai đây? Không phải ở
đâu xa hay là ngày mai, nhưng hôm nay và ở nơi này,
lạy Chúa, những ai đang cần lòng thương xót,
sự cứu giúp và nâng đỡ của con? Nếu
thật lòng và xác tín với lời cầu nguyện trên,
chắc chắn chúng ta sẽ biết phải làm gì
để được sự sống đời
đời làm gia nghiệp.
|