Lề luật và bác ái – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Có lần nghe ca
sĩ Hương Lan hát bài "Lạy Chúa, con là
người ngoại đạo" với lời ca:
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng
con tin có Chúa ngự trên cao; tôi tự hỏi: tại sao là
người ngoại đạo mà lại tin là có Chúa
ngự trên cao? Đã tin có Chúa ngự trên cao là có đạo
rồi. Nếu tin Chúa ngự trên cao mà vẫn là ngoại
đạo thì chỉ có nghĩa là có đạo mà không vào
đạo đó thôi.
Tôi đã gặp nhiều người có
đạo mà không sống đạo. Và tôi cũng đã
gặp nhiều người sống đạo mà không có
đạo.
Nói về đạo và sống đạo,
tôi thấy trong Phúc Âm có nhiều câu chuyện tường
thuật về những người ngoại đạo
nhưng lòng họ thì lại có đạo.
- Khi Chúa Giêsu vác thập giá lên Núi Sọ,
đường dài, sức nặng của thập giá,
kiệt sức vì bị hành hạ, Ngài gục ngã
đến ba lần. Kẻ vác đỡ thập giá cho Chúa
là ông Simon người xứ Kyrênê, một người
ngoại đạo.
- Khi Chúa Giêsu đến Caphanaum, Viên Bách
Quản, một người ngoại đạo
đến gặp và van xin: Thưa Ngài, tên hầu của
tôi nằm liệt bất toại ở nhà đau
đớn lắm. Chúa nói: Ta phải đến chữa nó.
Viên Bách Quản thưa lại: Thưa Ngài, tôi không đáng
được Ngài vào nhà tôi, nhưng Ngài hãy phán một
lời, đứa hầu nhà tôi sẽ khỏi. Nghe vậy
Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với các kẻ theo Ngài: Quả
thật Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp
được lòng tin lớn như thế nơi một
người nào trong Israel.
- Một lần khác, Chúa Giêsu vào một làng
kia, có mười người phong hủi đến
gặp Ngài. Từ đàng xa họ đã lên tiếng
thưa: Lạy Thầy Giêsu xin thương xót chúng tôi.
Thấy vậy, Chúa bảo họ: Hãy đi trình diện
với hàng Tư Tế. Và xảy ra là khi họ đi thì
họ được lành sạch. Một người trong
bọn họ thấy mình được lành sạch
liền quay lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và
sấp mặt dưới chân Ngài mà tạ ơn.
Người ấy là một người Samari,
người ngoại đạo. Chúa Giêsu cất tiếng
nói: Không phải là cả mười người
được sạch cả sao, chín người kia
đâu không thấy họ quay trở lại mà chúc vinh Thiên
Chúa, trừ có người ngoại này?
- Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu
kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem
xuống Giêricô, giữa đường bị bọn
cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử,
rồi bỏ đi, để mặc người ấy
nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi
qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi
tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân.
Một người ngoại đạo Samari đi ngang,
thấy người lâm nạn, chạnh lòng thương
liền băng bó, đặt lên lưng lừa đưa
về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả
hết mọi phí tổn.
Thầy Tư Tế, Thầy Lêvi chẳng
những là người trong đạo mà còn hơn nữa
họ còn là kẻ rao giảng về đạo. Họ
ở trong đạo nhưng không sống đạo.
Người Samari,kẻ sống đạo lại là
người không có đạo.
Như thế kẻ vác đỡ thập giá
cho Chúa trên con đường dài với những
bước chân xiêu té cuối đời là người
ngoại đạo. Kẻ tỏ lòng biết ơn khi
được Chúa chữa lành là người ngoại đạo.
Kẻ thể hiện lòng bác ái xót thương không phải
là Tư Tế, là Lêvi, các chức sắc trong đạo mà
là người Samari, người ngoại đạo.
Khi băn khoăn tự hỏi: thế nào là
người bên ngoài, thế nào là người bên trong?
Thế nào là có đạo, thế nào ngoại đạo?
Tôi thấy trong Phúc Âm có lần Chúa Giêsu nói: Ta bảo các
ngươi, nhiều kẻ từ Phương Đông,
Phương Tây mà đến và được dự
tiệc với Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời,
còn chính con dân trong nước lại sẽ bị
đuổi ra ngoài tối tăm.
Vậy thì có một khoảng cách rất
lớn giữa hiểu biết về đạo và
sống đạo. Đạo thì mênh mông vô bờ bến
như đất trời, làm sao có thể đem
đạo vào một định nghĩa chật hẹp
được? Làm sao có thể nhốt đạo vào nhà
thờ? Làm sao vẽ chân dung đạo bằng tờ
giấy rửa tội được? Bởi lẽ
"Đạo khả đạo phi thường
Đạo" ( Lão Tử)
Hiểu biết về đạo
được thể hiện qua đời sống
đạo. Có người nói rằng: tôi tin đạo
chứ tôi không tin người có đạo. Đạo thì
tốt, nhưng nhiều người có đạo lại
xấu. Có nhiều người ngoại đạo lại
tốt hơn người có đạo. Họ nói như
thế vì họ thấy nhiều người có đạo
mà lại không sống đạo của mình. Quả
thật, con đường dài nhất là con
đường từ cái đầu đến bàn tay.
Giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm, giữa
hiểu biết và cuộc sống có một khoảng cách
thật lớn.
Đức Khổng Tử đã nói chí lý:
Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi
viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Nghĩa là:
đạo không xa cái bản tính của người ta,
nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của
người ta thì không phải là đạo.
Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên
Chúa làm người, rất gần gũi với con
người. Vì con người là con đường
của Giáo hội ( ĐGH Gioan Phaolô II). Người
Đông Phương lấy chữ nhân mà định
nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là
lòng thương người. Ai không biết thương
người khác là kẻ không xứng danh là người.
Nhân bản và nhân ái có quan hệ mật thiết với
nhau.
Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy
rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do Thái giáo,
đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên
là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi
tượng trưng cho tinh thần vị luật của
Cựu Ước. Người Samari tượng trưng
cho những người sống tình yêu. Những
người tốt thì sống theo sự đòi hỏi
của lương tâm hơn là của lề luật thành
văn. Thấy người bị nạn, người
Samari tốt lành đã động lòng xót thương.
Lương tâm và tình thương đồng loại thúc
đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến
nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là
người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích
với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy
tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai
ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu
Ước dạy rằng, Tư Tế không
được đụng vào thây người chết vì
sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không
được phục vụ trong đền thờ.
Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có
thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám
chạm đến người có thể chết. Họ
lựa chọn lề luật. Sách luật Lv 21 ghi rõ điều
khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và
người chết. Người Samari lựa chọn bác
ái. Anh không ngại chạm đến người dở sống
dở chết này. Anh chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân
như người thân và anh đã vượt quá giới
hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi
phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái,
người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các
ràng buộc của lề luật. Người ấy không
bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật
nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn
lề luật.
Chúa Giêsu hỏi người thông
luật:"Ai là người thân cận của nạn nhân
đã sa vào tay kẻ cướp?". Người ấy
đáp: "Người đã đem lòng từ bi
thương nạn nhân".
Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ
câu hỏi người thông luật: ai là người thân
cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài:
tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu
hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống
cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai
để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người
thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành
người thân cận với tôi. Ai cũng có thể
trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu
thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương
yêu tôi.
Càng hiểu biết về đạo càng
phải sống đạo. Chúa Giêsu dạy rằng: "Ai
yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy".
Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa,
Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy
nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người.
Thánh Gioan viết: "Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu
người thì là kẻ nói dối". Đối với
Thánh Phaolô: "Yêu thương là giữ trọn lề
luật". Lề luật không phải được
lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có
tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề
luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị:
"Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp
mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng
chẳng ích gì cho tôi". Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ
yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết
ta phải làm gì.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa dạy chúng con rằng: không phải những
người cứ kêu lên "Lạy Chúa, Lạy Chúa.."
là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ
những ai thi hành ý muốn của Cha mới
được vào mà thôi. Xin cho Lời ấy in vào lòng trí
giúp chúng con luôn biết thể hiện trong đời
sống đạo hàng ngày. Amen.
|