Theo Chúa cũng lắm hạng người
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Thầy trò Đức Giêsu lên
Giêrusalem ngang qua Samaria. Con đường ngắn nhất
để lên Giêrusalem là con đường đi ngang qua
xứ Samaria. Dân Samaria lại thù ghét người Do Thái. Một sự thù ghét từ lâu đời, làm cho
hai dân tộc luôn đối nghịch cùng nhau và nhiều khi
đã bùng nổ thành những cuộc xung đột
đẫm máu. Vì thế, những đoàn hành
hương thận trọng hơn, thường đi vòng
qua bên kia sông Gióđan, tới tận Giêricô, băng qua sa
mạc Giuđêa, trước khi đặt chân vào
đền thờ Giêrusalem. Trở về
thủ đô, Chúa Giêsu muốn đi qua xứ Samaria. Nhưng một làng đã không đón tiếp Ngài
khiến cho Gioan và Giacôbê nổi giận đùng đùng
đòi sai lửa từ trời xuống thiêu rụi cả
làng ấy. Chúa Giêsu không chấp nhận.
Ngài đã quở trách hai môn đệ được
mệnh danh là con của thiên lôi này, và Ngài quyết
định đi sang làng khác. Trên đường đi
xuất hiện 3 người muốn theo
Ngài làm môn đệ.
- Mẫu người thứ
nhất: Theo Matthêu, đây là một luật sĩ.
Chính đương sự tự giới thiệu và
đề nghị được đi theo
Chúa. Không những thế, ông còn tuyên bố mạnh mẽ
sẵn sàng theo Chúa đến bất
cứ đâu. Lời đề nghị này cho
thấy lòng nhiệt thành nơi ông là rất lớn.
Tuy nhiên, động cơ đi theo Chúa
có lẽ là vinh quang, danh vọng và địa vị
trần thế mà ông mong là Chúa Giêsu có thể mang lại. Ông thiếu sự thành tâm thiện chí, thiếu
cả ý ngay lành.
Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh trước
sự ảo tưởng của ông: “Cáo có hang, chim có
tổ, còn Con Người không chỗ gối đầu.”
Ở đây, ta thấy rằng Chúa Giêsu không chiêu mộ
đồ đệ theo kiểu tiếp
thị ngày nay… Ngài nói rất rõ những điều
kiện khắt khe cho những ai muốn theo
ngài. Theo Ngài là phải chấp nhận sự bấp bênh
thiếu an toàn tiện nghi: “Con
Người không có chỗ tựa đầu.” Ngài không đưa ra một bảo đảm nào
cho cuộc sống hiện tại. Có
chăng là Ngài chỉ bảo đảm cho cuộc sống
mai sau, tức là sự sống đời đời.
Vậy điều kiện thứ nhất
để làm môn đệ Chúa Giêsu là biết chấp
nhận cuộc sống bấp bênh, đôi khi cũng
thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản
của cuộc sống.
- Mẫu người thứ hai:
Khác với người thứ nhất, người
thứ hai không tự đề nghị theo
Chúa mà chính Chúa Giêsu đính thân ngỏ lời cùng anh: “Anh hãy
theo tôi!” Thái độ của anh trước
lời mời gọi của Chúa Giêsu là gì? Anh xin được về chôn cất cha anh
trước đã. Thực ra ở
đây phải hiểu là không phải cha người này
vừa chết; ông ta vẫn còn sống. Ý của anh
là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng
xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh
chết và được chôn cất xong xuôi đã, rồi
anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn
một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu
thảo. Có thể nói anh ta là một
người rất tốt, rất có hiếu.
Nhưng đề nghị của Chúa Giêsu có vẻ như
rất phủ phàng: “Cứ để kẻ chết chôn
kẻ chết”, tức là để cho người thế
gian lo việc thế gian. Như vậy rõ ràng điều
kiện thứ hai của người đi theo
Chúa là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối
với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn
phận đối với thân nhân. Không
phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận
đối với gia đình, nhưng Ngài dạy rằng
trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì
môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa
hơn. Tin Mừng phải có chỗ
đứng trên hết, các giá trị Tin Mừng phải
được đề cao tuyệt đối, sứ
mạng loan báo Nước Chúa phải có tầm quan
trọng và cấp thiết hơn tất cả các nghĩa
vụ khác. Ngoài ra còn cần phải
biết phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa nữa.
- Mẫu người thứ ba:
Chính anh tự nguyện xin theo Chúa Giêsu.
Nhưng anh lại xin thêm một ân
huệ: “Xin cho phép tôi về từ biệt gia đình tôi
trước đã.” Thỉnh nguyện của anh ta xem ra
chính đáng, nhưng thực sự anh ta vẫn còn dây
dưa, chưa dứt khoát, anh vẫn còn để cho
những chuyện tình cảm riêng tư ràng buộc,
giống như kiểu đi tu rồi nhưng tạm thời
xin về một thời gian để chia tay
với người yêu. Lời đáp của
Chúa Giêsu khiến ta nhớ lại chi tiết trong Bài
đọc I. Thiên Chúa bảo Êlia hãy chọn Êlisê làm ngôn
sứ thay thế cho mình. Êlia đi tìm và
gặp thấy Êlisê đang cày ruộng. Ông
quăng chiếc áo choàng của mình cho Êlisê (áo choàng
tượng trưng cho sứ mạng làm ngôn sứ).
Êlisê hiểu ý, liền bỏ bò lại chạy theo Êlia, nhưng với lời nài xin
được phép về từ giã cha mẹ trước.
Êlia đồng ý. Sau khi từ giã cha mẹ, Êlisê lấy
chiếc cày làm củi đốt lên quay cặp bò làm
thịt cho dân chúng ăn, rồi đi theo
ngôn sứ Êlia. Dù sao đây cũng là một
hình ảnh tuyệt đẹp về ơn gọi rồi.
Thế nhưng nếu xưa kia Êlia
đồng ý cho Êlisê được phép về từ giã cha
mẹ trước, thì hôm nay Chúa Giêsu lại không
đồng ý. Điều kiện Ngài đưa ra là
phải dứt khoát, hơn nữa phải có một con tim
không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên
Chúa mà thôi. Không bắt cá hai tay, không
để những tình cảm trần thế (dẫu là
tình cảm gia đình) chi phối và ràng buộc: “Cầm cày
không ngoảnh lại.”
Theo văn mạch thì Chúa Giêsu
sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là
thương khó tử nạn và phục sinh. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải
đi cùng một hành trình như Ngài. Tuy nhiên,
người ta có thể từ chối lời mời
gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những
thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria;
hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm
vật chất, những quyến luyến gia đình và
quyến luyến quá khứ.
Như vậy, điều
kiện thứ ba mà Chúa dạy là phải chấp nhận
quên đi quá khứ đời mình. Quá khứ đó có
thể là những quyến luyến tình cảm phù du,
những ước mơ trần tục, kể cả
những mặc cảm tội lỗi xa xưa,… đồng thời phải dứt khoát
với mọi thứ ràng buộc, vì người theo Chúa
cần có một con tim không san sẻ để luôn biết
lo cho vinh quang Nước Trời.
Tôi có thuộc mẫu
người nào trong 3 mẫu người trên không? Có khi nào tôi thuộc cả 3 mẫu người
cùng một lúc hay không? Có thể lắm.
Đó là khi tôi theo Chúa mà thiếu thành tâm
thiện chí, thiếu ý ngay lành; tôi theo Chúa mà không dứt
khoát từ bỏ những ràng buộc trần thế; và
nhất là chưa biết ưu tiên cho các giá trị Tin
Mừng.
Chúa Giêsu đã dạy: “Tiên vàn hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người,
còn các thứ khác ngài sẽ ban cho sau.” Những ai tin
tưởng điều này và ưu tiên chọn lựa Chúa
và các giá trị Tin Mừng trong đời sống, chắc
chắn họ luôn xứng đáng là những người
môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, và chắc
chắn sẽ là những người được Thiên
Chúa chúc phúc và ban ơn cho dư dật. Amen.
|