Tuyên xưng Đức Giêsu thế nào cho
phải?
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn
Ty)
Tôi gợi
nhớ trong cuộc trao đổi kinh nghiệm mục
vụ giữa các linh mục thuộc năm giáo phận
miền tây trong cuộc hội ngộ tại Trung Tâm
Mục Vụ Tổng Giáo Phận Tp. HCM mấy năm
trước, một linh mục lớn tuổi đã chia
sẻ: trong giờ giáo lý khi ngài ra câu hỏi: ‘có mấy
mầu nhiệm chính trong đạo, ba hay là hai?’ Một
giáo dân đã trả lời: ‘Hai cũng được mà ba
cũng thế thôi!’ Nghe Phêrô tuyên xưng: “Thầy là
đấng Kitô của Thiên Chúa” (về nội dung rất
khác với câu trong Mt 16:16 “Thầy là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống”), tôi cũng thấy có điều
gì bàng bạc như thế; Phêrô thực tế đã
thốt lên một công thức thật trịnh trọng,
một tuyên xưng rất phổ biến trong suy nghĩ
của nhiều người Do Thái thời bấy giờ.
Thời đó hầu như mọi người Do Thái
đều quan niệm rằng: đấng Ki-tô là vị thiên
sai được phái tới để giải phóng dân,
Ngài đầy vinh quang và uy quyền. Toàn thể các môn
đệ, trong đó có cả Phêrô, đều có cùng
một quan niệm đó! Do đó câu tuyên xưng này,
đối với Đức Giê-su, chẳng có ý nghĩa gì
lớn cho lắm…, hơn nữa nó còn có thể dẫn
tới một sai lầm trầm trọng. Đó là lý do
tại sao Người ‘nghiêm giọng truyền cho các ông
không được nói với ai điều ấy’.
Trước khi cuộc tử nạn xảy ra,
đấng Ki-tô mà Đức Giêsu muốn phác họa lên
những nét lớn để các môn đệ hình dung và
nắm bắt, lại là: “Con Người phải chịu
đau khổ nhiều, bị các kỳ mục,
thượng tế, cùng kinh sư loại bỏ, bị
giết chết”. Theo ghi nhận của các thánh sử, thì
không dưới ba lần Người đã đề
cập tới đề tài này, thế nhưng xem ra bài
học vẫn hoàn toàn khó hiểu, vẫn chưa thể
lọt vào tai vào đầu các môn đệ.
Chấp nhận một đấng Thiên Sai
bị tiêu diệt là cả một nghịch lý đối
với bất kỳ người Do Thái nào! Theo
họ, đấng Kitô dứt khoát phải toàn thắng vì
Ngài phải là vua thống trị vinh quang. Theo họ:
giải phóng Ngài mang tới phải là tiêu diệt mọi
địch thù, vương quốc của Ngài phải
rộng mở tới tận cùng trái đất, và
quyền uy của Ngài tồn tại đến muôn
đời. Tất cả các môn đệ của
Đức Giêsu đều là những người Do Thái nên
họ không thể nghĩ khác! Các ông đã rắp tâm theo Ngài là để thống trị chứ
đâu phải để bị tiêu diệt,
được quyền cao chức trọng chứ đâu
phải để phải ngồi vào chỗ rốt
hết! Ấy vậy mà Người lại lên tiếng
tuyên bố ngược hẳn: “Ai muốn theo
tôi phải từ bỏ chính mình… phải liều mất
mạng sống mình…”
Quả thật tin rằng: có một Thiên Chúa
tự hủy dám chết cho tôi là chẳng dễ chút nào. Tôi
dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa quyền phép,
một Thiên Chúa công thẳng và luận phạt hơn, vì
điều đó hoàn toàn hợp với suy luận loài
người. Tôi rất mong muốn được cùng Ngài
thống trị, vì thế cho nên tôi đòi Ngài phải oai
phong hiển hách! Để đạt được
mục tiêu này tôi sẵn sàng chấp nhận trả giá,
dầu có phải nỗ lực bao nhiêu, phải kiên trì tu
thân tích đức, phải hy sinh từ bỏ tới
mấy… Tóm lại, tôi vẫn thấy điều này dễ
chấp nhận hơn vì tính hợp lý thường tình
của nó!
Chấp nhận tin vào một Đức Kitô
bị loại bỏ, bị giết chết (vì lòng nhân ái
và xót thương) cũng đồng nghĩa với
việc, tôi phải đi vào sự hiến dâng mạng
sống như Người; đây quả là một thách
thức quá lớn! Tông đồ Phaolô đã quả
quyết: ai muốn đón nhận và sống lòng từ bi
nhân ái như Đức Kitô, thì cũng phải đóng
đinh mình vào thập giá với Người. Chỉ có
sự tự hiến của Đức Kitô mới có
quyền đòi tôi phải từ bỏ và phải tự
hủy diệt như thế; chỉ có niềm tin
đặt nơi một Thiên Chúa nhân ái và hay thương
xót tới mức độ phó nộp chính Con Một
của Người mới có thể đòi tôi phải
trọn vẹn hiến mình cho tha nhân. Nếu chỉ tin vào
một Thiên Chúa quyền phép và công thẳng, thì tôi sẽ
chẳng bao giờ có đủ sức đi cho tới cùng
con đường tự hiến và hy sinh đâu!
Như thế tôi mới nhận ra: sức
mạnh vô địch của Thiên Chúa hệ tại nơi
lòng từ bi nhân hậu vô biên của Người. Các Thánh
(Don Bosco hay Mẹ Têrêxa chẳng hạn), vì đã
được tham gia một phần nhỏ vào sức
mạnh nhân ái đó, nên các ngài mới có khả năng toàn
tâm toàn lực hiến mình phục vụ tha nhân, đặc
biệt những ai nghèo khổ bất hạnh nhất
(đối với Don Bosco: hiến mình cho thanh thiếu
niên, đặc biệt các em nghèo khổ nhất,
đối với Mẹ Têrêxa Kơn-ka-ta: cho những
người nghèo nhất trong số các người nghèo
khổ).
Ôi, sức mạnh của tình yêu nhân ái
quả là vô địch, không gì cưỡng lại nổi!
Lạy Thiên Chúa
nhân ái và giầu lòng xót thương, xin cho con hiểu rõ
sức mạnh vô địch của Thập Giá; sức
mạnh sẽ giải phóng con khỏi một thứ thánh
thiện khép kín, ích kỷ và tự tôn; Thập Giá sẽ
thông truyền cho con khả năng tự hiến và trao ban.
Cho tới nay, dầu đã qua nhiều năm sống
đời tu sĩ thánh hiến, sự tự hiến
của con vẫn rất nông cạn và nghèo nàn lắm. Xin
cho con đi sâu vào lòng lân tuất Chúa, để càng tiến
sâu vào, con càng có sức mạnh trao ban và
tự hiến cho tha nhân hơn. A-men.
|