Đáng lý không thể có được… – Achille
Degeest.
(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày
Chúa Nhật’)
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa,
nhưng là Người – Chúa, Đấng thật sự làm
người, muốn hoàn toàn đi vào kinh nghiệm nhân
loại chúng ta –ngoại trừ tội lỗi- một kinh
nghiệm gồm cả tử vong. Ý
nghĩ về sự chết đặt ra cho nhân tính Chúa khi
Người nhận thức rằng sự thù nghịch
của giới lãnh đạo và sự chống đối
của dân chúng đưa Người đến chỗ
chết. Đức Giêsu – Người
chấp nhận rằng công cuộc cứu độ
gồm cả giai đoạn chết. Tuy nhiên trong tâm
hồn Đức Giêsu ý nghĩ về sự chết luôn
luôn đi kèm theo ý nghĩ về sự
sống lại. Chúa không nghĩ rằng
sự chết huỷ diệt bản thể Người.
Chúa đi đến cái chết, không phải
vì tất nhiên phải chết, nhưng vì yêu thương và
để đạt tới sự sống. Chúa
tự do hiến mạng. Nhờ Chúa, chúng ta
dễ dàng chấp nhận sự chết. Đối
với chúng ta, sự chết tất nhiên phải
đến, nhưng nhờ Đức Giêsu Kitô chúng ta có
thể biến đổi việc tất nhiên ấy thành
một hành vi yêu thương tự
nguyện. Ở ngưỡng cửa sự chết của
Người, Chúa đã nói: Lạy Cha, xin theo
ý Cha! Chính chúng ta cũng có thể nói lên câu
ấy. Quyền tự do tối thượng của
Chúa len lỏi vào trong định mệnh cuối cùng
của chúng ta, và giống Chúa, với Chúa, chúng ta có thể
biến đổi sự vâng theo thánh ý
Thiên Chúa thành một hành vi yêu thương. Phải chăng
đó là phần nào ý nghĩa lời Chúa khuyến khích chúng
ta hãy theo chân Người? Chúng
ta suy niệm về một bí nhiệm, và một lời
gọi.
1) Bí nhiệm là thế này. Sự
thương khó và cái chết của Đức Giêsu là
một điều đáng lý không bao giờ có
được. Đức Giêsu,
con người hoàn toàn, tuyệt đối vô tội, không
bị chi phối bởi bất cứ quy luật tất
nhiên nào, thế mà Chúa chịu đau khổ và chịu chết.
Sau khi sống lại, Chúa sẽ nói: Các ngươi không
hiểu rằng Đức Kitô phải chịu khổ
nạn ư? Khi loan báo cuộc Thương Khó, Chúa nói: Con
Người phải chịu khổ nạn, chịu
chết và sống lại. Có lẽ ở
đây chúng ta đứng trước một vực
thẳm, khoa tâm lý học nhân loại chưa thám hiểm
tới. Chỉ có sự hy sinh mới
thuyết phục được người ta, và cũng
còn tuỳ trường hợp. Giêrusalem
đã giết các ngôn sứ rồi sau mới tôn kính các ngài.
Con người giết Thiên Chúa rồi sau mới nhìn
nhận Người là nguồn sống… Chúng
ta nghĩ rằng không thể nào như thế
được. Đức Giêsu nói
rằng vụ bội bạc ghê gớm ấy phải
xảy ra. Một bí nhiệm không ai
hiểu được.
2) Chúa mời gọi: Ai muốn đi theo
Ta… Một phần nhân loại cố gắng theo Đức Giêsu. Xuyên qua
rất nhiều vụ yếu đuối, thất bại.
Giáo Hội dẫu sao gần một phần lớn nhân
loại tiến bước theo chân
Đức Giêsu. Về mặt cơ bản,
Giáo Hội có một ước vọng giống
ước vọng của Chúa, là cứu vớt con
người. Còn gì cao quý hơn, đáng
trọng hơn? Thế mà, đối với Giáo
Hội cũng xảy ra một sự đáng lẽ không
thể có được: Giáo Hội không được
hiểu biết, bị bách hại, “bị đóng đinh
vào thập giá”. Giả sử chúng ta hỏi Chúa, có lẽ
Người trả lời: Chúng con không hiểu rằng
tất nhiên phải như vậy ư? Đây
cũng là một bí nhiệm. Nhưng
(chữ nhưng ở đây quan trọng vô cùng) Đức
Kitô đã sống lại, và Giáo Hội luôn luôn sống
lại. Bí nhiệm là nguồn sống, thật
vậy.
|