Đấng Kitô
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật
lại sự kiện Chúa Giêsu gặp gỡ riêng với các
môn đệ, sau một thời gian hoạt động
công khai, để hỏi các ông về ý kiến của dân
chúng nói Người là ai, và sau đó Chúa Giêsu muốn chính
các ông là những người đã được sống
gần gũi thân tình với Người, nói lên nhận
định của các ông về Người: “Còn các con, các
con bảo Thầy là ai?” Và rồi xuyên
suốt dòng lịch sử câu hỏi này cũng luôn đánh
động nhiều người và đặc biệt là
chất vấn mỗi người chúng ta hôm nay.
Vấn đề căn tính đích thực
của Chúa Giêsu luôn vang lên theo nhịp
điệu của lời rao giảng và các hoạt
động của Người.
Gioan Tẩy giả từ trong ngục đã
sai các môn đệ của mình đến hỏi
Đức Giêsu: “Ngài có thật là Đấng phải
đến không hay chúng tôi còn phải chờ một vị
khác?”
Những khách dự tiệc ở nhà ông Simon,
Biệt phái đã xầm xì: “Ông này là ai mà lại tha tội
được?”
Rồi các môn đệ hỏi nhau khi họ
thấy Người dẹp yên sóng gió: “Người này là ai
mà ra lệnh cho cả sóng gió phải tuân lệnh?”
Chính vua Hêrôđê, người đã chém
đầu Gioan Tẩy giả, cũng thắc mắc:
“Người này là ai mà trẫm nghe nói nhiều về ông
như thế”.
Những người chứng kiến
cảnh con trai bà góa thành Naim được sống lại
đã đồng thanh tung hô: “Một ngôn
sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng
ta”.
Một ít người cho là: “Đó là ông Gioan
Tẩy giã từ cõi chết sống lại”. Người
khác lại nói: “Ông Êlia đã xuất hiện” hay “đó là
một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống
lại”.
Cuộc thăm dò dư luận này cho
thấy mặc dù chưa có lời giải đáp chính xác
về căn tính đích thực của Chúa Giêsu, nhưng
các đám đông đều đánh giá Đức Giêsu là
một con người tôn giáo rất vĩ đại,
một ngôn sứ, một “người phát ngôn” của Thiên
Chúa.
Sau khi đã biết các ý kiến của dân
chúng, Đức Giêsu mới quay sang các môn đệ và
hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”
Ở đây ta thấy
Đức Giêsu là một nhà sư phạm tài tình.
Người đã tăng cấp cho các câu hỏi.
Trước hết, Người đặt câu hỏi không
đưa họ vào chiều sâu để họ dễ
trả lời: “Người ta bảo Con Người là
ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan tẩy giả, …” Lặp lại các ý
kiến của người khác thì qúa dễ, chắc
hẳn chẳng cần phải suy nghĩ gì, vì những
quan niệm đó không liên quan gì đến các ông.
Nhưng khi Chúa Giêsu hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy
là ai?” Đây là một câu hỏi không dễ gì
trả lời ngay được. Câu
hỏi này mang chiều kích cá nhân. Nó
đi sâu vào nội tâm của người đó. Nó
đòi hỏi nơi người đó phải chọn cho
mình một quan điểm, và hơn thế nữa là
dấn thân theo quan điểm đó.
Chính vì thế mà khi Đức
Giêsu nêu lên câu hỏi về ý kiến của dân chúng thì các
môn đệ giành nhau trả lời. Nhưng
câu hỏi động đến bản thân các ông, đòi
hỏi các ông một lập trường thì các ông lại e
dè. Và như bài Tin Mừng thuật lại thì chỉ
một mình Phêrô lên tiếng trả lời Đức Giêsu:
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đấng
Kitô của Thiên Chúa nghĩa là Đấng được
Thiên Chúa xức dầu và sai đến trần gian
để thực hiện chương trình cứu
độ.
Câu trả lời của Phêrô
vượt xa các câu trả lời của đám đông.
Phêrô nhận ra nơi Đức Giêsu điều mà chính Ngài
đã loan báo ngay trong diễn từ đầu tiên ở
Hội đường Nazareth:
“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu
tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn…”
Sự xức dầu của
Thần khí, sự xâm nhập của Thần khí trên
Đức Giêsu chúng ta không thể thấy được.
Vì thế căn tính sâu xa của Ngài không phải là một
điều gì có thể dùng lý trí mà suy diễn
được. Chúng ta chỉ có thể
tiếp nhận dưới thể thức của sự
mạc khải. Thực vậy, khi Chúa Giêsu
đặt câu hỏi cho các môn đệ cũng là dịp
Chúa Giêsu muốn tỏ cho các ông biết Ngài là ai!
Câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn
đệ năm xưa vẫn luôn tồn tại theo thời gian. Người Kitô hữu hôm
nay cũng được mời gọi để trả
lời câu hỏi của Chúa Giêsu: “Còn chúng ta, chúng ta nói
Đức Kitô là ai?”
Chúng ta có thể trả lời theo
hai cách:
Cách thứ nhất là trả lời như Phêrô:
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Hay chúng ta
có thể lặp lại lời của kinh tin kính: “Tôi tin
kính Đức Giêsu Kitô con một Thiên Chúa…” Trả
lời như vậy rất đúng. Nhưng sợ
rằng đó là một câu trả lời lý thuyết, có
sẵn, theo sách vở. Chúng
ta học trong sách vở như thế nào thì thưa lại
như vậy, chứ chưa chắc đã là xác tín của
bản thân.
Cách thứ hai là trả lời theo
kinh nghiệm của bản thân. Sau khi
suy nghĩ, cân nhắc, cảm nghiệm như thế nào
thì nói lên cách trung thực như vậy. Theo
cách này thì trả lời không dễ và mỗi người
đều có câu trả lời riêng của mình. (cho vài ví dụ cụ thể)
Mặc dù mỗi người
đều có câu trả lời của riêng mình, nhưng xét
cho cùng Chúa Giêsu vẫn là người mà ta cần
đến nhất. Thiếu
Người là ta sẽ chới với, ngả nghiêng.
Cuộc đời sẽ lạc
hướng, mất hết ý nghĩa.
Thực vậy, cuộc
sống cũng như tâm hồn chúng ta có nhiều tầng
lớp nông sâu khác nhau. Bên cạnh
những ưu tư, toan tính về cuộc sống vật
chất thường ngày là những mơ ước
thầm kín, những khát vọng sâu xa liên quan đến
vận mệnh và ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta nhận ra mình vẫn mơ ước, ít là
một cách mơ hồ, những gì là chân thật, toàn
thiện, vĩnh cửu. Vấn đề đặt
ra là ai có thể thỏa mãn cho chúng ta những ước
mơ thầm kín và thâm sâu đó?
Chắc hẳn chỉ có Đấng đã
tự giới thiệu mình chính “là Đường, là
Sự thật, và là Sự Sống”, mới có thể
đáp ứng được.
Câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn
đệ và cũng như cho chúng ta không phải để
chúng ta áp đặt cho Ngài một căn tính nhưng qua
sự kiện đó, Ngài muốn tỏ cho chúng ta biết
Ngài chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Chúa Cha sai đến.
Ước chi lời xác tín xưa kia của Phêrô trở thành kinh nghiệm riêng
của mỗi người chúng ta hôm nay: “Lạy Thầy,
bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy
mới có những lời đem lại sự sống
đời đời”.
|