Chỉ có Mầu nhiệm Vượt Qua mới quan
trọng
(Trích dẫn từ ‘Giảng Lễ Chúa
Nhật’ – Charles E. Miller)
Ngày thứ sáu Tuần Thánh, người ta lũ lượt kéo nhau đến nhà
thờ; đây là một việc làm chính đáng. Họ biết cái chết của Chúa Giêsu trên
thập giá quan trọng đối với đạo chúng
ta đến mức nào. Rồi
đến Chúa Nhật Phục Sinh, con số này tăng lên
rất nhiều, chật cả nhà thờ; và đây là
một việc làm chính đáng. Người
ta nhận ra việc cử hành Chúa sống lại mang
một ý nghĩa đặc biệt. Nhưng
rồi những ai đi lễ thường xuyên ghi
nhận số giáo dân dự lễ giảm dần sau ngày
lễ Phục Sinh.
Những người đi lễ đều
đặn thường dễ có xu hướng tự
hỏi, “Thế trong những ngày còn lại trong năm
số giáo dân kia ở đâu?”. Chúng ta
phải trả quyền phán xét lại cho Thiên Chúa, đồng
thời nên suy nghĩ theo bản năng nhận thức
của mình rằng mọi Chúa Nhật đều quan
trọng đối với chúng ta là những người
Công Giáo, và Thánh lễ phải là một phần không thể
tách rời của ngày Chúa Nhật để chúng ta có
thể cử hành nghi thức cứu độ của mình.
Thật vậy, Giáo Hội dạy rằng Chúa Nhật là
ngày thánh thiêng nhất trong mọi ngày theo một truyền
thống từ thời các Thánh Tông Đồ. Người
Công Giáo không đi lễ Chúa Nhật cũng giống như
các thành viên trong một ban nhạc mà không có đàn. Trong cả hai nố, không ai có thể đạt
được mục đích của mình. Và mục đích của chúng ta trong ngày Chúa
Nhật là cử hành các biến cố dẫn đến
ơn cứu độ của chúng ta.
Các biến cố này –cái
chết và sự sống lại của Chúa Giêsu– nối
nhau diễn ra trong ba ngày, song ngày nay chúng kết hợp
lại thành một thực tại duy nhất mà Giáo Hội
gọi là Mầu Nhiệm Vượt Qua. Đây là toàn bộ mục đích của việc
Con Thiên Chúa giáng trần. Từ thuở đời
đời, Chúa Cha đã xác định là tội lỗi và
cái chết sẽ không ngăn trở được
việc thực thi kế hoạch của Ngài, và Chúa Con quả
cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi và cái chết
nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người.
Cái chết và sự sống lại của
Chúa Giêsu là một phần ăn sâu vào suy nghĩ của Chúa
Cha đến nỗi trong thời Cựu Ước,
rất lâu trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm
người, đã có những dấu cho thấy những
gì sẽ xẩy đến. Là người
phát ngôn của Thiên Chúa, Zacaria đã nói tiên tri về một
nhân vật bí ẩn mà cư dân Giêrusalem sẽ khóc than
như các bậc cha mẹ than khóc cái chết của đứa
con một. Ông viết: “Chúng
sẽ ngước nhìn lên… Đấng chúng
đã đâm thâu”. Chúng ta biết Đấng ấy
là Ai: là Con Một của Thiên Chúa, đã chịu chết
trên cây thập tự, và cạnh sườn Người
đã bị lưỡi đòng đâm thâu.
Thánh Luca trình bày Chúa Giêsu trong Phúc
Âm như đang trên một chuyến hành trình lên Giêrusalem.
Người luôn hướng mặt về Thành Thánh,
bởi lẽ ngay tại nơi đây, lời tiên báo mà
chính Người đã ba lần thốt ra phải
được ứng nghiệm: “Con Người phải chịu đau khổ
nhiều… bị giết chết và ngày thứ ba sẽ
trỗi dậy”.
Chúng ta công nhận ý nghĩa cái chết
của Chúa Giêsu qua lời tung hô Thánh
Thể: “Chịu chết,
Người tiêu diệt cái chết của chúng con, và
sống lại, Người phục hồi sự sống
cho chúng con”. Lúc một tên lính lấy giáo đâm vào
cạnh sườn Đức Giêsu, “tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Truyền thống cổ xưa của
Giáo Hội nhận ra nước ấy biểu trưng cho
Bí Tích Rửa Tội và máu ấy biểu trưng cho Bí Tích
Thánh Thể. Hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở rằng lúc
chịu phép Rửa, chúng ta “đều
mặc lấy Đức Kitô”; thật vậy, ta lãnh
nhận một chiếc áo trắng, nói lên mình đã
được mặc lấy Đức Kitô, đã bắt
đầu một cuộc sống mới –một cuộc
sống mà Mầu Nhiệm Vượt Qua đã giành lại
cho chúng ta và giờ đây được Mình Thánh Máu Thánh
Chúa nuôi dưỡng.
Qua những lời tung hô khác lúc lên
rước lễ, chúng ta thưa, “Khi ăn tấm bánh này và uống chén máu này, lạy
Chúa Giêsu, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho
tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta cử hành Mầu
Nhiệm Vượt Qua, một thực tại đã luôn
chiếm vị thế hàng đầu trong tâm trí của
Thiên Chúa từ trước muôn đời. Chúng ta đến dự lễ mọi ngày Chúa
Nhật là để cử hành Mầu Nhiệm Vượt
Qua.
|