Câu hỏi hơn hai ngàn năm
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu
An)
Chúa Giêsu và các môn đệ
đi qua miền đất dân ngoại, đến
địa hạt thành Cêsarê Philiphê, một thành phố
được quận vương Philiphê chỉnh trang
để tôn vinh Hoàng đế Cêsarê.
Trên chóp đỉnh của một khối
đá đứng sừng sững, một ngôi đền
nguy nga bằng cẩm thạch trắng thờ Hoàng
Đế La Mã được coi là một kỳ công trong
vùng.Một số nhà chú giải cho rằng, cảnh
tượng vĩ đại đó đã gợi ý khi Chúa
tuyên bố Giáo hội của Ngài sẽ được xây
trên nền tảng Phêrô vững chắc như một bàn
thạch. Tuy nhiên, ý tưởng ấy đã có từ khi
Chúa quyết định đổi tên Simon thành Kêpha hay
Phêrô, nghĩa là Đá trong cuộc gặp gỡ đầu
tiên (Ga 1,42).
Theo thói quen trước khi quyết
định những điều quan trọng, Chúa Giêsu
vừa đến nơi liền đi vào một chỗ
thanh vắng, một mình cầu nguyện với Chúa Cha.
Các Tông đồ chờ Thầy ở
ngoại ô thị trấn. Họ
nghiệm rằng, mỗi khi Thầy xa họ và trở
về là có diễn tiến mới.Thầy trò lại đi
về phía những làng nhỏ. Dọc
đường Ngài hỏi các ông: Người ta nói
Thầy là ai? Các ông đáp lại: có người nói
Thầy là Gioan Tẩy Giả. Một số
nói là Êlia, một số khác cho là một trong các tiên tri
thời xưa như Giêrêmia. Nhưng Chúa nhấn
mạnh: Còn các con, các con nói Thầy là ai? Phêrô lên tiếng:
Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Bài Tin Mừng cho thấy, có ba
mức độ nhận biết về Chúa Giêsu.
Dân chúng nhận thấy Chúa Giêsu là một tiên
tri như Gioan Tẩy Giả, như Êlia hay một tiên tri
nào đó. Tiên tri là sứ giả của Thiên Chúa nên
thường có quyền làm được vài phép lạ
như chữa bệnh, cứu đói… Dân chúng
đến với tiên tri chủ yếu để xin ơn
này ơn khác. Họ nghĩ Chúa Giêsu là
một tiên tri, nên họ đến với Ngài để
xin chữa bệnh, trừ quỷ, cứu đói, cho
kẻ chết sống lại. Họ
đến với Chúa Giêsu vì lợi ích, để cầu
lợi cầu phúc. Cho nên họ không
thể nhận ra Ngài là Đấng Kitô.
Các môn đệ nhận
biết về Chúa Giêsu. Khi Chúa hỏi: “Các con bảo
Thầy là ai? Phêrô đại diện các môn đệ
thưa: “Thầy là Đức Kitô”. Đức
Kitô là Đấng được xức dầu.
Tại hội đường Nazarét, Chúa Giêsu đã xác
nhận: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã
xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin
mừng cho kẻ nghèo khó” (Lc 4,18; Is 11.
61,1-2; 1V 19,16). Chúa Kitô được tấn
phong làm tiên tri, làm vua và thượng tế đời
đời.
Người Do thái chỉ
muốn Đức Kitô làm vua như Môisen, như Đavít.
Như Môisen, Đức Kitô sẽ giải thoát họ
khỏi nô lệ đế quốc La mã. Như Đavít,
Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho
nước Do thái trở nên hùng cường, cai trị
khắp địa cầu, thịnh vượng hơn
thời vua Salomon. Cho nên, Đức Kitô được tôn
vinh là Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa hùng mạnh, Cha
muôn thuở, Hoàng tử hòa bình, danh Ngài siêu việt, sự
việc Ngài đã lừng vang trên toàn cõi đất, Ngài là
Đấng Thánh của Israel và nước Ngài tồn
tại đến vô cùng tận (Tv 11; 12).
Theo truyền thống tiền
nhân, các môn đệ cũng quan niệm về một
Đức Kitô vinh quang như thế. Vì vậy, khi
thấy Chúa Giêsu lên Giêrusalem, bà mẹ của Gioan và Giacôbê
đến xin cho hai con trai: “Một ngồi bên hữu,
một ngồi bên tả trong nước Người”. Còn
Phêrô, khi nghe Thầy báo sẽ phải bị bắt, bị
giết, ông đã kéo Ngài ra và can ngăn Ngài đừng
dại dột thế. Chúa Giêsu đã trách mắng Phêrô:
“Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh
cản lối Thầy, vì tư tưởng của Anh không
phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của
loài người” (Mt 16, 22-23).
Mức độ thứ ba chính
là cao điểm của toàn thể Kinh Thánh và mầu
nhiệm cứu độ nơi Thập Giá và Phục Sinh.
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Con người
phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ
lão, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ,
bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại”.
Đó là sứ mệnh chính yếu của Đức Kitô:
tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trên
thập giá để cứu chuộc nhân loại tội
lỗi. Người đến không phải
để thiết lập nước vinh quang trần gian
mà thiết lập nước trời vinh phúc vĩnh
cửu. Người đến trần
gian không dạy đường lối vào trần gian
hư nát, nhưng dạy đường lối vào
Nước Trời muôn thuở. Người
đến trần gian chỉ để hy sinh phục
vụ như một tôi tớ hiền lành, khiêm tốn
để chứng tỏ tận cùng của tình yêu Thiên Chúa
đối với con người, để con
người nhận biết “Thiên Chúa đã yêu thương
thế nhân đến nỗi đã ban Con Một của
Ngài cho thế gian được sống và được
sống dồi dào” (Ga 3, 16-18; 15, 13).Con đường
đó chứng tỏ một tình yêu cho đến cùng,
chứng minh Đức Kitô là Thiên Chúa thật, là
Đấng Cứu độ trần gian. Vì thế, Chúa
Giêsu mời gọi các môn đệ phải tin và đi vào
con đường đó: “Ai muốn theo
Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất, còn ai hiến dâng mạng sống mình
vì Tôi và vì Tin mừng, thì sẽ được mạng
sống ấy”.
Suy niệm trang Tin Mừng này, Thánh Gioan Kim
Khẩu viết: khi Chúa hỏi về dư luận
quần chúng, mọi Tông đồ đều trả
lời. Khi Chúa hỏi cảm nghĩ của
các ông, Phêrô một mình lên tiếng trước các bạn.
Không phải do xác thịt nhưng nhờ Chúa Cha mạc
khải nên Phêrô nhận biết Thầy Giêsu là Đức
Kitô ở tầm mức cao nhất. Phêrô nhận ra trong
Giêsu “con người” có một Giêsu “Thiên Chúa ”.
Phêrô nhận ra trong nhân tính bình thường
như mọi người của Chúa Giêsu có một
thần tình cao vượt rất riêng của vị Thiên
Chúa làm người. Vì thế, Phêrô được Chúa
khen tặng và tín nhiệm trao quyền tối
thượng: “Phêrô, con là đá, trên đá này Thầy sẽ
xây Giáo Hội của Thầy và cửa địa ngục
sẽ không thắng được”. Ba hình
ảnh cụ thể mô tả quyền tối
thượng của Phêrô trong Giáo Hội. Đó là, Phêrô được trao chìa khóa
Nước Trời, Phêrô được quyền tháo
gỡ, cầm buộc và cửa địa ngục sẽ
không thắng được.
Tuyên tín Chúa Giêsu là ai tức là
xác định đường mình đi. Phêrô đã tuyên tín trên đường hành trình
với Chúa. “Các con nói Thầy là ai? ”
Chúa không hỏi các môn đệ câu ấy trong
lúc nghĩ ngơi mà lúc đi đường. Những ngày ở Giêrusalem, ở Galilê, ở Nazareth,
người ta nói về Đức Giêsu, người ta xem
Ngài làm phép lạ, họ gọi Ngài là Êlia, là Gioan Tẩy
Giả, là một tiên tri nào đó. Không ai
biết Ngài là Đức Kitô. Để
biết Ngài, phải sống và hành trình với Ngài và cùng
đi với Ngài trên mọi nẻo lối trần thế.
Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi là cửa ngõ dẫn tới đời
sống đức tin. Câu hỏi ấy
luôn chờ lời đáp trả dứt khoát cho một
vận mệnh đời đời. Phêrô
đã khám phá ra thần tính trong nhân tính của Chúa Giêsu.
Phaolô trên đường Đamat, bị té ngựa do ánh
sáng từ trời, đã hốt hoảng kêu lên: “Ngài là ai? ” và có lời đáp bất ngờ: “Ta là
Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5), Phaolô khám phá ra
nhân tính trong thần tính của Đấng đã gọi ngài.
Chúa Giêsu là tâm điểm đức tin
của chúng ta, bởi lẽ “dưới bầu trời
này, không có Danh nào khác”, ngoài Danh Giêsu “được ban cho
loài người để nhờ đó chúng ta
được cứu độ” (Cv 4,12).
Nếu ai đó hỏi rằng điều gì làm nên một
Kitô hữu, thì câu trả lời là: đó là người tin
rằng Đức Giêsu Nadarét là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống. Niềm tin đó là đá
nền, trên đó Hội Thánh được xây dựng
(GLCG số 424). Tin vào Chúa Giêsu Kitô có
nghĩa là yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn,
hết trí khôn, hết sức lực. Yêu mến Ngài
như chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa (Đnl 6,4-5). Điều độc đáo và
đặc biệt của niềm tin Kitô giáo là tin rằng
Đức Giêsu, một con người được sinh
ra dưới thời hoàng đế Cêsarê Augustô và chết
trên thập giá dưới thời hoàng đế Tibêriô,
người ấy chính là Thiên Chúa, là Con hằng hữu
của Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người
thật. Đó là mầu nhiệm khôn dò của đức
tin Kitô giáo “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,11).
Chỉ trong ánh sáng này chúng ta mới hiểu
được tại sao tin vào Đức Kitô cũng có
nghĩa là bước theo Ngài, và
bước theo Chúa là đòi hỏi quan trọng hơn
mọi cam kết khác trong đời. Làm sao một con
người thuần túy mà có thể nói: “Ai yêu cha yêu mẹ
hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy; ai yêu
con trai con gái hơn Thầy thì không xứng đáng với
Thầy” (Mt 10,37)? Đòi
hỏi ấy chỉ có thể đến từ
Đấng là chính Thiên Chúa. Làm sao một con
người mà có thể nói: “Tất cả những ai nhìn
nhận Thầy trước mặt người
đời thì Con Người cũng sẽ nhìn nhận
họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”
(Lc 12,8)? Điều đó
lại chẳng có nghĩa rằng ơn cứu độ
vĩnh cửu tùy thuộc vào thái độ của
người ta đối với Chúa Giêsu sao?
Nếu chỉ nơi Chúa Giêsu
mới có ơn cứu độ, nếu chỉ có Ngài
mới là “Đường, Sự Thật và Sự
Sống” thì liệu có ai có thể được cứu
độ mà không cần đến Chúa Giêsu? Nếu
như thế, biết bao người chưa hề nghe
đến Danh Chúa Giêsu, không có cơ hội để
nhận biết và yêu mến Ngài thì sao ( GLCG
số 846-847)? Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho câu
hỏi này: đến giờ phán xét, Con Người sẽ
tỏ cho thấy tất cả những hành động yêu
thương chân chính dành cho tha nhân “Ta đói, các ngươi
đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta
đau yếu, các ngươi đã viếng thăm…”,
tất cả những hành động yêu thương
ấy đều là cho chính Chúa: “Điều gì các
ngươi đã làm cho người anh em bé mọn
nhất, là làm cho chính Ta” (Mt 25; GLCG số 1038).
Sau lời tuyên xưng
đức tin, Phêrô đã được biến
đổi và trở nên khác với Simon ngày trước.
Phaolô sau lần ngã ngựa cũng không còn
sống như Saolô lúc trước được nữa.
Cả hai ngài đã trở nên cột trụ xây dựng
Hội Thánh và cả hai đã đánh đổi mạng
sống như để tuyên tín cho muôn đời rằng:
Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người
thật, đó là đức tin của chúng tôi, đó là
đức tin của Hội Thánh và chúng tôi hãnh diện tuyên
xưng đức tin ấy.
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), bất cứ ai được tình yêu
này chiếm hữu, bất cứ ai kinh nghiệm về
sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu và quyền năng phục sinh của Ngài, thì
người ấy sẽ cảm thấy nỗi
ước mong loan báo về Ngài, rao giảng Tin Mừng
của Ngài, và dẫn mọi người đến
niềm tin vào Chúa Giêsu (GLCG số 429).
Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi ấy, Phêrô và Phaolô đã trả lời
bằng lời chân thành tuyên xưng, bằng đời
nhiệt thành rao giảng và bằng cái chết trung thành minh
chứng.
Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi đã hơn hai ngàn năm cũng là câu
hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay. Trả
lời là sống niềm tin yêu hy vọng nơi thần
tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa để chúng ta tôn thờ kính yêu
thao thức tìm kiếm gặp gỡ gắn bó. Ngài ở trong Bí Tích, Phụng Vụ, Thánh Kinh, Thánh
Thể cho ta tìm hiểu lãnh nhận. Ngài hiện
diện nơi anh chị chung quanh
để gọi ta tôn trọng thương mến quan tâm
chia sẻ cảm thông liên đới trách nhiệm. Ngài hôm qua hôm nay và mãi mãi “là Thiên Chúa thật và là
người thật”.
Kitô hữu là người tin vào Đức
Kitô, yêu mến Ngài, bước theo Ngài.
Và hơn nữa, “Anh em không còn là nô lệ nhưng là con” (Gal
4,7). Nhờ Chúa Giêsu, với Ngài và trong
Ngài, chúng ta trở nên những “con cái của Thiên Chúa” (1Cor 6,18).
|