MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tạ Ơn Vì Hồng Ân Linh Mục
Thứ Năm, Ngày 16 tháng 6-2016

TẠ ƠN VÌ HỒNG ÂN LINH MỤC
 
Vào ngày 6 tháng 7 năm 2007, Đức Hồng y Sê-ông-Jin-Sắc(Cheong Jin-Suk) cai quản tổng Giáo Phận thủ đô Seoul của Nam Hàn đã truyền chức linh mục cho một người câm điếc sau 22 năm cố gắng học tập tu đức. Đó là Cha Benedict Park Min-seo, vị linh mục câm điếc đầu tiên tại Á Châu.

Khi cử hành thánh lễ mở tay, Cha Park Min-Seo nói bằng ngôn ngữ dấu hiệu của người câm điếc rằng:

“Trước hết, tôi tạ ơn Thiên Chúa đã nhận tôi làm linh mục và cám ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ tôi cách này hay cách khác để tôi có được ngày hôm nay. Là linh mục tàn tật đầu tiên, truyền thông đã chú ý tới tôi rất nhiều, ngay cả trước khi chịu chức, nhưng tôi không phải là tài tử màn bạc, tôi là một linh mục thường, xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi sống khiêm tốn và là một linh mục đích thực.” (Nguồn tin: VietcatholicNew, ngày 22 tháng 07 năm 2007).

Qua tâm tình của Cha Park Min-Seo trên đây và chắc chắn đó cũng là tâm tình của vị tân linh mục của chúng ta hôm nay, tôi xin được phép rút ra ba điểm và đó cũng là đề tài tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay: Điểm thứ nhất, tại sao chúng ta phải cám ơn mọi người? Điểm thứ hai, tại sao chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa? Điểm thứ ba, tại sao lại phải cầu nguyện cho các linh mục?
 
1. Tại sao lại phải cám ơn mọi người?

Con người sống là sống với, sống nhờ, không ai là một hòn đảo. Chúng ta không tự mình mà có, không tự mình mà nên người. Chúng ta không thể sống hạnh phúc mà không nhờ người khác. Những gì chúng ta có, những gì chúng ta hưởng dùng hôm nay phần lớn là do thừa hưởng của những người khác. Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Vì thế, cuộc sống chỉ có ý nghĩa và đáng sống khi chúng ta biết mình đang sống trong mạng lưới của ân huệ. Chính vì lý do đó, nên Cha Park Min-Seo nói: “Tôi cám ơn tất cả mọi người.”

Trong Phật giáo có bốn trọng ân mà người Phật tử thường được các sư tăng nhắc nhở, nhất là vào dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch): ơn cha mẹ, ơn tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), ơn tổ quốc xã hội, và ơn thầy bạn.

Bốn trọng ân trên đây cũng rất hợp với tâm tình kitô giáo chúng ta. Đặc biệt là nhớ Ơn cha mẹ: vì, Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Ca dao có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Rồi, Ơn tam bảo: là công ơn của những người đã đem lại cho ta đời sống tâm linh, làm cho đời sống tâm linh ta phát triển và trở nên phong phú. Ơn thầy bạn: Trong đời sống của ta, có những vị thầy đem lại cho ta đời sống tri thức, những người giáo dục ta nên người. Sau là  bà con thân thuộc, bạn bè, những người quen biết, những người chúng ta chỉ gặp một lần trong đời hoặc không bao giờ chúng ta quen biết. Họ là ân nhân hoặc có thể là ân nhân của chúng ta cách này cách khác. Vì vậy, chúng ta có bổn phận phải biết ơn và tìm cách trả ơn cho những người làm ơn cho chúng ta.

Những suy tư của Đức Cha Bùi Tuần, trong tập sách nói với chính mình, giúp chúng ta hiểu hơn bổn phận phải thể hiện giá trị đạo đức nền tảng của lòng biết ơn như thế nào?

Ngài nói: “Bổn phận biết ơn phải tương xứng với các giá trị của ơn nhận được. Nếu chẳng thực hiện được tương xứng, thì ít ra cũng có được một mức tối thiểu nào, hoặc một lời cám ơn, hoặc một cử chỉ chứng tỏ mình hiểu biết.

Làm thế không phải vì người làm ơn cần nhưng chính vì người chịu ơn cần. Cần biết ơn để mình xứng đáng là người hơn, để mình xứng đáng phần nào với ơn nhận được, để mình xứng đáng có thể nhận lãnh thêm.

Nếu tôi tưởng tôi đã trả ơn đối với mọi người làm ơn cho tôi, thì tôi lầm lớn. Tiền bạc, đồ vật có thể trả, nhưng ân nghĩa và tình thương làm sao có thể trả đúng được. Những mồ hôi nước mắt và những tận tâm của bao người đã làm cho đời tôi đẹp là những gì thiêng liêng cao quí. Chưa chắc đã hiểu được giá trị của những ơn đó, chứ đừng nói gì đến trả cho đúng.”

Rồi Ngài kết luận: “Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa, nhưng đã chịu ơn thì phải biết ơn. Cho đi để không mong nhận lại, nhưng đã nhận là phải có bổn phận phải đáp trả. Đáp trả trong biết ơn không có nghĩa một sự bồi hoàn đổi chác, nhưng là một sự bày tỏ điều mình nhận biết về giá trị vật chất và tinh thần của ơn nhận được.”

Nếu sống là lãnh nhận thì ta sẽ là người như thế nào nếu không hề biết nói lại tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ lòng biết ơn? Người ta gọi những kẻ không hề biết ơn là “đồ vô ơn” hay cổ nhân có dạy: “Thụ ân bất báo uổng vi nhân”(nghĩa là: nhận ơn mà không báo thì uổng công làm người). Vì vậy, biết ơn và thể hiện lòng biết ơn là nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống, là vẻ đẹp cao quí nhất trong tâm hồn con người, là thể hiện cao độ nhất của nhân cách và biết ơn không bao giờ thừa, đến nỗi La Bruyère đã xác quyết mạnh mẽ rằng: “Trên đời không có thái qúa nào bằng biết ơn thái quá.” Hay như ngạn ngữ Anh có câu : “Cho người biết ơn là cho vay.”

Những tâm tình trên đây và những suy tư của Đức Cha Bùi Tuần có thể gợi lên cho chúng ta một tâm tình khác nền tảng hơn, đó là lòng tri ân đối với Thiên Chúa.
 
2. Tại sao phải tạ ơn Thiên Chúa ?

Thiên Chúa là Đấng ban ơn, chúng ta là người thụ ơn: Chúa đã dựng nên ta từ không mà có, ta được làm người, được làm con cái Ngài, được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, được Ngài chăm sóc mọi chuyện lớn nhỏ hằng ngày: hằng ngày ta có khí thở, có cơm ăn, áo mặc, có người chăm sóc dạy bảo…Tất cả đều là Thiên Chúa ban cho từng giây từng phút.

Và muôn vàn ơn khác nữa, nhưng trên hết và trước hết ngày hôm nay chúng ta phải nói tới đó ơn có linh mục trong Giáo Hội. Cha Park Min-Seo đã nói : “Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã cho tôi làm linh mục.” Chắc chắn vị tân linh mục của chúng ta cũng đang mang trong mình tâm tình đó. Nhưng không phải chỉ các linh mục mới tạ ơn vì hồng ân linh mục mà tất cả mọi người đều phải tạ ơn Chúa vì hồng ân linh mục. Bởi vì, Chúa ban chức linh mục cho một số người vì lợi ích của tất cả chúng ta.

Thật vậy, Chúa ban chức linh mục cho một số người vì lợi ích của toàn thể nhân loại, đó là điều chúng ta phải tạ ơn Ngài. Thiên Chúa ban Linh mục làm trung gian giữa Ngài và loài người. Trước ngày chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã lập chức linh mục và giao cho sứ mệnh tiếp tục công việc trung gian của mình cho đến ngày tận thế. Như câu ngạn ngữ người ta thường nói: Sacedos alter Christus = linh mục là Kitô thứ hai. Linh mục là người thay mặt, thay quyền Chúa Kitô như Người đã nói với các Tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”(Ga 20, 21). Thánh Phaolô cũng quả quyết: “Chúng tôi làm đại sứ cho Chúa Kitô”(2Cr 5, 20). Linh mục là đại sứ, là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Chúa, là Anten nối trời với đất và đất với trời. Linh mục là chiếc cầu kỳ diệu bắc từ đất lên trời, để Thiên Chúa đến với loài người và loài người lên cùng Thiên Chúa. Thư Dothái nói rất rõ: “Linh mục nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho Người trong các mối tương quan với Thiên Chúa để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội”(Dt 5,1).

Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, điều đó được thể hiện rõ ràng nhất nơi các Bí tích: trong đạo Công Giáo còn gì cao trọng, thánh thiện bằng các Bí tích? Đó là máng chuyển thông ơn Thiên Chúa, là kho tàng bất tuyệt trên trời, là nguồn mạch sự sống siêu nhiên, là biển chứa công ơn cứu chuộc. Chúa đặt để trong tay linh mục, muốn ban phát cho ai, ở đâu, lúc nào tùy ý. Thánh Carolô Bôrômê đã thốt lên: “Thiên Chúa đã đặt vào tay tôi Con Một Ngài, là Đấng cũng bằng hữu, cũng cao sang như Ngài, thì còn gì Ngài chẳng trao ban cho tôi nữa ? Ngài đã đặt vào tay tôi các linh hồn là thứ Ngài quý nhất, Ngài yêu hơn chính mình và Ngài đã lấy bửu huyết mà chuộc lại. Ngài đã đặt vào tay tôi nước Thiên Đàng, để tôi có quyền mở đóng cho người ta...”

Thánh Gioan Viannay thì nói: “Nếu không có linh mục, thì sự thương khó và sự chết của Chúa  không giúp gì cho ta.” Và Người đưa ra ví dụ : “Nếu trong rương có đầy vàng mà không có ai mở ra, nào có ích gì? cũng vậy, nếu không có linh mục, sẽ không có Bí tích Giải tội, không có Mình Thánh Chúa...ai là nguyên cớ để bánh trở nên Mình Thánh Chúa? Ai thanh tẩy tâm hồn ta? Ai dọn linh hồn người chết ra đi thanh thản...nếu không phải là linh mục.”

Vì những hồng ân trên, cho nên chúng ta phải Tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọng tình thương (x.Tv 107, 1).
 
3. Tại sao linh mục cần lời cầu nguyện ?

a. “Vì không có Thầy, các con không thể làm gì được.”(x. Ga 15,5)

Không có ơn Chúa vị linh mục không thể chu toàn được bổn phận và trách nhiệm mà mình đã thề hứa?

Trong nghi thức truyền chức, sau những câu chất vấn của Giám Mục: Vị tiến chức thưa: “CON MUỐN.”

Nhưng khi đến câu: - Con có muốn ngày càng liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô thượng tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người không?

Vị tiến chức lại thưa: “NHỜ ƠN CHÚA GIÚP CON MUỐN.”

Như vậy, vị tiến chức ý thức rằng “NHỜ ƠN CHÚA GIÚP” mình mới có thể chu toàn được nhiệm vụ Chúa và Giáo Hội trao phó. Cử chỉ tiến chức nằm phủ phục và cộng đoàn đọc kinh cầu các Thánh nói lên điều đó. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp, gây xúc động trong ngày thụ phong linh mục nhất. Tiến chức nằm phủ phục dưới đất với cảm thức sâu xa về “cái bình sành dễ vỡ” nơi con người của mình. Thân phận con người với những giới hạn của bản thân luôn mỏng dòn, yếu đuối. Cần lời chuyển cầu của các Thánh và lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, hay nói cách khác phải “nhờ ơn Chúa giúp” tiến chức mới dám đón nhận chức linh mục, đón nhận hồng ân cao cả mà Thiên Chúa trao ban.

b. Linh mục cần lời cầu nguyện để trở thành linh mục đích thực như lòng Chúa mong muốn, như Cha Park Min-Seo đã nói: “Xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi sống khiêm tốn và là một linh mục đích thực.”

Vậy, linh mục đích thực là như thế nào?

Trên tường một phòng khách của Đại Chủng Viện Seuol, chúng ta có thể đọc thấy những dòng chữ sau đây:

“Mẫu linh mục lý tưởng mà người giáo dân mong muốn là: Một linh mục biết quan tâm đến những người yếu đuối và những kẻ bị xã hội bỏ rơi. Một linh mục không gắn chặt với của cải vật chất. Một linh mục khiêm nhường, hoà nhã trong lời nói và trong hành vi cử chỉ; không độc đoán; luôn trung thành với bề trên và biết sống tình huynh đệ với các anh em linh mục khác của mình. Một linh mục cử hành Phụng Vụ với cả tấm lòng mình – và dọn các bài giảng một cách chu đáo; không thiên vị và không phân biệt đối xử. Một linh mục quan tâm đến việc đào tạo các linh mục mới; không kiêu căng, cường quyền; luôn trung thành với chức linh mục của mình cho đến chết.”

Trong thánh lễ Năm Thánh cho các linh mục vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vẽ ra chân dung của linh mục lý tưởng với 10 điểm sau đây: Linh mục hướng đến trái tim giáo dân; linh mục đi tìm chiên của mình; linh mục không sợ mình bị làm phiền; linh mục phải sẵn sàng bị chỉ trích; làm tất cả cho tất cả; linh mục biết đàn chiên của mình, trọn đàn chiên; linh mục hướng dẫn đến sự thánh thiện; người linh mục khiêm tốn; linh mục là nghệ nhân của hoà bình; linh mục vui vẻ trao đổi (Nguồn: phanxico.vn, ngày 9.06.2016).

Đó là mẫu linh mục mà giáo dân mong muốn và cũng là mẫu linh mục mà Chúa và Giáo Hội ước ao. Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục cũng nêu rõ:

Ngoài nhiệm vụ rao truyền Lời Chúa, dâng lễ, tham dự vào việc điều hành mục vụ của các Giám Mục, sự đoàn kết giữa các linh mục với nhau và giữa các linh mục và giáo dân…Các linh mục còn được gọi đến bậc sống trọn lành thiêng liêng. Các Ngài được mời gọi theo gương Chúa Giêsu, Đấng coi “của ăn của Người là làm theo Thánh ý Đấng đã sai Người và hoàn thành công việc của Ngài.” (x. Ga 4,34).

Công đồng còn trình bày những nhân đức chính và không khiếm khuyết nơi các linh mục như đức khiêm nhường, vâng lời, bác ái, giữ luật độc thân, khó nghèo trong tinh thần của cải vật chất và nhất là sự chọn đời sống khó nghèo thật.

Vì những đòi hỏi trên đây, mà các linh mục cũng là những con người với những yếu đuối của con người nên cần lời cầu nguyện của anh chị em để trở thành những linh mục đích thực như lòng Chúa mong muốn.

c. Rồi, Linh mục cần lời cầu nguyện của mọi người để có thể vượt qua những thử thách đau khổ trong đời sống: Chúa không hứa cuộc sống hạnh phúc đời này cho linh mục nhưng CHÚA HỨA “THẬP GIÁ” TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC.

Chúa nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”(x. Mt 16,24); “Thầy sai các con đi như đàn chiên đi giữa bầy sói”(x. Mt 10,16); “Môn đệ không trọng hơn Thầy”(x. Mt 10,24). Hiểu được điều đó, cho nên Mẹ Thánh Gioan Đông Boscô nói với Thánh nhân khi Ngài mới được truyền chức linh mục rằng: “Con ơi, mẹ nói với con: ngày con lên bàn thờ là ngày con bắt đầu đau khổ”.

Còn linh mục Nguyễn Tầm Thường nói về thiên chức linh mục như thế này: “Có nhiều hình ảnh nói về thiên chức linh mục nhưng nếu gọi Chúa là Đấng xóa tội trần gian thì hình ảnh ‘thùng rác’ cũng là hình ảnh có thể diễn tả chức linh mục của Chúa”. Tại sao vậy? Anh chị em cũng đã hiểu công dụng của thùng rác như thế nào rồi, là để đựng rác, và đem đổ đi. Cũng vậy, tội lỗi là rác rưởi, là những gì xấu xa, không ai dám nói ra...Thế mà nơi tòa giải tội, linh mục phải nghe tất cả, họ đến trút hết cho linh mục. Linh mục là một thùng rác.

Mạc Kim viết thay lời tựa cho cuốn sách “Linh mục người là ai” của tác giả Lã Mộng Thường rằng: “Linh mục không chỉ là vị thừa sai mà còn là một thừa sai của giới con chiên. Một ‘đầu sai thì đúng hơn…’ Mạc Kim nêu lên mấy dẫn chứng như là đi kẻ liệt, giải quyết các vụ việc bất hoà…Rồi tác giả viết tiếp:  ‘…Có ai ngờ chuyện “nàng dâu mẹ chồng” chỉ xảy ra dưới mái gia đình người đời đã là một chuyện đầu đề…! Có điều ở nơi kia, giỏi lắm, nàng dâu chỉ có một mẹ chồng khó tính để phục dịch, hầu hạ; còn linh mục lại có hàng hà sa số ‘những bà mẹ chồng’ thuộc mọi lứa tuổi, đẳng cấp, và tính tình!”
 
Những gợi ý trên đây diễn tả phần nào những khó khăn, những đòi hỏi gắt gao, những mạo hiểm và những hy sinh vất vả của đời linh mục, người làm công tác Tông đồ. Trong tuồng thương khó vai khó đóng nhất là vai Chúa Giêsu, làm sao diễn được vẻ uy nghi thánh thiện của Ngài. Nhưng đó chỉ là chuyện kịch tuồng trong chốc lát. Còn linh mục đóng vai Chúa Giêsu trót đời trước mặt người ta. Chẳng những linh mục là người của Thiên Chúa: “Homo Dei”, nhưng còn là Thiên Chúa ở giữa trần gian: “Deus terrenus”. Chính vì vậy, linh mục cần lời cầu nguyện của cộng đoàn.
 
Về nơi đây, chúng ta cùng hiệp ý với Tân Linh mục trong tâm tình tri ân cám tạ: tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn mọi người. Đồng thời, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện nhiều cho hàng linh mục đặc biệt là tân linh mục Marcô trở thành linh mục như lòng Chúa mong muốn. Amen.
 
Lm. Anthony Trung Thành
 
(Bài chia sẻ lễ tạ ơn tân Lm. Marcô Nguyễn Trung Lưu, tại Giáo xứ Cầm Trường, Gp Vinh, ngày 17 tháng 06 năm 2016)

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Câu Hỏi Hơn Hai Ngàn Năm (suy Niệm Của Lm Giuse Nguyễn Hữu An) (6/17/2016)
Cần Một Niềm Xác Tín - Lm. Vũ Xuân Hạnh (6/17/2016)
Các Con Bảo Thầy Là Ai? – Veritas (trích Dẫn Từ ‘hãy Ra Khơi’) (6/17/2016)
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Lm Anthony Trung Thành (6/17/2016)
Một Bức Thư Khá Sâu Sắc: Thư Gởi Con --- Tác Giả : Pierre Antoine (6/17/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Đừng Tích Trữ (6/16/2016)
Biết Đức Kitô ----- (6/16/2016)
Anh Hùng (6/16/2016)
Anh Em Bảo Thầy Là Ai? – Gp. Vĩnh Long (6/16/2016)
Lời Cầu Nguyện Phải Phát Xuất Từ Lòng Khiêm Tốn (6/16/2016)
Tin/Bài khác
Yêu Nhiều Tha Nhiều, Yêu Ít Tha Ít - William Barclay (6/15/2016)
Yêu Nhiều Tha Nhiều – Thiên Phúc (trích Dẫn Từ ‘như Thầy Đã Yêu’) (6/15/2016)
Yêu Nhiều, Yêu Ít – Lm Vikini (trích Dẫn Từ ‘xây Nhà Trên Đá’) (6/15/2016)
Đấng Thấu Suốt Mọi Sự (6/15/2016)
Thầy Là Đấng Kitô Của Thiên Chúa, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (6/15/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768