MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thánh Nữ Maria Margarita Và Mạc Khải Của Thánh Tâm Chúa Giêsu
Thứ Bảy, Ngày 4 tháng 6-2016

Tiểu sử Thánh Nữ Maria MARGARITA và Mạc khải của Thánh Tâm Chúa Giêsu

(Dịch từ nguyên bản Pháp ngữcủa Tu Viện Visitation Sainte-Marie)

Thánh Nữ Maria MARGARITA 1647-1690 Paray-le-Monial

1. Những Năm Tháng đầu

Margarita Alacoque sinh ngày 22 tháng 7 năm 1647,  tại Vérosvres, trong một ngôi làng dân số khoảng sáu trăm người thuộc vùng Bourguignon, miền trung nước Pháp. Thánh nữ là con thứ năm trong một gia đình có bảy người con, trong đó có một người đã mất. Bố Margarita là công chứng viên Hoàng gia, chức vụ rất quan trọng thời đó, nên địa vị trong xã hội khá cao, trong khi những người trong gia tộc đều là nông gia. Thánh nữ nhanh chóng được rửa tội vào ngày 25 tháng 7 năm 1647.

Tuổi thơ của Thánh nữ hầu như rất hạnh phúc, mặc dù Margarita mất đi một người em gái kế. Bé Margarita được Bố Mẹ gởi ở với Mẹ đỡ đầu một thời gian, trong lâu đài ở Corcheval. Có lẽ đó là dự định của đấng Toàn năng, vì chính tại đây, Bé Margarita được sớm nghe nói đến đời sống tu trì, do con gái của Mẹ đỡ đầu Margarita là một nữ tu của dòng Thăm Viếng, và Bé cũng khám phá ra Tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa và sự hiện hữu đích thực của Ngài. Cũng tại đây, Bé được học những bài giáo lý vỡ lòng.

Năm 1655, Bé Margarita bắt đầu nếm trải những nỗi đau khổ của gia đình với sự ra đi vĩnh viễn của Bố. Và ngay sau đó không lâu, Mẹ đỡ đầu, là goá phụ, cũng đi đến một nơi rất xa để tái hôn....Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của những đau khổ sâu sắc kế tiếp. Vì rằng, bà quả phụ Alacoque, đã quá chán ngán bởi những biến cố vừa xảy ra trong đời, đôi lúc nhục nhã, mất thể diện với những vụ kiện tụng hay những cuộc tịch thu của cải, nên Bà tiến thêm bước nữa, và Bé Margarita thấy xuất hiện trong nhà mình một gia đình mới, mà người đứng đầu (Cha dượng) dần dần trở thành kẻ lộng quyền. Bé Margarita được gởi vào sống nội trú trong một tu viện, nhưng điều đó không làm cho Bé phật lòng chút nào khi phải xa gia đình, vì từ lúc được ở Corcheval, Bé Margarita đã ấp ủ trong thâm tâm của mình một niềm ao ước thầm kín, là được dâng hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa. Vì thế, lòng thành tâm và sự sốt sắng sùng đạo của Bé Margarita đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Chưa đầy mười tuổi, Bé Margarita được xưng tội rước lễ lần đầu, và được thánh hóa trong tình yêu của Thiên Chúa hoàn toàn.

Nhưng vài tháng sau khi rước lễ lần đầu, Bé Margarita lâm trọng bệnh, bắt buộc phải trở về với gia đình. Bé nằm liệt giường gần bốn năm, mình đầy dẫy thương sẹo, đau đớn nhưng Bé vẫn kiên trì chịu đựng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. “Những cạnh xương đâm thấu qua da con từ mọi phía”, sau này Thánh nữ đã viết lại như thế. Lúc đó, vào tuổi mười ba, Bé Margarita nguyện hứa cùng Đức Trinh Nữ Maria, sẽ dâng hiến trọn cuộc đời mình nếu được lành bệnh. Và như có một phép mầu, Bé được lành bệnh mau chóng. Trọn cuộc đời mình, Thánh nữ sùng kính và tôn thờ Đức Mẹ một cách mạnh mẽ, Đức Trinh Nữ Maria cũng đã hiện ra với Ngài.
 
2. Thời niên thiếu

Sức khoẻ bình phục trở lại, Margarita cảm thấy yêu đời hơn và trở thành một thiếu nữ tràn đầy sức sống, nàng cũng cảm thấy yêu cuộc sống và thế giới mọi người chung quanh hơn, hơn nữa, Mẹ và bốn anh em nàng lúc nào cũng lo lắng và chăm sóc cho đứa con mà họ nghĩ là cuộc sống không còn kéo dài bao lâu nữa! Cũng chính vì thế mà Margarita lưỡng lự giữa cuộc sống trần tục vui nhộn và một cuộc sống thánh thiện, tất cả cho Thiên Chúa...Họ hàng bên nội luôn ở bên cạnh để giúp đỡ và hướng dẫn nàng trên con đường lựa chọn trước sự độc đoán trong gia đình của Mẹ và những anh em trai, Margarita lớn lên trong Đức tin và lòng Bác ái, nối kết với lòng kiên nhẫn và can đảm trong đau khổ của chúa Giêsu: Margarita gọi đó là "Những người bạn rất tốt của Linh hồn con”

Một năm, vào tháng mười hai, Mẹ Thánh nữ ngã bệnh: đầu bà sưng to với một cục bướu nhọt ung mủ. Bác sĩ trong làng nói rằng bà khó qua khỏi, và chỉ khơi vết nhọt cho ra hết mủ mà thôi, chứ không chữa trị gì thêm. Ngày đầu năm, theo như thông lệ, Margarita lánh mình vào trong vòng tay thân yêu của Chúa và Đức Trinh Nữ Maria, tìm hiểu Thánh ý xem nàng phải làm gì. Sau khi trở về, nàng thấy vết ung nhọt của Mẹ vỡ toét ra, làm thành một vết lở loét rộng, trông thật ghê tởm làm cho nhiều người không dám đến gần. Margarita thì lại thấy đây là một dấu hiệu của Chúa, với dáng vóc mảnh khảnh bẩm sinh, nàng tận tình chăm sóc cho Mẹ, và giống như có một phép lạ, Bà được lành bệnh nhanh chóng.

Nhưng sự đau khổ của Margarita chưa dừng lại: lúc nàng được khoảng 16 tuổi, anh trai cả qua đời. Hai năm sau, người anh thứ hai, cũng nối tiếp ra đi...

Margarita lúc này được 18 xuân xanh. Đó là một thiếu nữ thích nô đùa, vui vẻ, bản tính rất ngây thơ, vô tư. Và không phải là nàng không có nét quyến rũ, hấp dẫn: nàng lúc nào cũng được xem như một người "tình lý tưởng”, điều đó rất vừa ý Mẹ nàng, vì bà thấy nơi đây sẽ có một cuộc hôn nhân, và đó là phương thế duy nhất đưa bà thoát khỏi gia đình chồng, bằng cách về sống với con gái. Thế nhưng, Margarita đã không quên niềm ao ước sống đời tận hiến, và trong vòng sáu năm kể từ khi được lành bệnh, nàng vẫn đứng trước ngưỡng cửa sự lựa chọn: sống yêu thương giữa thế giới hay tận hiến trong tình yêu Thiên Chúa, lúc thì tưởng mình không thể nào chịu đựng nổi cuộc sống tu hành, nhất là Đức Vâng Lời, lúc thì nhớ lại lời hứa cùng Đức Trinh Nữ Maria, và đôi khi Thiên Chúa cũng nhắc nhở cho nàng lời hứa xưa...Thấy chưa thể tự quyết định một mình trước con đường phải lựa chọn, Margarita chuyển sang dành nhiều thì giờ hơn cho tha nhân: giúp đỡ những bệnh nhân, dạy giáo lý cho trẻ em. Và nhất là chấp nhận sống đau khổ một cách dũng cảm và tự nguyện dưới sự bạo hành của cha dượng.
 
3. Hướng về dòng Đức Bà Viếng thăm

Lúc 20 tuổi, Margarita quyết định nói ra ước mơ sống đời tận hiến của mình. Ý định này của Nàng đã làm dấy lên một cơn bão chống đối từ những người thân trong gia đình; ngay cả Cha xứ trong làng cũng khuyên ngăn, điều đó đã làm cho nàng rất bối rối!

Thế nhưng, Thiên Chúa nhân từ đã ở cạnh bên để soi sáng cho nàng: năm 22 tuổi, Margarita quyết định con đường Tận hiến cho mình, và chọn thêm tên Thánh Maria vào với tên Thánh rửa tội của mình. Và một vị Linh mục khi đến thuyết giảng trong một ngày Lễ của gia đình, đã thuyết phục họ từ bỏ những chống đối lại ơn gọi của nàng.

Từ lúc này, Margarita trở thành Maria-Margarita, vững vàng trong sự lựa chọn của mình. Thấy sự quyết tâm không chùn bước của Margarita, gia đình muốn lựa chọn tu viện cho nàng, qua những người quen biết và trong dòng họ. Nhưng không thành: Margarita đã bị quyến rũ bởi Dòng Đức Bà Viếng Thăm, vì nhìn thấy trong tên gọi của nhà dòng, biểu hiện của lời hứa khi xưa.

Margarita-Maria chọn dòng Đức Bà Viếng Thăm ở Paray-le-Monial. Và nàng biết ngay là mình đã chọn đúng nơi, vì vừa bước qua ngưỡng cửa Tu viện, nàng nghe tiếng nói của Thiên Chúa trong tận thâm sâu của cõi lòng: "Chính nơi đây, Cha muốn Con đến”. Nàng xin được vào dòng làm tập sinh với lòng tràn đầy niềm sung sướng đã có sẵn!  Năm đó là năm 1671.

Margarita được nhận vào nhà tập, và mở cõi lòng một cách thành thật với Mẹ linh hướng của tập sinh. Mẹ linh hướng này, cũng như Mẹ bề trên đều thấy rõ rằng Thiên Chúa đã tác động đặc biệt trên Margarita, nhưng lo ngại rằng sự nhiệt tâm của Margarita hơi đi quá đà. Và các Bà đã làm cho Margarita hiểu rõ rằng những sự nhiệt tâm quá đà đó không nằm trong tinh thần của nhà Dòng, và nên trở về con đường nhỏ hẹp như nhiều người đã đi qua! Thấy Margarita quá sâu sắc và âm thầm chịu đựng, hầu như là quá tốt, như thể một nữ tu đã khấn dòng, và để thử xem có thật là Margarita tốt đến như vậy không, người ta áp dụng phương cách hạ thấp nàng xuống, nhưng không vì thế mà Margarita-Maria bị nản lòng, nàng không khó chịu và làm chu tất các công việc, đúng theo những điều được sai bảo. Sự bền chí của nàng làm cho nhiều người kinh ngạc, nhưng đồng thời cũng làm nhiều người bực mình, chướng mắt. Họ nghĩ là Margarita giả bộ "diễn trò thánh thiện” để được người khác khâm phục. Thế là lại có thêm lý do mới nữa để Margarita phải chịu sự sỉ nhục và làm việc nhiều hơn. Người ta còn nghĩ rằng không biết nàng có được khấn trọn đời không và loan truyền rằng "tính đặc biệt” như thế không thể là một mẫu mực tốt. Chính vì thế, ngày khấn dòng của nàng bị hoãn lại hai tháng để chịu thử thách thêm!

Nhưng rồi, Margarita cũng được khấn trọn đời ngày 6 tháng 11 năm 1672. Và nữ tu Margarita kết hôn từ giờ phút đó với Chúa Kitô đau khổ, Chúa Kitô đang hấp hối.

4. Ba lần "Hiện ra chính”

Cho đến lúc đó, Maria Margarita vẫn thường văng vẳng nghe được tiếng nói của Chúa trong thâm tâm. Nhưng vào ngày 27 tháng 12 năm 1673, Chúa Kitô đã hiện ra với Thánh nữ bằng hình dáng con người thực, cho Thánh nữ thấy Trái Tim cực Thánh Ngài tỏa sáng như ánh mặt trời, mang dấu vết của ngọn giáo và vòng gai quấn quanh đâm sâu, phía trên là một cây Thánh giá. Ngài ban cho Thánh nữ thông điệp đầu tiên: "Thánh Tâm Cha tràn đầy niềm say mến  nhân loại, và đặc biệt cho riêng con, không thể chứa hết ngọn lửa khao khát tình thương mến này, nên phải được tưới ra cho mọi người, qua khả năng của con”. Đức Kitô đã kết hợp trái tim của Thánh nữ vào Thánh tâm Ngài, và từ giờ phút đó trở đi, Maria Margarita phải chịu một sự đau đớn liên lỉ bên cạnh sườn. Sứ mệnh được giao phó cho Thánh nữ không phải nhỏ: rao truyền cho mọi người về Tình Yêu không bờ bến của Thiên Chúa... Đó là lần đầu tiên trong ba lần "hiện ra chính”, còn những lần hiện ra khác nữa.

Lần hiện ra chính thứ hai là vào năm kế tiếp, vào một ngày thứ sáu đầu tháng. Đức Kitô biểu lộ cho Thánh nữ một lần nữa Trái Tim cực Thánh của Ngài, "tỏa sáng ánh vinh quang với năm vết thương lóng lánh giống như năm mặt trời”. Đức Kitô phàn nàn sao nhân loại quá xa tình Thương Yêu của Ngài, và đáp trả lại tình thương yêu của Ngài quá ít... Ngài nói cùng Thánh nữ như sau: "Con sẽ rước lễ [...] vào mỗi thứ sáu đầu tháng. Và, mỗi đêm thứ năm rạng ngày thứ sáu, Cha sẽ cho Con được dự phần vào sự đau buồn chết chóc mà Cha đã cảm thấy khi xưa ở vườn Cây Dầu  [...] Và, để cho con được cùng đồng hành với Ta [...] Con sẽ chỗi dậy giữa 11 giờ và nửa đêm để quỳ gối cùng cầu nguyện với Ta”. Hơn thế nữa, Đức Kitô cũng nhắc lại cho Thánh nữ tính chất quan trọng của Đức Vâng Lời, vì ma quỷ “không có quyền hạn gì trên Đức Vâng Lời”.

Trong tuần bát nhật kính Thánh Thể, năm 1675, đó là lần hiện ra chính thứ ba, và có thể là lần được biết đến nhiều nhất. Thêm một lần nữa, Đức Kitô cho Thánh nữ thấy Trái Tim cực Thánh, và huấn dạy bằng những lời này:”Đây là Trái Tim đã yêu thương nhân loại không bờ bến, không quản ngại một thứ gì cho đến hơi thở cuối cùng để làm chứng cho Tình yêu, nhưng bù lại, Ta chỉ nhận được từ nhiều người, một bội bạc qua sự thiếu tôn kính và lòng xúc phạm, qua sự lạnh nhạt và đôi khi cả sự khinh thường [...] Nhưng điều làm Ta cảm thấy đau nhói hơn, đó là ngay cả những người mà trái tim đã dâng hiến cho Ta, cũng làm như thế”. Ngài yêu cầu Thánh nữ thiết lập một lễ Thánh Tâm Chúa, nghi lễ chung cho mọi người! Maria Margarita, một nữ tu nhỏ bé thuộc dòng Viếng Thăm trong một thành phố nhỏ, dĩ nhiên là không biết phải làm cách nào để đáp lại lời yêu cầu của Ngài!
 
5. Những năm tháng khó khăn

Huống chi Sơ lại không được sự hỗ trợ của ai cả: Maria Margarita cảm thấy nhiều Sơ linh hướng còn cho mình là người cuồng tưởng và cho đó là do tác động của ma quỷ. Và Sơ rất thận trọng trong công việc, trong khi đó, các Sơ khác vì không biết rõ những Mạc khải của Thiên Chúa đã làm cho Sơ Margarita nên tỏ ra khó chịu, thậm chí còn tỏ ra khinh miệt Sơ. Đó là một sự đau khổ ghê gớm cho Sơ, vì không ai chịu hiểu cho mình, nhưng có lẽ đó cũng là phương cách Thiên Chúa dùng để Thánh hoá con người Sơ Margarita. Rồi thì, vào tháng 3 năm 1675, Cha Giám đốc linh hướng đã đến với Sơ, đó là Cha Claude de Colombière, còn trẻ thuộc dòng Tên. Trong vòng một năm rưỡi, Ngài luôn ở bên cạnh để trợ lực cho Sơ trên con đường của Thiên Chúa.

Có được một người ở bên cạnh để động viên và hỗ trợ tinh thần thật là một điều may mắn, vì cuộc sống của Sơ Maria Margarita không phải không bị dao động, có đôi khi những mối nghi ngờ đã lóe lên đằng sau những thiện chí và lòng nhiệt thành của mình. Ngưòi ta có thể hiểu đó là vì Thiên Chúa muốn chia sẻ cùng Thánh nữ những nỗi đau khổ của trần thế, để qua đó Sơ sẽ được tận hưởng hoàn toàn Tình yêu của Người. Và Maria Margarita đã biết chắc chắn như thế:  “Không có sự đau khổ cho những ai khát khao yêu mến chân thành, vì những gì có vị đắng sẽ làm thay đổi Tình yêu”. Và đây, cũng là con đường để Thánh hoá chung cho con người.

Vào tháng 11 năm 1677, Thiên Chúa làm cho Sơ phải tiến thêm một bước nữa, Ngài đòi hỏi Sơ một sự dũng cảm. Trước sự hiện diện của các chị em trong dòng, Sơ Maria Margarita, thay mặt cho Thiên Chúa, tuyên bố rằng Ngài rất bất mãn trước sự thiếu lòng kính Chúa và thương người đang tồn tại trong nhà dòng và Ngài đòi hỏi phải sửa đổi ngay! Dĩ nhiên, người ta có thể hình dung ra những phản ứng: có vài Sơ lui về phòng một cách lặng lẽ, xúc động một cách chân thành, nhưng phần lớn thì vây quanh Thánh nữ, đối xử tàn nhẫn với ngài một cách gay gắt bằng những lời lẽ xúc phạm, cho rằng ngài bị quỷ ám...Đó là một sự thử thách gay go, và Sơ đã chấp nhận vâng theo Thánh ý Chúa.

Người ta dễ dàng tưởng tượng rằng những tháng kế tiếp đều trôi qua một cách không tốt đẹp, tình hình lúc nào cũng ở trong trạng thái căng thẳng. Nhưng Sơ Maria Margarita vẫn làm những công việc bình thường như Bề trên chỉ dạy và sai bảo, hoàn thành tốt mọi công việc được giao phó. Tất cả những gì Sơ làm, Sơ đều làm với sự hỗ trợ của Thiên Chúa, và không có gì có thể dứt Sơ ra khỏi sự cầu nguyện triền miên. Sơ Maria Margarita phải trải qua tất cả mọi công việc trong nhà dòng, ngoại trừ công việc gác cửa và làm Mẹ bề trên.

Năm 1684, trong lần tĩnh tâm một mình hàng năm, Maria Margarita kết hôn với Thiên Chúa thêm một lần nữa, bằng một cách nhạy cảm hơn. “Ngài kết hôn với linh hồn con, hơn cả Tình yêu mến của Ngài”,  Sơ bình luận một cách ngắn gọn sau này. 

6. Tiến đến một nghi lễ về Thánh Tâm Chúa

Vào năm 1685 và 1686, Sơ Maria Margarita trở thành Sơ giám quản coi sóc các Tu sinh. Sơ có thể bắt đầu nói về Thánh Tâm Chúa cho các Tu sinh. Trong một dịp nói chuyện nhỏ với các Tu sinh, Sơ thấy một bức hình Thánh Tâm Chúa được vẽ bằng lông chim treo giữa phòng! Với niềm vui mừng khôn tả, Sơ Maria Margarita liền mời gọi cả Tu viện liên kết cùng Sơ để tôn vinh Thánh Tâm Chúa, nhưng không thành. Ngược lại, thêm một lần nữa, một số đông các Sơ khác đã liên kết lại với nhau để chống lại, cho rằng cái tham vọng đưa ra một nghi lễ mới là chưa đúng lúc.

Và Sơ Maria Margarita vẫn chưa ra khỏi con đường hầm đau khổ. Sau khi gởi trả về đời sống thường một thiếu nữ mà Sơ cho là bị ép phải đi tu, Sơ làm cho người cha của cô ta, một nhân vật có thế lực trong vùng, tức giận cực độ, ông cho Sơ là một người điên rồ và bất tài. Nhưng vị giám quản các tu sinh vẫn bất khuất không xiêu lòng, và trong sự nhẫn nhục, tinh thần được vững mạnh hơn.

Một sự thử thách khác lại đổ xuống trên Sơ. Cha Colombière đã mất trước đó ba năm. Thế mà, bây giờ lại có một vài Cha dòng Tên quyết định xuất bản một tập sách, nội dung dựa trên những ghi chép của Cha Colombière, với tựa đề:  "Sự Tĩnh Tâm”  (Cấm phòng cho tâm hồn). Và trong buổi đọc tập sách này ở nhà ăn tập thể, các Sơ được nghe với cả một sự ngạc nhiên, về câu chuyện hiện ra của Thiên Chúa với Maria-Margarita, mặc dù tên của Sơ Maria Margarita không được nêu ra rõ ràng.

Tiếng tăm của Sơ Maria Margarita bắt đầu được truyền qua khỏi bốn bức tường của Tu viện. Người ta thúc đẩy Sơ viết, kể lại cuộc đời mình, và những lần gặp gỡ với Đấng Cứu Thế. Nhưng Sơ không muốn phơi bày và nhất là không bao giờ thích những gì Sơ vừa mới viết ra. Phải chính Thiên Chúa yêu cầu Sơ không được khước từ, và Cha giải tội riêng, Cha Rollin, đã ra lệnh cho Sơ phải bắt đầu viết quyển tự truyện này. Thấy Sơ lúc nào cũng xé bỏ sau khi đọc lại những gì Sơ vừa mới viết ra, Cha Rollin phải cấm Sơ không được đọc lại những điều vừa mới viết ra! Dù sao thì đây cũng là một bằng chứng sống, và là một dấu chỉ sâu sắc tột bậc về giá trị tinh thần của Ngài.

Ngày 21 tháng 6 năm 1686, Tu viện nhất trí hoàn toàn mừng lễ Thánh Tâm Chúa, với sự khởi xướng của một trong những Sơ mà lúc đầu phản đối mạnh mẽ nhất. Sơ Maria Margarita biết là từ hôm nay mình đã đạt được mục đích: "Bây giờ con sẽ ra đi bình an, bởi vì Thánh Tâm của Đấng Cứu Chuộc con bắt đầu được biết đến”. Từ đó, lễ Kính Thánh Tâm được phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc vận động được thực hiện ngay tại Roma để được công nhận chính thức.

Vào năm 1689, Sơ Maria Margarita nhận được một sứ mệnh cuối cùng từ Thiên Chúa: Sơ phải làm cho Vua Louis XIV biết, là Vua phải dành phần lớn thì giờ cho Thánh Tâm, và tất cả quần thần cũng phải làm như thế và Vua phải xây ngay một nơi để thờ phượng Thánh Tâm Chúa. Lời truyền đạt có đến được người nhận hay không ? Không ai biết, chỉ biết rằng không có điều gì đã xảy ra sau đó.

Vào tháng 10 năm 1690, Maria Margarita thông báo cùng các chị em trong dòng, trước vẻ hoài nghi của các chị em, rằng Thiên Chúa sẽ gọi Sơ về với Ngài. Và quả nhiên, vài ngày sau đó, ngày 17 tháng 10 năm 1690, Sơ Maria Margarita trút linh hồn một cách Thánh Thiện trong tay Chúa. Hưởng dương 43 tuổi.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Ông Thánh Hay Làm Phép Lạ (6/13/2016)
11 Tháng Sáu, Thánh Barnabas (thế Kỷ Thứ Nhất) (6/11/2016)
Tấm Gương Cho Thế Giới Thiêng Liêng (6/11/2016)
9 Tháng Sáu, Thánh Ephrem (306-373) (6/8/2016)
6 Tháng Sáu, Thánh Norbert, (1080-1134) (6/6/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Nhân Cách Lớn Thầm Lặng Của Một Người Lính Vnch Ở Mỹ (6/4/2016)
5 Tháng Sáu, Thánh Boniface, (672-754) (6/4/2016)
4 Tháng Sáu, Thánh Phanxicô Ở Caracciolo, (1563-1608) (6/4/2016)
Tin/Bài khác
3 Tháng Sáu, Thánh Charles Lwanga Và Các Bạn, (c. 1886) (6/3/2016)
2 Tháng Sáu, Thánh Marcellinus Và Phêrô (c. 304) (6/2/2016)
Chân Phước Stanislaus Papczynski (5/30/2016)
Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Vii (1020-1085) (5/30/2016)
30 Tháng Năm, Thánh Jeanne D'arc (1412 - 1431) (5/30/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768