·
Những
kết quả phát sinh từ “hiệu quả thứ
ba” Chúa ở trong ta, ta trong Chúa, đó là :
1) Chúa
làm chủ bản thân và cuộc đời ta :
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm
được việc này, khi ông viết :
“Tôi sống, nhưng không còn phải là
tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi
sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,
Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng mình vì
tôi.” (Gl 2.20)
Chớ gì kinh
nghiệm ấy cũng xảy ra nơi ta : Khi ta
Rước Lễ một cách sốt sắng với
niềm tin yêu tràn đầy, Chúa Giêsu ngự vào và ở trong
ta không phải như là một pho tượng im lìm bất
động, song như vị Chúa sống động và
hoạt động.
Người phải là Chúa, là Chủ
mọi sự trong cuộc đời ta, mọi hoạt
động của ta. Ta đang sống đấy : sinh
hoạt, làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ,
giải trí, vui chơi v.v…thế mà lúc ấy như
thể không phải ta sống mà là chính Chúa Giêsu
đang sống những sự ấy trong ta, vì thế Thánh
Phaolô mới nói : “Tôi sống,
nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống
trong tôi.”
Nói cụ thể, tất cả những
hoạt động của đời sống chúng ta đều
chiếu theo tinh thần và cách thức của Chúa mà làm:
Chẳng hạn khi cầu nguyện, hay khi làm việc, thì
nghĩ xem Chúa đã làm thế nào mà làm theo ; khi vui chơi
giải trí, khi ăn uống v.v… cũng vậy !
Hoặc nói cách
đơn giản hơn: trước khi làm bất cứ
điều gì, ta tự hỏi rằng nếu Chúa có
mặt đây, Người sẽ làm thế nào? Như
thế, tất cả đời sống ta đều
để Chúa làm chủ và điều khiển ! Và lời
Thánh Phaolô được thể hiện : “Những ai đang sống không còn sống
cho chính mình nữa, mà sống cho
Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại
vì mình.” (2 Cr 5.15)
*
2) Kết quả thứ hai : Không
còn sợ hãi sự gì.
Đoạn Tin Mừng Mác-cô 4.35-41 thuật chuyện này :
“Hôm
ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với
các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi !” Bỏ
đám đông ở lại, các ông chở Người
đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có
những thuyền khác cùng theo Người.
Và một
trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền,
đến nỗi thuyền đầy nước.
Trong khi
đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa
đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ
đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi,
chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng
lo gì sao ?”
Người
thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển :
“Im đi ! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng
như tờ.
Rồi
Người bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em
vẫn chưa có lòng tin ?”
Các ông hoảng
sợ và nói với nhau : “Vậy người này là ai, mà
cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
Chúng ta hãy suy nghĩ : Gió bão như
thế mà Đức Giêsu cứ ngủ được thì
kể cũng lạ, phải chăng Người quá
mỏi mệt vì công việc giảng dạy ? Hay phải
chăng Người cố tình làm như vậy để
có cơ hội dạy các môn đệ một bài học ?
Chúng ta đều biết các tông
đồ đa số là những tay chài lưới
dầy dạn kinh nghiệm đi biển và sóng gió, thế
mà lần này khi sóng bão quá mạnh, thuyền bị
nước tràn vào gần chìm, tát ra mấy cũng không
xuể, họ hoảng hốt đến nỗi cuối
cùng phải kêu cứu với Thầy, thì Người
lại trách họ là sao nhát sợ và kém lòng tin ?
Cứ bình thường mà nói, trách
mắng các tông đồ như thế thì hơi oan ức
cho họ, vì cho dù họ đã nhiều lần thấy
Thầy mình làm những phép lạ, chữa lành đủ thứ
bệnh hoạn tật nguyền, lại còn có quyền
năng trục xuất quỉ ma ra khỏi người ta,
nhưng họ đâu có biết Người có quyền
lớn đến nỗi “cả
đến gió và biển cũng tuân lệnh”! Các việc
chữa lành bệnh hoạn tật nguyền hay trừ
quỉ đó, họ thấy Người làm là làm cho
những cá nhân, hay cho một số người, còn đây
gió bão là việc của trời đất lớn lao vĩ
đại, họ đâu có ngờ quyền phép Thầy mình
có thể lớn lao đến như vậy. Họ
hoảng sợ kêu cứu là phải.
Nhưng Đức Giêsu vẫn không cho
là phải. Người cho đó là nhát đảm và
thiếu lòng tin vào Người : “Sao
nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?”
Người muốn dạy
rằng : nếu có Người ở đó, trong
thuyền, thì dù có sóng to bão lớn đến đâu cũng
không thể nào chìm. Chúa không thể chết chìm ! Chưa
tin chắc như thế thì Người bảo họ là
“vẫn chưa có lòng tin !”
Bài Tin Mừng ấy thật ra là
để dạy chúng ta : Nếu chúng ta có Chúa ở trong ta,
như Chúa ở trong thuyền các tông đồ, thuyền
không thể chìm, thì ta cũng vậy, Rước Chúa Giêsu
vào trong lòng là có Chúa là Chúa Tể trời đất
ở trong ta rồi, không còn gì làm ta phải sợ hãi.
Phải tin chắc như thế. Tin được như
thế mới là “có lòng tin.” Có thể các tông đồ lúc
đó chưa tin mạnh vì họ chưa biết Chúa
đầy đủ, bằng chứng là họ hỏi : “Vậy người này là ai, mà
cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?” Còn
chúng ta bây giờ biết Người là ai rồi : “Đấng có quyền năng
khiến muôn loài muôn vật phải hàng phục mình” (Pl
3.21), chúng ta không được phép sợ hãi nữa, vì
tin chắc như “đinh đóng cột” rằng sau khi
Rước Lễ có Chúa ở với ta, ở trong ta,
ta không còn phải sợ sự gì.
Đúng vậy, ngày nay ta có lý mà càng tin
mạnh hơn, bởi lẽ Chúa Giêsu mà ta rước
vào lòng bây giờ lớn hơn Đức Giêsu ngày xưa
lúc xảy ra câu truyện trên. Nói như vậy có nghĩa là
lúc đó Đức Giêsu còn ở trong giai đoạn làm
người trần thế, gánh tội lỗi nhân loại
trên mình để chịu chết đền tội,
vậy mà Người còn có quyền phép bắt sóng bão im
lặng, huống chi bây giờ Đức Giêsu, sau Tử nạn
và Phục sinh, đã lên ngôi Chúa, vinh hiển và quyền năng
phép tắc vô cùng, ngang hàng với Chúa Cha như Thánh thư
Philiphê ca tụng :
“Thiên Chúa
đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên mọi danh hiệu.
Như vậy, khi nghe danh Đức Giê-su,
mọi đầu gối phải bái quỳ,
trên
trời dưới đất và trong âm phủ,
và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng
:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”,
để tôn vinh Thiên Chúa Cha.” (Pl 2.9-11)
Thế mà có những giáo hữu vẫn
thường và có khi vẫn hàng ngày lên Rước Chúa, mà
luôn luôn sợ hãi những chuyện mê tín dị đoan vu
vơ đâu đâu: kiêng kỵ ngày tốt ngày xấu,
sợ ngày thứ sáu 13, buôn bán gặp người dữ
vía, sinh ra năm nào, cầm tinh con vật gì đó thì tính
tình, hay công việc làm ăn không thuận lợi, v.v… và
v.v…, tất cả những điều đó do những
người lương dân ở chung quanh nói lui nói tới,
riết rồi nhập tâm và cũng đâm sợ lây như
họ… Thấy cảnh đáng buồn như vậy, ta
mới tự hỏi không biết những giáo hữu
ấy lên Rước Lễ thì họ có biết là
rước ai vào lòng mình, vào đời mình không ?
Rước một vị Thiên Chúa toàn năng phép tắc vô
lượng vô biên, hay rước một miếng bánh tráng
vô hồn ? Rước một người Cha yêu
thương ta vô bờ bến và hằng quan phòng chăm
nom săn sóc ta (Mt 6.25-34 ; 1Pr 5.7; Tv 23.), hay chỉ là làm
chiếu lệ một thủ tục đạo
đức ?
Đành rằng trong
đời sống, ai ai cũng có những lúc đau
khổ, thử thách khi ít khi nhiều, có những lúc
đến dồn dập như sóng gió bão bùng : nào bệnh
tật, nào thất nghiệp, nào nợ nần, anh chị
em ruột thịt tranh giành, vợ chồng giận nhau, con
cái hư hỏng, loài người làm khổ, ngược
đãi, bắt bớ hay làm hại ta, v.v…Những lúc
ấy, chỉ khác một điều là ta, người Công
giáo, đi Rước Lễ, nếu ta tin chắc có Chúa
ở trong ta như ở trong thuyền các tông đồ,
thì nhất định không bị chìm ngập…, sóng sẽ
yên, biển sẽ lặng… Tất
cả rồi sẽ sáng sủa, sẽ được
giải quyết êm đẹp.
Ngay cả ma quỉ, ta cũng không sợ nữa, vì có
lời Chúa dạy rằng : “Phàm
ai đã được Thiên Chúa sinh ra, …
có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra (là Đức Giêsu)
giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng
đến người ấy được.” (1 Ga 5.18)
Không sợ chết : Các
thánh Tử đạo ngày xưa, cũng như các Kitô
hữu đang bị bắt bớ vì đạo ngày nay,
nhờ Rước Mình Thánh Chúa, được có Chúa trong
họ, họ không còn sợ ngục tù, xiềng xích, đòn
đánh và ngay cả cái chết… Những lúc ấy, các
vị ấy nhớ đến những lời Thánh
vịnh này mà ca lên để thêm can đảm :
“Có CHÚA
ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì,
hỏi người đời làm chi tôi được ?”
(Tv 118.6)
“Dù cả
một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ
cậy tin.”
(Tv 27.3)
“Dầu cho sóng biển ầm ầm sôi
sục,
núi đồi có lảo đảo khi thuỷ triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.” (Tv 46.4)
“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở
cùng.” (Tv 23.4)
Vậy trọng tâm vấn đề
của ta là ở chỗ ta có Rước Lễ cho nên
không ? Và ta có tin không ?
Rước Mình Thánh Chúa cách thờ ơ,
chiếu lệ chẳng khác gì như ăn một miếng
bánh đa (bánh tráng), vì thế Đức Giêsu ngự vào lòng
ta như một tượng gỗ chẳng làm
được gì! Mt 13.58 cho biết : “Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ tại
đó (Nadarét), vì họ không tin.”
Còn nếu ta tin phép lạ
sẽ xảy ra. Nhớ lại tích cô Mác-ta, làng Bêthania,
khi Đức Giêsu đến và bảo mở mồ
cậu Ladarô em cô đã chết, cô liền cản : “Thưa Thầy, nặng mùi
rồi, vì em con ở trong mồ đã được
bốn ngày.” Đức Giê-su bảo : “Nào Thầy đã
chẳng nói với chị rằng nếu chị tin,
chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên
Chúa sao ?”(Ga 11.39-40). Thấy vinh quang của Thiên Chúa
nghĩa là thấy phép lạ xảy ra.
|