- Sau Rước Lễ, Chúa ở lại
với chúng ta bao lâu ?
Chúa
đã hứa : “Kẻ ăn thịt Tôi và uống máu Tôi,
thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong kẻ
ấy”(Ga 6.56), thì dù hình bánh hình rượu có tan
biến đi trong lòng ta sau mươi phút Rước
Lễ, nên Nhân tính của Người không còn ở trong ta,
nhưng vì Chúa đã hứa : “Tôi
ở lại trong kẻ ấy”, cho nên Người
vẫn còn hiện diện trong ta một cách thiêng liêng, có
thể nói là còn ở lại suốt cả ngày hôm đó.
Đôi khi vì bổn phận hay bận việc, ta chỉ
ở với Chúa, hầu chuyện và bầu bạn với
Người sau Rước Lễ được ít phút
rồi ra về, thì trong ngày khi rảnh rang đôi chút, ta
nhớ lại là Chúa vẫn còn ở trong ta, ta có thể
tiếp tục tạ ơn, yêu mến, và thưa chuyện
với Người.
Nhớ đến kinh nghiệm của
mình khi được Con Thiên Chúa đầu thai ngự
trong dạ Mẹ 9 tháng 10 ngày, Mẹ liên lỉ nói
chuyện với Con mình, nên như thể Đức
Mẹ bảo ta : Chúa vẫn hiện diện trong tâm
hồn và nói với các con nhiều lần suốt ngày,
nhưng cuộc sống của các con quá vội vã và
bận rộn, nên các con không thể nghe tiếng
Người hay cảm nghiệm được sự
hiện diện của Người. Đấy là lý do
tại sao cần phải dành chút thời gian
để ở với Người, ngõ hầu trong thinh
lặng Người có thể nói với các con, và các con im
lặng đủ để nghe những gì Người
nói.
Đúng
vậy, chúng ta không mấy khi giữ yên lặng
đủ để nghe Chúa nói. Chúng ta mắc phải
thói quen từ thời lâu lắm rồi, đó là khi vào nhà
thờ, là bắt đầu làm dấu đọc kinh,
đọc riết cho đủ các kinh, xong rồi làm
dấu ra về. Như thế là ta nói suốt từ
đầu đến cuối ! Chúa không nói với chúng ta
được một lời nào! Cứ thử
tưởng tượng một cuộc gặp gỡ
giữa hai người, mà ta nói từ đầu chí
cuối thì bất lịch sự biết là chừng nào.
Huống chi người đối thoại với ta
lại là chính Thiên Chúa Hằng sống.
Thấy
vậy, như thể nghe
có tiếng Đức Mẹ từ
trời nhắc nhở :
Trong thinh lặng trước Thánh Thể, đức tin
của các con sẽ lớn lên và cuộc sống của các
con trở nên sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn. Và
trong những giờ khắc ấy Thiên Chúa tỏ mình ra cho
các con.
Ngẫm nghĩ và suy
niệm những lời Mẹ thầm nhủ trên đây vì
thương và vì thiện ích của ta, mới thấy
Đức Mẹ để tâm dạy bảo chúng ta
cần dành thời giờ cho Chúa, và cần giữ yên
lặng để nghe Chúa nói đến chừng nào.
Chớ gì ta nói được với Chúa như tiên tri
Samuel hồi niên thiếu:
"Lạy Chúa, xin
Người phán dạy, vì tôi tớ Người đang
nghe" (1 Sm 3.10)
Và
từ đó, biết bao ơn ích sẽ đến cho tâm
hồn chúng ta.
Có
nhiều người muốn ở lại với Chúa, song
họ thấy mình chẳng biết nói gì với Chúa, nên
đã bỏ ra về. Thế thì nên nghe câu chuyện này do
một linh mục người Pháp kể lại:
Anh Phaolô thường ngồi
ăn xin nơi hành lang nhà thờ Thánh Giacôbê. Anh rất thích
uống rượu nên vì thế mà bệnh hoạn
nhiều. Những người trong khu xóm gần đó
đều nghĩ rằng anh sẽ chết sớm thôi, nên
không ai thèm để ý đến anh. Chỉ có một
phụ nữ tốt bụng trong giáo xứ đôi khi
chuyện trò với anh. Bà thương hại anh vì thấy
anh cô đơn quá.
Bà ta cũng quan sát thấy
cứ mỗi buổi sáng, anh rời hành lang, để
đi vào nhà thờ vắng vẻ, và đến ngồi
ở hàng ghế đầu, hướng mặt vào Nhà
Tạm, và cứ ngồi đó mà không làm gì cả. Một
ngày kia, bà thắc mắc hỏi anh :
- “Này Phaolô, tôi cứ thấy anh
vào nhà thờ, vậy anh làm gì ở đó, có khi ngồi
suốt cả giờ chẳng làm gì cả ? Anh không có sách
Kinh, không có chuỗi Mân Côi, có khi còn ngủ gục nữa…
Thế anh làm gì trong nhà thờ ? Anh cầu nguyện à ?”
- “Làm sao tôi có thể cầu
nguyện được ? Anh đáp. Tôi không thể nhớ
lấy một kinh mà người ta dạy tôi khi tôi còn là
đứa bé. Bà muốn biết tôi làm gì hả ? Thật là
đơn giản. Tôi đến trước nhà Tạm,
nơi Chúa Giêsu cô đơn trong cái hộp đó, và tôi nói
với Người :
“Giêsu ơi ! Con là Phaolô đây !
Con đến thăm Chúa đây!”
Và tôi cứ ngồi
trước mặt Người một hồi lâu chỉ
để cho Người biết tôi có mặt đó
với Người.”
Không biết nói gì, chỉ
hiện diện là đủ. Và sơ Emmanuel chú thích :
Cầu nguyện với cả trái tim tức là đến
với Chúa bằng chính mình, với tất cả những
gì mình có. Nếu chúng ta không có gì, thì cứ đến với
cái trống không đó… Chắc anh Phaolô đã an ủi Chúa
Giêsu hơn nhiều người khác…
(Trích
cuốn Phép lạ tại Medj. Nam Tư, California, USA, năm
2002, tr.88, Câu chuyện thứ 16 )
+ Cho những ai
không biết nói gì với Chúa sau Rước lễ, xin
đề nghị một cách sau đây :
Đó là nhớ
lại 4 hiệu quả
của việc Rước Mình Máu thánh Chúa đã học
(từ tr.286 trở đi), và
4 kết quả (sẽ nói dưới đây).
Mỗi lần sau khi Rước Chúa, nhớ lại một
điều (nếu không nhớ được thì cầm
quyển Mặc khải về Thánh Thể này theo mà mở
ra đọc), rồi dùng nó mà thưa chuyện với Chúa,
mà tạ ơn Chúa và hưởng được những
ơn ích từ đó.
[**
Ví dụ : Sau Rước Lễ, nhớ lại hiệu quả thứ
nhất : Chúa phán : Ai ăn uống Thịt Máu Chúa sẽ được có sự
sống của chính Thiên Chúa trong mình. Ta sẽ dùng
điều ấy nói với Chúa đại ý như sau:
“Vì con đang có Chúa là chính Sự
Sống của Thiên Chúa trong mình con, thì con sẽ sống vui
vẻ, sống hạnh phúc như Thiên Chúa đang sống
hạnh phúc trên Thiên đàng vậy, dù con đang gặp khó
khăn thử thách … Con sẽ thấy mình được
bình an, tâm hồn luôn thảnh thơi, luôn hân hoan vui
sướng, không còn nóng tính, tức giận như
trước…. Con sẽ tha thứ cho những người
xúc phạm đến con, con sẽ không ganh ghét ai v.v… Ôi Chúa
! Quả thật là con được sống Thiên Đàng
ngay trên trần thế này vậy ! ….
Hoặc nói : Có
Sự Sống của Chúa trong mình, nhờ mãnh lực
của Sự sống Thần Linh ấy, con tin chắc
sẽ vượt thắng tội lỗi, dục vọng,
đam mê…; sức sống ấy sẽ giúp con mạnh
mẽ vững bước không gục ngã trên con
đường đời, cũng sẽ không bị đè
bẹp dưới gánh nặng gian truân và đau khổ….”]
* * *
- Ai sẽ thực hiện sự
hiệp nhất đặc biệt và cụ thể Chúa
ở trong ta, ta ở trong Chúa ?
Chúng ta thường nghĩ
rằng : cứ lên Rước Lễ, lãnh nhận Mình Máu
Thánh Chúa Giêsu thế là xảy ra sự hiệp nhất Chúa
trong ta, ta trong Chúa! Đâu có chuyện tự động
như thế! Cho dù ngay cả khi chúng ta lên Rước
Lễ với lòng tin và mến xứng đáng.
Song là: Phải nhờ Thánh Thần
tác động mới thành !
Một tác động vô hình
thiêng liêng !
Thánh Giáo Phụ Cyrillô thành
Alexandria sẽ dạy cho hiểu điều đó
đại ý như sau :
"Thư 1 Gioan đã xác quyết: "Căn cứ vào điều
này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở
lại trong Người và Người ở lại trong
chúng ta, là nhờ bởi Thánh Thần Người ban cho
chúng ta" (1 Ga 3.24). "Thật vậy, khi thông ban
Thánh Thần cho họ, Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa chuyển
vào trong các người lành thánh một
tính chất máu mủ ruột thịt (une sorte de parenté)
với bản tính của Người. Hay nói cách khác, nhờ
lãnh nhận Thánh Thần, những kẻ ấy
được thông phần chính bản tính thần linh
của Người (2 Pr 1.4)
giống như các cành nho thông chia nhựa sống của
thân cây nho vậy. (Ga 15.4-5)
"Như
thế đã rõ cái chất keo làm cho ta gắn
kết hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô chính là Thánh Thần
của Người. Và khi ta được liên
kết với Người, tức là được tháp
vào, gắn vào Người như cành nho với thân cây nho,
thì Người ở trong ta, ta ở trong Người.
Một khi gắn bó với Người như vậy,
Đức Kitô tỏ cho chúng ta thấy qua dụ ngôn cây nho,
sự kết hiệp với Người mang lại lợi ích
thế nào cho chúng ta (nghĩa là giúp chúng ta nên hoàn thiện,
và khiến chúng ta sinh nhiều hoa quả việc tông
đồ, và các việc lành phúc đức khác), cũng
như gốc nho cung cấp và phân phối nhựa sống
của nó cho các cành nho khiến trổ sinh hoa quả
dồi dào." (Phỏng theo Bài Kinh Sách, Mùa phục sinh,
Tuần V, thứ 3)
Mời đọc lại tr.102tt những điều
đã nói hết sức rõ ràng về đạo lý
được mang bản tính Thiên Chúa trong mình ta. Điều
này khiến các Giáo Phụ dám nói rất bạo : "Thiên
Chúa làm người để người được
trở nên Thiên Chúa" (“Dieu fait homme pourque l’homme devienne
Dieu”)
|