CN 3533: CHỊU ĐAU KHỔ ĐỂ CỨU NGƯỜI KHÁC
By Michael K. Jones
LTS: Xin đặc biệt kính tặng bài này cho những ai đã, đang và sẽ chịu đau khổ. Xin hãy vui mừng khi đau khổ đến vì đó là hồng ân của Chúa. (KH) Đau khổ không phải dễ dàng để cho đa số chúng ta chấp nhận. Khi ta bị một cơn bịnh hành hạ và làm ta đau đớn hay khi ta chứng kiến một người thân đau yếu…Những điều ấy làm cho tinh thần và tâm linh chúng ta đau khổ. Nhiều người trong chúng ta tự hỏi: “Tại sao lại là tôi?”
Thậm chí có một số người nghĩ rằng có lẽ mình đã phạm những gì sai trái làm mất lòng Chúa nên mới chịu hậu quả đau khổ như vậy. Trong khi ấy, có những người khác thì lìa xa Chúa vì những đổ vỡ xẩy ra trong cuộc đời họ.
Khi nghĩ đến sự đau khổ thì tôi nhớ đến Cuộc Khổ Nạn Chúa Giêsu Kitô khi Ngài hấp hối trên thánh giá. Trước hết, tôi nghĩ Chúa chịu đau nhiều khi những chiếc đinh nhọn đóng thâu qua hai tay, hai chân Chúa.
Tôi cố gắng hiểu nỗi đau của Chúa Giêsu nhưng tôi vẫn không tưởng tượng nổi. Làm sao lại có một người chịu đau đớn vì bị đóng đinh để cứu chuộc những người tội lỗi? Đối với nhiều người thì đó là một mầu nhiệm khó hiểu, trong khi những người khác thì hiểu đó là sự hy sinh của lòng từ bi, trắc ẩn.
Thánh Phêrô cũng bị đóng đinh nhưng ngài cảm thấy mình không xứng đáng để so sánh với Cuộc Khổ Nạn Chúa Giêsu Kitô nên ngài xin kẻ thù đóng đinh ngài ngược đầu xuống đất. Chịu đóng đinh đã là quá đau đớn nhưng ngài lại chịu đóng đinh ngược thì đau đến thế nào nữa?
Trong Thánh Kinh có nhiều câu chuyện đau khổ:
-Ông Job trong Cựu Ước. Ông Job là người tốt nhưng chịu bao nhiêu nỗi thống khổ.
-Tổ phụ Joseph bị các người anh ganh ghét mà bán làm nô lệ, ông chịu bao nhiêu cảnh khổ đau.
-Có bao nhiêu gương sáng của các thánh, họ chịu rất nhiều cơn đau khổ quá sức chịu đựng của một con người.
-Có nhiều vị thánh được ơn nhận Năm Vết Thương Thánh của Chúa Giêsu Kitô.
-Chân Phước Jacinta là thị nhân Fatima dù chỉ có 6, 7 tuổi mà đã biết hy sinh chịu đau đớn để hãm mình và đền tội cho các linh hồn chưa nhận biết Chúa.
Vậy những vị thánh này có những điều gì giống nhau? Họ đều chấp nhận đau khổ mọi cách và họ không bao giờ lìa xa Chúa nhưng họ luôn trung thành. Có nhiều vị còn tìm thấy niềm vui lớn lao khi chịu đau khổ.
Đối với đa số chúng ta thì thật là khó hiểu khi nói rằng đau khổ có thể đem lại niềm vui lớn lao. Những người thánh thì hiểu được đau khổ trở nên một phúc lành vĩ đại. Đó là cơ hội mà họ được chung phần với Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh.
Đó là cơ hội mà chúng ta có thể dâng hiến sự đau khổ của mình để cầu nguyện cho những người khác, vì phần rỗi của tha nhân. Thật là tốt lành khi được biết Chúa và chịu đau khổ hơn là không biết Chúa. Tại sao? Vì những người không nhận biết Chúa thì họ chịu đau khổ nhiều hơn; họ không được sự an ủi của Chúa để giúp họ vượt qua những cơn thử thách.
Trong cuộc hiện ra lâu dài của Đức Mẹ Maria tại Medjugorje, kể từ năm 1981 cho đến nay, Đức Mẹ Maria đã ban một số thông điệp nói về đau khổ:
1. Thông điệp ngày 29/3/1984, Đức Mẹ Maria nói:
"Các con thân mến, tối hôm nay, một cách đặc biệt, Mẹ kêu gọi các con bền chí trong mọi thử thách. Các con hãy tự hỏi làm cách nào mà Đấng Tối Cao đang còn chịu đau khổ bởi tội lỗi của các con. Vì thế khi cơn đau khổ đến, hãy dâng đau khổ như là sự hy sinh dâng lên Chúa. Cám ơn các con đáp lời kêu gọi của Mẹ.”
2. Thông điệp ngày 11/9/1986:
"Các con thân mến, vào những ngày này khi các con tôn vinh thánh giá với niềm vui thì Mẹ mong thánh giá của các con cũng là niềm vui. Các con thân mến, hãy cầu nguyện để các con có thể chấp nhận bịnh tật và đau khổ với tình yêu như Chúa Giêsu. Chỉ bằng cách đó, Mẹ mới có thể ban cho các con những ơn chữa lành với niềm vui mà Chúa Giêsu cho phép. Cám ơn các con đáp lời kêu gọi của Mẹ.”
3. Thông điệp ngày 25/4/1992:
"Các con thân mến, hôm nay cũng vậy, Mẹ mời gọi các con hãy cầu nguyện. Chỉ bằng cách cầu nguyện và ăn chay mà chiến tranh mới có thể ngừng lại. Do đó, hỡi các con bé nhỏ của Mẹ, hãy cầu nguyện và bằng cuộc đời của mình, các con hãy làm chứng rằng các con thuộc về Mẹ. Bởi vì Satan trong những ngày thử thách này, hắn muốn cám dỗ rất nhiều linh hồn. Do đó, Mẹ mời gọi các con hãy quyết định theo Chúa và Ngài sẽ bảo vệ các con và chỉ dẫn cho các con những gì các con nên làm và con đường nào mà các con phải đi. Mẹ mời gọi tất cả các con, những ai đã nói "Xin Vâng" với Mẹ thì hãy canh tân cuộc thánh hiến với Chúa Giêsu Con Mẹ, với Thánh Tâm Ngài và với Mẹ, để Chúa và Mẹ có thể sử dụng các con như những dụng cụ hòa bình trong thế giới bất an này. Medjugorje là một dấu hiệu cho tất cả các con và là một lời kêu gọi cầu nguyện và sống những ngày Hồng Ân mà Chúa đang ban cho các con. Do đó, hỡi các con thân mến, hãy chấp nhận lời kêu gọi cầu nguyện với sự nghiêm túc. Mẹ ở với các con và sự đau khổ của các con cũng là sự đau khổ của Mẹ. Cám ơn các con đáp lời kêu gọi của Mẹ.”
4. Thông điệp ngày 25/9/1996:
"Các con thân mến, hôm nay Mẹ mời gọi các con hãy dâng những thánh giá và đau khổ của các con để cầu cho các ý chỉ của Mẹ. Hỡi các con nhỏ bé, Mẹ là Mẹ của các con và Mẹ muốn giúp đỡ các con bằng cách xin những ơn lành của Chúa cho các con. Hỡi các con nhỏ bé, hãy dâng những đau khổ của các con như là món quà kính dâng lên Chúa để những đau khổ trở nên những đóa hoa đẹp đẽ nhất của niềm vui. Đó là lý do tại sao, hỡi các con nhỏ bé, hãy cầu nguyện để các con có thể hiểu được rằng đau khổ có thể trở thành niềm vui và thánh giá là con đường của niềm vui. Cám ơn các con đáp lời kêu gọi của Mẹ.”
Đối với tôi thì mỗi sự đau đớn hay niềm đau khổ của tôi thì đó là cơ hội mà tôi dâng lên Chúa. Các linh hồn ở luyện ngục không thể tự cầu nguyện cho họ. Chỉ có những người còn ở thế gian có thể cầu nguyện cho các linh hồn ấy.
Đối với tôi thì đó là một phúc lành và niềm vui lớn lao khi biết rằng với mỗi nỗi đau khổ của tôi, tôi có thể xin Chúa chấp nhận chúng như việc đền tội cho các linh hồn ở luyện ngục. Bằng cách ấy, tôi cảm thấy lòng mình được an ủi, có niềm vui và bình an lớn lao."
Kim Hà 19/5/2016
|