MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đường Tu Đức Và Linh Đạo Của Thánh Catarina
Thứ Năm, Ngày 28 tháng 4-2016

Đường Tu Đức và Linh Đạo của Thánh Catarina

Thánh Catarina (Cát Trinh) sinh ngày 25 tháng 3 năm 1347 - trong một gia đình Công giáo đạo đức tại Fôntêbranda, thuộc thành Siêna, nước Ý.  Chị là con út trong gia đình 25 người con (chị có người em song sinh tên Giovanna chết năm 16 tuổi). Ba chị là ông Giacomo Benincasa và mẹ là Lapa Di Puccio Piagenti, làm nghề thợ nhuộm.

Catarina từ thuở ấu thơ đã sớm được Thiên Chúa ban cho có một lòng đạo đức trỗi vượt và sốt mến Chúa, nên chị rất đẹp lòng Người.  Vì thế vào năm sáu tuổi (1353), chị được thị kiến thấy Chúa Giêsu hiện ra trên nóc nhà thờ thánh Đaminh mỉm cười với chị,  nhân lúc chị đang trên đường từ nhà người anh trở về nhà.  Kể từ đó Catarina khấn hứa giữ đồng trinh quyết dâng trọn đời mình cho Chúa, càng ngày chị càng say yêu Chúa hơn và tìm cách sống đẹp lòng Người.

Khoảng năm 1364 Chị xin gia nhập huynh đoàn Dòng Ba Đaminh, nhưng bị cha mẹ và gia đình phản đối (thánh Cát Trinh chỉ là một giáo dân, chị chưa bao giờ là một Nữ Tu ...như Dòng Đaminh nhận vơ...).  Tuy bị chống đối, chị vẫn giữ vững một chí hướng đó không hề thay đổi, khiến cha mẹ và gia đình rất tức giận đổi thái độ và gây rất nhiều khổ đau cho chị bằng cách hất hủi và hành hạ đủ điều.  Catarina cứ âm thầm chịu đựng sống ẩn dật như thế suốt một thời gian dài khoảng hơn hai năm – không hề tiếp xúc hoặc nói chuyện với bất cứ ai - ngoại trừ đến nhà thờ đi dâng lễ và gặp cha giải tội.

Mặc dù sống mất tự do, bị sự canh trừng gắt gao của gia đình, song, Catarina không hề tỏ bất cứ thái độ bất mãn và uất ức chống lại ai trong nhà.  Trái lại chị biết lợi dụng thời thế hoá dữ ra lành là sống “tu tại gia” bằng cách tăng thêm cho chị sự khổ chế hãm mình ngay trong bầu khí ngột ngạt sẵn có của gia đình.  Chị không để mất giây phút uổng phí nào là tập đọc sách, nhất là sách kinh Thầnvụ (Liturgy of Hours), vì chị không biết chữ và chưa hề được đi học.  Chị liên lỉ cầu nguyện, nên Chúa đã ban cho chị biết đọc những chữ trong sách Kinh Thầnvụ. Chị luôn chìm đắm trong chiêm niệm với Chúa, và chị ký thác mọi sự trong tay Người.  Nên dù ở giữa cảnh tăm tối gia đình mà trên gương mặt luôn toát ra niềm an tĩnh lạ thường.

Thánh Catarina với ý chí phấn đấu phi thường đã vượt qua được cơn thử thách, bởi đó Thiên Chúa không để cho sự dữ xảy ra thêm, nên Ngài đã can thiệp bằng cách cho người bố của chị được chứng kiến cảnh chị cầu nguyện ngây ngất và có ánh hào quang tựa hình chim bồ câu bay lơ lửng tỏa ra trên đầu. Và từ đó gia đình chị đã thay đổi thái độ, đồng thời chị thánh cũng chấm dứt luôn thời gian sống biệt lập và hãm mình cầu nguyện tại gia đình. Nên vào khoảng năm 1370, chị bắt đầu ra đi với sứ mạng mới Phúc âm hóa môi trường – làm giáo dân truyền giáo giữa đời, theo tinh thần thánh Đaminh.  Bởi Thánh Nữ chịu ảnh hưởng của các cha Dòng Thuyết Giáo lúc bấy giờ hay đến thuyết pháp ở khu vực gần nhà chị.

(Nếu Thánh Nữ Thêrêsa Avila ở thế kỷ thứ 16, là một nhân vật quen thuộc đối với các tín hữu về kinh nghiệm thần bí và đã để lại những bài học nổi tiếng về đường lối tu đức, mà cho tới nay Giáo hội vẫn không ngừng học hỏi …thì so với Thánh Nữ Catarina sống ở thế kỷ thứ 14, đường lối tu đức của chị cũng nổi bật không kém…thế nhưng, lại ít có người để ý tới ngoại trừ dòng Đaminh.  Có lẽ vì cuốn “Đối thoại-Dialogo” của chị thánh do thư ký chép, không hấp dẫn bằng những cuốn tự thuật mạch lạc rõ ràng do chính tay thánh nữ Thêrêsa Avila viết chăng?)

Theo đường tu đức của thánh Catarina để lại, thì có năm điểm có thể được tóm gọn như sau:

Phải tự nhận mình là hư vô.
Thiên Chúa là Đấng Hằng hữu.
Thiết lập căn phòng nội tâm hai ngăn.
Sự huyền nhiệm và sức mạnh của cây cầu Bác ái và
Chân lý để đạt tới sự hoàn thiện.
Chân lý bậc nhất của thánh Catarina là thiết lập căn phòng hai chỗ ở ngay trong tâm hồn mình, hay nói cách khác tương tự là “căn phòng nội tâm hai ngăn” hai nơi ở.  Nơi ở thứ nhất trong căn phòng tâm hồn là sự tự nhận biết mình ở trong Thiên Chúa.  Và chỗ ở thứ hai trong căn phòng tâm hồn là sự tự nhận biết Thiên Chúa ở nơi mình.

Catarina tiết lộ Chân lý này cho mọi người, mà cho tới nay qua mọi thời vẫn hợp lẽ, rất sinh ích nơi các linh hồn,  đồng thời cũng rút ra được nhiều bài học thực nghiệm nhằm thao luyện tâm hồn và đáng để nhiều người phải gẫm suy.

Bài học thứ nhất: theo Chị thánh thì nơi ở thứ nhất trong căn phòng tâm hồn, là sự tự biết mình không chỉ có dựa vào làm vài việc xét mình, khóc lóc, hãm mình phạt xác, không phải là phương cách tốt để đền tội, hoặc ăn năn thống hối rồi xin Chúa tha thứ là xong.  Nhưng sự tự nhận biết mình phải có một thái độ phản tỉnh cải thiện nội tâm thực sự và hệ tại ở sự bác ái- quảng đại.  Phải nhận thức cho được Chúa là Đấng Chí Cao, Toàn Năng, Hằng Hữu và Cực Thánh, còn mình chỉ là thân phận hư vô, nên phải hết sức hạ mình khiêm tốn thẳm sâu trước Thiên Chúa Chí Tôn Uy Linh và Đáng Kính.  Hễ càng gặp được nhiều ơn sủng, những thành công, vui sướng, hay vinh dự thì càng cần phải trở về căn phòng tự biết mình, để không bị sa bẫy kêu ngạo của ác thần.

Chị chia sẻ rằng - phải nhận thức cho được sự tự biết mình là ai – tôi là ai? Tôi là hư vô, không có chi, mọi sự đều do Thiên Chúa mà có, không có Người tôi chẳng làm gì được, nên tôi phải lệ thuộc vào Người mọi sự.  Hơn nữa tôi là một kẻ tội lỗi - yếu nhược luôn dễ dàng phạm tội phản nghịch lại Thiên Chúa và vấp ngã – phạm tội bất cứ lúc nào nếu có cơ hội “yêu điều Thiên Chúa ghét và ghét điều Thiên Chúa yêu” (Đt 98).  Sống thì buông thả, hành động lại không theo lý trí và không biết làm chủ mình.  Dễ rơi vào cạm bẫy cám dỗ, nhu nhược, mủi lòng, đã yếu hèn chống trả sự dữ thì chớ lại còn đâm lòng yêu thích, hoặc a-tòng với nó và có khi còn đi theo nó nữa.  Vì thế, nếu không biết mình thì cũng không biết Chúa luôn và sẽ bị rơi ngay vào bẫy kiêu ngạo của ác thần. Thánh Paulô nói, “Ai tưởng mình đứng vững thì hãy ý tứ kẻo ngã …”

Còn nơi ở thứ hai trong căn phòng tâm hồn là sự nhận biết Thiên Chúa là Cha từ nhân vô biên, Hằng Hữu, tạo thành muôn loài và tạo nên chúng ta do tình thương, Đấng chân lý, Đấng luôn rộng rãi -quảng đại ban phát đủ mọi ơn cho từng người, mọi sự do Người mà có. Người chính là tình yêu, là nguồn ơn hạnh phúc vô tận, cho không biếu không một cách vô điềukiện.  Người phú bẩm tài năng.  Nơi Người phát ra tình thương từ tình yêu BaNgôi. Hễ ai chạy đến cùng Người đang trong lúc vui vẻ, lúc gặp khốn khó, thử thách, cám dỗ và sa ngã, đều có thể vào để kín múc lấy sức mạnh để vững bước chống chọi hầu thắng thế trước ác thù.  

Thánh Catarina kinh nghiệm rằng: hễ khi nào chị gặp thuận cảnh thì chị liền chạy ngay đến chỗ ở tự biết mình để tránh thói kiêu ngạo nổi lên trong căn phòng tâm hồn; và hễ khi nào chị gặp nghịch cảnh thì chị lại chạy ngay sang nơi ở nhận biết Thiên Chúa trong căn phòng tâm hồn để tìm lại sức sống và ân sủng.

Bài học thứ hai:  chị tiết lộ là phải xin Chúa cho được Ơn Thông Hiểu để tự biết mình và nhận biết Thiên Chúa.  Nhưng phải coi chừng, vì tự ơn thông hiểu không phải là một nhân đức phát sinh ra các nhân đức, và tự nó sẽ chẳng sinh hoa trái gì nếu không được trồng dưới đất mẹ khiêm nhường.  Nếu Nhân đức tin là nền móng thì khiêm nhượng chính là nền tảng của các nhân đức luânlý, mà  theo sách “Tu đức”, khiêm nhường là nền tảng sinh ra các nhân đức khác, hoặc như thánh Anphongsô dạy, “thứ nhất con…- thứ hai con … - thứ ba con hãy học khiêm nhường”.  Vậy nếu muốn xin ơn thông hiểu đó, theo chị định nghĩa thì phải có một tâm hồn khiêm tốn chân thực, và chính nó sẽ là đất nuôi dưỡng làm trổ sinh ra các nhân đức khác.  Bởi lẽ, người thiếu khiêm nhường thì sẽ không bao giờ tự biết mình, nhận biết Chúa và yêu thương tha nhân hoặc đạt đến đức ái hoàn hảo.  Và cũng chẳng bao giờ đạt được mục đích nhắm tới là được biết và hưởng kiến Thiên Chúa cách trọn vẹn.

Bài học thứ ba, là không nên lấy việc hành xác hãm mình bề ngoài làm nền tảng cho đời sống thiêng liêng, nhưng phải lo tập trung và chú tâm vào việc tập tành nhân đức bác ái thì mới có thể vươn lên tới tình yêu Thiên Chúa.  Những ai coi thường việc tập tành nhân đức này, chỉ lo khổ chế vẻ bề ngoài thì kể như đang sa lầy, gây cản trở trên đường hoàn thiện, đồng thời sẽ làm bỏ quên đi căn phòng nội tâm biết mình và biết Chúa. Thánh Paulô nói, “trên hết là đức-ái ..vì một ngày kia đức tin và đức cậy sẽ mất, chỉ còn đức mến tồntại”.

(Thánh Têrêsa Lisieux cũng cho biết, chị chỉ chăm chú lo học hành môn khoa học tình yêu và quăng mình vào tình yêu dung thứ của Thiên Chúa.)

Bài học thứ bốn, Catarina ví việc tập tành nhân đức là sự chứng tỏ thiện chí của một người đang tiến dần tới lòng yêu mến đối với Thiên Chúa ngày càng đằm thắm hơn.   Tình yêu mến thì giống như dao hai lưỡi; tự biết mình là sự chê ghét bản thân, còn lưỡi kia là để lòng yêu mến và thực tập nhân đức, tức ăn bằng hai hàm răng- một hàm chê ghét tội lỗi và hàm kia là yêu mến.

Mà ai có lòng mến yêu và tập tành nhân đức thì phải chịu đâm bằng lưỡi dao tự biết mình.  Đó là lưỡi dao của lăng mạ, khinh bỉ, sỉ nhục v. v…

Bài học thứ năm, Chị thánh dặn rằng, phương thế giúp chống lại nết xấu để tự biết mình và nhận biết Thiên Chúa:  Thứ nhất, là phải khiêm nhường, vì khiêm nhường vốn là rễ cho “cây bác ái” mọc lên. Đó cũng là nền tảng và bậc thang của mọi nhân đức (Đt 63). Thứ đến, nên tập nuôi dưỡng nhân đức bằng cách năng bắt trước và chiêm ngắm Mẹ Maria về sự Vângphục, Khiêm hạ và sự Tín Thành vào Thiên Chúa.  Thứ nữa, là phải ghét mình, tức là tiêu diệt ý riêng – ích kỷ và mọi cái trái ngược không đưa đến đức ái.  Nhất là sự tiết độ, hãm mình và kiêng khem trong mọi phương diện.  Sau cùng, phải năng đền tội mình bằng xét mình qua mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày.  Ăn năn – giác ngộ và chừa cải nết xấu lẫn thực tâm từ bỏ tội lỗi ..v..v.  Hơn nữa, phải cố gắng sống kết hợp mật thiết với Chúa Ba Ngôi và tìm hiểu về màu nhiệm cao cả này.  Bởi lẽ chính khi tìm biết Thiên Chúa thì đồng thời Người cũng biến đổi chúng ta để tự biết mình hơn.

Bài học thứ sáu, mà chị thánh Catarina luôn nhắc tới là giá trị của Máu Thánh Chúa Kitô không thể để rơi rớt phung phí nơi lòng những kẻ tin, nhưng phải được đổ đầy và sinh ích cho kẻ chưa tin. Thực thế, tràn ngập trong những lá thư của các thánh tông đồ, nhất là thánh Paulô cũng nói tới khía cạnh vô giá của Máu Thánh Chúa Kitô này “ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi, thù nghịch thì theo đúng kỳ hẹn chính người đã đổ máu mình ra để chúng ta được nên công chính (hoặc chúng ta được nên công chính hóa là nhờ Máu Ngài), được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu độ” (Rome 5:4-11). Chỗ khác ngài nói tiếp, chúng ta có một Vị làm “môi giới giao ước mới là Chúa Giêsu và được Máu Ngài tưới rảy còn mạnh thế hơn cả máu Abel” (Hebrew 12:24).  Đến nỗi Thánh Thêrêsa hài đồng Giêsu phải thốt lên, “chỉ cần một giọt máu của Chúa Giêsu thôi cũng đủ để cứu rỗi cả nhân loại …và chị muốn thâu tóm hết mọi giọt bửu huyết ấy.”

Tóm lại, những bài học trên đây chỉ là một phần của các chân lý giá trị khác (sẽ nói trong đoạn kế tiếp dưới đây)  mà thánh Catarina để lại cho hậu sinh.  Suốt cuộc đời của chị chỉ làm có một việc duy nhất là sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu, và phó thác theo Ý Người mà thôi.  Tâm lòng chị luôn bị thiêu đốt và bốc cháy bởi lửa sốt mến Chúa Thánh Linh. Hễ chị càng nhận được nhiều tặng sủng từ trời bao nhiêu, thì sự trao ban của chị cho tha nhân càng lớn bấy nhiêu “Ai có sẽ cho thêm..”.  Vì thế, suốt khoảng thời gian chị sống cầu nguyện, chiêm niệm và hoạt động tông đồ, hay nói cách khác là sống Phúc âm hóa môi trường – đem đạo vào đời - giữa thế gian, cũng là lúc chị cố gắng họa lại cho thật giống-rập khuôn hình ảnh Chúa Kitô.

Chân lý thứ hai  cũng không thua kém gì chân lý thứ nhất, có thể ví như hai chị em song sinh với nhau.  Đó là sự huyền nhiệm và sức mạnh của “Câycầu Bác ái và Câycầu Chânlý”.

Bài học thứ bảy,  Chị thánh mô tả về sự phong phú do hoa quả là các nhân đức mang lại ví như thể một “Cây Cầu Bác Ái”.  Để phát triển cây cầu này thì nó cần phải được đâm rễ sâu khiêm nhường xuống lòng đất, để biết cái gì thuộc về Thiên Chúa, và cái gì là của ta.

(Đức Giám Mục Bùi Tuần từng trải, “nếu gian khổ/đau đớn là chất dầu để thắp cho đức tin được cháy sáng, còn đức tin thì buộc phải được biểu lộ qua hành động/việc làm lẫn thử thách, hễ càng cao bao nhiêu thì càng khó bấy nhiêu, khiến chúng ta phải làm một quyết định và chọn lựa dứt khoát”.)

Thánh Paulô nói, “Đức Tin không việc làm (không thực hành đức thương người theo kinh 14 mối)  là đức tin chết…”.  Đối với Catarina, chị ví von cây cầu bác ái này rất hay, thật sâu sắc và súc tích như sau:

Ngọn cây chính là đức ái đưa linh hồn ngày càng mọc vươn cao lên chạm tới Thiên Chúa, được  kết hợp mật thiết với Người và nâng tâm hồn lên hưởng kiến Người.
Nhựa cây chính là sự nhẫn nại và tín thành vào Thiên Chúa và chờ đợi.
Hoa quả chính là các nhân đức đã thao luyện thành.
Theo chị, thì cây đức ái như giây nối giữa trời và đất, như thập tự giá cắm sâu xuống đất - thẳng đứng vươn lên trời, và như Chúa Giêsu là một kết nối giữa trời và đất vậy.  Nếu suy diễn thêm, thì cái hồn của cây chính là Chúa Kytô làm môi giới giữa Thiên Chúa và loài người. Ai chạm được tới cây thì cũng lắng nghe được hồn của cây tâm sự, và chỉ vẽ cho cách hái quả ở trên cây, đồng thời biến đổi linh hồn nặng nề của ta thành thanh thoát nhẹ nhàng bay bổng lên ngọn cây.

Bởi càng yêu nhiều thì càng biết Thiên Chúa nhiều hơn “vô tri bất mộ”, không biết mình thì cũng chẳng biết Thiên Chúa, và cũng không thể biết yêu - vừa Thiên Chúa và vừa tha nhân được, vì thiếu nền móng cây cầu đức ái. Theo thánh Paulô, “Đức ái là trên hết” và liên hệ đến mọi nhân đức.

Bài học thứ tám, đề cập đến “Cây cầu Chân lý/ Sự Thật” - trọng tâm của sách “Đốithoại-Dialogo”, thì đường tu đức của Chị thánh chính là phải đi trên cây  cầu chân lý này để dẫn tới ơn cứu độ, để nhận biết Thiên Chúa và con người.  Chứ không phải bơi ngụp lặn ở dưới gầm cầu. Chị coi cây cầu này có ba bậc tượng trưng cho ba phần Thân thể Chúa Kytô; đó là Chân- Tay, Mình và Miệng. Cây cầu cũng chính là hình ảnh của thập giá, bắc dọc dựng đứng từ đất lên tới trời chứ không bắc ngang như ngang qua sông, và tượng trưng cho ba quan năng; Trí nhớ  (Memory), Trí hiểu/lýtrí (Intellect) và Ý chí (Will). 

Ai có thể tiến đức và leo lên được đến bậc nào? Và ba quan năng liên kết với nhau ra sao?

Đó là, ba quan năng phải hài hòa, nếu cả ba không đồng nhất – hòa hợp hoặc bị hư hỏng/lủng củng ở bất cứ chỗ nào, thì nó không thể tiến tới cây cầu được.  Mà ba quan năng này lại là sự hiệp nhất trong cây đức ái - phản chiếu hình ảnh Chúa Ba Ngôi Thiên.  Không ai được miễn trừ ra khỏi tình yêu Người.

Có ba đẳng cấp trên cây cầu tượng trưng cho ba bậc tiến đức:

Bậc Dưới Chân (Purifitative): Khởi đạo/thanhtẩy, hay gọi là bậc tôi tớ.  Linh hồn đã chọn lý trí (intellect) tốt để thực tập quyết tâm rút chân leo lên cầu; từ bỏ thế gian, cái tôi, ý riêng, tự ái và các thói hư tật xấu khác.   Song, ở giai đoạn này, tình yêu còn bất toàn vì sự thanh tẩy còn yếu, như thể các môn đệ đầu tiên mới đi theo Chúa Giêsu. Bởi lẽ, ở bậc tôi tớ, kẻ bầy tôi vẫn còn tư lợi - kiếm chác, sợ sệt, sợ tội, và vẫn còn có thể phạm tội trộm cắp gì đó, cờ bạc hoặc xa bẫy cám dỗ, có thể đi tới chỗ phản chủ mình như Giuđa chẳng hạn, dễ bỏ cuộc, ngã lòng và tháo chạy, không chống đỡ nổi khi gặp biến cố bất ngờ xảy đến.  Cho nên, chị thánh khuyên phải cố gắng nhấc chân leo lên thì Thiên Chúa mới tiếp tục giúp kéo đi tiếp đặng khỏi rơi tụt trở lại, bằng vào hành động vừa chịu sự thanh tẩy vừa bị thúc đẩy làm việc bác ái, nếu không chịu nhấc chân thì Thiên Chúa cũng đành chịu vậy, vì Ngài cho con người có sự tự do (free will). Sự tự do của Thiên Chúa là làm điều phải và mưu ích cho tha nhân để ai cũng được sống hạnh phúc, chứ không phải tự do phạm pháp muốn làm gì thì làm theo ý riêng mình. Ví như đi đường phải có luật, có đèn xanh đèn đỏ vậy.

Bậc Thân Mình (Illuminative): Minhđạo/quangkhải, hay gọi là bậc làmthuê - bạn hữu.  Linh hồn không còn sợ hãi nữa, chỉ còn tình bạn bè tín thành, tiến lên đến ‘cạnh sườn’ để trở thành bạn hữu, khởi đầu cho cuộc thanh luyện sau thanh tẩy, nó bắt đầu thấy yêu mến nhân đức và tập tành.  Nó - linhhồn đã nhấc được chân lên để mà chiêm ngắm Chúa - nghỉ ngơi rồi, nhưng còn ở trạng thái trống rỗng, tối tăm, khô khan, như bị Chúa bỏ rơi, gặp những gian nan, nhục nhã, thiếu thốn, và luôn phải chiến đấu với bản ngã xác thịt. Nó thấy làm bất cứ cái gì vẫn không được Chúa hài lòng, nó vẫn không thoát khỏi những thử thách cám dỗ Chúa cho phép xảy ra nhiều hơn. Chúa muốn vậy để linh hồn trưởng thành hơn và lôi kéo nó lên cao hơn, nhận được nhiều ánh sáng hơn và yêu mến kẻ khác và biết cảm thông nhiều hơn.  Bậc này sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, ơn cầu nguyện liên tục và nước mắt, gần giống như Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê vậy.

Đâu là dấu chỉ để biết ai đó có nhân đức hay không? Là dấu căn cứ kẻ đó yêu mến tha nhân nhiều hay ít.  Thực tập nhân đức ở giai đoạn này là phải tiêu diệt sự quyến luyến cảm giác, nó sẽ giúp vững tin vào Chúa quan phòng hơn, linh hồn cố gắng làm vui lòng bạn là Thiên Chúa của mình hơn là làm phiền bạn.  Và một khi tập nhân đức yêu thương tha nhân thì buộc phải tiếp xúc với người ta, dẫu rằng khó khăn hoặc dù muốn dù không, buộc phải vượt qua răn giới đó, vì tha nhân là nơi thử nghiệm nhân đức cho biết chân thực hay hư giả.  Đặc biệt ở bậc tu sĩ hoặc nơi các tín hữu thành tâm trưởng thành ít ra phải đạt cho được tới bậc này. Như Môsês chẳng hạn, mặc dù ông được biến hình sáng láng – đàm đạo với Thiên Chúa, Song, ông vẫn còn phạm lỗi nên bị phạt không được vào đất hứa …mà chỉ đứng xa xa để nhìn thôi.

Bậc Cửa Miệng (Union): Hiệpđạo/kết hợp, hay gọi là bậc con cái – quen thuộc hết mọi ngõ ngách trong nhà và biết hiểu được tính tình của cha nó, biết cha nó muốn gì và ghét gì “yêu điều Thiên Chúa yêu ghét điều Thiên Chúa ghét”.  Đây là bậc cao nhất đã đạt tới sự hoàn thiện – mà hiếm thấy có mấy ai lọt vào bậc này.  Tỉ như Thánh nữ Thêrêsa Avila bay bổng khi chiêm niệm, Thêrêsa hài đồng Giêsu và Me Thêrêsa Caculta xuất thần qua muôn công việc bác ái phi thường, …Chị thánh Catarina đã ở bậc này và chị đã đi đến bậc thứ bốn hay còn gọi là “bậc trao ban”, tức là nhường ngôi cho con cái, nhưng chung quy cũng chỉ một giới răn “Mến Chúa & Yêu người mà thôi”.  Linh hồn ở bậc này thi hành chức năng của miệng là nói và ăn bằng hai hàm răng:  một hàm chê ghét tội lỗi và hàm kia là yêu mến; hàm nói - chỉ nói về Chúa, giảng lời Chúa và hàm ăn - chỉ lo cứu rỗi các linh hồn.  Tình con cái thì mở rộng tới mọi loài thọ tạo, giống như tình Cha được bộc lộ qua Con là Giêsu, và từ Con xuyên qua nhân loại.  Tình bạn hữu có thể thay đổi, chứ thứ tình con thảo này nắm chắc phần thừa kế, nó hoà theo ý Cha muốn yêu điều Chúa yêu –ghét điều Chúa ghét ví như củi nhóm đốt trong lửa - sắt nung trong lò vậy. 

Ở bậc này chỉ có sẵn sàng thí mạng và yêu mến, chứ không phục vụ vì sở thích nữa – nó đau với niềm đau khao khát mong tới gặp Chúa để vươn lên và sung sướng hạnh phúc vì được đau khổ, vừa đau khổ vừa hạnh phúc, chứ không phải đau cái đau tụt xuống dốc.  Nó không bị vấp phạm bởi khuyết điểm hoặc vì yếu đuối của kẻ khác; được ơn soi sáng và thâm hiểu các chân lý cao siêu sâu nhiệm như thần thánh; ơn in thương tích Chúa hầu được thông phần với Người để cứu các linhhồn; ơn xuất thần ngất trí say xưa chuyện “tình ái thiêng liêng” đến độ mất cảm giác và bay bổng thân xác; ơn nước mắt kết hợp với Thiên Chúa và ơn không khóc nổi được nữa, mà khóc trong lòng bằng lửa Chúa Thánh Thần, như thánh Paulô nói do “Chúa Thánh Thần rên xiết bằng những tiếng khóc khôn tả ở trong lòng” thay cho.

Tóm lại, ba nét đặc trưng ở “Cây cầu chân lý” mà thánh Catarina muốn nhấn mạnh; trước tiên đi từ tình bằng hữu tới con cái - từ dưới lên tới cạnh sườn chiêm ngắm Chúa; rồi từ cạnh sườn tới miệng; và sau đó thi hành chức năng của miệng. Hễ ai lên tới bậc hai thì liền chạy tới bậc ba, chứ không dậm chân tại chỗ, không tiến tức là lùi, và đừng quên là Chúa Thánh thần luôn chủ động trong các bước tiến để giúp chúng ta.  Nếu chúng ta không có được những ơn như ở bậc ba, thì chỉ cần có trái tim – Tâm lòng là đủ rồi, vì “Trong nhà Chúa có nhiều chỗ ở” ….cho nhiều thánh, cho từng người nên thánh kiểu khác nhau.

Đâu là những điều kiện cầu nguyện?

cách tốt nhất là dùng “cây đức ái” để làm “cây cầu chân lý” bắc ngang qua sông thăng trầm của cuộc sống đầy thử thách/cạm bẫy mà đi, bác ái đi trước, lội nước theo sau là thế.

Thứ nhất là phải khiêm nhường tự biết mình là hư vô nên lệ thuộc vào Chúa.

Thứ hai là phải cầu nguyện liên lỉ thành tín hướng về Chúa và tin tưởng Người  lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe, “Ai xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ cửa thì sẽ được mở cho …Ai tin vào Thầy thì sẽ làm được những việc Thầy làm..(nên) đừng để lòng xao xuyến…”.  Bởi vì, lúc Chúa Giêsu cầu nguyện khi từ dưới nước thanh tẩy lên thì “trời mở ra…” và khi các Tông đồ “làm việc phụng thờ và ăn chay thì nghe tiếng Thánh Thần phán bảo” với họ. Vì khi Cầu nguyện là mở ngỏ cánh cửa để Thiên Chúa ngự vào, “Ta đang đứng ngoài cửa và gõ …ai nghe tiếng thì mở cửa cho Ta vào…”, và Thiên Chúa chỉ ngỏ lời và dạy dỗ cho những ai biết trầm lặng trong kinh nguyện.

Thứ ba là trở vào căn phòng nội tâm. Thinh lặng và gạt bỏ những gì không phải là thánh thiện làm bận tâm trí, đừng lầm với việc bổn phận mà không thể cầm hãm lòng trí, vì nó là việc làm đạo đức thánh thiện cần đem vào cầu nguyện.  Tìm đọc Thánh kinh, sách thánh khoa, sách tu đức, học hành, hoặc các sách đạo đức khác như “gương Chúa Giêsu, chuyện các thánh” chẳng hạn để tìm tư tưởng cho cả ngày, để dễ nhập tâm khi cầu nguyện hướng lòng về Chúa.  Thánh Thêrêsa Avila không lần nào vào nhà nguyện hay suy gẫm mà ngài lại quên không mang theo sách thiêng liêng để đọc, để dễ nhập tâm vào suy gẫm… để các thánh mớm cho, giúp dẫn tâm trí nhập niệm Thiên Chúa, khỏi bị chi phối bởi những sự hư vô trống rỗng.

Ca dao tục ngữ việt có câu,  “Nhàn cư vi bất thiện – rảnh rỗi dễ sinh tật xấu”, đừng để tâm trí rảnh rỗi, đừng để nó lạm dụng nghĩ chuyện lông bông vô ích. Ví như ai nấy đều phải đi làm việc, không được lười biếng ở không thế nào, thì tâm trí cũng vậy phải được tiêm nhiễm đầy những tư tưởng thánh thiện để dễ bề suy gẫm và tưởng nhớ đến Chúa.

Tiếp theo cũng có ba loại cầu nguyện tương tự như đã trình bày ở ba đẳng cấp của cây cầu chân lý: Khẩu nguyện (Vocal prayer), Tâm nguyện (Mental prayer), suy gẫm (Meditation). Ngoài ra còn có bậc siêu nghiệm thứ bốn gọi là Hồn nguyện (Contemplation), chiêm ngưỡng /hưởng kiến Chúa,  như thánh Catarina hoặc các thánh hay được bay bổng vậy. Catarina còn áp dụng cho ba bậc cầu nguyện này đồng hóa với ba loại bậc nước mắt khi cầu nguyện; bậc khởi đầu thanh tẩy là khóc ăn năn-đau đớn vì tội lỗi; thứ đến khóc vì hạnh phúc và khát khao; sau cùng là không khóc nổi nữa mà khóc bằng lửa Chúa Thánh Thần rên xiết trong lòng. Ai có kinh nghiệm trong việc năng cầu nguyện và suy gẫm tử tế mới thấy được nỗi niềm ngây ngất khôn tả đó. 

Catarina ý thức được hồng ân cao cả đó nên chị mau mắn hành động và khát khao. Đâu là những hoa quả theo đi  sau đức thương yêu –bác ái của chị? Xin thử liệt kê vài hoa trái:

Chị Cát Trinh, tuy là một nữ nhi thất học, không biết chữ, nhưng,  đã nói  bằng những lời lẽ hùng hồn nhất, thuyết phục được Đức Giáo Hoàng Grêgory XI dời đô từ Avignion, Pháp quốc về lại Rôma vào năm 1377.  Chấm dứt thời lưu đày gần 70 năm của tòa thánh tại Avigion, chị cũng kết thúc luôn thời đen tối nhất trong lịch sử giáo hội là có tới ba Đức Giáo Hoàng (ĐGH).  Và còn nhiều trường hợp khác nữa.

Chị đã viết khoảng 382 lá thư gửi đi khắp nơi cho đủ mọi hạng người, từ ĐGH cho đến giới trí thức,  giới bình dân, và xuống tận tới cả những cô gái bán bar hè phố bị người đời ruồng bỏ.  Chị để lại cuốn “Đối thoại - Dialogo” bất hủ, do chính các thư ký chứng kiến và ghi chép lại đang lúc chị xuất thần chiêm niệm với Thiên Chúa.   

Chị đã khóc cảm thông, thương các linh hồn bị quên lãng, những con người thiếu tình người, kẻ bần cùng bị bỏ rơi ngoài lề xã hội, người chưa biết Chúa, và những nạn nhân của các tệ đoan xã hội.

Chị đã cười vui sướng vì được hiến trọn đời mình làm khí cụ cho Thiên Chúa.

Chị đã làm sáng danh Chúa qua cuộc sống hoạt động chứng tá giữa đời vì tin mừng Phúc Âm.

Phần thưởng mà Chúa dành cho chị ngay tại nơi dương thế là được in Năm Dấu Thánh Chúa Kitô, và dấu thánh ấy chỉ lộ ra cho mọi người thấy, là lúc chị trút hơi thở lìa bỏ thế gian để về với Chúa ngày 29 tháng 4 năm 1380.

Catarina được Đức Giáo Hoàng Piô II tôn phong hiển thánh vào năm 1461.  Đức Giáo Hoàng Piô IX phong làm bổn mạng thành Rôma, chỉ sau thánh tông đồ Phêrô, và Đức Piô XII phong chị làm bổn mạng nước Ý. 

Sau cùng, vào năm 1970 chị được Đức Giáo Hoàng Paulô VI sắc phong lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh với biệt danh là “Tiến Sĩ Tình Yêu”, hay còn gọi là “Nữ Trinh Sốt Mến” như thiên thần Seraphim.  Lễ kính Thánh Catarina vào ngày 29 tháng 4 hằng năm

Mừng Lễ Kính Thánh Nữ Cát Trinh

Ngày 29/4/2016

<Sóngbiển>

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
14 Tháng Năm Thánh Matthias (5/14/2016)
Thánh Y-nhã Ở Laconi (1701 - 1781) (5/11/2016)
Lễ Kính Thánh Mathia Tông Đồ, Lm Anthony Trung Thành (5/9/2016)
4 Tháng Năm, Thánh Peregrine (1265-1345) (5/4/2016)
Ngày 30 Tháng 04, Thánh Piô V Giáo Hoàng (1504 -1572) (4/30/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Thánh Phêrô Chanel (1803 - 1841) (4/28/2016)
Nhị Vị Tông Đồ–philípphê Và Giacôbê (4/28/2016)
Tin/Bài khác
Thánh Máccô, 25 Tháng 4 Năm 2016 (4/25/2016)
Thánh Fidelis Ở Sigmaringen (1578-1622) (4/24/2016)
Là Chứng Nhân Của Chúa Ki-tô Sẽ Chiếm Được Trái Tim Nhiều Người (4/23/2016)
Thánh George (c. 304) 23/4 (4/23/2016)
Hành Trình Ơn Gọi Của Nữ Tu Clare Crockett (4/22/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768