ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT
CHÚA
TRONG NĂM THÁNH TÌNH THƯƠNG
- BÀI 10
"Bằng việc kêu gọi chàng Mathêu,
Chúa Giêsu muốn tỏ cho các tội nhân
thấy
Người không nhìn vào quá khứ của
họ,
vào tình trạng xã hội của họ,
vào những qui ước ngoại diện,
mà Người mở ra cho họ một tương lai
mới....
không có thánh nhân nào
mà lại chẳng có một
quá khứ
hay chẳng có một tội nhân
nào
mà lại vắng bóng tương lai"
Xin
chào Anh Chị Em thân mến!
Chúng
ta đã nghe trình thuật Phúc Âm về ơn gọi của chàng Mathêu. Mathêu là
"publican" tức một người thu thuế cho Đế quốc Rôma, và vì thế bị coi là một
tội nhân của quần chúng. Thế nhưng Chúa Giêsu lại gọi Mathêu theo Người để trở
thành môn đệ của Người. Chàng Mathêu đã chấp nhận, và mời Chúa Giêsu cùng với
các môn đệ của Người đến dùng bữa tối ở nhà mình. Bởi thế mới xẩy ra chuyện
tranh luận giữa những người biệt phái và các môn đệ của Chúa Giêsu về sự kiện
các vị ngồi đồng bàn với những kẻ thu thuế và những người tội lỗi. Họ nói:
"Các người không thể nào vào nhà của những hạng người ấy!" Thật vậy, Chúa
Giêsu không tách mình ra khỏi họ, trái lại, Người còn đến nhà của họ và ngồi
bên cạnh họ; tức là cả họ nữa cũng có thể trở thành môn đệ của Người. Cũng
đúng như thế, là Kitô hữu không có
nghĩa là chúng ta hoàn thiện. Như chàng Mathêu thu thuế, mỗi người
chúng ta hãy tin tưởng vào ân sủng của Chúa, bất kể tội lỗi của chúng
ta. Tất cả chúng ta đều là tội nhân,
tất cả chúng ta đều đã phạm tội. Bằng việc kêu gọi chàng Mathêu, Chúa Giêsu muốn
tỏ cho các tội nhân thấy rằng Người không nhìn vào quá khứ của họ, vào tình
trạng xã hội của họ, vào những qui ước ngoại diện, mà Người mở ra cho họ một
tương lai mới. Có lần tôi đã nghe thấy một câu nói hay ho là
"không có thánh nhân nào mà lại chẳng có
một quá khứ hay chẳng có một tội nhân nào mà lại vắng bóng tương lai".
Đó là những gì Chúa Giêsu thực hiện. Không có thánh nào lại không có quá khứ
và không có tội nhân nào lại thiếu tương lai. Chỉ cần đáp ứng ơn gọi bằng một
tấm lòng khiêm tốn và chân thành. Giáo Hội không phải là một cộng đồng của thành
phần hoàn hảo, mà là của những người môn đệ đang hành trình, những con người
theo Chúa vì họ biết họ là tội nhân và cần được Người thứ tha. Bởi vậy,
đời sống Kitô hữu là một học đường của lòng khiêm tốn hướng chúng ta tới ân
sủng.
Hành
vi cử chỉ này không thể nào hiểu được bởi những ai cao ngạo, tin rằng họ là kẻ
"công chính" và tin rằng họ khá hơn người khác. Sự ngạo mạn và kiêu hãnh khiến
cho con người ta không nhận biết mình cần đến ơn cứu độ, trái lại, ngăn cản họ
nhìn thấy được chân dung nhân hậu của Thiên Chúa và thực hiện tình thương.
Chúng là những thứ rào cản. Sự ngạo
mạn và kiêu hãnh là một thứ rào cản cho mối liên hệ với Thiên Chúa. Tuy
nhiên, đó lại là chính sứ vụ của Chúa Giêsu, ở chỗ Người đến tìm kiếm từng
người chúng ta, để chữa lành các thương tích của chúng ta và để gọi chúng ta
yêu mến theo Người. Người đã tỏ tường nói rằng: "Những ai khỏe mạnh thì không
cần đến thày thuốc, mà là những ai đau yếu" (câu 12). Chúa Giêsu cho thấy
Người là một vị lương y tài giỏi! Người loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa, và
các dấu hiệu rõ ràng cho thấy vương quốc này trị đến là chỗ Người chữa lành
bệnh nạn của dân chúng, giải thoát họ khỏi sợ hãi, khỏi chết chóc, và khỏi ma
quỉ. Trước nhan Chúa Giêsu không một
tội nhân nào bị loại trừ - không một tội nhân nào bị loại
trừ! Vì quyền năng chữa lành
của Thiên Chúa không hề bất lực trước một bệnh trạng nào; và quyền năng chữa
lành ấy cần phải cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng và hướng lòng chúng ta
về Chúa để Người đến chữa lành chúng ta.
Bằng
việc kêu gọi tội nhân đến ngồi cùng bàn với mình, Người chữa lành họ, phục hồi
lại cho họ ơn gọi mà họ tin rằng họ đã bị mất đi và cũng là ơn gọi bị những
người biệt phái quên lãng: đó là ơn gọi được làm khách mời đến dự tiệc của
Thiên Chúa. Theo lời tiên tri của Isaia thì: "Trên núi này Chúa các đạo binh
sẽ đãi tất cả mọi dân nước một bữa tiệc, bữa tiệc
gồm những thứ béo bổ, bữa tiệc uống thứ rượu ngon, ăn những thứ béo ngậy,
uống thứ rượu ngon tinh chế. Ngày ấy, người ta sẽ nói: 'Ðó là Vị Thiên
Chúa của chúng ta, chúng ta đã từng trông đợi Ngài, và chúng ta đã được
Ngài thương cứu độ. Chính Ngài là Chúa mà chúng ta từng đợi
trông. Nào chúng ta hãy cùng nhau hoan hỷ vui mừng nơi ơn Ngài cứu
độ".
Khi
những người biệt phái chỉ thấy toàn là tội nhân được mời và không chịu ngồi
chung với họ, Chúa Giêsu mới nhắc nhở họ rằng cả họ nữa cũng là khách được mời
đến bàn tiệc của Thiên Chúa. Bởi vậy, ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu nghĩa là được Người
biến đổi và cứu độ. Trong cộng đồng Kitô hữu bàn tiệc của Chúa Giêsu có
tính cách lưỡng diện: có bàn Lời Chúa và có bàn Thánh Thể (xem Hiến Chế Dei
Verbum, 21). Đây là những phương dược được Vị Lương Y Thần Linh sử dụng để
chữa lành chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Bằng phương dược thứ nhất - Lời
Chúa - Người tỏ mình ra cho chúng ta và mời gọi chúng ta vào bàn đối thoại với
các bạn hữu. Chúa Giêsu không sợ đối
thoại với tội nhân, với những người thu thuế, với những người đĩ điếm...
Không, Người không sợ: Người yêu thương hết mọi người! Lời của
Người thấm nhuần chúng ta, và như con dao mổ, Lời Người cẩn thận giải phẫu để
cứu thoát chúng ta khỏi sự dữ đang ẩn núp trong cuộc đời của chúng
ta. Có những lúc Lời Chúa này là
những gì đớn đau vì Lời Chúa làm lộ ra những gì là gian dối lừa đảo, tỏ cho
thấy những thứ chạy tội sai lầm, phơi trần các sự thật kín mật; thế nhưng đồng
thời Lời Chúa cũng soi sáng và thanh tẩy, cũng cống hiến sức mạnh và hy vọng,
là một loại thuốc bổ vô giá cho cuộc hành trình đức tin của chúng
ta. Về phần mình, Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta bằng chính sự sống
của Chúa Giêsu, như là một phương dược mãnh liệt khôn cùng, và một cách mầu
nhiệm, Thánh Thể tiếp tục làm mới lại ân sủng Phép Rửa của chúng ta. Bằng việc
tiến đến với Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Giêsu,
và bằng việc tiến vào chúng ta, Chúa Giêsu liên kết chúng ta lại với Thân Mình
của Người!
Khi
kết thúc cuộc đối thoại ấy với những người biệt phái, Chúa Giêsu đã nhắc nhở
họ một lời của tiên tri Hosea (6:6): "Hãy đi mà học biết ý nghĩa của lời này:
'Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải tế vật'" (Mathêu 9:13). Ngỏ cùng dân
Israel, vị tiên tri này đã khiển trách họ vì những lời cầu nguyện họ dâng lên
chỉ là những lời lẽ trống rỗng và vớ vẩn. Bất chấp giao ước và tình thương của
Thiên Chúa, đám dân này thường sống đạo đức một cách "giả hình", không sống
thật tình với mệnh lệnh của Chúa. Đó là lý do tại sao vị tiên tri này đã nhấn
mạnh rằng: "Ta muốn lòng nhân từ", tức là Ngài muốn sự trung thành của một tấm
lòng nhìn nhận tội lỗi của nó, một tấm lòng biết sửa đổi cách sống của nó và
trở lại sống trung thành với giao ước Thiên Chúa. "Chứ không phải tế vật":
không có tấm lòng thống hối, thì mọi tác động đạo đức đều vô hiệu! Chúa Giêsu
cũng áp dụng câu nói của vị tiên tri này cho các mối liên hệ của loài người
nữa: những người biệt phái về hình thức rất ư là đạo đức, thế nhưng lại không
muốn ngồi chung bàn với những người thu thuế và tội nhân; họ không nhận thấy
cơ hội để chỉnh cải lối sống của họ nhờ đó được chữa lành; họ không đặt tình thương lên trên hết:
cho dù có là thành phần bảo quản trung thành của Lề Luật, họ đã tỏ ra cho thấy
họ không hề biết được cõi lòng của Thiên Chúa! Như thể anh chị em được tặng cho một hộp đựng quà tặng ở
bên trong, và thay vì mở quà tặng ra thì anh chị em chỉ nhìn vào giấy gói mà
thôi: chỉ nhìn vào dáng vẻ bề ngoài, nhìn vào hình thức, chứ không phải
vào cốt lõi ân sủng, không phải vào quà tặng được cống hiến!
Anh
chị em thân mến, tất cả chúng ta được mời gọi đến bàn tiệc của Chúa. Chúng ta
hãy chấp nhận lời mời gọi này mà đến ngồi bên Chúa cùng với các môn đệ của
Người. Chúng ta hãy học biết nhìn
bằng lòng thương xót và nhìn nhận từng người trong họ như là những
vị khách như chúng ta trong bàn tiệc này. Tất cả chúng ta đều là thành phần
môn đệ cần cảm thấy và sống lời an ủi ấy của Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta cần
được nuôi dưỡng bởi lòng thương xót Chúa, vì ơn cứu độ của chúng ta xuất phát
từ chính nguồn mạch này. Xin cám ơn anh chị em!
(Sau
bài giáo lý, ĐTC đã gửi lời chào hỏi đến các phái đoàn hành hương trong ngày,
nhưng trước hết ngài xin cầu cho ngài trong chuyến đi đột xuất sắp tới của
ngài như sau:)
Thứ
Bảy tới đây, (16/4), tôi sẽ đến đảo Lesbos là nơi qua đó đã có một số lớn
người tị nạn đã băng qua. Cùng với những Chư Huynh Bartholomew, Thượng Phụ
Constantinople và Đức Tổng Giám Mục Athens kiêm Toàn Hy Lạp, để bày tỏ sựgần
gũi và gắn bó đối với cả những người di tản cũng như công dân ở Lesbos cùng
toàn thể nhân dân Hy Lạp, những người đã tỏ ra rất quảng đại đón nhận họ. Tôi
xin anh chị em hãy hỗ trợ tôi bằng lời cầu nguyện, bằng việc khẩn xin ánh sáng
và sức mạnh của Thánh Linh cùng lời chuyển cầu của Trinh Nữ Maria.
http://www.news.va/en/news/pope-francis-asks-the-faithful-to-pray-for-his-imm Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)
|