Vì sao thời Cựu
Ước, Thiên Chúa lại ra oai khiến dân phải sợ
hãi đến như vậy ?
Một trong những lý do,
đó là vì Người muốn họ đừng phạm
tội. "Môsê nói với dân : ‘Đừng
sợ hãi, vì Thiên Chúa đến là để thử
thách anh em và (Người ra
uy như vậy) làm cho anh em luôn luôn kính sợ
Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội.”
(Xh 20.20). Tội lỗi thật sự là điều
tối kỵ đối với Đấng Chí Thánh, Toàn
Thiện. Nhất là tội thờ ngẫu tượng,
tà thần. Thiên Chúa cần phải ra oai như thế
trong hoàn cảnh thời bán khai ấy : dân Chúa sống trà
trộn giữa các dân ngoại đa thần, thờ
đủ mọi loại ngẫu tượng và tà thần
giả trá, tạc bằng đất nung, gỗ đá hay
vàng bạc, nên họ thường bị cám dỗ mà
chạy theo bắt chước. Tích thờ Bò Vàng là một
thí dụ (Xh 32.).
Vì thế, các ngôn sứ
thường phải nhấn mạnh đến vị
Thiên Chúa siêu việt, vô hình, uy nghi, chí thánh, chí tôn, để
nhắc nhở họ về sự cần thiết
phải tôn thờ chỉ một Thiên Chúa tối cao, duy
nhất hằng hữu mà thôi. Điều Răn thứ
nhất cho chúng ta thấy điều đó: “Thứ
nhất, thờ phượng và kính mến Đức Chúa
Trời trên hết mọi sự.”
Do thái
độ sợ hãi, người Do Thái đã vô tình
đẩy Thiên Chúa vào cõi oai nghi, cao vời xa cách loài
người !
Nhưng lạ lùng thay ! Thiên Chúa đáng sợ và xa
cách như thế đấy, thế mà khi Người
đã yêu thương thì mọi sự lại xoay chiều,
đổi hướng : đến nỗi Người sai
Con Một của Người xuống thế gian
để chịu chết mà cứu loài người !
Có lẽ linh tính đã báo cho
dân Israen điều ấy, nên thật là dễ thuơng,
khi thấy họ tuy vô cùng sợ hãi Thiên Chúa, song vẫn tin
tưởng Chúa là Thần của dân tộc, Vua của họ,
đã chọn họ làm dân riêng của Người và
biết Người hằng yêu thương họ, nên
họ vẫn cả dám một lòng ước mơ :
Ước Mơ của dân Israen…
Họ mơ ước gì ?
Mơ ước được Người đến
với họ, mặc dầu họ thấy mình tội
lỗi bất xứng:
“Tất
cả chúng con đã trở nên như người nhiễm
uế, mọi việc lành của chúng con khác nào cái tã
dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác
chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con
đi.”….
“Thế
nhưng, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là
đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm
ra tất cả chúng con. Lạy Đức Chúa, xin
đừng quá phẫn nộ, đừng nhớ mãi
tội ác chúng con. Cúi xin Ngài nhìn đến: chúng con tất
cả đều là dân của Ngài.” (Is 64.5,7-8)
Nhất là trong những hoàn
cảnh nước mất nhà tan, ngoại bang đô
hộ, họ càng mong ước Người đến
với họ, cứu họ:
"Từ lâu rồi, chúng con là
những kẻ không còn được Ngài cai trị, không
còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,
cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan.” (Is.63.19; xem Tv
144.5)
Ước
mơ ấy thật quá viển vông hão huyền : làm sao có
thể mơ một vị Thiên Chúa đích thân xé trời mà
xuống !!
Nhưng
thật bất ngờ ! Tình thương vô bờ của
Thiên Chúa tối cao, toàn năng, uy nghi không lời tả
xiết ấy đối với loài người, đã
đáp ứng cái ước mơ cuồng vọng ấy :
từ cõi vĩnh hằng Người đích thân “xé trời ngự xuống
thật !”
Mơ
ước … đã trở thành hiện thực !
Điều
họ chỉ dám mơ, Thiên Chúa đã làm cho thành hiện
thực : Thiên Chúa đã
xuống, mặc lấy xác thịt và "đã trở nên người phàm và cư ngụ
giữa chúng ta. " (Ga 1.14,17),
Thiên Chúa bây giờ trở thành
Đấng Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta,
gắn bó với loài người trong một kiếp
sống phàm nhân. Người đã trút bỏ uy quyền và
vinh quang, để xuống thế trong đêm đông
tối tăm lạnh lẽo. Người
đã chọn một nếp sống
nghèo hèn của phần đông dân chúng trên trần gian: sinh
nơi hang đá hôi hám, giữa những con bò lừa,
chỉ có những anh mục đồng nghèo khó tới
viếng thăm ; lớn lên làm thợ mộc là một
nghề thủ công “tay làm hàm nhai”..., đến thời
buổi ấn định đã từ giã gia đình ra
đi, đem Tin Mừng Thiên Chúa Cứu Độ cho nhân
loại, và sau cùng đã hy sinh mạng sống mình
để đền tội thay cho loài người, tiêu
diệt quỉ ma đang gieo rắc sự chết, và
giải thoát loài người khỏi vòng nô lệ của
chúng :
“Đức
Giê-su đã (xuống thế làm người) cùng mang lấy
huyết nhục đó (của loài người, để
có thân xác mà chịu chết). Như vậy, nhờ cái
chết của Người, Người đã tiêu diệt
tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã
giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt
đời sống trong tình trạng nô lệ.” (Dt 2.14-15).
Người khai sáng một
thời đại mới, bởi ban Thần khí tái sinh nhân
loại thành con cái Thiên Chúa, chứ không còn là nô lệ
sống trong sợ hãi như dân Israen xưa :
"Không phải Thần Khí
của hạng nô lệ mà anh em đã lãnh nhận
để mà phải sợ hãi, nhưng anh em đã chịu
lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó
chúng ta kêu lên: “Áp-ba ! Cha ơi !” Chính Thần Khí chứng
thực cho thần trí rằng ta là con cái Thiên Chúa." (Rm
8.15-16)
Như vậy Người
khai mở cuộc sống thân tình của gia đình siêu
nhiên, sự liên hệ thân mật giữa cha mẹ con cái,
giữa anh em chị em trong gia đình này : Thiên Chúa là Cha,
Chúa Giêsu là Trưởng tử giữa đàn em đông
đúc, Đức Maria là Hiền Mẫu, các Thiên thần,
các Thánh là những bằng hữu tốt bụng chuyên lo
chuyển cầu, giúp đỡ cho người trần
thế...
Những người
đồng thời với Chúa Giêsu – không những các tông
đồ và môn đệ mà còn cả dân chúng nữa –
đã bắt đầu sống kinh nghiệm tình thân
ấy với Người. Vị Thiên Chúa cao sang ấy
đã chạm tay đến người phong hủi,
tật nguyền, đôi mắt chí thánh đã đoái
thương nước mắt người phụ nữ
tội lỗi sám hối, và chịu đồng hàng trên
thập giá cả với những tên trộm cướp
vào một ngày cuối đời. Con Người ấy
đã chẳng khác gì loài người chúng ta, đã mong
muốn đồng chung số phận nhất là với
kẻ bé mọn, nghèo hèn, đau khổ, tội lỗi ...
-
Nhưng
có một điều nên lưu ý là :
Thoạt nghe,
ai cũng tưởng là do công của dân Israen ước ao
kêu cầu, mà Thiên Chúa đáp ứng xuống ở với
loài người, làm thân với nhân loại, kỳ thực,
chính vì Thiên Chúa trước tiên đã có ý muốn xuống ở
với họ, nên đã gieo vào lòng họ cái
ước ao khiến họ kêu cầu, để
Người như có cớ đáp lại nguyện
vọng của họ mà xuống. Thế là :
THIÊN CHÚA ĐÃ XUỐNG
Ở GIỮA LOÀI
NGƯỜI !
Một sự
“hạ cố” không thể nào tưởng tượng
nổi ! “Thần linh giáng hạ” ! Một chuyện chưa
từng nghe và làm ù tai: Điều mà người xưa
vẫn mơ tưởng thì nay đã thành sự thật,
mà không chỉ là một vị thần tướng nào trên
thiên đình, song chính Thượng Đế, chính Thiên Chúa
giáng hạ !! Qua sự kiện này, chúng ta cảm thấy
Thiên Chúa yêu quí và gắn bó với loài người thắm
thiết biết dường nào ! Dám nói rằng vinh quang và niềm
vui của Người sẽ chẳng trọn vẹn
nếu thiếu chúng ta.
Nói thì nói
thế, chứ thực ra Thiên Chúa toàn năng và hằng
hữu, trọn tốt trọn lành, giàu có sung mãn, chẳng
thiếu thốn gì cũng như chẳng cần gì của
chúng ta. Nếu không, Người đã chẳng là Thiên Chúa.
Kìa xem từ trước khi tạo lập vũ trụ,
trước khi có chúng ta trên địa cầu bé bỏng
như hạt cát giữa vũ trụ mênh mông này,
Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn hằng có, vẫn hằng yêu
thương nhau, gắn kết với nhau nên một và
đương nhiên là vẫn vô cùng hạnh phúc ! Lại có
hằng hà sa số Thiên thần luôn ngưỡng mộ,
thần phục, hết sức thờ phụng yêu mến
Thiên Chúa... Ở trên Thiên Quốc đó, hạnh phúc không bao
giờ vơi, niềm vui không bao giờ tắt, sự
sống không bao giờ tàn úa, mọi sự đều viên
mãn... Cần gì đến ta !
Ấy vậy mà Thánh Kinh lại
cho biết :
Thiên Chúa muốn
và thích ở cùng loài người.
Nếu Thánh Kinh không nói, chúng ta
không dám tin. Đây xin nhắc lại một vài đoạn
Thánh Kinh làm chứng :
“Chúng
sẽ dựng cho Ta một nơi thánh để Ta ngự ở giữa chúng.” (Xh 25.8)
“Lạy Đức Chúa, Ngài
chẳng cần gì cả. Ngài ưa thích có
một Đền Thờ để lưu ngụ giữa
chúng con.” (2 Mcb 14.35)
“Người phán : Ta sẽ đến
cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ.
Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng
của Ta.” (2 Cr 6.16)
"Bấy giờ tôi thấy
trời mới đất mới, vì trời cũ
đất cũ đã biến mất, và biển cũng
không còn nữa. […] Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng
hô to : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ
cùng với họ. Họ sẽ là dân của
Người, còn chính
Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ (Emmanuen).” (Kh 21.1-3)
|