BÀI
LỜI CHÚA 64
điỀu răn thỨ TÁM
ChỚ làm chỨng dỐi
Trích sách Châm
ngôn ch.6.16-19,12-15
16
Có
sáu điều làm Thiên Chúa gớm ghét, có bảy điều
khiến Người ghê tởm : 17 mắt kiêu kỳ, lưỡi
điêu ngoa, tay đổ máu người vô tội, 18 lòng mưu tính những chuyện
xấu xa, chân mau mắn chạy đi làm điều
dữ, 19 kẻ làm chứng gian
thốt ra lời dối trá, người gieo xung khắc
giữa anh em.
12 Đây tên gian ác, đây đứa xấu xa, nó tới
lui, miệng buông lời dối trá, 13 nó
nháy mắt, khều chân, dùng ngón tay ra hiệu.
14 Nó
toan tính trong lòng mọi chước độc mưu thâm, lúc
nào cũng gieo bất hoà, xung khắc. 15
Thế nên tai hoạ sẽ giáng
xuống nó thình lình, bất ngờ nó bị suy sụp, vô
phương cứu chữa.
*
Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Những bậc thánh hiền
trong Cựu Ước đã nghiền ngẫm về
sự đời cũng như tính tình con người, và
được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã viết ra
những lời dạy như trên, coi như lời của
cha mẹ dạy cho chúng ta là con cháu : đúng vậy,
đoạn sách trên viết tiếp :
“20 Hỡi con, lệnh cha con
truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy,
chớ bỏ ngoài tai. 21
Những lời truyền dạy đó, con hãy
khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để
ghi nhớ đêm ngày.
22
Những lời đó sẽ hướng dẫn
con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm nghỉ,
sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy.
23 Vì huấn lệnh là ngọn
đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở
trách bảo ban là đường dẫn tới sự
sống,” (Cn 6.20-23)
Loài
người hơn hẳn mọi loài cầm thú, ở
chỗ được Thiên Chúa ban cho biết nói.
Một tặng phẩm vô giá ! Nhưng cái
khả năng tuyệt vời là lời nói mà Thiên Chúa đã ban cho ta, ta có
thể lái về đàng tốt là thông cảm, an ủi, xây
dựng…; hay ngược lại, về đàng xấu là dối
trá, lường gạt, nói hành nói xấu, gây đau
khổ..., như Thánh Phaolô viết
trong thư gửi tín hữu Êphêsô :
25Bởi đó
anh em hãy bỏ hẳn dối trá, anh em mỗi người
hãy nói thật với người đồng loại, vì
chúng ta đều là chi thể của nhau….. 29Đừng
có lời hư từ nào lọt khỏi miệng anh em,
nhưng lời lẽ phải lương thiện, có
phương tài bồi, nếu đến dịp cần,
hầu sinh ơn ích cho những ai nghe! …
31Mọi kiểu cay chua, gắt gỏng, nóng giận,
la lối chửi rủa, nhất nhất phải đánh
bạt khỏi nơi anh em, với mọi thứ thâm
độc. 32Trái lại, với nhau, anh em hãy
ở nhân hậu, chạnh thương, biết tha thứ
cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong
Đức Kitô.”(Ep 4.25-32)
Giacop nghe lời mẹ,
dối gạt cha, để đoạt chúc lành của
cha đáng lẽ dành cho con cả là Êsau, vì thế đã gây nên mối hận thù sâu
nặng, lâu dài giữa hai anh em…
|
Nghe những lời khuyên nhủ ân cần và
tha thiết trên đây, chắc anh chị em cũng thấy
nức lòng, muốn sống theo những
lời dạy dỗ quí báu ấy. Ôi !
Nếu mọi người trên thế giới nghe
được những lời ấy và ra sức thực
hành thì thế giới gian trá, đảo điên,
đầy hận thù, vắng bóng hòa bình này chẳng
mấy chốc trở thành Thiên đàng !
Vậy
chúng ta cùng nhau suy nghĩ để càng hiểu hơn quà
tặng quí báu là lời nói mà Thiên Chúa ban cho loài người :
1/ Điều trước tiên : Lời nói là một ân huệ của Thiên Chúa ! Có bao giờ bạn
nghĩ thế chưa ? Và có bao giờ
bạn cám ơn Thiên Chúa đã ban cho bạn lời nói ? Khi chúng ta nhìn nỗi khổ của
những người khuyết tật, họ đang
cố gắng dùng những dấu hiệu bàn tay, nét mặt, để nói những câu
chuyện không lời. Nhưng thật là khó khăn, vì làm
sao diễn tả được tất cả những gì
họ cảm, họ nghĩ, họ ước ao...
bằng cử chỉ 5 ngón tay ? Với
người bình thường, mà người ta còn nhận
định rằng : “Thư bất
tận ngôn, ngôn bất tận ý” nghĩa là viết thư
không thể nói hết những gì mình muốn nói, còn lời
nói cũng vẫn không thể diễn tả
được hết những gì mình nghĩ trong lòng, thì
huống chi người khuyết tật. Lúc ấy ta
mới biết cảm tạ Thiên Chúa vì ơn huệ
lời nói Người ban cho ta.
Sống mà nói được, đó là một sinh thú
trên đời. Thường ta coi là chuyện bình thường, kỳ
thực, đó là một ơn huệ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã dựng nên ta : điều
ấy đã rõ. Nhưng Ngài không chỉ
dựng nên ta câm nín. Kinh Thánh bảo :
Ngài yêu thương và dựng ta “theo hình ảnh của
Ngài”, tức là phú cho ta khả năng suy nghĩ, trái tim yêu
thương và lời nói để phô diễn những
tư tưởng và tâm tình dào dạt trong lòng. Có lời
nói, chúng ta được truyện trò thú vị, dốc
bầu tâm sự cho vơi nỗi sầu, cười
đùa cho vui càng thêm vui...
Nhất
là nhờ nó, những bài hát tuyệt vời được
thổi hồn vào làm rung động con tim, ru lòng
người, nâng tâm hồn, khuyến khích những khi
cực nhọc, an ủi những lúc sầu khổ… Còn nói chi đến những bài
thánh ca thánh thót, sốt sắng ca ngợi và tạ ơn
Thiên Chúa, nâng lòng nhân thế lên trời cao …!
Lời nói quả là một
khả năng tuyệt vời, là của báu mà bạn có
được, nó làm bạn hạnh phúc. Vậy bạn hãy tạ ơn Chúa !
2/ Điều thứ hai
: Lời
nói cũng là một nghĩa vụ : Ta cám ơn Chúa
đã ban cho ta lời nói. Cách biết ơn
tốt nhất là sử dụng nó đúng như ý muốn
của Chúa. Anh chị em chúng ta là con cái Chúa, đã
sử dụng lời nói như ý Chúa chưa ?
Buồn
thay ! Tội tổ tông
truyền đã làm cho sự cởi mở, chân thành của
ta với đồng loại bị phá hủy, xáo trộn.
Thay vì thông hiệp, yêu thương, thì bởi lời nói
xấu, dèm pha ta gieo chia rẽ, hận thù ;
thay vì phục vụ, ta lường gạt, lừa
dối... Kinh Thánh thuật lại : Sau
khi bị Satan, “Cha sự láo
khoét” (Ga 8.44), dụ dỗ phỉnh phờ mà sa ngã thì ông
Ađam đổ tội cho bà Eva, bà Eva không biết trút
tội cho ai, liền tố cáo con rắn... Lời nói
trở ngược mũi giáo : thay vì
đem phúc, nay gieo họa, gây đau đớn, buồn
tủi, tang tóc, đổ vỡ, chiến tranh,...,
đến nỗi Thánh Giacôbê phải than :
“Cứ xem tia
lửa nhỏ bé như thế, mà làm bốc cháy cả đám
rừng to lớn! Cái lưỡi cũng là một ngọn
lửa, là cả một thế giới của sự ác
…chính nó bị lửa hoả ngục đốt lên. Mọi
loài thú vật,… loài người
đều có thể chế ngự được.
Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự
được: nó là một sự dữ không bao giờ
ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc
giết người… Ta dùng lưỡi mà chúc
tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà
nguyền rủa những con người dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Thưa anh em, như
vậy thì không được…”(Gc 3.5-9).
“Như vậy thì
không được”, vậy thì Thiên Chúa muốn sao?
Thiên Chúa không chỉ muốn ta nói năng, biểu
lộ tư tưởng và tình cảm để vui
sống, mà còn muốn rằng : nhờ lời
nói mà truyền thông cho nhau những ý tưởng và kiến
thức, tâm tình, ao ước, quyết định..., nhờ
đó ta được hiểu biết Chúa hơn mà thông
hiệp với Người và thông hiệp với anh
chị em đồng loại ; nhờ lời nói, ta có
thể an ủi, xây dựng, phục vụ, giúp ích mọi
bề cho anh em mình...
3/ Điều
thứ ba : Nghĩa vụ phải chân thật
trong lời nói cũng như cách cư xử : Đức
Giêsu đã dạy : “Lời
của anh em thì : hễ có ? thì phải
nói có, hễ không ? thì phải nói không,
kỳ dư là do Ác tà mà ra” (Mt 5.37). Thánh Phaolô cũng khuyên
: “Anh em hãy bỏ hẳn dối trá, anh em mỗi
người hãy nói thật với người đồng
loại…(Ep 4.29). Thời đại ta, hình như ăn gian, nói dối, lường gạt...
đã tới mức tràn ngập cả mọi tầng
lớp trong xã hội... Và tai hại nhất
là người ta coi đấy như một sự
kiện bình thường..., ai ai cũng làm, mình đâu có
thể làm khác. Không được ! Là Kitô
hữu, ta không thể có thái độ buông xuôi như
vậy! Hay chúng ta không còn tin rằng Chúa phép tắc vô cùng có
thể biến đổi xấu nên tốt ?
Vậy ta hãy cầu xin, đồng thời phải hành
động, dù chỉ góp một phần nhỏ bé, tùy
sức ta. Có người đã nói : “Thà
đốt lên một ngọn nến, còn hơn ngồi mà
nguyền rủa bóng tối”. Vậy mỗi người
trong chúng ta hãy bắt đầu thắp lên một ngọn
nến nhỏ trong gia đình đã, nghĩa là ta hãy thực
hành và dạy cho con em ta ngay thẳng và thật thà trong
lời nói cũng như cách cư xử.
Tích truyện
Cụ
Trương Phan, 93 tuổi, móm mém kể lại một
kỷ niệm cho chúng tôi nghe: Mùa Chay năm 1952, các cha Dòng
Chúa Cứu Thế người Gia Nã Đại đến
giảng tuần Đại Phúc ở giáo xứ Quần
Cống, thuộc giáo phận Bùi Chu, trong đó có một ông
cố Tây giảng thế này bằng tiếng Việt
hẳn hoi : “Nếu có ai đến
xưng cái tội nói hành nói xấu người khác, tôi
sẽ tha tội cho người ấy ngay lập tức.
Rồi tôi bảo: Việc đền tội là như sau : con hãy
bắt một con gà làm thịt để ăn mừng…
Xong xuôi, đem hong chỗ lông gà ấy ra ngoài gió cho khô,
rồi để gió thổi tung bay túm lông gà ấy không còn
thấy một sợi nào nữa, thì khi ấy con phải
đi tìm… và nhặt lại cho bằng hết
!” Nghe thế cả nhà thờ xôn xao,
cứ nhôn nhao cả lên. Có một ông, thấy cố
Tây giảng tính tình có vẻ hiền hậu và bình dân, nên
đánh bạo giơ tay xin thắc mắc :
“Kính thưa cha, lông gà mà bay tứ tán như thế thì làm sao
chúng con có thể đi nhặt cho xuể ạ ? Cha cho
việc đền tội như thế thì chúng con chết
mất !” Cả nhà thờ
cười ồ lên. Cố Tây để cho yên
ắng rồi mới bảo :
“Đấy, bác nhận xét không sai tí nào. Lời nói xấu
nói hành nó cũng giống như lông gà ấy, nó có cánh, nó bay
đi khắp tứ phương thiên hạ, làm sao nhặt
lại cho hết được ? Vì thế tội nói hành là một tội dễ
được tha, nhưng mà để đền tội
cho nên thì không dễ chút nào. Biết
như thế thì tôi xin dặn anh chị em từ nay
chớ nói hành nói xấu nữa.” Cụ Phan dừng
lại gật gù rồi mới kết luận
: “Đấy cha xem, con đã quên không tài nào nhớ tên,
nhớ mặt của ông cố Tây ấy, nhưng lại
nhớ bài giảng ấy… cho đến hôm nay, đã
hơn 50 năm, con đã trót phạm rất nhiều
giống tội, nhưng tuyệt nhiên không còn dám phạm
vào cái tội ghê gớm ấy.”
(Lời thuật của lm. Lê Quang Uy, DCCT, đăng trong “Thư Cha Giám
Tỉnh”, tờ thông tin của DCCT, 4-2007)
ªªª
|