Nói đến
chuyện sợ, thì trong gia đình con cái sợ ai nhất,
sợ cha hay sợ mẹ ? Sợ cha ! Tại sao ? Vì
người cha là người cầm cân nảy mực, có
phận sự lèo lái, hướng dẫn gia đình, cho nên
con cái đứa nào làm sự gì lầm lỗi, không đi
đúng đường đúng lối đã vạch ra, là
sợ người cha la mắng hay trừng phạt. Còn
người mẹ thì cưu mang, sinh đẻ, ôm ẵm và
cho con bú mớm nên một lòng thương con, và không
mấy để ý đến lỗi lầm của con,
chỉ lo cho nó được an lành, mạnh khỏe và
hạnh phúc là bà an lòng.
Chỉ vì ta
thường coi Chúa Cha giống như người cha
thế gian nghiêm nghị, khó tính, cho nên ta sợ và không dám
gần gũi, không thấy thân thương Người.
Biết vậy, nên để giúp ta bớt mặc cảm,
bớt sợ hãi, Thiên Chúa mặc khải cho ta biết Người
cũng là một người mẹ. Khẳng
định đây không phải là một cách nói bóng bảy
: song là thật sự như vậy, bởi vì nên nhớ
Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô hình vô tượng,
(không
có thể xác nên) không có giới tính như ta,
nói nôm na, Thiên Chúa không là
nam hay là nữ ! Vậy Thiên Chúa là cha, mà cũng là mẹ.
Chỉ có điều truyền thống Thánh kinh, vốn là
của người Do Thái, một dân tộc theo phụ
hệ, nên coi Người là Cha thì tiện lợi và phù
hợp hơn.
Vậy
Đấng đã dựng nên loài người, và cách riêng khi
dựng nên người phụ nữ, đã tạo nên trái
tim bà mẹ, và đổ tình yêu Người vào trái tim bà
để bà yêu thương con cái, chẳng lẽ
Người lại không yêu thương ta như mẹ
thương yêu con mình sao ? Xem này :
“Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã
đỡ cánh tay nó,
nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.
Ta
lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người nựng trẻ
thơ,
nâng lên áp
vào má
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó
ăn.” (Hs 11.3-4)
Dân Israen không hiểu
được tình Chúa như vậy, vì họ quá đau
khổ : sau khi bị cường quốc xâm lăng tàn phá
làm nước mất nhà tan, triệt hạ Đền
thờ, giết người không thương tiếc, ai
còn sống sót thì bị đưa đi lưu đày
biệt xứ, trong hoàn cảnh vô vọng ấy, họ
thấy mình như chết khô không còn hy vọng hồi sinh
và phục hưng xứ sở, cho nên họ than vãn:
“ĐỨC CHÚA đã bỏ
tôi,
Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi
!”
Qua miệng tiên tri Isaia, Thiên Chúa
trả lời:
“Có phụ
nữ nào quên được đứa con thơ của
mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang
nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta
cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”
(Is 59.14-15)
Những người mẹ quên
con, bỏ con là chuyện hi hữu ít khi xảy ra vì
ngược với bản năng làm mẹ. Người
ta thường nói : Mọi tình yêu ở đời
đều có lúc tàn tạ, chỉ có tình mẹ là không bao
giờ. Thế mà Thiên Chúa nói : cho dù có những bà mẹ
tồi tệ đến như vậy, thì Thiên Chúa không bao
giờ cư xử với con dân của Người
như thế. Người
là mẹ còn hơn người mẹ :
“Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi
bao giờ!”
Người ví mình như mẹ
hiền nâng niu, vỗ về những đứa con thơ
:
“Các
ngươi sẽ được nuôi bằng sữa
mẹ,
được bồng ẵm bên sườn, nâng niu trên
đầu gối.
Như mẹ hiền an ủi con thơ,
Ta sẽ an ủi các ngươi như
vậy….” (Is 66.12-13)
Đọc những câu Thánh kinh
tuyệt vời ấy, chẳng ai không thấy lòng mình xúc
động, hơn nữa nếu chúng ta cầu nguyện,
sẽ có thể cảm nhận thấm thía Tình Yêu sâu
thẳm ấy, bởi nó vượt trên trí hiểu của
ta. Nhất là hãy khiêm nhường hạ mình xuống
như kẻ bé mọn, ta mới thấu hiểu
được những mầu nhiệm cao cả đó, vì
Chúa Giêsu có nói :
“Lạy
Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì
Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết
những điều này, nhưng lại mặc khải cho
những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là
điều đẹp ý Cha.” (Mt 11.25-26).
Thật vậy, Tình
Yêu Thiên Chúa là một Mầu Nhiệm cao sâu, mênh mông, bao
la như trùng dương vô bến vô bờ…chúng ta
không thể dùng trí loài người mà luận bàn
được. Duy chỉ nhờ cầu nguyện,
Lời Chúa sẽ đốt cháy lòng ta như đã cháy
bừng trong lòng hai môn đệ đi làng Emmau kể trên
kia (x. Lc 24.32).
Chớ gì
đến lượt mỗi người chúng ta, khi
được biết tình yêu của Cha Hằng Hữu
ngỏ với chúng ta là con cái Người, là tình yêu
thật bao la vô bến vô bờ… thì trong trái tim chúng ta
cũng bừng cháy ngọn lửa yêu mến Người.
Tình yêu đáp trả tình yêu !
Khi đón nhận những
điều mặc khải về Chúa Cha nói trên, về
những gì Chúa Cha đã làm cho ta, và về Tình Yêu vô biên và vô
điều kiện của Người, chúng ta không
được nghĩ rằng những điều cao
cả lớn lao đó là do tưởng tượng
của những người đạo đức, chứ
không có thật. Vì nhìn vào mình, nhìn chung quanh thấy loài
người hèn hạ, xấu xa quá, đâu đâu cũng
đầy gian ác, chúng ta tự hỏi mình là gì mà Chúa
phải bận tâm đến như vậy ?
Thánh kinh trả lời : Loài người
chúng ta là con thật của
Thiên Chúa ; và Người là Cha thật của ta !
“Anh em đã lãnh
nhận… Thần Khí làm cho anh em nên con cái, nhờ đó
chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi
!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần
trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.”(Rm 8.15-16)
“Anh em hãy xem
Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến
nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
- mà thực sự
chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không
nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết
Người.” (1 Ga 3.1)
Thánh
kinh bảo : “Thực sự
chúng ta là con Thiên Chúa”, nghĩa là chúng ta là con thật
của Thiên Chúa : ở đời, ai có máu huyết của
người cha thì là con ruột của ông ấy, đó là
một sự thật, anh ta muốn chối cũng không
được và muốn thay đổi cũng không xong;
thì đây cũng vậy, một khi chúng ta tin và chịu Bí
tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh bởi
Thần khí và trở nên Thần khí (Ga 3.6), mang trong mình
Thần khí ví như “máu
huyết thần linh của Thiên Chúa”, mà Thư Thánh Phêrô
nói đó là : “được thông phần bản tính Thiên Chúa” đấy
(2 Pr 1.4). Mà hễ ai có giọt máu của bố, kẻ
ấy là con ruột của bố nó, cũng vậy, có trong
mình bản tính Thiên Chúa thì ta là con (ruột) Thiên Chúa vậy
!
Chưa hết, cũng bởi
được là con thật của Thiên Chúa, mà Chúa Cha hứa
cho ta được thừa kế gia nghiệp
Nước Trời:
“Vậy
đã là con, thì cũng là thừa kế, mà
được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng
thừa kế với Đức Ki-tô.” (Rm 8.17) ;
và sẽ sau này được
vinh hiển sáng láng chói lòa nên giống như Chúa Giêsu, Con
Một Người, trong hạnh phúc muôn đời vĩnh
cửu trên Thiên Đàng :
“Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta
là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào,
điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta
biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng
ta sẽ nên giống như Người, vì Người
thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như
vậy.” (1 Ga 3.2)
Hy vọng
rằng sau khi
được Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về Chúa
Cha và tình yêu của Người qua những câu Thánh Kinh huy
hoàng trên đây, và một khi đã nhờ suy niệm và
cầu nguyện chúng ta được hiểu biết Chúa
Cha và cảm nghiệm được phần nào Tình yêu
thắm thiết của Người, chúng ta không còn
thấy xa lạ, lợt lạt với Cha trên Trời
nữa, trái lại hết sức phấn khởi và tràn
trề hy vọng, cách riêng khi đến nhà thờ, ta
sẽ hân hoan vui mừng cùng Thượng tế Giêsu
hiệp dâng Tế Lễ lên Cha.
Nhớ
lại trước kia, không được học Thánh
Kinh, ta đi dự lễ, như thể đi làm một
bổn phận con nhà đạo, Thánh Lễ lúc đó có khi
chỉ là một thứ tập tục tôn giáo mà mình
phải bó buộc đi dự ; trong lễ, thấy ông cha
lúc giơ tay lúc cúi đầu, và đọc những
lời kinh mình cùng với mọi người thưa
lại cách thuộc lòng và chán ngán, chờ cho mau xong là
chuồn lẹ …! Nếu khá hơn, biết nói là đi dâng
Thánh Lễ thì cũng chỉ biết dâng lên một Thiên Chúa
nào đó, mơ hồ, xa xôi …
Nhưng nay, ta lấy làm vinh
dự khôn sánh, khi nhờ học Thánh Kinh mà biết
được hạnh phúc vào nhà thờ dự Thánh
Lễ ở trần thế, là tham dự tế lễ thiên
giới vô cùng cao trọng của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha
trên trời, giữa muôn vàn thần thánh, để
mưu cầu ơn cứu độ cho chúng ta và cả
nhân loại.
Nếu hiện thời ai còn
chưa cảm nghiệm được hạnh phúc ấy,
thì hãy gia tăng cầu nguyện và suy niệm để
xin được ơn ấy, đồng thời cũng
thực tập như trên đây hướng dẫn. Khi đã
được, ta sẽ thấy mỗi lần đi
dự Thánh Lễ là một lần vui sướng hạnh
phúc vô cùng. Đời sống ta sẽ từ từ
biến đổi càng ngày càng nên tốt lành, thánh thiện
hơn, gia đình sẽ bình an hòa thuận, những thử
thách, những gian nan không còn làm ta khổ sở, trái lại
sẽ thấy cuộc đời ta khởi sắc….
-- o0o –
|