Cám dỗ
Cách đây vài năm, ngay tại giữa
thủ đô Paris của
nước Pháp, xuất hiện một Đan viện dòng
Trapis, một dòng tu có nếp sống khắc khổ nghiêm
ngặt.
Người ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi:
Tại sao một dòng tu vốn có truyền thống rất
lâu đời lại chọn những địa
điểm xa cách thành thị để lập những
Đan viện, nhờ đó các Đan sĩ hưởng
được bầu khí thanh tịnh thoát tục, nối
tiếp tinh thần của các ẩn sĩ ngày xưa trong
sa mạc hoặc trong rừng vắng, nay lại hiện
diện giữa chốn đô thị rực rỡ ánh sáng
văn minh, sôi động nhịp sống chính trị, kinh
tế và văn hoá này? Phải chăng dòng tu
nay đã thay đổi đường hướng cho
hợp thời, hợp hoàn cảnh?
Vị
viện phụ của Đan viện nói trên đã trả
lời như sau:
Dòng
vẫn trung thành với truyền thống đan tu và thoát
tục của mình trong việc lập một Đan
viện ngay giữa chốn phồn hoa đô hội này,
bởi vì tại những địa điểm ồn ào,
náo nhiệt như vậy chúng tôi khám phá ra một bộ
mặt mới của hoang mạc, của rừng rú,
của thử thách để nêu một chứng từ,
để cất lên một tiếng kêu thức tỉnh.
Nếu
như ngày nay Đức Giêsu cần một hoang địa
để chay tịnh, cầu nguyện và chịu thử
thách, Người có lẽ không phải nhọc công đi
đâu xa, nhưng có thể đến bất kỳ
một trung tâm thành phố nào trong xã hội cực kỳ
văn minh tiến bộ của thời đại chúng ta.
Bởi lẽ theo truyền thống Thánh
Kinh, hoang địa là địa điểm của
thử thách, của sàng lọc, thanh luyện như dân Israel xưa phải vượt qua
hoang địa trước khi được vào
đất hứa.
Phải
chăng xã hội hiện đại của chúng ta hôm nay
lại không đầy dẫy tình chất thách đố
cam go, sàng lọc và thanh luyện dữ dội như
bất kỳ một hoang địa nào thời xưa.
Đây là nơi chạm trán của tứ chiếng anh hùng,
của đủ mọi bộ mặt, mọi tâm dạ,
mọi thủ thuật, mọi mánh lới, mọi chiêu bài,
mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi
thiên thần và mọi gã quỉ ma vương. Đây là
nơi vàng thau lẫn lộn, chân tình và dối trá, trung
nghĩa và dua nịnh, can trường và hèn nhát, ánh sáng và
bóng tối, thánh thiện và tội lỗi, yêu thương
và thù hận.
Cũng
theo truyền thống Thánh Kinh, hoang địa là thế
giới của thú dữ, của rắn rết, bọ
cạp, là vùng đất chết nơi con người
không thể sinh sống, tồn tại. Phải chăng
thế giới văn minh hiện nay của chúng ta lại
không đầy dẫy những loài thú ăn thịt người,
những loài giống rắn hổ mang, những dòng bọ
cạp hiểm độc nguỵ trang dưới bộ
mặt con người xinh đẹp, sang trọng, học
thức, đạo đức, nhân nghĩa? Phải
chăng xã hội thừa mứa tiện nghi vật
chất của chúng ta hiện nay lại không là một vùng
đất chết khi không còn tình người, không còn trái
tim trắc ẩn, không còn lòng nhân ái vị tha, không còn tình
cảm chia sẻ đùm bọc mà chỉ toàn là lợi
dụng, trao đổi, mua bán, vụ lợi, thực
dụng, lạnh lùng và sơ cứng?
Phải
chăng xã hội văn minh phồn hoa đô hội
của chúng ta hiện nay lại không phải là một bãi
tha ma khi mà mọi giá trị tinh thần, mọi truyền
thống đạo đức đều bị chôn vùi
dưới nấm mồ của chủ nghĩa sùng bái
vật chất, chủ nghĩa thụ hưởng,
chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vô thần?
Phải
chăng xã hội vốn tự hào là đỉnh cao trí
tuệ, với khoa học kỹ thuật hùng hậu
lại không đang biến thành cõi rừng rú nơi bạo
lực được cổ xuý, hận thù được
cấp dưỡng, hành vi sát nhân được trả
lương, tuyên dương, dù nạn nhân là những
trẻ em vô tội, những bào thai chưa kịp nhìn
thấy mặt cha mẹ, nơi người nghèo bị
khinh miệt, người già yếu tật nguyền
bị bạc đãi lãng quên, người thiểu số
bị tước bỏ quyền lợi về kinh tế,
chính trị?
Nếu
như ngày nay Đức Giêsu bước vào hoang địa
mới của xã hội loài người hiện
đại để bắt đầu cuộc tịnh
chay và cầu nguyện, Người có lẽ sẽ không còn
gặp những thử thách quá đơn giản và kinh
điển về thói mê ăn, tính háo danh và lòng tham lam
của cải, thay vào đó Người có lẽ phải
đối đầu với trăm ngàn tình huống,
trường phái phức tạp tinh vi hơn nhiều.
Đó là vấn đề miếng cơm manh áo hằng ngày
giữa một thị trường kinh tế toàn cầu
hoá, không có đất sống cho tôm tép, cho con sâu chú
kiến, mà chỉ có hạng kình ngư cá mập, hùm beo làm
mưa làm gió. Đó là nỗi cám dỗ khó chống
cưỡng, muốn làm giàu cách nào dễ dãi nhất, ít
vất vả nhất, nhanh chóng nhất, dù có thể là vô
luân nhất, dơ bẩn nhất như buôn lậu vũ
khí, ma tuý, buôn người và rửa tiền.
Có
thể trong bối cảnh hoang địa đời
mới này, Đức Giêsu sẽ phải dấn thân vào
một cuộc chiến đấu cam go và phức tạp
gấp trăm ngàn lần hơn và cũng sẽ kéo dài
trăm ngàn lần hơn. Có thể Đức Giêsu sẽ
phải chật vật trăm ngàn lần hơn khi
đối đầu với một Satan trong một
bối cảnh xã hội văn minh, kỹ thuật cao, tinh xảo cực kỳ hôm nay. Và có thể
Người sẽ phải cô đơn một mình
chống lại Maphia trăm ngàn lần bi đát hơn, vì
không dễ tìm ra ai đó trong cõi hoang mạc rừng rú
của xã hội hôm nay để đóng vai thiên thần
đến động viên tiếp sức thêm cho
Người.
Rồi
có thể trong cuộc chiến với Satan thời
đại khoa học điện tử hôm nay, Đức
Giêsu sẽ không còn một giây phút rảnh rang để
thở, để cầu nguyện, để thân thưa
cùng Thiên Chúa Cha, để nhớ lấy một câu Kinh Thánh
mà củng cố đức tin cho mình, vì ma quỉ không còn
nghỉ giữa hiệp đấu để chờ
đợi cuộc tấn công khác như xưa nữa, mà
tranh thủ liên tục cả ngày lẫn đêm, luôn cả
dịp hưu lễ.
Có
thể trong cuộc chiến đấu này, cuối cùng
rồi Đức Giêsu sẽ chiến thắng Satan như
Người đã từng chiến thắng và sẽ mãi mãi
chiến thắng, song còn những kẻ muốn thực
sự theo bước Người vào cuộc chiến
đó trong bối cảnh của thế giới, của xã
hội hôm nay thì chiến thắng vẫn còn là một
ẩn số, một thách đố. Vì thế, chúng ta
cần phải giữ vững niềm tin của mình vào
Chúa Kitô mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng
đức tin qua kinh tin kính.
|