Tuân theo Thiên Ý
- Chìa khóa hạnh phúc
(Suy niệm của Lm
Phêrô Bùi Quang Tuấn)
“Vâng lời Thầy, con xin
thả lưới” (Lc 5:5b).
“Hạnh
phúc là nỗi khao khát triền miên có mặt trong từng hành
động của con người.” Một
nhà tư tưởng đã nói như thế. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng nhận
rằng dường như lúc nào khổ đau cũng nhiều
hơn hạnh phúc. Nước mắt
khi nào cũng đầy hơn tiếng cười. Tại sao vậy?
Tại sao đi tìm hạnh phúc mà cứ
như đi bắt cái bóng, còn sự hiện hữu
đích thật của hạnh phúc thì vẫn trốn ở
nơi nào? Tại
sao bao nhiêu người “thương” nhau lắm, những
bất đồng thế nào cũng không màng, cha mẹ
đôi bên có phản đối can ngăn cũng không xong?
Họ cứ lấy nhau… Ấy thế mà, khi
được vài mặt con, có người thẳng
thừng tuyên bố: “Tôi chẳng có chút tình yêu nào với
người ấy cả.”
Tại sao có người tu đã bao
năm, tưởng rằng đắc đạo lắm,
thế mà cũng có khi cởi áo nhảy rào? Phải chăng không có
hạnh phúc thật trên cõi đời này? Hay vì
“đời là bể khổ” nên đụng đâu cũng
khổ sầu và nước mắt?
Thiết
tưởng một câu trả lời đúng cho những
câu “tại sao” trên đây sẽ là: vì con người đi
tìm hạnh phúc nhưng cứ lẫn lộn mù mờ
giữa những gì là tương đối với
tuyệt đối, phương tiện với đích
cùng, hữu hạn và vô hạn. Có người đã
nhận xét: “Sống trên đời, ai lại không cần
tiền”. Thế nhưng khi hỏi tiền là phương
tiện hay cùng đích thì ai cũng bảo tiền là
phương tiện. Ấy vậy mà trong thực tế,
biết bao người đã lấy tiền làm mục tiêu
sống và giá trị trên mọi thứ giá trị, nên đã
bất chấp nhân phẩm, luân lý, tình người, và
những liên hệ thiêng liêng cao quí, miễn sao có tiền là
được. Bao nhiêu quan hệ vợ chồng, cha mẹ,
anh em bị sụp đỗ tan nát cũng vì người
ta nhìn tiền là cùng đích chứ không phải
phương tiện, tuyệt đối chứ không
phải tương đối. Thế nên
khổ đau và nước mắt là ở chỗ đó.
Một
câu trả lời khác khả dĩ giải đáp cho các câu
hỏi “tại sao” trên đây và giúp con người tìm
được bình an cùng niềm vui sống sẽ là: vì
người ta cứ chạy theo ý mình mà không hề
nhận biết và vâng theo ý Chúa. Nếu như có ai đó có
lòng kết hợp mật thiết với Thánh ý Thiên Chúa,
thì chắc chắn, dù gặp bao nghịch cảnh gian nan
trước mắt thế gian, họ vẫn là
người bình an và hạnh phúc hơn thế gian suy
tưởng.
Trong Thánh Kinh Cựu ước có hình
ảnh nào khốn nạn và đau khổ như ông Gióp. Một người công chính, đang
sống đời hạnh phúc giàu sang, thình lình đau
thương ập xuống. Gia đình đang an lành,
bỗng dưng thiên tai từ sa mạc
thổi vào làm đổ tan nhà cửa. Con cái bị giết
chết. Cơ nghiệp bị cướp
sạch. Chính thân thể ông Gióp cũng
bị lở loét, giòi bọ rúc rỉa. Đói
khát hành hạ thường xuyên. Trước cảnh
sầu đau như thế, Gióp còn bị kẻ này
người kia mỉa mai khinh bỉ, cho
là bị trời phạt. Chính vợ ông
cũng đay nghiến suốt ngày, xúi Gióp chửi Thiên
Chúa. Gióp đã có lần than thở: “Ôi, đời
người có khác chi cảnh tôi tớ, kiếp sống
như kẻ làm thuê. Tôi tớ thì khát khao chút
bóng mát để nghỉ ngơi; kẻ làm thuê thì trông mong
giờ lãnh tiền công. Ấy thế mà
thân tôi chẳng bao giờ được trả công,
nghỉ ngơi một chút cũng không được.
Bởi vì vừa nằm xuống thì tâm hồn sầu
buồn mong cho trời mau sáng. Đến khi trời sáng thì
thấy ngày đời trôi nhanh như con thoi” (G 7:1-6).
Trước
cảnh khốn đốn tận cùng, dường như
không còn chút hy vọng nào cho cuộc sống, Gióp vẫn
một niềm kiên cường thốt lên: “Chúa đã cho,
Chúa đã lấy đi. Ý Chúa muốn làm sao,
thì nên như vậy. Xin chúc tụng danh
Chúa” (G 1:21). Thật
lạ lùng! Giữa chốn âm u bão bùng mà
vẫn nhắm ý Chúa thẳng tiến. Kết quả,
vì biết vâng theo thánh ý Thiên Chúa mà
cuối cùng Gióp đã tìm lại ý nghĩa và hạnh phúc cho
cuộc đời.
Như Đức Giêsu, suốt cả
kiếp người đã không làm gì khác hơn là thi hành ý
Cha. Cho đến giờ
chết vẫn cứ là: “Lạy Cha, xin vâng như ý Cha.” Nhờ thế sự sống nơi Ngài đã tuôn
tràn chứa chan cho nhân loại.
Liên
quan đến chủ đề này, Thánh Anphongsô có nói
về một thầy dòng kia, trông
diện mạo bên ngoài thì không có gì đáng chú ý. Thầy
cũng chẳng thường hãm mình bao nhiêu. Thế mà
lại hay làm phép lạ. Bề trên ngạc nhiên mới
hỏi: “Con có nhân đức gì trổi hơn anh em, hay có
thi hành việc lành nào sốt sắng, mà sao cha thấy con
làm được nhiều sự lạ vậy?” Thầy
dòng khiêm tốn trả lời: “Con không dám so sánh với các
nhân đức của anh em con… Chỉ có một
điều con luôn chú ý hơn cả là vâng theo
thánh ý Chúa hết lòng: Sự gì Chúa muốn là con muốn, dù
vui sướng hay buồn khổ, an lành hay gian truân.”
Nghe
thế bề trên liền hỏi lại: “Thế chứ
cách đây mấy hôm, có kẻ đã làm thiệt hại cho
dòng ta, họ đã đốt phá nhà cửa đất đai của ta tan tành, con có lấy làm
đau đớn ưu phiền không?” Thầy liền
thưa lại: “Thưa cha, con không lấy gì làm đau
khổ, cũng chẳng lấy chi làm ưu phiền. Con
vẫn bình an như thường, vì biết rằng Chúa
luôn muốn cho chúng ta được phần ích lợi
hơn. Nên con cảm tạ Chúa luôn.” Cha bề trên nghe
những lời ấy đã công nhận rằng: Đây là
một vị thánh, có đủ các nhân đức, vì thầy
có lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa hết mình (Anphongsô, Chân Lý
Đời Đời, tr. 299).
Vâng
theo ý Chúa sẽ giúp ta vượt qua gian
truân khốn khó của đường đời và tìm
được bình an và niềm vui dồi dào phong phú. Vâng theo Chúa không chỉ lúc thuận ý nhưng
cả khi nghịch lý. Không chỉ khi thành công may mắn
nhưng cả lúc rủi ro thất bại ê chề. Không phải là Thánh Phêrô đã thốt lên “Thưa
Thầy, chúng tôi đã cực nhọc suốt đêm mà không
được gì hết; nhưng vì ý Thầy muốn, tôi
sẽ thả lưới” sao? Các tay
đánh cá chuyên nghiệp của biển hồ Giênêsarét
tất biết rõ chỉ thả lưới ban đêm
mới mong bắt được cá. Ít ra thì
cũng phải là “lúc chạng vạng hay khi rạng
đông.” Chứ đời thuở nào
mặt trời đã lên cao mà còn mong bắt được
cá. Đó là chưa nói đến việc Phêrô và các
bạn chài đã vất vả suốt đêm, chưa
được nghỉ ngơi chút nào, lại mới
giặt lưới xong, bây giờ nếu thả
lưới xuống, lúc kéo lên là phải giặt lại,
mệt nhọc biết bao.
Vậy mà “vâng lời Thầy, con xin
thả lưới.” Và
kết quả của việc xin vâng là một ngày bội thu hoan hỉ: “Họ thả lưới và
bắt được một mẻ cá nhiều lắm,
đến nỗi lưới muốn rách. Họ
ra hiệu cho các bạn đồng nghiệp trên thuyền
gần đó đến giúp. Những
người này tới, và họ chất được hai
thuyền đầy cá, đến sắp chìm” (Lc 5:6-7).
Dẫu
rằng chủ đề của Lời Chúa tuần này là
“Sai Đi” nhưng sống “Vâng Phục Ý Chúa” cũng không có
chi là lạc đề. Bởi vì không “vâng
phục” sẽ chẳng “sai đi” được. Nói đến “sai đi” là hàm ngậm một
chỗ đến. Và dầu đã đến nơi
phải tới, thì vai trò của người
được sai vẫn là chu toàn
sứ mạng. Còn không vâng phục
đừng mong sứ mạng hoàn thành. Không
có sứ mạng nào cao đẹp cho bằng làm đúng ý
người sai mình đi. Thế nên Đấng
Cứu Thế đã từng cầu nguyện: “Này con xin
đến để thi hành ý Cha.” Thực thi
ý Cha chính là lẽ sống của Người Con hiếu
thảo quí yêu.
Thiết tưởng không có tâm tình nào ý
nghĩa và sinh hoa trái nhiều hơn cho nhân gian bằng tâm
tình xin vâng đó.
|