Ơn cứu độ nhưng
không của Thiên Chúa
(Suy niệm của
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Trong
bài diễn từ đầu tiên của mình tại Hội
đường Nazareth, Chúa Giêsu không những đã nói rõ sứ
mạng của Ngài khi đến trần gian là để
hoàn tất, để làm “ứng nghiệm” tất cả
những gì mà các tiên tri đã loan báo, mà còn cho những
người đồng hương của Ngài biết
những chiều kích sâu xa của ơn cứu độ
mà Ngài mang đến cho con người.
1.
Trước hết, ơn cứu độ của
Đức Kitô - Ơn cứu độ mang tính thần linh
Đức Kitô không loan báo một
thứ ơn cứu độ đến từ con
người, cho dù người đó là một anh hùng, hay
một siêu nhân, mà Ngài loan báo một thứ ơn cứu
độ đến từ Thiên Chúa. Ngài không phải là một
nhà cách mạng, một nhà giải phóng dân tộc thuần
tuý phàm trần. Do đó, ơn cứu độ mà Ngài
đem đến không phải là ơn cứu độ
thuộc hạ giới. Ơn cứu
độ của Ngài là ơn cứu độ đến
từ thượng giới, vì Ngài là Đấng Thiên Sai,
Đấng từ Thiên Chúa Cha mà đến.
Và chính vì ơn cứu độ
đến từ thượng giới, nên để có
thể đón nhận, cần có niềm tin. Điều này dân làng Nazareth không có. Mặc dù, họ hài lòng với sứ
điệp của Chúa Giêsu, họ vỗ tay
tán thưởng những lời từ miệng
Người thốt ra; nhưng họ đã từ chối
đón nhận sứ điệp ấy từ
Người. Trở ngại lớn nhất nơi họ
chính là “định kiến” về một Giêsu, con bác
thợ mộc Giuse: “Ông này không phải là con ông Giuse đó
sao?” (Lc 4,22). Vì không ra
khỏi óc thành kiến hẹp hòi đó, nên họ không
thể nhìn thấy nguồn gốc thần linh của
Đức Giêsu quê làng Nazareth.
Tôi có thường “đóng khung” Thiên Chúa
và các mạc khải của Ngài trong cái nhìn hẹp hòi thành
kiến không?
2. Thứ
đến, ơn cứu độ của Đức Kitô -
Ơn cứu độ mang tính nhưng không
Ơn
cứu độ mà Thiên Chúa tặng ban cho con người
qua Đức Giêsu Kitô hoàn toàn xuất phát tình yêu nhưng
không của Ngài, chứ không phải vì con người
xứng đáng. Thân phận con người là
tội lỗi và ngàn lần bất xứng. Không ai có quyền đòi hỏi và cho rằng mình
có công trạng.
Vì thế, để có thể đón
nhận ơn cứu độ nhưng không ấy, cần
có một thái độ khác đó là thái độ chân thành
tri ân. Dân làng Nazareth nghĩ rằng mình xứng đáng
với những phép lạ và những đặc ân đến từ Chúa Giêsu. Họ
thiếu sự chân thành để đón nhận.
Hơn thế, họ còn yêu sách đối với Chúa Giêsu:
bắt Chúa Giêsu phải đáp ứng theo
những đòi hỏi của họ, và vì thế khi Chúa
Giêsu không đáp ứng theo ý muốn của họ, lập
tức họ nổi giận trục xuất Ngài ra
khỏi hội đường.
Tôi
có thường đỏi hỏi, yêu sách Chúa làm theo ý mình hay lời cầu xin của mình vì
nghĩ mình xứng đáng, mình có công đức hay không?
Nếu tôi áp lực, yêu sách Chúa làm theo ý muốn của mình
thì một ngày nào đó, tôi sẽ “nghỉ chơi” với
Chúa, thậm chí là “khai tử” Chúa chỉ vì không
được Chúa đáp ứng. (Dẫn chuyện minh
hoạ: Phơi nắng Chúa Giêsu).
3. Sau
nữa, ơn cứu độ của Đức Kitô -
Ơn cứu độ mang tính phổ quát
Thiên Chúa muốn cứu độ
hết mọi người. Ơn cứu độ của Ngài không dành cho một
dân tộc, một quốc gia, hay một nhóm người
nào. Tin Mừng cứu độ phải đến với
hết mọi người (x. Lc 4,42); Tin
Mừng không chỉ dành cho một số người
độc quyền. Những người
không phải Do Thái không nằm bên ngoài ơn cứu
độ của Thiên Chúa.
Đối
với Chúa Giêsu, mọi thứ tước hiệu “bà con”,
“họ hàng”, “đồng hương đồng khói”, “dòng
dõi Abraham”… đều không có ý nghĩa gì, càng không thể đổi
lấy ơn cứu độ được.
Vì thế, để có thể đón
nhận, cần có thái độ khiêm tốn cởi mở. Dân làng Nazareth vì cho rằng mình có
đặc quyền đặc lợi, mình là “con cháu
Abraham”, là “dân Chúa chọn”, là “người làng” của Chúa
Giêsu, nên họ không muốn những người khác
được hưởng ơn cứu độ. Vì thiếu sự quảng đại và cởi
mở, nên họ đã nổi giận khi Chúa Giêsu có vẻ
đề cao dân ngoại, ưu tiên cho dân ngoại. Và
cũng vì thiếu khiêm tốn và vị tha, nên khi Chúa Giêsu
từ chối làm theo ý họ và ưu ái
đối với họ, họ đã tìm cách loại
trừ Chúa Giêsu, theo kiểu “ăn không được thì
đạp cho đổ”. Tắt một lời, vì hẹp
hòi, không muốn cho dân ngoại được hưởng
những ân huệ từ Thiên Chúa, nên dân làng Nazareth đã có
ý hãm hại Chúa Giêsu, một người đồng
hương với mình. Thật phũ phàng! Tin Mừng thánh
Luca cho thấy rõ điều đó: “Họ đứng
dậy, lôi Người ra khỏi thành và kéo Người lên
tới đỉnh núi, để xô Người xuống
vực” (Lc 4,29).
Tôi có nhận ra mình ở trong số
những người đồng hương của Chúa
Giêsu, khi sống hẹp hòi ích kỷ không? Tôi có muốn giữ Chúa cho riêng mình,
giữ chân lý do cho riêng mình, và giữ những ân huệ của Thiên Chúa cho riêng mình không?
|