Giáo Hội không biên giới
(Suy niệm của Lm
Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Đoạn Phúc âm tuần này tiếp
nối sự kiện Đức Giêsu trở về Galilê,
như là cứ điểm xuất phát đầu tiên cho
chương trình cứu thế của Ngài. Galilê, miền bắc của
nước Palestine, có kích thước khoảng 50 dặm
từ bắc xuống nam và 25 dặm từ đông sang tây.
Danh xưng Galilê tự nó, trong tiếng Do thái,
có nghĩa là vòng tròn. Vùng đất này
được đặt tên như thế là vì vây quanh nó
toàn là dân ngoại. Đã có thời các
sử gia ghi nhận Galilê có đến 204 ngôi làng, với
số dân trong mỗi làng không dưới 15 ngàn
người. Vị chi có tới 3 triệu
người từng cư ngụ chen
chúc nhau nơi đây. Galilê còn là vùng
đất màu mỡ phì nhiêu. Văn học dân gian Do
thái từng ví “Trồng một rừng cây ôliu ở Galilê
còn dễ hơn nuôi một đứa bé ở Giuđêa.” Khí hậu tươi mát và nguồn nước
ngọt phong phú từ hồ Tibêria đã biến Galilê thành
vườn cây thiên nhiên trù phú của Palestine.
Riêng người dân Galilê thì
được mô tả là “rất có óc sáng tạo, hay canh
tân đổi mới, và rất thích dấy động. Họ sẵn sàng đi theo
bất kỳ người nào dám đứng lên lãnh
đạo một cuộc khởi nghĩa. Dân
Galilê dễ nổi nóng và ưa tranh biện. Họ
không thiếu can đảm, nhưng bao giờ cũng
lưu tâm đến danh dự hơn vật chất bên
ngoài.” Đó là những nét đặc thù
của Galilê.
“Cứ điểm cứu thế”. Đức Kitô đã
bắt đầu sứ vụ từ đó, trong một
hội đường của người Do thái. Hội đường là trung tâm sinh hoạt tôn
giáo. Theo qui định, bất cứ
nơi đâu có 10 gia đình Do thái trở lên, chỗ đó
phải có một hội đường cho vấn
đề phụng tự. Việc
giảng dạy được thực thi trong các hội
đường, còn việc sát tế súc vật để
dâng lên Thiên Chúa thì được cử hành tại
Đền thờ Giêrusalem. Chính trong một hội
đường nơi làng Nazaret mà Đức Giêsu đã
bắt đầu sứ vụ cứu thế, bằng
một bản tuyên ngôn hùng hồn: “Thánh Thần Chúa ngự
trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao
giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá
cho kẻ tù đày, cho người đui mù được
xem thấy, kẻ bị áp bức được giải
oan, và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4:18-19).
Có lẽ bản tuyên ngôn trên không có gì
mới lạ đối với dân Do thái. Không chừng họ còn
nghe nằm lòng. Chắc chắn đã vài
ba lần, những người được vinh dự
công bố sách Luật và các Tiên tri đã đọc cho
họ nghe lời tiên báo trên đây. Nó được
trích trong sách tiên tri Isaiah, chương 61, nói về
Đấng Cứu Thế. Nhưng điều lạ lùng
đến sinh ra bối rối kinh ngạc nơi
người Do thái là vì sau khi đọc lên đoạn
ấy, Đức Giêsu gấp sách lại, dõng dạc tuyên
bố với cử toạ: “Hôm nay, lời Kinh thánh các
ngươi vừa nghe đã ứng nghiệm” (Lc 4:21).
“Ôi! Đã ứng nghiệm rồi sao lời tiên báo
của các tiên tri về Đấng Cứu Thế?
Phải chăng niềm an ủi của
Israel, nỗi trông chờ trải bao thế
kỷ đã thành sự trước mắt chúng ta? Nhưng sao lại như thế được?
Chàng Giêsu này thì ai mà không biết. Chàng đã sống giữa chúng ta. Từng
giúp đỡ chúng ta chuyện này việc kia.
Mới đây tự nhiên chàng bỏ làng ra
đi. Không biết đi đâu. Nhưng tin đồn thì cứ đổ về
làng. Nào là chàng đã làm phép lạ hoá rượu ra hàng
mấy trăm lít bên làng Cana. Nào là chàng đã trừ ma diệt quỉ, chữa
lành người bệnh bên làng Caphanaum. Bây
giờ trở về cố hương, chàng lại tự
xưng là Messiah-Đấng Cứu Thế. Chà, sao mà nghe chói
tai quá,” có lẽ người Do thái xì xào bàn tán với nhau
như vậy. Thế rồi tiếng xì xào lớn
dần thành lời hằn học: “Tại sao hắn
lại không làm những sự cả thể thế kia
nơi đây mà lại trổ tài nơi khác. Người
nhà bao giờ cũng phải được ưu tiên
hơn chứ…. Nhưng kìa, tại sao hắn lại nói cái
gì về chuyện Êlia cứu giúp bà goá tại Sarepta trong
thời kỳ hạn hán và Êlisê chữa lành cho Naaman
người Syria, khi ông này bị bịnh phung cùi. Mà mấy kẻ đó đâu có phải là dân Do
thái. Họ là những người
ngoại, những người đáng bị kinh tởm.
Ấy thế mà họ lại được ưu tiên
cứu chữa mới tức chứ… Còn tên
Giêsu này, nghề ngỗng thì có gì đặc biệt đâu.
Anh ta không làm vài phép lạ cho bà con đồng hương
xem chơi đã đành, lại còn nhắc đến
mấy cái chuyện chạm tự ái dân tộc thế kia thì chịu sao nỗi.” Thế
là họ đồng loạt xông lên, căm tức vô
bờ, nhất tề tống xuất Đức Giêsu ra
khỏi hội đường. Kinh
khiếp hơn, họ còn muốn đẩy ngài xuống
chân núi cho chết.
Thế
mới hay lòng tự ái và ích kỷ của con người
thật khủng khiếp, chỉ mong đẩy kẻ khác
đi đến cái chết! Nhưng
Đức Giêsu không chấp nhận thái độ ích
kỷ và cục bộ đó. Tin mừng
Nước Trời, niềm vui ơn cứu độ
không thể giới hạn trong một làng hay một dân
tộc nào, nhưng tin mừng và niềm vui đó phải
được phổ quát đến tất cả mọi
nước mọi dân.
Như
lời tiên tri của Isaia đã ứng nghiệm nơi Chúa
Giêsu thế nào, thì lời của ngôn sứ Giêrêmia cũng
thành sự nơi Ngài như vậy: “Thiên Chúa phán cùng tôi
rằng; Trước khi tạo thành ngươi trong lòng
mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi
ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh
ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các
dân tộc” (Grr 1:4-5).
Không
phải chỉ nơi dân tộc Israel mới có
người “nghèo khó” cần cứu giúp, người “tù
đày” cần tự do, người “đui mù” muốn nhìn
chân lý, kẻ bị “áp bức” cần được minh
oan, nhưng là khắp mọi nơi. Tin Mừng của
“năm hồng ân” phải vượt
khỏi ranh giới Nazaret, vươn ra ngoài biên
cương Galilê và Palestine,
đến cùng các dân tộc và mọi tâm hồn.
Thế
nên, bao lâu mà người Kitô hữu vẫn chỉ lưu
lại trong cái nhìn cục bộ, lo tìm tư lợi hơn
là mưu cầu ích chung, đòi hỏi
ơn riêng thay vì rộng tay ban phúc, chắc chắn “Chúa
phải băng ngang giữa họ mà đi” (Lc 4:30). Vì đạo Chúa
phải là đạo Công giáo, đạo cho mọi
người.
|