- HỎI : Do tư cách gì
mà Đức Giêsu có thể mang tội của loài
người vào thân mình Người như thế ?
Xin trả lời : Theo luật thường, tội ai làm,
người ấy chịu, không ai khác có thể gánh tội
thay cho người ấy, vì tội là một hành
động riêng tư của người ấy, và nó
đeo bám vào bản thân người ấy. Xin lấy
một ví dụ : trước tòa án, đứa con trai
của bà kia phạm trọng tội và lãnh án tử hình, bà
mẹ không thể xin quan tòa cho mình chết thay con, dù
thương con hết sức.
Thiên Chúa cũng phán :
“Ai phạm tội, kẻ
ấy phải chết ; con không mang lấy tội của
cha ; cha cũng không mang lấy tội của con.” (Ed 18.20)
Nhưng
nơi Chúa Giêsu thì khác,
Người vốn là “Con Chiên
Thiên Chúa đã tiền định từ trước, khi
vũ trụ chưa được dựng nên”, phải
đổ máu mình ra để chuộc tội nhân loại
(1 Pr 1.19-20 ; x. Ep 1.7), vì thế trong Kế Hoạch Cứu
Rỗi nhân loại của Thiên Chúa (Ep 1.3-10), Thiên Chúa
muốn cho Chúa Giêsu phải liên đới một cách
độc nhất vô nhị với loài người chúng
ta, hầu có thể mang lấy tội của chúng ta, mà
cứu ta khỏi chết và được sống. Ngoài
Người ra, không ai trên thế giới này có mối liên
đới đặc biệt ấy.
Liên
đới ấy như thế nào ?
a) Liên đới của Chúa
Giêsu với nhân loại trước tiên là do cùng chung máu huyết với loài
người:
“Thật vậy, Đấng thánh hoá là
Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá
đều do một nguồn gốc. Vì thế,
Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh
em. […] Như thế, vì con cái thì đều chung một
huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy
huyết nhục đó…. Vì những kẻ được
Người giúp đỡ không phải là các thiên thần,
mà là con cháu Áp-ra-ham. Bởi thế, Người đã
phải nên giống anh em mình về mọi phương
diện.” (Dt 2.11-17)
b) Kế đến, do quyết
định của Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải liên đới với nhân
loại trong tội lỗi nữa :
“Điều mà Lề Luật không
thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra
suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm : khi sai chính Con mình
đến mang thân xác giống như thân xác tội
lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên
Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.” (Rm 8.3)
“Đấng
chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã
biến Người thành hiện thân của tội
lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong
Người.” (2 Cr 5.21):
c) Do Thiên Chúa tiền
định, Chúa Kitô còn liên đới với loài
người nhất là bởi tư cách
là
Trưởng Tử của đoàn em,
là
Đầu của Thân thể,
là
Thủ Lãnh,
là
thủy tổ của nhân loại.
Chính vì liên đới với
nhân loại bằng những tư cách ấy, mà do qui
luật “tội qui vào người trưởng”, Chúa
Kitô phải mang lấy tất cả tội lỗi của
họ vào mình mà đền thay. Thật vậy, Thánh Kinh minh
chứng :
+ Chúa Kitô là Trưởng tử của
một đoàn em :
“Vì những ai Người đã biết
từ trước, thì Người đã tiền
định cho họ nên đồng hình đồng
dạng với Con của Người, để Con
của Người làm trưởng tử giữa một
đàn em đông đúc.” (Rm 8.29)
+
Chúa Kitô là Đầu,
“
Đầu của thân thể, nghĩa là
đầu của Hội Thánh (tức là chúng ta);
Người … là trưởng tử
trong số những người từ cõi chết sống
lại,
để trong mọi sự Người là đệ
nhất vô song.” (Cl 1.18)
+ Chúa Kitô là Thủ Lãnh :
“Thiên Chúa cho ta được
biết thiên ý nhiệm mầu :
… Người đã định từ trước (=
tiền định) trong Đức Ki-tô. Đó
là …là quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.”
( Ep 1.9-10)
+ Chúa Giêsu là thủy tổ :
Thánh Kinh cho biết : Nhân
loại chúng ta không phải chỉ có một ông Thủy
tổ, mà thật ra có hai ông Thủy tổ :
Ađam và Đức Kitô :
“Như có lời đã chép : con người
đầu tiên là A-đam được
dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam
cuối cùng là thần khí ban sự sống” (I Cr 15.45)
Và chúng ta có quan
hệ liên đới mật thiết với hai ông ấy và
nhận được hai số phận khác nhau :
Trước hết,
ta liên đới với Ađam người đầu
tiên thì phải mang tội mà chết, bởi vì ông ấy
đã phạm tội, chúng ta là con cháu nhiễm cái tội
của ông giống như cái “gien” của ông ấy
truyền lại, rồi cũng theo ông mà phạm tội,
và phạm tội thì gây ra sự chết :
“Vì một người duy nhất (là
Ađam, bất tuân lệnh Thiên Chúa), mà tội lỗi
đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự
chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới
mọi người, bởi vì mọi người đã
phạm tội.” (Rm 5.12)
Nhưng nhờ liên
đới với Chúa Kitô, Ađam cuối cùng là Thần khí
ban sự sống, chúng ta
lại được hòa giải với Thiên Chúa mà
được sống :
“Quả thế, như mọi
người vì liên đới với A-đam mà phải
chết, thì mọi người nhờ liên đới
với Đức Ki-tô, mà được Thiên Chúa cho
sống.” ( 1 Cr 15.22)
Xin tạm dùng
một ví dụ ngày xưa cho dễ hiểu : một
người phạm tội “khi quân” (khinh thường vua,
kháng chỉ của vua) thì bị “tru di tam tộc” hay
nặng hơn thì “cửu tộc”, nghĩa là cả ba hay
chín nhánh họ hàng người ấy đều lây tội
ông mà bị chém đầu. Ngược lại, “một
người làm quan thì cả họ được
nhờ”, được hưởng bổng lộc, vinh
hoa, phú quí vua ban.
*
VÒNG TRÒN
2
biểu
tượng Thân mình Chúa Giêsu trong giai đoạn Tử
nạn và Phục sinh vinh hiển.
Trái
ngược với loài người bất tuân phục
Thiên Chúa và trở thành tội nhân, Chúa Giêsu đã vâng lời
Chúa Cha tuyệt đối, đến mức bằng lòng
nhận chịu cái chết đau đớn, nhục nhã trên
thập giá như phương thế để tiêu
diệt tất cả tội lỗi loài người (Rm
3.23-24; Dt 9.26-28).
Vì Chúa Giêsu vâng phục
đến tột cùng như thế, Chúa Cha hết sức
hài lòng, nên sau khi Người chịu Tử Nạn, Chúa Cha
đã tôn vinh Người bằng sự phục sinh vinh
hiển (hình
thập giá trên đầu vòng tròn 2 này, nay có thêm hai gạch
chéo biểu lộ vinh quang phục sinh), và ngay cả thể xác Người
cũng nhận được tất cả sự viên mãn
thần tính :
“Thật vậy, có nơi
Người, ngay cả nơi thân xác, tất cả
sự viên mãn của thần tính (Thiên Chúa) (Cl 2.9)
nghĩa
là Thiên Chúa có gì thì đều ban trọn cho Chúa Giêsu hết.
(Vòng tròn
biểu tượng thân thể Chúa Giêsu nay không còn đen
đủi vì mang tội của ta nữa, song trở nên
trắng xóa, những gạch xéo tượng trưng cho
việc xóa tội lỗi của ta, tội mà trước
đây Người mang vào thân mình).
Chúa Cha ban tặng cho Người
triều thiên vinh quang danh dự :
“Con
người (chính là Đức Giê-su) đã bị thua kém các
thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta
lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh
dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu
tử hình.” (Dt 2.9)
Chúa Cha siêu tôn Người lên làm
Đức Chúa, ngang hàng với Chúa Cha, vượt trên
hết mọi loài mọi vật :
“Đức Giêsu đã hạ mình xuống,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết,
mà chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi
danh hiệu.
Như vậy, khi nghe danh Đức Giê-su,
mọi đầu gối phải bái quỳ,
trên trời, dưới đất và trong âm phủ,
và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng
:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”
để tôn vinh Thiên
Chúa Cha.” (Pl 2.8-11)
Tắt một lời, nay Chúa Giêsu được
suy tôn lên chóp đỉnh vinh quang, được thần
hóa sung mãn Thần tính, tràn đầy Thần Khí, Sự
Sống, sự Thánh thiện và mọi phúc lộc….
*
|