Đức Giêsu -- Tin Mừng cho
mọi người
(Suy niệm của Lm. Giuse
Phạm Thanh Liêm)
Tin Mừng Luca cho thấy Đức
Giêsu được đầy Thánh Thần, Ngài trở
về Galilê, và tiếng tăm Ngài được
đồn ra khắp vùng.
Ngài bắt đầu giảng dạy trong các
hội đường của người Do Thái, cụ
thể ở hội đường làng Nadarét.
Thánh
Thần Chúa ngự trên tôi
Đức
Giêsu luôn sống dưới tác động của Thánh
Thần. Ngài làm tất cả dưới sự thúc
đẩy của Thánh Thần, cụ thể Ngài đi
chịu phép rửa tại sông Yordan, Ngài vào hoang địa
ăn chay cầu nguyện, và hôm này Ngài ra đi rao
giảng. Dưới tác động của Thánh Thần,
Đức Giêsu là người mang tin mừng cho
người có tinh thần nghèo, loan báo tự do cho kẻ
bị tù đầy, cho người mù được sáng,
cho người áp bức được giải thoát, và
năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người.
Thánh Thần ở trong Hội Thánh
như hồn ở trong thân xác. Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ, nhưng
tất cả đều do Thánh Thần ban tặng và tác
động: người làm đầu người làm
mắt người làm chân tay. Tất cả đều thuộc về Hội
Thánh, và không thể thiếu một chức vụ nào,
cũng như một thân xác không thể thiếu một
bộ phận nào. Không một bộ
phận nào trong thân thể bị thiếu mà lại không
ảnh hưởng đến bộ phận khác và toàn thân
thể, cũng tương tự vậy những chức
vụ trong Hội Thánh. Ước gì mỗi
người đều ý thức Thánh Thần luôn gần gũi, luôn ở với, và luôn hướng
dẫn mình cùng Hội Thánh trong mọi hành động.
Đức
Giêsu- Tin Mừng
Thiên
Chúa chúc lành cho con người, làm tất cả cho con
người qua Đức Giêsu. Có ai hiểu
được những người bị tù đầy
mong được ngày ra khỏi tù như thế nào?
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”:
một ngày trong tù, lâu như thể ngàn năm ở ngoài.
Ở đây người ta nói tới thời gian tâm lý, và
qua đó diễn tả mong ước ngày được
tự do đến độ nào! Đức Giêsu là
người công bố ơn đại xá, được
miễn án và ra khỏi tù. Nếu ai
hiểu được người mù cực khổ
như thế nào, và người mù mong được sáng
đến độ nào, sẽ dễ dàng hiểu câu
“Đức Giêsu là người làm cho người mù
được sáng” có nghĩa gì với người mù.
Những người bị áp bức hà hiếp, cực
khổ như thế nào, mong được minh oan và
được giải thoát đến độ nào! Đức Giêsu là người giải phóng họ.
Người ta có thể bị tù đày
nô lệ trong không gian như bị giam cầm trong một
nơi chốn nào đó, nhưng người ta cũng có
thể bị giam hãm trong một cái nhìn nào đó, có thể
bị nô lệ với một thành kiến mà người
ta không biết. Đức Giêsu tới, cho người ta nhận
ra giá trị chân thực, giúp con người biết tiêu
chuẩn chân thực để phán đoán. “Chân lý”
giải phóng con người khỏi nô lệ, làm
người bị u mê nhận ra sự thật và nhờ
đó được tự do.
Tin
Mừng cho người nghèo
Tin Mừng Đức Giêsu, không phải
mọi người đều nhận ra. Những người Do
Thái không nhận ra, nên muốn giết Đức Giêsu.
Để nhận ra Đức Giêsu là Tin Mừng, cần
phải có con mắt của người nghèo, người
thấy mình “còn thiếu”, người thấy mình cần
được soi sáng, người sẵn sàng và luôn ngóng
chờ Thiên Chúa nói với mình.
Những người tự mãn, tự
cho mình đã đủ không còn thiếu gì nữa, rất
khó đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu. Những người này
có thể là những người cho rằng mình đã
đạo đức đủ, không nhận ra mình yếu
đuối tội lỗi cần Thiên Chúa thương xót
và trợ giúp. Họ cũng có thể là những
người cho mình có học, không sẵn sàng đón
nhận mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu
với cuộc sống “bình thường”. Cũng có
thể họ là những người giầu, và
Đức Giêsu không thêm gì cho họ: Ngài không làm cho họ
giầu hơn hoặc danh tiếng hơn hoặc có
địa vị cao hơn.
“Phúc cho người có tinh thần nghèo
khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ” (Mt.5, 3). Thiên Chúa yêu thương
tất cả mọi người, người giầu cũng
như người nghèo. Người giầu có
nhiều thứ và nhiều bận tâm, nên không còn chỗ và
không sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa, chứ không phải
Thiên Chúa không yêu thương họ. “Nghèo”
như thái độ, là mối phúc thật sự.
Câu
hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Đức Giêsu có là Tin Mừng
cho bạn không? Xin bạn cho một vài thí dụ cụ
thể trong đời bạn.
2. Thánh Thần là ai? Bạn
hiểu gì về Thánh Thần?
3. Bạn có thấy ai ganh
tị vì không được làm “đầu” hoặc
“mắt” trong thân thể (Hội Thánh) không? Tại sao
họ như vậy?
|