CHÚA GIÊSU TẠI NAGIARÉT --- Chú
giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
1. Sách bài đọc của phụng vụ đã
tổng hợp làm thành một bài đọc hai đoạn
phúc âm cách nhau đến 3 chương trong Phúc Âm thánh Luca. Thực
khó tìm thấy được ý hướng xếp
đặt này; một cách đơn giản có lẽ
phụng vụ muốn ráp nối 2 đoạn văn khai
mạc: một đoạn của phần nhập
đề Phúc âm Luca và đoạn kia nói đến việc
Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy tại Nagiarét. Dù
sao, giả thiết phần nhập đề của phúc
âm không đặt ra vấn đề gì đặc biệt
trong việc chú giải, chúng ta chỉ cần chú giải
ở đây phần thứ hai của bài đọc
phụng vụ, nghĩa là sự rao giảng của Chúa
Giêsu tại Nagiarét.
2. Cả ba Phúc âm nhất lãm đều phù hợp nhau khi
kể lại rằng, sau khi được thanh tẩy và
bị cám dỗ, Chúa Giêsu trở về Galilêa để
bắt đầu rao giảng ở đó (Mc 1,14; Mt 4,12; Lc 4,14).
Lời rao giảng công khai của Đấng thiên sai đi
liền theo sau các giai thoại siêu nhiên được
thực hiện cách âm thầm.
Theo Mc 1,15 và Mt 4,17, Ngài rao giảng nước Thiên Chúa đã
gần đến và cần phải thống hối ăn
năn để thông dự vào nước ấy (Macco xác
định đó là Tin mừng và phải lãnh nhận Tin
mừng ấy bằng đức tin). Luca không phải là
không biết đến những đề tài này trong
lần rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu (4,43;
5,32). Nhưng thay vì tóm lược lời rao giảng ấy
trong một câu thì tác giả lại trình bày nó trong một khung
cảnh rộng rãi, khung cảnh ấy phác họa những
đường hướng hướng căn bản khai
mào cho sứ mệnh trần thế của Chúa Giêsu. Đó
là một khai mào trọng thể được Thánh
Thần hướng dẫn (4,14.18), là Đấng đã
tuôn tràn trên Chúa Giêsu từ ngày thanh tẩy (3,22; 4,1).
3. Trình thuật tiếp theo một đoạn tóm
lược lời rao giảng của Chúa Giêsu tại
Galilêa: Ngài giảng dạy trong các hội đường,
gây sự chú ý và lòng nhiệt thành khắp cả vùng
(4,14-15). Rồi “trở lại Nagiarét là nơi Ngài đã
sinh trưởng, và theo thói quen, thì ngày nghĩ lễ, Ngài
vào trong hội đường, đứng dậy
đọc sách” (c.16), Luca vắn tắt nhắc lại
điều ông đã kể về thời thơ ấu
của Chúa Giêsu ở Nagiarét (2,39 - 40.51-52). Chỉ lần
này tác giả gọi thành nhỏ này bằng tiếng Aram
Nazara (như trình thuật tương tự của Mt 4,13) nhưng
tác giả không gọi thành đó là “quê hương” của Chúa
Giêsu (như Mc 6,1 và Mt 13,54 đã gọi): có lẽ vì Chúa Giêsu
không sinh ra ở đó (2,4-7), và nhất là vì đối
với Luca thì “quê hương” của Chúa Giêsu là tất
cả vùng đất Israel (x.các chương 24-27).
Phúc âm của ông đã cho thấy cha mẹ Chúa Giêsu
nhiệt thành tuân giữ lề luật (2,21.22-34.39.41-42), tác
giả sẽ còn kể nhiều lần Chúa Giêsu vào trong các
hội đường ngày hưu lễ (4,31-33; 6,6; 13,10). Nhưng
đây là ngày hưu lễ đầu tiên mà Chúa Giêsu lên
tiếng công khai trong buổi cầu nguyện ở hội
đường. Do đó, theo phong tục thời bấy
giờ, Ngài đứng dậy sau khi nghe sách luật và ra
mắt quần chúng bằng một bài đọc sách các
tiên tri.
4. Cách chung người ta thừa nhận rằng vào
thời Chúa Giêsu thì việc đọc các sách tiên tri trong
hội đường ngày hưu lễ không theo một
lịch trình rõ ràng, nghĩa là không theo một chu kỳ
gồm những bài đọc dọn sẵn như
phụng vụ chúng ta ngày nay (ít ra đó là ý kiến của
phần đông các nhà chú giải Phúc âm Luca. Lập
trường của Strack-Billerbeck trong cuốn Commenter zum
Neuen Testament, IV Minchen năm 1928, trang 169-170, dầu vậy
lập trường này cũng bị chống đối:
xem Guilding, The Fourth Gospel and Jewish Waship, Oxford, 1960, tr. 7-10,
21-22, 125-126; vấn đề hình như cũng chưa
được giải quyết ổn thỏa). Điều
này rất phù hợp với trình thuật của Luca, Chúa
Giêsu “gặp ngay” bản văn (chắc chắn sau khi
đã tìm kiếm: Chúa Giêsu là người biết rõ Kinh
Thánh, có thể dễ dàng tìm được một
đoạn nói về Đấng Messia trong hầu hết
các sách tiên tri; khi tỏ ý cho người chủ nhà hội
mời Ngài giải thích đoạn văn Isaia, chắc
chắn Ngài có thể chọn một trong nhiều
đoạn văn loan báo về Đấng Messia) có thể
giúp Ngài giải thích sứ mạnh của mình.
Bản văn Chúa Giêsu đọc là Is 61,1-2. Luca trích
dẫn theo bản văn LXX với một vài thay
đổi: nơi câu một của tiên tri, tác giả
bỏ sót câu “chữa lành những tâm hồn tan nát” và
ngắt câu hai trước những chữ “và ngày báo thù”;
tác giả thêm vào câu 1: “trả tự do cho những kẻ
bị áp bức”, chắc hẳn là do Is 58,6; từ
đầu câu 2, tác giả thay tiếng: “rao” (appeler)
bằng “công bố” (proclamer) đã có sẵn ở câu
trước.
Đối với thính giả Chúa Giêsu, bản văn này
là lời của một tiên tri và họ có thể
đồng hóa vị tiên tri ấy với người
tôi-tớ - Giavê mà những lời sấm của
người tôi tớ ấy được tìm thấy ngay
trong chính sách này (nhất là 42,1-7 có những tương quan chặt
chẽ với 61,1). Bản văn loan báo một năm
hồng ân tương đương với định
chế của năm toàn xá theo luật Môisen (Lv 25,8-17). Nhưng
mọi người đều hiểu rõ rằng,
đối với Isai, điều quan hệ ở đây
không phải chỉ đơn giản nói đến những
tính toán giữa con người với nhau: chính Thiên Chúa sắp
can thiệp bằng ân sủng của Ngài, và sự tự
do mà Ngài loan báo hoàn toàn vượt lên trên sự tha nợ
giữa những Do thái; đó là sự cứu độ
lạ lùng của thời cánh chung và có thể đồng
hóa với nước Thiên Chúa, mà người ta sẽ sôi nổi
chờ đợi.
5. “Bấy giờ Ngài bắt đầu nói với
họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các
ngươi vừa nghe”. Trong câu đầu tiên này Chúa Giêsu
đưa ra tất cả ý hướng bài giảng. Ngài
sắp thực hiện nơi Ngài lời sấm ngôn tiên tri
mà chính Ngài vừa đọc. Làm như vậy, Ngài xử
sự như một tiên tri.
Tiếng đầu tiên của Chúa Giêsu thật quyết
liệt. "Hôm nay” xuất hiện nhiều lần nơi
Luca, và chỉ Luca mà thôi, trong những đoạn khác nhau
nói đến ơn cứu độ được
thực hiện trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu:
ngày sinh nhật (2,11), chịu thanh tẩy (3,22), chữa lành
người bất toại (5,26), những phép lạ và
cuộc tiến lên Giêrusalem (13,32-33), tha thứ cho ông Giakêu
(19,5-9), lời hứa tha tội người trộm lành
(23,43). Tiếng này ám chỉ sự hiện diện của
Chúa Giêsu tạo nên một giai thoại thoại đặc
sắc trong thời cứu độ. Luca không xem đây là
thời thế mạt, vì ông biết Giáo hội đang
nối tiếp cuộc đời Chúa Giêsu và ông trông
đợi ngày Chúa trở lại (12,40; 17.22-37; 18,8; 21,27). Nhưng
ông cũng nhìn thấy trong sứ điệp của Chúa
Giêsu, một thời kỳ đặc biệt của
lịch sử, một thời đại ân sủng
giữa những sửa soạn của Cựu Ước
và thời bành trướng của Giáo hội, “trung tâm
thời gian”, thành ngữ danh tiếng của Conzelmann.
Chúa Giêsu áp dụng cho chính Ngài sấm ngôn của Is 61. Khi
chịu phép rửa Ngài đã nhận lãnh Thánh Thần
như một xức dầu ban cho Ngài một phận
vụ thánh mà Luca diễn tả như là phận vụ
của Messia (hoặc do việc trông đợi Đức
Kitô trong 3,15 hoặc do lời Chúa Cha trong 3,22 lấy lại
lời sấm phong vương cổ xưa của thánh
vịnh 2,7). Nhưng Chúa Giêsu là Đấng Messia khác xa các
vua trần gian mà các người đương thời
mong đợi. Để tránh hiểu lầm Ngài không công
khai minh định mình là Đấng Messia (x.4,11) và chỉ
mạc khải điều đó cho nhóm tông đồ này,
sau này khi họ đủ khả năng lãnh hội mạc
khải đó (9,18-21). Còn bây giờ, lúc mới bắt
đầu sứ vụ Ngài thích tự xưng là tiên tri mang
tin mừng cứu độ. Có lẽ bản văn Isaia
cho thấy Ngài là chân dung người tôi tớ Giavê, và nói
lên các đề mục chính yếu của Tin mừng Ngài
rao giảng là: người nghèo được ưu
đãi, kẻ tù đày bị áp bức được
giải phóng tự do, người mù được xem thấy.
Những điều đó rõ ràng nói lên lòng ưu ái Ngài dành cho
những kẻ khiêm nhu và các phép lạ Ngài sắp làm
để thắng bệnh tật thể xác. Đồng
thời các lời đó còn đưa ra các yêu sách và ân
huệ của Ngài: lời mời gọi có tâm hồn nghèo khó,
lời hứa giải phóng tội nhân đắm chìm trong
giận dữ, cho người tin được xem
thấy (khi chú giải “xem thấy” này, Chúa Giêsu theo sát
tư tưởng của Is 29,18-19 và 35,5-6).
Trong Is 61,2 tiên tri vừa loan báo một năm hồng
phúc vừa loan báo một ngày báo oán; như thế ông trình
bày đề tài cựu truyền về ngày của Giavê,
vừa là ngày phán xét vừa là ngày cứu độ. Ở
đây Chúa Giêsu không nói đến việc phán xét: không
phải là Ngài loại bỏ chủ đề Ngài
thường đề cập trong Tin mừng (Lc 6,20-26; 10,12-15;
11,30-32; 12,8-9; 12,35 -48.49-59; 13,23-30; 16,1-8; 17,22-37; 18,8; 19,11-27),
nhưng trong diễn từ này Ngài chỉ nhắm
đến “trung tâm thời gian” là lúc mà ơn cứu
độ được ban cho Israel; chính là thời gian mà
Ngài gọi là năm hồng phúc của Chúa, là dịp
thuận tiện mà dân Ngài phải lợi dụng (thật
bạo gan khi muốn tìm ở đây một chỉ dẫn
về thời hạn sứ vụ của Chúa Giêsu; bản
văn Isaia nói là rao giảng trong một năm, nhưng Chúa
Giêsu ở đây không nói chi đến thời gian hoạt
động của Ngài).
Tóm lại, theo Luca, tư tưởng Chúa Giêsu ở
đây giống như tư tưởng trong lời loan
báo: Nước Thiên Chúa đã gần đến, mà Lc 1,15 và
Mt 4,17 đã ghi lại vì lời loan báo này cho thấy bây
giờ người ta có thể vào nước Thiên Chúa
nhờ sứ mệnh của Chúa Giêsu. Nhưng cách diễn
tả của Luca chính xác hơn: phân biệt thời gian
Chúa Giêsu hoạt động với thời gian hoàn tất
có ý nghĩa cánh chung Luca cũng xác định đúng vai
trò, hồng ân và các yêu sách của Chúa Giêsu.
6. Giai thoại này bộc lộ các ý hướng chính
của Luca. Ông biết giai thoại Nagiarét này nằm sau
một chuỗi hoạt động của Chúa Giêsu. Ông nói
câu đó trong hai câu đi trước đoản văn này
(4,14-15) và gián tiếp ám chỉ ở 4,23. Ông đặt giai
thoại này vào lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ
rao giảng. Hiển nhiên ông muốn chính Chúa Giêsu xác
định sứ mạng ngay từ đầu phúc âm. Ý
hướng này cũng có ở đầu sách Cvsđ (Ccsđ
1,8), là câu ghi lời Chúa Giêsu loan báo sứ mệnh truyền
giáo của các tông đồ, và cho thấy lược
đồ cuốn sách.
Cũng như trong Macco và Matthêu, khung cảnh câu
chuyện là hội đường. Đây là một trong
những phương pháp của Chúa Giêsu (4,15.33-34; 6,6;
13,10). Đây cũng là cách các nhà truyền giáo (mà Lc
được tháp tùng) thường làm; tại mỗi thành,
các Ngài bắt đầu rao giảng tại hội
đường (Cvsđ 9,20; 13,5.14.44; 14,1; 17,1.10; 18,4.7.19;
19,8). Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh sứ
điệp cứu rỗi được ban cho Israel
trước hết bắt đầu từ thánh kinh và
phụng tự; giao ước mới hoàn tất giao
ước cũ.
Mc 1,15 và Mt 4,17 tóm tắt sứ điệp đầu
tiên của Chúa Giêsu là: công bố nước Thiên Chúa
gần đến. Luca làm sáng tỏ điều đó
hơn nữa khi trích Is 61 là đoạn mà chắc chắn Chúa
Giêsu đã tự áp dụng cho mình. Trong cảnh ở Nagiarét,
bản văn cho thấy đấng Messia, được
giới thiệu khi chịu phép rửa, đã ra mắt công
chúng như là vị tiên tri được Thánh Thần
tấn phong; Ngài sắp đặc biệt lưu tâm
đến các người nghèo khó, đau khổ, bị áp
bức (đây là tư tưởng của riêng Luca); Ngài
đến giải thoát họ và cho họ nhìn thấy
chương trình của Thiên Chúa. Sứ mệnh tại
thế của Chúa Giêsu tạo nên thời đại ân
sủng cho Israel, mà họ phải biết lợi dụng
ngay từ hôm nay.
KẾT LUẬN
Màn khai diễn là một điểm rất quan trọng
để hiểu những chương phúc âm kế
tiếp. Một cách nào đó Chúa Giêsu trình bày giáo huấn
của Ngài. Trước hết Ngài đem đến ơn
cứu độ, giải phóng, ánh sáng, ủi an: tất
cả những thứ đó đều dành cho những
người nghèo khó và bị áp bức. Thực sự
đã bắt đầu một năm mới toàn xá. Nhưng
lần này không phải chỉ có con người mới tha
nợ và trao trả quyền công dân, tự do. Trong ngôi
vị được xức dầu, chính Giavê đến
tha nợ cho con người và giải thoát con người
khỏi nô lệ sự dữ.
Ý HƯỚNG BÀI
GIẢNG
1. Kiến thức về Chúa Giêsu mà chúng ta có
được, kiến thức mà các vị thủ lãnh giáo
hội, cha mẹ và những nhà giáo dục truyền
lại cho ta từ đời nọ sang đời kia,
bắt nguồn từ các sách phúc âm. Những sách phúc âm này,
như tác giả Phúc âm Luca cho biết trong những câu
đầu của Phúc âm ta vừa đọc, đã
được viết bởi các nhân chứng đã
chứng kiến các biến cố, hay bởi những
người cẩn thận như Luca, đã sưu tầm
cách chắc chắn trước khi xuất bản. Như
vậy có nghĩa là đức tin của chúng ta không phải
được dựa trên những dụ ngôn hay thần
thoại do trí tưởng tượng bày ra. Đức tin
của chúng ta đặt cơ sở trên những sự
kiện lịch sử được nhiều
người thà đổ máu để làm chứng hơn
là chối bỏ những sự kiện này. Điều này
mang lại cho Kitô giáo một bộ mặt đặc
biệt, độc nhất trong lịch sử nhân
loại. Sự kiện Kitô giáo được đặt
trên cơ sở chính yếu là sự can thiệp của
Thiên Chúa trong lịch sử, phân biệt Kitô giáo với các
tôn giáo cũng như với mọi hệ thống tư
tưởng khác. Thiên Chúa chúng ta là Chúa tể mọi sự
kiện,mọi hành động có thực, không phải là
ngẫu tượng hay thuần tư tưởng. Và Thiên
Chúa ấy lưu tâm đến lịch sử cụ
thể của con người, chính Thiên Chúa ấy ngày nay
còn kêu gọi ta qua trung gian Chúa Giêsu, con người cụ
thể ở Nagiarét.
2. Khi rao giảng một trong những sứ điệp
của mình cách công khai tại Nagiarét là “nơi mình đã sinh
trưởng” (c.16), Chúa Giêsu cho thấy rõ sự tế
nhị của tâm hồn Ngài. Là người có tiếng
tăm khắp vùng Galiles (c.14-15), Ngài không quên nơi mình
đã lớn lên. Ngài muốn thông truyền cho người láng
giềng, bà con, người đồng hương Tin
mừng cứu độ, “năm hồng phúc” mà Thiên Chúa
ban cho dân Israel và thế giới qua Ngài. Cho dầu là Con Thiên
Chúa, được sinh ra nơi Thánh Thần, Chúa Giêsu
cũng không từ chối những tương quan nhân
loại nối kết Ngài với thành Nagiarét. Ân sủng không
đến để phá hủy nhưng để hoàn
hảo những gì tự nhiên: để sống
đời Kitô hữu trọn vẹn thay vì làm cho chúng ta
tách rời khỏi người đồng hương
lại làm cho chúng ta xích lại gần họ hơn và khích
lệ ta yêu mến họ một cách trung kiên và tế
nhị hơn.
3. Cho dầu là Đấng Cứu thế, Con Thiên Chúa,
Chúa Giêsu cũng tiếp tục lui tới hội
đường “theo thói quen của Người: (c.16). “Ngài
tự đặt mình dưới lề luật” (Gal 4,4)
như trình thuật về thời thơ ấu đã cho
thấy điều đó. Ngài không đến để phá
bỏ lề luật, nhưng thực thi và kiện toàn
Lề luật. Là môn đệ của Ngài, chúng ta phải
chọn con đường là vâng lời và tuân theo thánh ý
Chúa Cha được bộc lộ trong luật Chúa và
luật Giáo hội.
4. Chúa Giêsu đã đến trước hết là
để cứu vớt những người nghèo, bị
áp bức đui mù. Sứ vụ công khai của Ngài thấy
Ngài luôn quan tâm nâng đỡ những người đau
khổ Ngài gặp trên đường. Nhưng
trước hết Ngài chú ý đến những người
đau khổ trong tâm hồn. Vì những người
đau khổ phần xác chỉ là hậu quả và dấu
chỉ của đau khổ phần hồn. Vì vậy,
chính khi chữa lành bệnh nhân, cho kẻ chết sống lại,
hóa bánh ra nhiều, trước tiên ngài nhằm giải thoát
những tâm hồn tội lỗi, xua đuổi ma
quỉ, mở mắt đức tin. Công việc từ bi
của Ngài luôn được tiếp tục trong giáo
hội và qua giáo hội. Nhờ các nhiệm tích, Chúa Giêsu
tiếp tục giải thoát các tín hữu nô lệ tội
lỗi, nuôi dưỡng họ bằng bánh Thánh Thể, ban
cho họ sức mạnh ân sủng. Nhờ lời giáo
huấn của giáo hội, Chúa Giêsu tiếp tục thông
truyền ánh sáng Ngài cho những ai đang ngồi trong
tối tăm. Và mỗi người chúng ta, trong hoàn
cảnh của mình, đã được thụ
hưởng hồng ân cao cả ấy của Chúa Kitô, thì
đến lượt mình cũng phải làm cho những
người mình gặp cũng được hưởng
ân huệ ấy như mình. Mỗi người phải
tiếp nối công việc của Chúa Kitô quanh mình, bằng
cách tuôn tràn niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người
đau khổ thể xác và tinh thần, tẩy trừ
sợ hãi, giải thoát người dốt nát, xoa dịu
các oán hờn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ
sự hiện diện tích cực của Chúa bằng
tất cả nhân phẩm của mình. Nếu chúng ta trung thành
thực thi nhiệm vụ môn đồ Chúa Kitô như
thế, thì lời tiên tri Isaia hôm nay được hoàn
tất, năm hồng ân của Chúa hôm nay được
công bố, và nước Thiên Chúa sẽ hiện diện
giữa chúng ta ngay từ bây giờ.
|